31/03/2025 -

Đời sống Kitô hữu

467
_Ermes Dovido_

Ngày 25 tháng Ba, ngoài lễ Truyền Tin, Giáo hội còn kính nhớ thánh Dismas (*), tên trộm lành đã hoán cải khi sắp chết, tuyên xưng vương quyền của Chúa Giêsu và nhận được phần thưởng là sự sống đời đời. Một vị thánh hoàn hảo để tìm lại hy vọng, chủ đề của Năm Thánh này.


Thế giới thế tục của chúng ta đang dần mất đi hy vọng và không còn biết điều đó có nghĩa là gì nữa. Thuật ngữ hy vọng vẫn được sử dụng trong nhiều trường hợp, nhưng thường là theo chiều ngang hoàn toàn và thậm chí là “hy vọng” vào kết cục xấu. Nhưng Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đã giúp chúng ta, giải thích ở đầu số 1817: "Niềm hy vọng là nhân đức đối thần mà nhờ đó chúng ta mong muốn vương quốc thiên đàng và sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào lời hứa của Chúa Kitô và không dựa vào sức mạnh của riêng mình, nhưng vào sự giúp đỡ của ân sủng Chúa Thánh Thần." Đây là niềm hy vọng duy nhất không làm chúng ta thất vọng, như Thánh Phaolô đã viết (Rm 5, 5), và như được nhắc lại trong incipit – lời mở đầu của tông sắc Spes non confundit – Niềm hy vọng không làm thất vọng, tông sắc của Giáo hoàng công bố Năm Thánh 2025.

Các thánh, với tư cách là bạn của Đức Kitô, là những người đã nuôi dưỡng niềm hy vọng này hơn những người khác: một số từ thời thơ ấu, một số có lẽ sau khi cải đạo ở tuổi trưởng thành, một số thậm chí trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời trần thế. Ví dụ nổi bật nhất là trường hợp của tên trộm lành, một trong hai tên tội phạm bị đóng đinh cùng với Đức Giêsu và được Sách Tử đạo La Mã tưởng nhớ hôm nay, ngày 25 tháng 3, cùng ngày với Lễ Truyền tin. Một vị thánh được chính Chúa Giêsu phong thánh, với những lời nổi tiếng được thánh sử Luca truyền lại ("Quả thật, ta bảo ngươi, hôm nay, ngươi sẽ ở với ta trên thiên đàng"), cho phép chúng ta hiểu được một chút ý nghĩa về lòng thương xót vô hạn của Chúa.

Có nhiều tên gọi được đặt cho vị thánh này, một trong những tên gọi nổi tiếng nhất chắc chắn là Disma (Dimas trong tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Chúng ta biết rất ít về ngài qua các sách Tin Mừng, nhưng đủ để hiểu – thông qua việc đọc đối chiếu – rằng ngài đã phải thực hiện một hành động ăn năn và khiêm nhường sâu sắc như thế nào trên thập tự giá, trong khoảng thời gian giữa lúc bị đóng đinh và cái chết của Chúa chúng ta, tức là từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Ít nhất là vào lúc bắt đầu khoảng thời gian sáu giờ đó, vị thánh tương lai không để lại ấn tượng tốt về bản thân mình, thậm chí tình trạng tội lỗi của ông còn tồi tệ hơn. Từ Thánh Mát-thêu (27, 44) và Thánh Mác-cô (15, 32), chúng ta biết rằng tên trộm lành cũng đã gia nhập vào nhóm những kẻ sỉ nhục Chúa Giêsu trên thập tự giá.

Nhưng sự hiền lành, sự kiên nhẫn của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu thể hiện trong suốt cuộc đóng đinh, sự tha thứ dành cho những kẻ ngược đãi Người (“Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”; Luca 23, 34) và một lần nữa, sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria dưới chân thập giá, rõ ràng, tại một thời điểm nào đó đã chạm đến sâu sắc trái tim Dismas. Thánh Luca, trên thực tế đã kết hợp câu chuyện của hai sách Phúc âm Nhất lãm khác, đã kể lại cho chúng ta trong một vài câu thơ sâu sắc về sự hoán cải mà tên trộm lành đã trải qua trên thập tự giá, dựa trên một số nền tảng quan trọng mà các Giáo phụ của Giáo hội không quên đề cao: sự ăn năn, sửa lỗi anh em, xưng thú tội lỗi của chính mình, không chỉ thừa nhận sự vô tội của Đức Giêsu mà thậm chí cả vương quyền của Người; và đúng vào lúc Chúa chúng ta – bị đóng đinh, bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị chế giễu và sỉ nhục theo nhiều cách khác nhau – đang ở đỉnh cao của sự sỉ nhục. Người trộm lành – bậc đáng kính Maria di Ágreda viết trong tác phẩm Mistica Città di Dio - Thành đô huyền nhiệm của Thiên Chúa – “cảm nhận được một tia sáng của mầu nhiệm này”, nghĩa là mầu nhiệm Cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã thực hiện một cách kỳ diệu trên đồi Calvary, thể hiện tất cả tình yêu của Người dành cho mọi người.

Theo một nghĩa nào đó, Thánh Dismas chính là phiên bản hoàn hảo của Giu-đa Ítcariốt. Nếu tội lỗi lớn nhất của Giu-đa (thậm chí còn hơn cả sự phản bội) là sự tuyệt vọng muốn được cứu rỗi, thì có thể nói rằng công lao lớn nhất của tên trộm lành là hy vọng, và do đó là lòng tin mà anh ta đặt vào lòng thương xót của Đức Giêsu. Một lòng thương xót vô cùng lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào của chúng ta và đang chờ đợi để được đổ xuống trên mỗi người chúng ta, miễn là chúng ta ăn năn và cầu xin sự tha thứ. Theo nghĩa này, Thánh Dismas có thể là người bạn đồng hành đặc biệt của chúng ta trong Năm Thánh dành cho hy vọng, đặc biệt là vì theo một cách nào đó, ơn toàn xá là “người chị em” của ân sủng vô biên mà Đức Giêsu ban cho tên trộm lành (“hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”), người chị em của cùng lời hứa vững chắc về ơn cứu rỗi vĩnh cửu.
 
Chuyển ngữ: GB. Phạm Hoàng Dũng, O.P.

Nguồn : La nuova Bussola Quotidiana, 25/03/2025  https://lanuovabq.it/it/san-disma-la-speranza-passa-dalla-croce
(*) Thánh Disma, (Dysmas, Dismas), hay Tên Trộm Lành, được kính nhớ vào ngày 25 tháng ba trong Giáo hội Công giáo Rôma, ngày 26 tháng Ba ở Ba Lan và ngày Thứ sáu Tuần Thánh ở Giáo hội Chính Thống Đông Phương. (ND)
 
 
 
114.864864865135.135135135250