1. Nhà giảng thuyết phải có tư cách và các phẩm chất thích hợp
- 1.1. Rao giảng với tư cách ngôn sứ, là “môi miệng Chúa Kitô”, tham dự vào vai trò ngôn sứ của Giám mục.
- 1.2. Chuyên chủ học hỏi, hiểu biết Thánh khoa để không sai lạc chân lý hay mơ hồ trong lời giảng dạy.
- 1.3. Phải có lòng đạo đức thật, cố gắng nên hoàn thiện theo chức vụ của mình.
- 1.4. Giữ sự chính trực với trái tim trong sạch, không tư lợi.
- 2.1. Vì vinh quang và danh dự của Thiên Chúa
- 2.2. Vì ơn cứu độ con người.
- 3.1. Nhà giảng thuyết giảng dạy những điều hữu ích cho cuộc sống, liên quan đến Thiên Chúa, hoặc người thân cận hoặc chính bản thân mình, tránh nói những điều sáo rỗng, vô ích.
- 3.2. Nhà giảng thuyết phải trình bày nội dung cho có trật tự và có lý lẽ thuyết phục, tránh sự hùng biện khoa trương, giả tạo
- 4.1. Nhà giảng thuyết có thể nhận thù lao như phần thưởng vật chất cho mình, nhưng không được quyền ra giá, không được lạm dụng, biến việc giảng thuyết thành mục đích kiếm tiền.
- 4.2. Nhà giảng thuyết sẽ nhận được phần thưởng không bao giờ hư nát từ chính Thiên Chúa: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó với Thầy”
_Br. Joachim Walsh, O.P._
DẪN NHẬP
Trong Thông điệp về giảng thuyết, Đức Thánh Cha Biển Đức XV đã tóm tắt một cách chính xác và ngắn gọn những nguyên nhân dẫn đến việc giảng thuyết kém hiệu quả và những hệ quả của nó. Ngài nói, "hoặc là việc giảng thuyết được thực hiện bởi những người không phù hợp, hoặc nó không được thực hiện với sự quan tâm đúng mức, hoặc phương pháp cần thiết không được tuân thủ".[1] Trong vài lời đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra cho chúng ta một phân tích hoàn hảo về những gì mà chúng ta phải thừa nhận là một sự lạm dụng và một phương cách rõ ràng để thoát khỏi những vấn đề kể trên.
Những câu hỏi tự nhiên nảy sinh, "ai là người phù hợp?", "sự quan tâm đúng mức là gì?" và điều gì có thể được coi là "phương pháp cần thiết?" Trong những phần sau, Thánh Tôma Aquinô sẽ trả lời những câu hỏi này. Cần lưu ý rằng có một mối liên hệ rất mật thiết giữa trích dẫn của Đức Thánh Cha Biển Đức XV và việc tham khảo Thánh Tôma. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha, cùng với nhiều vị tiền nhiệm của mình, đã dựa vào Tiến sĩ thiên thần là Hoàng tử của các nhà thần học và đã nói với thế giới rằng hãy noi theo ngài trong triết học như một nhà lãnh đạo giỏi nhất trong cuộc đấu tranh đang diễn ra trên chiến trường trí tuệ của thời đại chúng ta. Đức Thánh Cha cũng đã noi theo sát những bước chân của Đức Thánh Cha Leô XIII, người đã đi xa đến mức khuyên các cha sở tại Ý sử dụng phương thức diễn thuyết của Thánh Tôma. Và mặc dù ngài không sử dụng những lời mạnh mẽ như thế, nhưng giọng điệu của toàn bộ Thông điệp cho thấy mong muốn tha thiết rằng, tất cả mọi người nên hướng về Thánh Tôma như một hình mẫu, bởi vì chắc chắn ngài là một người phù hợp và nhiệt thành, và phương pháp của ngài hiệu quả thì không cần phải nói khi chúng ta chứng kiến thành công tuyệt vời của ngài.
Tuy nhiên, thật không may, Tiến sĩ thiên thần đã không viết bất cứ điều gì về việc giảng thuyết. Mặc dù than thở về sự thật này, nhưng chúng ta không ngạc nhiên, vì ngài gần như liên tục lên đường vì lợi ích của Giáo hội và Dòng, ngài là một diễn giả được mời thường xuyên và là người đứng đầu các trường học của Giáo hoàng trong năm năm. Do đó, thời gian của ngài hầu như dành cho việc giảng dạy, chưa kể đến công sức bỏ ra để xây dựng nên bộ Summa như chứng thực cho thiên tài của ngài. Ngài đã giảng dạy về việc giảng thuyết một cách hùng hồn và thuyết phục nhất bằng tấm gương mạnh mẽ của mình. Cần nhớ rằng những gì sẽ được trình bày trong vài trang tiếp theo không phải là những quy luật khô khan và trần trụi của một nhà sư phạm, mà là thành quả của kinh nghiệm thực tiễn kéo dài nhiều năm.
Đáng tiếc, vinh quang rực rỡ và danh tiếng của Thánh Tôma Aquinô với tư cách là một nhà triết học đã gần như hoàn toàn che khuất tư cách là một nhà giảng thuyết, và mọi người có xu hướng quên rằng Thiên thần lỗi lạc của các trường học đã cạnh tranh về lòng nhiệt thành với Cha Thánh Đa Minh để loan truyền Tin Mừng. Tuy nhiên, những gì còn sót lại rải rác trong các tác phẩm khác nhau của ngài đủ để chúng ta có thể hình thành một ý tưởng rõ ràng về việc Thánh Tôma Aquinô coi ai là người phù hợp để rao giảng, một bài giảng nên như thế nào và phương pháp thực tế là gì. Do đó, bài viết này dễ dàng chia thành những đề mục ngắn gọn nói về: 1/ nhà giảng thuyết, 2/ mục đích việc giảng thuyết, 3/ nội dung và hình thức giảng thuyết, 4/ cuối cùng là phần thưởng của việc giảng thuyết.
1. NHÀ GIẢNG THUYẾT: TƯ CÁCH VÀ PHẨM CHẤT
Đức Thánh Cha nhận ra rằng mặc dù việc thụ phong linh mục chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng con đường dẫn đến phẩm giá linh mục với tất cả những yêu cầu và nghĩa vụ nghiêm ngặt lại rất dài và mệt mỏi. Và nếu điều này đúng đối với một người thanh niên, xét đến người đó chỉ là một linh mục, thì năng lực của người đó trong vai trò của một nhà giảng thuyết phải lớn hơn biết bao! Một nhà giảng thuyết sẽ cần nhiều đòi hỏi hơn so với một người chưa bao giờ bước lên bục giảng. Anh ta phải được trang bị để trở nên một linh mục tốt lành và phải có những phẩm chất đặc biệt cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa cách hiệu quả. Thánh Tôma Aquinô yêu cầu một người phải có nền tảng đạo đức và được trang bị đủ kiến thức trước khi đảm nhận chức vụ giảng thuyết. Ngài nói: "Các nhà giảng thuyết là miệng của Chúa Kitô" (John XII, lect. 4), và trong phần chú giải về ngôn sứ I-sai-a, ngài nói "Các nhà giảng thuyết thánh thiện của Giáo hội là những người bảo vệ và tôn vinh Giáo hội bằng tài trí và học thuyết" (Is. 61). Đức Thánh Cha Biển Đức XV cho rằng một người phù hợp cho việc giảng thuyết cần có học vấn và sự thánh thiện.
Một lần nữa trong phần chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, Tiến sĩ thiên thần nói, "Nếu lời dạy tốt và người dạy xấu, thì sẽ có nguy cơ xúc phạm đến Thiên Chúa" (Mat. v). Học thức hay trí tuệ xuất chúng sẽ có ích gì nếu ngay cả một khán giả có học thức cũng có thể phủ nhận tất cả những nỗ lực khoa học của chúng ta bằng những lời nói, "anh ta có thể giúp đỡ người khác, nhưng chính anh ta thì không cứu được mình?" Điều chính yếu là sự thánh thiện phải chiếm một vị trí trong công việc giảng thuyết của linh mục, Thánh nhân lặp lại, "Không ai nên có thể đảm nhận chức vụ giảng thuyết trừ khi người đó trước tiên được thanh tẩy và hoàn thiện về đức hạnh" (IIIa, Q. 41, art. 3. adlm).
Thánh Tôma Aquinô thậm chí còn tiến xa hơn nữa khi thiết lập sự so sánh giữa các giám mục là những người trong tư cách hoàn hảo, và nhà giảng thuyết thông thường của Phúc Âm. "Vì các giám mục phải hoàn hảo như những người trung gian giữa Thiên Chúa và dân chúng, họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua việc chiêm niệm và trao lại cho dân chúng qua hành động của họ, nên họ phải hoàn hảo về các nhân đức đạo đức, và các nhà giảng thuyết cũng vậy; nếu không, người ta sẽ đảm nhận chức giám mục hoặc nhà giảng thuyết một cách không xứng đáng" (3 Sent. Diss. 35. Q. 1, art. 3; Q. 3, 1).
Luận bàn chi tiết hơn về kiến thức mà một nhà giảng thuyết phải có, Thánh Tôma Aquinô nhận xét, "Một nhà giảng thuyết phải có ba phẩm chất: thứ nhất, sự ổn định để giữ cho mình không sai lệch khỏi chân lý; thứ hai, sự rõ ràng để không bị mơ hồ trong lời dạy của mình; thứ ba, sự hữu ích mà nhờ đó anh ta tìm kiếm vinh quang của Chúa chứ không phải của chính mình" (Mat. v). Điều này hiển nhiên vì kinh nghiệm cho thấy những sự thật nửa vời, những điều chung chung hoặc những câu sáo rỗng là vô ích và kiến thức khoa học đầy đủ cùng với một tư duy logic là bắt buộc nếu muốn đạt được bất kỳ điều tốt đẹp lâu dài nào thông qua bục giảng. Trong Prima Secundae (Q. 3, art. 4), chúng ta thấy những lời này, "Để một người hướng dẫn người khác về những điều thiêng liêng, cần có ba điều: thứ nhất, một người phải được ban cho sự hiểu biết đầy đủ về những điều thiêng liêng để có thể dạy cho người khác; thứ hai, anh ta phải có khả năng xác nhận hoặc chứng minh những gì anh ta nói, nếu không lời dạy của anh ta sẽ không có hiệu quả; thứ ba, những điều anh ta hình dung ra, anh ta có thể trình bày một cách thích hợp cho khán giả của mình". Do đó, triết học và thần học là những điều kiện tiên quyết, và nếu chỉ biết một chút về những điều này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi vì nếu một nhà giảng thuyết, chí ít không "nêu lý chứng cho đức tin của mình", thì học thuyết của anh ta sẽ không có hiệu quả.
Nói về Kinh thánh, Thánh Tôma mượn lời của Thánh Grêgôriô khi nói, "Điều cực kỳ cần thiết là những người chấp nhận chức vụ giảng thuyết không nên từ bỏ việc nghiên cứu thánh khoa" (Apol. Rel. Ord. p. 274). Khi chú giải Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Timôthê (IV, 3), ngài kết luận, "Rõ ràng kiến thức về những gì họ sẽ dạy là cần thiết cho những người mà họ sẽ giảng và khuyên bảo" (Ibid). Và ở một nơi khác, ngài nói với chúng ta rằng Kinh thánh là điều cần thiết đối với một nhà giảng thuyết giỏi". Nói tóm lại, theo Thánh Tôma, một nhà giảng thuyết phải là người có đủ học vấn và đặc biệt là người có đức hạnh cao quý, chân chính. Hoặc ngài đã nói một cách ngắn gọn, "Một nhà giảng thuyết tôn vinh chức vụ của mình theo hai cách, cụ thể là bằng đạo đức tốt và các công việc siêu việt" (Rom. 3, lect. 2).
2. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC GIẢNG THUYẾT
Mục đích của việc giảng thuyết là rất rõ ràng đối với tác giả của Summa cũng như đối với mọi người được kêu gọi để giảng dạy cho các tín hữu. Trước hết, đó là vinh quang và danh dự của Thiên Chúa và sự loan truyền vương quốc của Chúa Kitô trên địa cầu. Thánh Tôma khẳng định: "Giảng thuyết là chức năng cao quý nhất trong tất cả các chức năng của giáo hội" và ngài chứng minh điều đó từ những lời của Đấng Cứu Thế như Thánh Luca đã chép (IV, 43) rằng. "Vì điều này, Tôi đã được sai đến". Nhưng như đã nói ở trên, "các nhà giảng thuyết là miệng của Chúa Kitô", vì vậy nhà giảng thuyết không nên là gì khác ngoài việc trở nên một công cụ để thúc đẩy những ý định của Đấng đã sai phái mình. Điều này được Tiến sĩ thiên thần trình bày rất hay trong phần chú giải về Thánh vịnh 17. "Mọi bài giảng đều phải hướng đến hai điều: thể hiện sự vĩ đại của Thiên Chúa, bằng cách giảng thuyết đức tin, và chứng minh lòng tốt của Ngài bằng cách làm sáng tỏ chân lý". Bục giảng không bao giờ và sẽ không bao giờ là nơi để khai thác tài năng cá nhân. Việc đưa vào các yếu tố sân khấu, mong muốn thể hiện khả năng hùng biện hoặc thể hiện nghệ thuật diễn thuyết hoặc bóp méo và xoay chuyển thành một dịp tốt để đáp ứng các yêu cầu của chủ nghĩa cổ điển Ciceronian nên bị cấm và lên án.
Một nhà giảng thuyết với tư cách là một thừa tác viên của Thiên Chúa, một đại diện của Chúa Giêsu Kitô được kêu gọi và phong chức để tiếp tục truyền bá những gì mà chính Con Người gọi là một tín điều. Nhà giảng thuyết có một Tin Mừng để truyền bá chứ không phải là sự lan tỏa sức mạnh hay khả năng của chính mình. Không một nhà giảng thuyết nào được đánh mất bản thân mình trong những bản nhạc trữ tình hoặc miêu tả những cảnh tuyệt đẹp với những nét trang trí tuyệt vời của thơ ca, cũng như ít được mong đợi làm kinh ngạc người nghe của mình bằng một sự bùng nổ hùng hồn hoặc đắm mình vào những cuộc vui của một trí tưởng tượng sôi nổi. Có một thứ gọi là hùng biện trên bục giảng và đó là hùng biện cấp cao. Hùng biện chân chính đã phát triển mạnh mẽ, và sẽ luôn phát triển mạnh mẽ, trong việc truyền bá Vương quốc Nước trời và Thiên Chúa đã ban cho một số người sức mạnh kỳ diệu trong lĩnh vực này.
Nhiệt tâm cứu rỗi các linh hồn có thể mở ra cánh cửa của niềm đam mê cao cả, được thể hiện theo một cách gần như thiêng liêng. Nhưng những phẩm chất hùng biện này chính là những ân sủng của Nước trời, chỉ có thể phục vụ mục đích của chúng khi được sử dụng như những phương tiện truyền tải Lời Chúa. Chúng không bao giờ là mục đích tự thân. Thánh Tôma đã nhận ra điều này và chúng ta sẽ bàn về điểm đó khi ngài nói về việc "truyền đạt bài giảng thực tế". Thánh Tôma đã thật sáng suốt và điềm tĩnh khi nói, "Người ta bị thúc đẩy đến với việc rao giảng trước tiên bởi bản năng đức tin; thứ hai, bởi sự kích thích của lòng nhiệt thành; và thứ ba, bởi sự vĩ đại của phần thưởng" (Is. 46). Đầu tiên, với bản năng đức tin Ngài khẳng định từ Thánh vịnh 115, "Vì tôi đã tin, nên tôi đã nói". Thứ hai, sự kích thích của lòng nhiệt thành, "Và lời Chúa đã trở thành ngọn lửa trong lòng tôi" (Hier. 207). Và cuối cùng, hy vọng về một phần thưởng vượt qua bất kỳ phần thưởng nào của thế giới này, "Nhưng người nào thực hiện và dạy điều đó, thì sẽ được gọi là vĩ đại trong vương quốc Nước Trời" (Mat. V). Tham vọng hoặc lợi ích thấp hèn làm cho nhà giảng thuyết xa rời mục tiêu của mình. Khi suy ngẫm về những lời, "Đẹp biết bao những bước chân của người loan báo Tin Mừng", ngài nói với chúng ta, "Theo một cách khác, đôi chân có thể được hiểu là những động cơ đáng khen ngợi vì nhà giảng thuyết không loan báo Lời Chúa với mong muốn được khen ngợi hoặc lợi ích, mà vì sự cứu rỗi của con người và vinh quang của Thiên Chúa" (Rm. 10 lect.). Thánh Tôma nói tiếp "Ngay cả những công việc bác ái huynh đệ cũng phải nhường chỗ cho việc thực hành rao giảng", bởi vì lợi ích cá nhân có thể đến từ những hành động như vậy, nhưng trong việc rao giảng, chúng ta nên hoàn toàn thờ ơ với phần thưởng hoặc lời khen ngợi.
Khi cố gắng thể hiện sự tự do khỏi mọi động cơ cá nhân vốn là đặc điểm của một thừa tác viên của Thiên Chúa, ngài tuyên bố, "một nhà giảng thuyết trung thành sẽ mong muốn rằng, nếu có thể, đôi môi của tất cả nhân loại sẽ loan truyền sự thật mà nếu chỉ một mình ngài sẽ không đủ khả năng để thốt ra" (Apo. p.140). Ở một nơi khác, ngài chỉ ra lý do tại sao việc giảng thuyết nên là một vấn đề phi cá nhân, "vì rao giảng giống như tiếng kèn; trước tiên, vì nó làm sống lại; thứ hai, vì nó kêu gọi chiến đấu; thứ ba, vì nó kêu gọi hội họp, và cuối cùng, vì nó mời gọi đến bữa tiệc (Serm. et Opus. Con. XCL). Cuối cùng, trong một câu ngắn, ngài đã đặt tên cho những nhà giảng thuyết xứng đáng và không xứng đáng, "Người giảng thuyết những điều sai trái là chó sói, người giảng thuyết vì lợi ích hoặc phô trương là lính đánh thuê, nhưng người giảng thuyết vì vinh quang của Thiên Chúa là mục tử" (2 Cor. 4 lect).
3. NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC GIẢNG THUYẾT
Sau khi đã biết ai là một nhà giảng thuyết phù hợp và mục đích của người ấy là gì, chúng ta có thể xem xét đến vấn đề nguồn tài liệu và cách sử dụng nó của nhà giảng thuyết hoặc nói cách khác, ta sẽ xem xét về nội dung bài giảng và hình thức của nó.
"Nội dung giảng thuyết có hai mặt. Họ rao giảng những điều hữu ích (utitia) cho cuộc sống hiện tại, liên quan đến Thiên Chúa, hoặc người lân cận hoặc bản thân họ. Họ cũng rao giảng những điều mà chúng ta hy vọng sẽ có trong kiếp sau" (Rm. X, lect. 2). Nhìn lướt qua câu nói ngắn gọn đó, chúng ta thấy Tiến sĩ thiên thần đã bao quát toàn bộ phạm vi thần học theo cách thông thường, ngắn gọn và rõ ràng. Với Thánh Tôma trên bục giảng không có gì khác ngoài thần học. Những lời này gợi ý cho một nhà giảng thuyết có được nguồn tài liệu làm cho người đó thành công song song với điều kiện cần thiết khác là lòng đạo đức, bởi vì nguồn tài liệu đó chứa đựng tổng hợp của thần học tín lý và luân lý. Đây là nguồn tài liệu làm việc của nhà giảng thuyết và chúng là thức ăn tinh thần mà những người giáo dân có lương tâm đang khao khát.
Từ "utilia" mà Thánh Tôma sử dụng có ý nghĩa bao quát nhất. Nó mở ra con đường cho một nhà giảng thuyết nỗ lực trong hành trình bất tận của mình để tìm kiếm các linh hồn, và mời gọi tất cả các nhà giảng thuyết sử dụng mọi phương tiện chính đáng để phục vụ cho mục đích sứ vụ của họ. Trích dẫn vừa nêu không phải là lời nói vô giá trị của một giáo viên, đó là lời của một vị thánh, người mà trong suốt cuộc đời của mình, như chúng ta đã nói, đã có biết bao kinh nghiệm của một nhà giảng thuyết và một nhà cố vấn. Đừng bao giờ lãng quên một nhà giảng thuyết mà chúng ta đã không thấy có mấy người ngang hàng với ngài. Nhà giảng thuyết thực tế có tầm quan trọng hàng đầu. "Nhà giảng thuyết nên nói về những điều thuộc về những người mà mình đang rao giảng chứ không phải những điều thuộc về những người khác" (Rm. Cap.2, lect.2). Nói cách khác, đối tượng trước mặt một nhà giảng thuyết sẽ là đối tượng chính yếu, vinh quang của Thiên Chúa và phần phần rỗi của họ là động cơ của nhà giảng thuyết, và nếu mục đích này được thỏa mãn thì những điều chung chung sẽ chấm dứt và những sự điên rồ cũng sẽ chẳng còn.
Chúng ta thử đặt câu hỏi rằng Thánh Tôma cảm thấy thế nào đối với những nhà giảng thuyết thường xuyên dùng đến khiếu hài hước bằng cách sử dụng những ví dụ và sự phóng đại kỳ lạ? Nhà giảng thuyết có thể làm mọi thứ nhưng việc tán thưởng và nói về những điều vô ích và không giá trị quả thật không nên sử dụng. Thánh Tôma nhận xét, "nhà giảng thuyết về chân lý không nên kể chuyện hoặc ngụ ngôn" (Opus 7). Ngài nói thêm, "Tôi không nghĩ những điều phù phiếm này nên được rao giảng khi còn có quá nhiều nội dung rao giảng là sự thật chắc chắn" (Ibid.) Thần học Công giáo, truyền thống Công giáo và lịch sử Công giáo là nguồn tài liệu to lớn để cung cấp cho một linh mục suốt cuộc đời mà không cần phải dùng đến những vấn đề ít nhất là không liên quan nếu không muốn nói là khiếm nhã. Mở rộng thêm về câu nói, "tiếng kêu của người đang than khóc trong sa mạc", Thánh Tôma đã nói một chút về chủ đề của bài giảng khi nói rằng, "Một nhà giảng thuyết cũng nên than khóc ba điều: thứ nhất, tội ác của con người; thứ hai, nỗi khốn khổ về sự yếu đuối của con người; thứ ba, con đường đã được chuẩn bị cho Chúa" (John 1, 23).
Để giải quyết vấn đề này cách hiệu quả, ngài nói, "Các nhà giảng thuyết cần hai điều để dẫn dắt con người đến với Chúa Kitô. Điều đầu tiên là một bài giảng có trật tự; thứ hai là đức tính của những việc làm tốt" (John. 12, Lect. 4). Các tài liệu hữu ích trong một bài giảng sẽ khó hiểu hoặc trở nên vô ích nếu chúng không được sắp xếp theo cách có trật tự và hợp lý. Một người biết lắng nghe có thể theo dõi một bài giảng hùng hồn nhưng không có trật tự cho đến cùng. Tuy nhiên, ngay cả đối với một người như vậy, việc giảng thuyết dường như trở thành một sự rèn luyện trí tuệ hơn là kêu gọi bản tính đạo đức của người nghe. Nếu một bài giảng như vậy mang lại hiệu quả rất ít với một người có học thức thì nó sẽ có lợi ích gì với những người giáo dân bình thường của Chúa Kitô? Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà Thánh Tôma bàn về sự hợp lý chứa đựng trong những gì mà ngài thực hiện. Summa của ngài là một kiệt tác của tư duy logic và những bài giảng mà ngài để lại cho chúng ta cũng mang dấu ấn của một trí tuệ được đào tạo tuyệt vời đó.
Đức Hồng y Vaughan nhận định về các bản thảo bài giảng của Thánh Tôma (Vol.I, p. 446), nói rằng Thánh Tôma "chia văn bản của mình thành ba hoặc bốn phần lớn; và mỗi phần trong số này, ngài lại chia thành ba hoặc bốn phần. Những phần này được diễn đạt rất ngắn gọn, nhưng với sự lựa chọn từ ngữ tốt đến mức toàn bộ trở nên rõ ràng khi nhìn thoáng qua. Mỗi phần được đính kèm một văn bản quy chiếu từ Kinh thánh, với tham chiếu thích hợp. Khung sườn của văn bản được tổ chức tốt đến mức khi đã ghi nhớ, không có gì khó khăn trong việc đa dạng hóa từng phần thành một bài giảng rõ ràng và mạch lạc". Trên thực tế, bất kỳ ai đã từng soạn một bài giảng đều nhận ra ngay rằng, mình nợ người nghe, nếu không muốn nói là chính mình phải có những ý tưởng rõ ràng và những ý tưởng này được thể hiện theo trình tự hợp lý. Có lẽ tại thời điểm này, một số người có thể nghĩ rằng tất cả các sự phân chia thành những phần lớn, sau đó các phần lớn lại tiếp tục được phân chia thành những phần phụ nhỏ hơn đều tốt cho một khán giả học thuật, nhưng như Newman đã nói, "bạn không thể thay đổi mọi người bằng một phép suy luận thông minh" và hơn nữa chủ nghĩa hình thức của các sự phân chia toán học sẽ giết chết mọi thứ hùng biện đáng khen ngợi. Với phản đối đầu tiên rằng không có một học giả nào và càng không phải là Hoàng tử của các nhà thần học đã từng yêu cầu một nhà giảng thuyết tự rào mình trong một kế hoạch, mà từ đó không có gì khác ngoài một bài giảng khô khan, giáo điều. Khi yêu cầu phân chia chi tiết như thế, nhà giảng thuyết có thể dễ dàng trình bày ý tưởng của chính mình và cho những người đang đói khát lương thực sự sống đời đời.
Với phản đối thứ hai rằng việc tuân thủ cứng nhắc một kế hoạch sẽ là hồi chuông báo tử của sự hùng biện, chúng ta có thể trả lời rằng thay vào đó, nó sẽ là tiếng kèn mở ra một cuộc sống mới và tốt đẹp hơn của hùng biện trên bục giảng. Thánh Tôma liên tục nói rằng một nhà giảng thuyết phải hùng biện để thu hút mọi người đến với Chúa, nhưng rõ ràng là sự hùng biện được duy trì có lẽ chẳng bao giờ dựa trên một nội dung mãi mãi bay ra khỏi yếu tố đang được xem xét. "Liên quan đến Kinh thánh, một nhà giảng thuyết nên nói trong cách hùng biện và kết thúc, để bài diễn thuyết có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho người nghe" (Opus XVI, c. 12). Một lần nữa, "Rõ ràng là người giảng thuyết hoặc giải thích Kinh thánh phải sử dụng cả tài hùng biện và học thuật thế tục" (Apol. c.12, p.283). Tuy nhiên, ở đây cũng như ở những nơi khác, Tiến sĩ thiên thần cảnh báo chúng ta không được xa rời mục đích chính của bục giảng là vinh quang của Chúa. Sự hùng biện là tuyệt vời trong chính nó nhưng nó không bao giờ trở nên mục đích cho chính nó. "Do đó, cần phải nhớ rằng, việc sử dụng hùng biện thế tục trong Kinh thánh vừa là một điều đáng khen ngợi nhưng cũng là một điều đáng chê trách. Hùng biện là đáng trách khi một người sử dụng nó để phô trương và khi anh ta chủ yếu nhắm đến sự hùng biện. Nhà giảng thuyết phô trương dùng sự hùng biện không phải để mọi người ngưỡng mộ những gì anh ta nói, nhưng anh ta cố gắng để giành được sự ngưỡng mộ của người nghe cho bản thân mình. Tuy nhiên, sự hùng biện là điều đáng khen ngợi khi người nói không có mong muốn thể hiện bản thân mà chỉ mong muốn mang lại lợi ích cho người nghe; điều tương tự cũng đúng khi anh ta sử dụng nó chỉ như một phương tiện và vì sự tôn kính đối với Kinh thánh" (Op. 16, CXII). Sự hùng biện tự phát và sự nhiệt thành được kiểm soát bắt nguồn từ mong muốn hợp nhất tất cả mọi người với Chúa Kitô trong tình bác ái không bao giờ bị lên án; nhưng sự hùng biện xuất phát từ tham vọng thấp hèn, và điều đó trong khi nuôi dưỡng sự chờ đợi của những tràng pháo tay sẽ tự bộc lộ trong tính giả tạo của lối hùng biện khoa trương lại không bị chỉ trích nặng nề. Tóm lại, Thánh Tôma nói thêm, "thật đáng khen khi sử dụng trong bài giảng một phong cách uyển chuyển và uyên bác, miễn là điều này không được thực hiện vì động cơ phô trương mà để hướng dẫn người nghe và thuyết phục những người phản đối" (Apol. Ch.12, p. 384).
PHẦN THƯỞNG TỪ VIỆC GIẢNG THUYẾT
Chúng ta đã xem xét nhà giảng thuyết và đã chỉ ra một số điều liên quan đến bài giảng và cách truyền đạt, vậy phần thưởng nên là gì? Phần thưởng vừa là tạm thời vừa là vĩnh cửu, vừa là vật chất và vừa là tinh thần. Trong "Lời biện hộ cho các Dòng tu", Thánh Tôma dành gần như toàn bộ một chương cho vấn đề bố thí và danh dự. Những gì ngài nói là rất rõ ràng đối với các Tôn giáo nhưng cũng đúng đối với tất cả những người tham gia vào công việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đồng với quan điểm Kinh thánh rằng "người làm việc xứng đáng được trả công". Đối với câu hỏi liệu một linh mục có thể giảng thuyết để lấy tiền hay không, ngài trả lời như sau: "Giảng thuyết để lấy tiền có thể hiểu theo hai cách. Tiền có thể được đưa ra như giá của một bài giảng là hoàn toàn bất hợp pháp. Bài giảng có thể được giảng để đóng góp tiền. Do đó một người có thể giảng thuyết để lấy tiền như anh ta đang làm một công việc nào đó và như thế người cho sẽ được công đức và nhu cầu của người giảng thuyết cũng được thỏa mãn. Theo ý nghĩa này, các tông đồ cũng đã đi giảng để thu về phần thưởng. Tuy nhiên, tiền không trở thành mục đích của việc rao giảng. Tiền thù lao giảng thuyết nhằm hỗ trợ các nhà giảng thuyết để họ không từ bỏ việc rao giảng lời Chúa và giải thoát họ khỏi bận rộn kiếm tìm những thứ cần thiết của cuộc sống; nhưng họ không có quyền được ra giá cho công việc rao giảng" (4 Sent. D. 25, Q. 3, art. 2; Q. 2, 4, 5).
Tiến sĩ Thiên thần đã nhận ra rằng nhà giảng thuyết có quyền được nhận một số tiền đủ để nuôi sống anh ta và anh ta không phải bận tâm quá nhiều đến những điều gây phương hại đến tinh thần. Tuy nhiên, ngài cũng cảnh báo các nhà giảng thuyết không biến tiền bạc thành mục đích của việc rao giảng. "Để mắt đến những thứ trần gian có thể xảy ra theo hai cách. Đầu tiên, anh ta có thể coi của cải thế gian như một cái giá. Nhà giảng thuyết không thể làm điều này vì nó sẽ khiến Tin Mừng đang bị phỉ báng. Nhưng mặt khác, anh ta có thể nhìn của cải thế gian như một sự nuôi dưỡng trong thời kỳ túng thiếu" (Quodlib. 2, 12, 0).
Cuối cùng là phần thưởng vĩnh cửu dành cho vị linh mục và nhà giảng thuyết tận tụy mà Thánh Tôma nói trong khi bình luận về những lời, "Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó với Thầy" (Ga 12, 26), "Chúa hứa vinh quang, sự trong sáng, niềm vui và phẩm giá vĩnh cửu." Vinh quang và phẩm giá vĩnh cửu như một phần thưởng cho sứ giả nhiệt thành của Chúa Kitô, Đấng trong cuộc sống này đã nói một cách trung thực, nhất quán và hùng hồn thay cho Đức Vua và Đức Chúa của Ngài!
KẾT
Cuối cùng, tóm lại, một nhà giảng thuyết, theo Thánh Tôma, là người cần có sự học hỏi tương xứng với trách nhiệm của mình với tư cách là một thầy dạy và với sự thánh thiện đích thực như một người được đặt làm phương tiện giữa Chúa và con người. Mục đích duy nhất của nhà giảng thuyết là vinh quang của Chúa thông qua sự cứu rỗi của các linh hồn. Mục đích này sẽ được thực hiện thông qua những bài giảng có trật tự và hùng hồn. Vì phần thưởng của mình, nhà giảng thuyết sẽ nhận được lợi ích cả ở thế giới này và ở thế giới bên kia. Tiến sĩ thiên thần chỉ đưa ra những nguyên tắc cơ bản nhất để hướng dẫn các nhà giảng thuyết nhưng như thế cũng là đầy đủ cho bất kỳ sinh viên hay học giả được phản tỉnh. Bên cạnh đó, ngài đã để lại cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo, vì cần phải nhắc lại một lần nữa rằng, mặc dù Thánh Tôma được biết đến chủ yếu là tác giả của Summa và là Thiên thần của các trường học, nhưng ngài được xếp hạng cao trong số các nhà giảng thuyết trong Dòng Giảng thuyết.
[Br. Joachim Walsh, O.P., “Thánh Tôma bàn về giảng thuyết” trong Thường Huấn, Số 1/2024, tr. 9-22]
PHỤ THÊM (của Biên Tập viên WĐM)
Dưới đây chúng tôi xin được bàn thêm về việc Giảng thuyết được nêu lên trong Hiến pháp Nền tảng (viết tắt: HPNT), và quy chiếu thêm một vài số khác của Sách Hiến pháp và Chỉ thị (viết tắt: SHC) của Anh Em Dòng Giảng Thuyết.
1. Tư cách của nhà Giảng thuyết Đa Minh. Dòng Anh Em Giảng Thuyết được thành lập nhằm cho việc giảng thuyết Lời Thiên Chúa. Sứ vụ giảng thuyết này được thẩm quyền của Hội thánh trao cho Dòng, và có tính cách phổ quát, như được nêu lên trong thư gửi cho cha Đa Minh ngày 18.01.1221, Đức Giáo hoàng Hônôriô III gọi các anh em giảng thuyết là những người “tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới” (HPNT, triệt I). Để làm rõ hơn tư cách giảng thuyết này, HPNT triệt IV gọi sứ vụ giảng thuyết của anh em Đa Minh là sự tham gia vào sứ vụ của các tông đồ. HPNT, triệt V minh định thêm rằng các nhà giảng thuyết Đa Minh là những cộng tác viên của hàng giám mục, có phận vụ ngôn sứ là nhiệm vụ riêng, và được nhắc lại một lần nữa ở SHC số 99.
Tư cách giảng thuyết được trao cho Dòng như là một tập thể những nhà giảng thuyết, cho nên các anh em dù là không linh mục, cũng tham gia vào sứ vụ chung bằng nhiều cách khác nhau khi thi hành chức tư tế chung và qua lời khấn trọng thể, liên kết mật thiết và vĩnh viễn vào nhiệm vụ giảng thuyết này (x. HPNT, triệt V), tức là “hiến thân hoàn toàn vào việc loan báo trọn vẹn Lời Thiên Chúa” (HPNT, triệt II).
2. Về mục đích của Giảng thuyết Đa Minh, HPNT xác định rõ ngay trong triệt I, quy chiếu vào lời của Đức Hônôriô II là làm cho danh Chúa Kitô được nhận biết và rạng rỡ trên toàn thế giới. Tiếp theo, HPNT triệt II, trích dẫn lại Tự ngôn của Hiến pháp tiên khởi, xác định mục đích của việc rao giảng là cho “ơn cứu độ các linh hồn”.
3. Về phẩm chất của nhà Giảng thuyết, HPNT, triệt II nhắc lại lệnh truyền của của thánh Đa Minh được ghi lại trong Hiến pháp tiên khởi “anh em ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân.”
SHC số 99 nêu lên phẩm chất đạo lý của nhà giảng thuyết: “Tác vụ Lời là việc tham dự vào phận vụ ngôn sứ của hàng giám mục, chính vì thế, trước hết, các người giảng thuyết cần phải đón nhận Tin Mừng trọn vẹn và cố gắng am hiểu sống động mầu nhiệm cứu độ như được Hội thánh trao lại và giải thích. Tinh thần Tin Mừng và đạo lý vững chắc ấy luôn phải là ấn tín cho việc giảng thuyết Đa Minh.”
4. Về cách thức giảng thuyết, HPNT, triệt IV nêu lên việc giảng thuyết bằng “lời nói và gương sáng”. SHC số 102 làm rõ hơn việc giảng thuyết bằng lời nói bao gồm rao giảng môi miệng và bằng viết lách.
Thay vì những hướng dẫn có tính cách kỹ thuật giảng thuyết, SHC số 99 §II nêu lên một chỉ dẫn về cách thức một cách nền tảng hơn như sau :
- “Nhưng để việc giảng thuyết có thể ảnh hưởng lành mạnh đối với mọi người, không những cần phải quan tâm đến những hoàn cảnh và nguyện vọng của những người chúng ta nói với họ, mà còn phải thiết lập mối liên hệ sống động với họ nữa, sao cho việc giảng thuyết thích hợp Lời mặc khải luôn là luật của mọi việc loan báo Tin Mừng, nhất là nơi những người xa đức tin. Như thế, tâm trí chúng ta phải mở rộng đón nhận đồng thời cả Thần Khí của Thiên Chúa lẫn tâm hồn của những người đón nghe Lời, ngõ hầu đạt được sự thông hiệp của ánh sáng, tình yêu và sức mạnh của Đấng An Ủi.
- Vì thế, anh em phải biết nhận ra Thần Khí đang hoạt động giữa dân Thiên Chúa, và phân biệt những kho tàng ẩn giấu nơi các hình thức khác nhau của nền văn hoá nhân loại, qua đó bản tính của chính con người được biểu lộ cách đầy đủ hơn và những con đường mới dẫn tới chân lý được mở ra.”
5. Kế hoạch giảng thuyết hay “dự án tông đồ”. Sứ vụ giảng thuyết được trao chung cho Dòng, cho nên “Tác vụ giảng thuyết là công việc cộng đoàn, và trước hết phải thuộc về toàn thể cộng đoàn”, tác vụ giảng thuyết phải được cộng đoàn liên kế hoạch bằng những cuộc hội họp và cùng chung sức thi hành, dưới quyền điều động và sắp xếp của bề trên (x. SHC số 100)
6. Nuôi dưỡng sứ vụ giảng thuyết. Sứ vụ giảng thuyết cá nhân cũng như cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng một nếp sống được HPNT triệt IV gọi là “nếp sống của các tông đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang” gồm 6 điểm là: 1) chung sống đồng tâm nhất trí, 2) trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, 3) sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, 4) chuyên cần học hỏi, 5) kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì, và 6) giảng thuyết; các yếu tố này làm nên tổng thể của một đời sống Đa Minh hài hoà và quân bình giữa hai chiều kích chiêm niệm và sứ vụ.
- “Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang, là chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì. Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ ơn cứu độ con người, bởi những việc ấy chuẩn bị và thúc đẩy một cách hài hoà việc giảng thuyết, làm cho việc giảng thuyết có một hình thể riêng và ngược lại, các việc đó cũng có được thể thức riêng nhờ việc giảng thuyết. Những yếu tố ấy một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng : một đời sống tông đồ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là việc giảng thuyết và dạy đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm. ” (HPNT §IV)
[*] Các phần trích dẫn của bài viết được giữ nguyên gốc để dễ dàng tra cứu.
[1] Toàn văn của thông điệp HUMANI GENERIS REDEMPTIONEM trên www.vatican.va
[**] Các đề mục phân đoạn do BBT của WĐM thêm vào.