Thánh Tôma Aquinô: Người Tôi Tớ Phục Vụ Chân Lý
Yves Congar
Phần trích dịch này được biên soạn từ tác phẩm Faith and Spiritual Life,
được dịch sang tiếng Anh bởi A. Manson and L. C. Sheppard, New York: Herder and Herder, 1968, tr. 67-85.
Có thể tìm đọc bản dịch tiếng Anh tại địa chỉ sau:
http://www.domcentral.org/preach/tasermons/4sermons2.htm
Bản dịch của Gs. Nguyễn Cao Luật OP. và Vs. Lê Hưng OP.
2. Khó nghèo dẫn tới thanh khiết
Quyết tâm trở thành người tôi tớ Thiên Chúa của thánh Tôma trong vai trò là nhà thần học đưa đến việc sẵn lòng đón nhận tinh thần nghèo khó, kể cả trong việc tổ chức đời sống bên ngoài. Dĩ nhiên, mọi ơn gọi và mọi hoạt động sinh ích lợi đều hàm ẩn việc từ bỏ và sự nghèo khó; mọi ơn gọi phục vụ Thiên Chúa cách nào đó đều bao hàm lệnh truyền: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Nhưng chúng ta nên hiểu rằng đối với thánh Tôma, lời mời gọi này có tính cách đặc thù và rất mực quyết liệt. Mọi người đều biết rõ câu truyện và hoàn cảnh đưa đến ơn gọi của ngài. Những chi tiết này quan trọng và rất có ý nghĩa trong việc xác định đường hướng mà chàng trai trẻ Tôma Aquinô đã quyết định cho cuộc đời mình.
Khi gia nhập Dòng Giảng Thuyết, Tôma lúc đó mới 19 tuổi và đang là sinh viên ở Napôli. Từ lúc lên 5 cho đến 14 tuổi, ngài được gửi vào học với các cha dòng Biển Đức ở tu viện Monte Cassino. Gia đình ngài có ý cho ngài đi tu như một nghề, gửi ngài vào trong một đan viện quan trọng nằm trong vùng Aquinô để rồi một ngày nào đó, ngài sẽ trở thành người lãnh đạo trong vùng. Nhưng rồi, điều gì đã xảy ra? Ngài đã mặc tu phục của Dòng Anh Em Giảng Thuyết mới được thành lập. Điều này cũng có nghĩa là chọn lựa của ngài, ở tuổi thanh niên, không phải là đời sống đan sĩ, mà là đời sống của một thầy dòng Giảng Thuyết. Đây chính là một lối sống tu trì hoàn toàn chú tâm vào việc phục vụ Thánh Khoa, Sacra Doctrina. Vì mục đích này, lối sống ấy đã thoát ra khỏi việc dính kết nặng nề với cấu trúc phong kiến của cơ chế giáo sĩ trị như ở tu viện Monte Cassino, và tương đối phổ biến ở những nơi khác. Trong lối sống tu trì mới mẻ này, sức mạnh thiêng liêng và sứ vụ được nối kết chặt chẽ với nhau. Tất cả chúng ta đều rõ những hệ quả từ quyết định này của ngài. Khi gia đình hay tin ngài gia nhập Dòng Đa Minh và đã lên đường đến vùng Bắc Ý và Pháp, họ quyết định đi bắt ngài về. Tôma đã bị mai phục, bị bắt, bị nhốt cách ly và bị ép buộc - một cách chẳng vẻ vang gì - phải từ bỏ tu phục Dòng Đa Minh. Nhưng, như tài liệu đã cho thấy, điều họ muốn ngài từ bỏ không phải là đời đan tu mà là đời tu Đa Minh, và rõ ràng, đời sống mà thánh Tôma chọn cũng không chỉ đơn thuần là đời đan tu, mà là đời tu Đa Minh, đời đan tu hiển nhiên đã được bao hàm trong đời sống Đa Minh.
Thật vậy, chàng thanh niên Tôma đã đưa ra chọn lựa dựa trên sự suy nghĩ chín chắn nhất và với quyết tâm cụ thể. Tất cả cùng hướng vào một phương duy nhất. Ở tuổi 19, cũng như sau này, Tôma nhất quyết không dấn thân cho bất cứ điều gì thứ yếu; và điều này càng tỏ lộ rõ ràng qua sự kiện: Chúng ta có thể quan sát thấy một chuỗi rõ nét những lựa chọn như thế trong toàn bộ sự nghiệp của ngài. Vậy, đâu là ý nghĩa của điều này?
Tất cả mọi sử liệu cũng như hoàn cảnh lịch sử liên quan đến lý tưởng nằm sau việc hành thành Dòng Anh Em Giảng Thuyết (cũng như ngay cả trong chính lời diễn tả của thánh Tôma sau này), đều cho thấy điều làm cho Dòng trở nên cuốn hút đối với nhiệt huyết tuổi trẻ của ngài, đó là Dòng phục vụ chân lý. Dĩ nhiên, tất cả các dòng đều phục vụ chân lý, nhưng Dòng Đa Minh lại chọn việc phục vụ chân lý là lý do hiện hữu của mình. Đó là việc sáng tạo một lối sống phục vụ Thiên Chúa qua việc bác ái hệ tại việc chiêm niệm chân lý và trao ban điều chiêm niệm đó cho người khác. Đó là một lối tu trì, có khả năng thích ứng mà không chạy theo chủ nghĩa cơ hội, tinh thần rộng mở mà không theo chủ nghĩa tự do giả tạo, hăng say bảo vệ đức tin mà không theo óc bè phái; lối tu trì này được thích ứng tuyệt vời với một lối sống nảy sinh từ chân lý và phục vụ chân lý, luôn chăm chú vào Lời và phục vụ Lời, qua đó mọi hoạt động trí năng, nhờ quy hướng về Thiên Chúa, trở thành một thực tại được thánh hoá và dâng lên Thiên Chúa như một hành vi tôn thờ.
Thánh Tôma đã chọn Dòng Giảng Thuyết và theo sát thánh Đa Minh, vì đó là Dòng phục vụ chân lý, một dòng mà việc tách ra khỏi thế gian được tổ chức cách tốt nhất để phục vụ chân lý. Sau này, ngài cũng được giao nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm; đặc biệt, sau khi gia đình của ngài đã bị lụn bại vì nhất quyết trung thành với Đức Giáo Hoàng, như một sự bù đắp, ngài được đề nghị nhận chức tổng giám mục Napôli hay viện phụ đan viện Monte Cassino. Nhưng cho dù là vậy, mối quan tâm của ngài dành cho gia đình được thể hiện qua những cách khác, ngài mạnh mẽ từ chối các đề nghị và hằng cầu xin cho được ơn kiên vững, không thay đổi con đường mình đã chọn. Để tránh mọi sự hiểu sai về ý nghĩa thực sự và những hàm ý của lời cầu xin này, cần phải biết rằng thánh Tôma không chỉ cầu nguyện với Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho bản thân được luôn kiên trì trong ơn gọi là tu sĩ dòng Giảng Thuyết, mà còn cầu xin cho bản chất của Dòng không bao giờ thay đổi. Sau cùng, vào lúc cuối đời, khi ngài rời Napôli trong một hành trình dang dở đi họp Công đồng Lyon, và bị đau nặng, người bạn đồng hành của ngài, anh Reginald bày tỏ sự tiếc nuối và mong rằng Đức Giáo Hoàng chắc chắn sẽ thưởng công cho những việc anh Tôma đã làm (như trường hợp thánh Bonaventura) bằng cách phong anh làm hồng y. Thánh Tôma đã trả lời rằng, “Đừng bao giờ tiếc nuối về điều đó, vì trong những lời khẩn cầu với Chúa – và tôi tạ ơn Người vì đã nhận lời – tôi đã xin rằng tôi sẽ được cất đi khỏi thế gian này trong tình trạng khiêm hạ như tình trạng tôi đang sống đây, và xin đừng để tôi đón nhận một địa vị hay chức vụ gì làm thay đổi tình trạng ấy”.
Những chuyện như thế còn rất nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là: Trong trường hợp một người vẫn hoàn toàn ý thức điều mình làm và điều mình muốn như thánh Tôma, thì lời cầu nguyện như thế hẳn mang nhiều ý nghĩa. Nó cho thấy rằng Dòng Đa Minh, đối với thánh Tôma, là tiêu biểu cho sự khó nghèo theo nghĩa rộng nhất và tích cực nhất, được tổ chức theo một dạng thức tu trì: Một lối sống mà qua đó sự khó nghèo tu trì không chỉ mang lại tự do thoát khỏi những quan tâm trần thế, mà còn tạo nên một sự thanh luyện thiêng liêng cũng đem lại sự tự do, kể cả trong lãnh vực thi hành sứ vụ tông đồ, thoát ra khỏi mọi công việc thường ngày của việc điều hành và quản trị vốn đang tạo ra một loại ốc đảo thế tục bên trong đời tu. Đối với thánh Tôma, sự khó nghèo cần có để phục vụ chân lý nơi các nhà thần học và chiêm niệm của Thiên Chúa phải được mở rộng tới sự quên mình và sự từ bỏ mọi thứ, cũng như việc tổ chức đời sống và quản trị. Điều này, dĩ nhiên, không có nghĩa là không tin tưởng vào những chức vụ như thế và cũng không hề chối bỏ rằng con người có thể vừa trung thành phục vụ Thiên Chúa vừa sống đời chiêm niệm, trong lĩnh vực hoạt động hay điều hành. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong cái nhìn của ngài, cả ơn gọi của cá nhân ngài cũng như của Dòng như là dòng phục vụ chân lý, luôn bao hàm sự từ bỏ tuyệt đối, một sự hoàn toàn sẵn lòng để phục vụ, một tinh thần khó nghèo triệt để mà tự bản thân ngài và hội Dòng của ngài, luôn phải trung thành trong tình trạng một người tôi tớ khiêm nhường phục vụ chân lý tinh tuyền và trong nếp sống giản dị của một nhà thần học.
Sự thanh khiết chính là khía cạnh tích cực của sự khó nghèo được hiểu như một thái độ rõ ràng và sâu xa trong tâm hồn. Là sự khó nghèo, thái độ này làm cho việc phục vụ trở thành khả thi và tạo cho người ta một tâm thế sẵn sàng trở thành người tôi tớ. Là sự thanh khiết, nó thể hiện tính cách toàn bộ, trọn vẹn và trinh nguyên của việc phục vụ. Một người thanh khiết là một người không vấy bẩn, pha tạp. Xét về khía cạnh tội lỗi và nhân đức, thì sự thanh khiết đối chọi với sự khiếm khuyết hay sự vấy bẩn về mặt luân lý, không chỉ là sự giản lược vào tầm vóc, nhưng là sự trọn vẹn, không nhiễm bẩn, toàn vẹn và tuyệt đối. Vì thế, khó nghèo là yếu tố giúp cho sự thanh khiết giữ được bản chất nguyên tuyền. Thánh Tôma là một người tôi tớ thuần khiết, một người tôi tớ trinh trắng và khiết tịnh vì chính bản thân ngài đã sống hoàn toàn khó nghèo, một người trọn vẹn thuộc về Đấng mà ngài gọi là Đức Chúa.
a, Việc phục vụ của vị tiến sĩ thiên thần là hoàn toàn thanh khiết
Thánh Tôma đã sống khiết tịnh thể lý. Chúng ta thường đồng hoá sự khiết tịnh này với sự thanh khiết, dù nhiều khi cũng không hiểu tại sao các Kitô hữu lại gán cho nó tầm quan trọng như vậy. Để hiểu rõ giá trị của sự khiết tịnh, chúng ta nên tìm hiểu không chỉ nơi chính ý niệm này mà còn thông qua điều nó làm cho khả thi hay điều đối nghịch mà nó ngăn ngừa. Trong thực tế, sự thanh khiết thường được hiểu theo nghĩa hẹp và thông thường chính là sự khiết tịnh về thể lý, về trí tưởng tượng và ước muốn. Đúng ra, sự thanh khiết bao hàm toàn bộ đời sống tâm linh, vì nó mở ra mọi tương quan có thể có với Thiên Chúa, cũng như đẩy xa những gì là đối nghịch với tương quan này. Chẳng hạn, một tâm hồn chai đá và vấy bẩn, nó không chối bỏ các giáo huấn đức tin, nhưng sẽ trở nên cứng cỏi và thường khép kín trước những yếu tố tuyệt vời của đức tin; cảm thức thiêng liêng của nó suy yếu dần; nó sẽ không chối bỏ những chân lý đức tin nền tảng, nhưng cũng dần dần không còn quan tâm hay thích thú với những điều cao quý nhất như: Đức Trinh Nữ Maria, các thiên thần, các Bí tích, đời tu, sự chiêm niệm; nó sẽ đi tới sự khẳng định rằng chúng ta chẳng thể biết gì về những thực tại này và do đó, những thực tại này không tồn tại. Ngược lại, một linh hồn thanh khiết, tự bản năng luôn rộng mở đón nhận những thực tại đức tin này; nó trải nghiệm những thực tại này trong sự thuần khiết. Và đồng thời, sự trung tín cũng sẽ mở ra con mắt tâm hồn, giúp hiểu rõ điều thường bị che dấu do sự thô thiển. Linh hồn đó sẽ chắc chắn nhận ra rằng sự phát triển của mình cần gắn kết mật thiết với cảm thức và sự trung tín trong đời sống.
Giờ đây chúng ta đã hiểu phần nào rõ hơn sự thanh khiết, thanh khiết thể lý, có ý nghĩa như thế nào đối với thánh Tôma trong việc phục vụ như là một nhà thần học mà ngài đã được mời gọi; và chúng ta cũng có thể thấy sự thanh khiết là một nhân tố tích cực tới mức nào trong tâm hồn người tôi tớ phục vụ chân lý. Chẳng cần nhắc đến ở đây sự kiện ngài bị cám dỗ, hay lời chứng của người bạn thân thiết nhất của ngài sau khi ngài qua đời rằng ngài luôn giữ được sự thanh khiết như một trẻ thơ.
Tuy nhiên, có một khía cạnh sâu xa hơn nơi sự thanh khiết của thánh Tôma trong tư cách người tôi tớ phục vụ chân lý; đó là sự thanh khiết nơi thâm sâu tâm hồn, theo nghĩa trọn vẹn và tích cực nhất của từ này. Tương tự với sự khó nghèo được coi như một thái độ nền tảng của tâm hồn, sự thanh khiết của người tôi tớ phục vụ chân lý hệ tại việc không để cho cái tôi pha tạp vào trong chân lý này, không giảm nhẹ, không chối bỏ, nhưng là hoàn toàn suy phục trước những đòi hỏi và đón nhận trọn vẹn Đấng, là Thầy, như chính Người là mà không phải như chúng ta tưởng tượng Người là. Chính Người, vị Thầy, phải là Đấng điều khiển, được khẳng định trong chân lý thuộc bản tính của Người và thực hiện điều Người muốn. Trong khi đó, chúng ta, những tôi tớ của Người, thì ngoài Người ra, chẳng có chi để khẳng định về mình, nhưng là hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Người, trọn vẹn thuộc về Người và là kẻ thừa hành của Người.
b, Sự thanh khiết của người tôi tớ tỏ lộ trong cuộc đời thánh Tôma.
Sự thanh khiết này được tỏ lộ trong những lời nguyện của ngài, mỗi câu mỗi chữ đều diễn tả khao khát được phục vụ trọn vẹn, để không làm hỏng việc của Chúa vì bất cứ khiếm khuyết nào, bất cứ sự nhỏ nhen, sự vô tâm, hay sự buông thả nào là những thứ sẽ làm hỏng mọi sự, ngay cả những ý hướng tốt lành nhất. “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, xin giúp con luôn sống vâng phục mà không cãi lại, khó nghèo mà không nao núng, khiết tịnh mà không hư hỏng, kiên nhẫn mà không phản kháng, khiêm nhường mà không giả bộ, an vui mà không sợ hãi, buồn sầu mà không quỵ ngã, mạnh mẽ mà không cứng cỏi, năng động mà không hời hợt, kính sợ Chúa mà không ngã lòng, chân thành không giả bộ, làm điều tốt mà không kiêu căng, sửa lỗi người khác mà không ngạo mạn, và luôn biết chân thành xây dựng cho nhau bằng lời nói lẫn việc làm.” Còn rất nhiều những lời nguyện tương tự. Nhưng chúng ta cũng đừng để bị đánh lừa mà đi tìm hiểu nghĩa chính xác của những lời nguyện này, vì lẽ điều thánh Tôma muốn diễn tả không phải là những câu nói chuẩn xác về thần học luân lý mà là ý tưởng về sự phục vụ hoàn hảo, một sự phục vụ đạt tới sự trọn hảo và cảm thức tuyệt đối. Đó là sự phục vụ không bao giờ đi trệch đường lối của Thiên Chúa.
Sự thanh khiết trong việc phục vụ của thánh Tôma còn tỏ lộ nơi tính nhất quán, thuần khiết và không giới hạn. Ngài đúng là một tôi tớ, luôn đợi sẵn ở cửa chờ Chủ về với tất cả sự bền bỉ và khả năng của mình. Không hề có sự phân chia trong cuộc đời ngài như kiểu một phần cho mục đích cá nhân, một phần cho Thiên Chúa, mà đúng như là một tôi tớ, luôn hết lòng phục vụ. Ngài hoàn toàn sống nghèo khó để có thể phục vụ Ông Chủ của mình, mà không cần bất cứ sự công nhận nào. Về phần mình, chúng ta thường thất bại ở khâu này, đôi khi do chủ tâm, vì lẽ chúng ta hay thích kiểm soát, thích tận hưởng cho bản thân hơn là đặt mình ở vị thế sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta thường thất bại vì yếu đuối và lơ đễnh, vì chúng ta hiếm khi đặt toàn tâm vào điều chúng ta làm, và vì vậy mà việc phục vụ thường chỉ huy động một nửa hay một phần ba con người chúng ta. Chỉ những tâm hồn cao thượng mới có thể sống tinh thần phục vụ hoàn trọn, không dè sẻn chi (trong khi Nietzsche chủ trương chối bỏ hoàn toàn việc phục vụ). Hãy nhớ rằng, theo thánh Tôma, có một nhu cầu phát sinh từ nhận thức hoàn hảo về thực tại: Đó là nhu cầu quay trở về với Thiên Chúa và tiến đến gần Người với tất cả sức mạnh của chúng ta hoặc quay lưng lại với Người một cách dứt khoát và triệt để. Nếu chúng ta nhớ được rằng đây chính là đặc quyền của các thiên thần thì chúng ta sẽ nhận ra một trong những lý do mạnh mẽ nhất tại sao mà việc phục vụ toàn vẹn và thanh khiết của thánh Tôma đem lại cho ngài tước hiệu tuyệt vời ‘Tiến sĩ Thiên thần’.
Sau cùng, sự thanh khiết trong việc phục vụ chân lý của thánh Tôma còn tỏ lộ qua việc ngài hết sức cẩn thận không đưa bản thân vào trong những gì ngài đã quyết tâm phục vụ, không thêm không bớt bất cứ điều gì vào chân lý ngài phục vụ. Trong việc này, ngài hoàn toàn thanh khiết vì đã cố gắng, hết sức có thể, trở thành một công cụ tinh khiết. Trong hoạt động thần học của mình, ngài chính là một ‘thừa tác viên’ theo nghĩa trọn vẹn nhất của từ này; sứ vụ giảng dạy của ngài chính là sứ vụ của một linh mục. Nguyên trong bộ Summa thôi, ngài đã viết hơn 3000 khoản mục, mà không một khoản nào đề cập về ngài. Hơn nữa, trong tất cả những khoản mục này, nhà thần học luôn ẩn mình đi, như sau chén thánh, để tỏ lộ chính Thiên Chúa. Đây là một mẫu gương chưa từng có về sự thanh khiết, về sự từ bỏ của linh mục và về sự trinh trắng. Con người này đã từ bỏ quê hương xứ sở và họ hàng. Một khi tách rời khỏi chân lý, khỏi chủ đề nghiên cứu, thật khó mà xác định chúng ta đang nói về ai. Phải chăng đó là một hoàng tử, một quý ông người Pháp, một vị cao niên, một người ủng hộ hoàng đế, hay một nhà quý tộc người Ý? Điều này không rõ ràng, nhưng có điều chắc chắn, ngài là một linh mục, ngài bày tỏ Thiên Chúa và ẩn dấu mình đi; ngài là một nhà thần học, một thừa tác viên của Lời, một thừa tác viên của chân lý khách quan; ngài lại luôn ẩn đi con người mình. Điều này thật cảm động; thật không có gì đáng cảm động hơn vì ngài không đề cập chút gì đến bản thân trong giáo huấn của mình. Thực vậy, không hề có một tính cách cá nhân nào hay một tính khí nào của ngài được tỏ lộ. Vì thế, chẳng có sự xung đột, cũng chẳng nghe thấy âm thanh nào của con người, chỉ có sự toả sáng của thực tại khách quan là rõ ràng. Ecce ancilla Domini, fiat mihi secundum verbum tuum – Này con là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho con như lời Ngài. Những lời này đã được thốt lên và sống trọn vẹn.
Quả thật, sự thanh khiết chính là một khía cạnh tích cực trong đời sống khó nghèo của người tôi tớ đích thực. Nó cũng sẽ làm trổ sinh một nhân đức đặc biệt khác và sự trọn hảo trong tâm hồn người tôi tớ: đó là sự trung tín. ‘Euge serve bone et fidelis – Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành (Mt 25, 21).