11/07/2023 -

Đạo lý Tôma

1613

Linh Đạo Thánh Tôma

Giuse Phan Tấn Thành

Bài 4. Thánh Linh trong linh đạo thánh Tôma


I. Thánh Linh trong các tác phẩm của Tôma

A. Summa Theologiae

B. Summa contra gentiles

C. Chú giải Kinh thánh

II. Tổng hợp

A. Căn tính của Thánh Linh là trao tặng (Donum)

B. Thánh Linh cốt lõi của Luật mới (lex nova)

C. Thánh Linh trái tim của Hội thánh

D. Các đặc sủng

————————–


Như đã nói trong bài mở đầu, từ “linh đạo” (spiritualitas) trong tiếng Việt còn mới mẻ và gây nhiều tranh luận về ý nghĩa của thuật ngữ. Chúng ta hiểu cách đơn giản như là đời sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh (vita spiritualis). Hai bài suy gẫm cuối cùng được dành cho ngài. Bài hôm nay muốn trình bày đạo lý về Thánh Linh trong các tác phẩm của thánh Tôma cùng tác động của Ngài trong Hội thánh, còn bài tới sẽ bàn về tác động của Ngài trong mỗi cá nhân, quen gọi là “đời sống tâm linh”.


Cho đến ngày hôm nay, nghĩa là bắt đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, trong chương trình đào tạo thần học tại nhiều chủng viện và học viện công giáo (kể cả học viện Đaminh), không có môn Thần-khí-luận (hoặc Thánh-Linh-học: Pneumatologia); vì thế chúng ta không thể nào đòi hỏi một tác giả sống vào thế kỷ XIII phải cung cấp cho ta một khảo luận có hệ thống về Thánh Linh. Thánh Tôma bàn về Thánh Linh rải rác trong nhiều tác phẩm.  Sau khi rảo qua một vòng các tác phẩm quan trọng, chúng ta sẽ tổng kết để nêu bật những nét độc đáo của thần học về Thánh Linh theo thánh Tôma[1].


I. Điểm qua các tác phẩm


Chúng ta sẽ xét đến các tác phẩm chính, được phân làm ba mục: 1/ Summa Theologiae; 2/ Summa contra gentiles. 3/ Các quyển chú giải Thánh kinh. Sự phân chia này đi từ chỗ quen đến chỗ lạ, chứ không theo thứ tự thời gian biên soạn của tác giả. Bộ Tổng luận thần học quen thuộc với chúng ta hơn cả, nhưng được soạn vào những năm cuối đời.


A. Summa Theologiae


Trong bộ sách này, Thánh Linh được bàn cách đặc biệt trong Prima và Secunda pars.


1/ Trong Prima pars.


Thánh Linh được nghiên cứu trong những đoạn bàn về mối tương quan giữa Tam vị (I, q.27-38): sự phát xuất và sự phái cử. Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con, theo hướng của Tình yêu. Kế đó, tác giả đã phân tích các danh xưng của Ngài theo Thánh Kinh, cách riêng Spiritus (Thần khí: q. 36), Amor (Tình yêu: q. 37), Donum (Tặng phẩm: q.38). Những danh hiệu này sẽ cung cấp chìa khóa để hiểu biết tác động của Thánh Linh trong Hội thánh và trong các tâm hồn, như sẽ thấy trong phần tổng hợp.


2/ Trong Prima Secundae.


Thánh Linh được đề cập trong 3 khối:

a) Các ân huệ Thánh Linh, cần thiết để được cứu độ, cùng với các chân phúc và hoa trái Thánh Linh (q.68-70). Một nét đặc trưng của Tôma là liên kết giữa các ân huệ, chân phúc và hoa trái Thánh Linh khi bàn về động lực của đời sống tâm linh[2].

b) Cốt yếu của Luật mới hệ tại ân sủng Thánh Linh, tức là Tin mừng được viết vào trái tim (q.106-108);

c) Ân sủng (q.109-114).


3/ Nói chung, thánh Tôma trình bày hoạt động của Thánh Linh trong ba lãnh vực sau đây:

a) Sự hiểu biết chân lý, dù là tự nhiên hay siêu nhiên. Tất cả mọi chân lý, dù bởi bất kỳ ai nói, cũng đều bắt nguồn bởi Thánh Linh (Omne verum, a quocumque dicatur, a Spiritu Sancto est; I-II, q.109, a.1 ad 1; cf. I, q.12, a.12, ad 3)[3]. Nhận xét này giúp ta có thái độ cởi mở tìm kiếm chân lý trong các nền văn hóa, và đối thoại với hết những ai đang tìm kiếm chân lý trọn vẹn, bởi vì thâm tín rằng đó là những hạt giống do chính Thánh Linh đã gieo trong tâm hồn mỗi người và trong nền văn hóa các dân tộc.

b) Hoạt động siêu nhiên: Cần phải gán cho Thánh Linh không chỉ là các ân huệ mà cả các nhân đức hướng Chúa khi được thi hành vì yêu thích điều thiện (I-II, q.70, a.1). Nhờ Thánh Linh, nhân loại đã bước sang chế độ giao ước mới, không còn sống đưới lề luật nữa, nhưng là dưới sự tự do của Thánh Linh (I-II, q.93, a.6, ad 1, trích 2Cr 3,17).

c) Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn người công chính, thúc đẩy họ sống đức ái (I-II, q.109, a.9, ad 2).


Dù sao, xem ra Summa Theologiae chỉ chú ý đến hoạt động của Thánh Linh trong các tín hữu; còn Summa contra gentiles mở rộng ra toàn thể lịch sử cứu độ[4]. Chúng ta hãy rảo qua tác phẩm này, biên soạn sớm hơn (1259-1265).


B. Summa contra gentiles


Thánh Linh được bàn trong quyển Bốn, từ chương 15 đến chương 24. Trước hết tác giả tìm hiểu đức tin Công giáo về Thánh Linh trong mầu nhiệm Tam vị. Kể từ chương 20, tác giả trình bày vai trò của Thánh Linh trong kế hoạch cứu độ. Mặc dù nhìn nhận công trình của tất cả Tam vị trong kế hoạch cứu độ, nhưng thánh Tôma quy gán tất cả cho Thánh Linh, trong lãnh vực tự nhiên cũng như trong lãnh vực siêu nhiên, nhìn dưới viễn tượng của tình yêu.


– Dựa theo Kinh thánh, tác giả khởi đi từ lãnh vực tự nhiên, và gán cho Thánh Linh những công cuộc sau đây (IV CG c.20): 1) Việc tạo dựng (Tv 103,30). 2) Chuyển động của vạn vật (St 1,2). 3) việc điều hành vạn vật (2Cr 3,17); việc linh hoạt vạn vật, nghĩa là ban sự sống cho chúng (Ed 37,5; Ga 6,64). Cách riêng, vì tác giả gán cho Thánh Linh việc điều hành và linh hoạt vạn vật (nghĩa là gồm cả lịch sử thế giới và Hội thánh), cho nên trong Tam vị, Ngài được coi như Ngôi vị gần gũi hơn cả với các loài thụ tạo, cách riêng gần với những ai được thúc đẩy bởi đức mến.


– Trong lãnh vực siêu nhiên, đối với con người, Thánh Linh được gán cho những công việc sau đây (IV CG c.21): 1) Đức mến, tức là tình yêu siêu nhiên đối với Thiên Chúa (Rm 5,5). 2) Những hoạt động do đức mến thúc đẩy. 3) Tình nghĩa thân thiết với Thiên Chúa cư ngụ trong linh hồn người công chính (Ga 14,23; 1Cr 3,16). 4) Tỏ lộ những điều huyền nhiệm về Thiên Chúa (Ga 15,15; 1 Cr 2,9-10). 5) ơn linh hứng để nói về Thiên Chúa (2Pr 1,21; Mt 10,20). 6) Tất cả những ân huệ khác của Thiên Chúa, bao gồm cả các chân phúc và tình nghĩa tử (1Cr 12,11; Rm 8,15). 7) Sự tha thứ tội lỗi (Ga 20,22-23). 8) Thanh luyện hoặc đổi mới đời sống tâm linh (Tv 103,30; Ep 4,23).


– Trong chuyển động của thụ tạo trở về với Thiên Chúa, thánh Tôma đề nghị một lộ trình độc đáo của đời sống tâm linh (IV CG c.22).

1) Tình thân mật đối với Thiên Chúa nhờ ân sủng của Thánh Linh (Pl 3,20) được diễn tả qua việc chiêm ngắm (contemplatio): Thánh Linh biến chúng ta thành những người chiêm ngắm Thiên Chúa (2Cr 3,18).

2) Sự thân mật vì được sống gần bên Chúa mang lại cho ta niềm vui (Rm 14,17), nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với những nghịch cảnh của cuộc đời. Thánh Linh được gọi là Đấng An ủi (Paraclitus: Ga 14,26)

3) Việc sống thân mật với Thiên Chúa như bạn hữu đưa chúng ta đến chỗ hòa hợp ý muốn của ta với ý của Chúa, giúp chúng ta thi hành ý Ngài (Ga 14,15).

4) Thánh Linh giúp chúng ta sống tinh thần tự do của con cái: hành động vì tình yêu chứ không như nô lệ (Rm 8,15).

5) Thánh Linh hướng chúng ta đến sự thiện, vì thế chúng ta được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi (Gl 5,18), và hủy diệt những công việc của xác thịt (Rm 8,13).


Tóm lại, tất cả đời sống Kitô hữu được đặt dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh.


C. Các chú giải Kinh thánh


Thánh Tôma bàn đến  vai trò Thánh Linh trong đời sống Giáo hội, đặc biệt khi chú giải các thư thánh Phaolô gửi Rôma và Tin mừng Gioan[5].


1/ Chú giải thư Rôma

Trong chương 8, thánh Tôma giải thích “luật của Thần khi” là Thánh Linh, nguyên ủy đời sống Kitô hữu, giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết. Luật của Thần khí không những dạy cho lý trí biết điều gì phải làm mà còn thúc đẩy ý chí để thi hành nữa. Mặt khác, luật của Thần khí cũng có thể hiểu như là hiệu quả của Thánh Linh, đó là đức tin được linh động bởi tình yêu. Trong Tân ước, luật của Thần khí có thể được hiểu như là chính Thánh Linh, hoặc như là tác động của ngài trong tâm hồn.


Cũng trong chương 8, thánh Tôma nói đến vai trò của Thánh Linh trong việc cầu nguyện khi chú giải câu văn “Thánh Linh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải”. Thực ra chúng ta biết là cần phải cầu nguyện nói chung, nhưng chúng ta không biết cầu xin điều thích hợp trong trường hợp cụ thể; vì thế cần Thánh Linh giúp chúng ta cầu nguyện bằng cách gợi lên những ước ao chính đáng.


2/ Chú giải Tin mừng Gioan

Trong tác phẩm này, Thánh Linh được nhắc đến 600 lần khi đề cập đến bản tính và sứ vụ của Ngài.


Ngay từ khi chú giải dẫn nhập, thánh Tôma đã giải thích “đầy tràn ân sủng và chân lý” (Ga 1,14) theo chiều hướng các ân huệ và hoa trái Thánh Linh.


Khi chú giải cuộc đàm thoại của Chúa Giêsu với ông Nicođêmô (c.3), thánh Tôma ví tác động Thánh Linh như gió:  điều này muốn nói đến quyền năng của Thánh Linh, nhắc nhở chúng ta qua tiếng nói lương tâm hay những lời giảng dạy từ bên ngoài, và ngài dẫn dắt chúng ta đến những nơi mà ta không ngờ.


Khi chú giải chương Bốn, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria cạnh bờ giếng ông Giacob, tác giả nêu bật Thánh Linh như là nguồn mạch vô tận trào ra mọi ân sủng.


Vai trò của Thánh Linh được bàn sâu hơn trong chú giải các diễn từ của Chúa Giesu trong bữa Tiệc Ly. Thánh Linh được Chúa Cha phái đến như là Thần khí của Tình yêu. Ngài cũng giúp cho các tông đồ hiểu biết những giáo huấn của Chúa Giêsu. Mặt khác, nếu Thánh Linh không ngự trong tâm hồn những người nghe sứ điệp thì các lời giảng của các sứ giả không gây tác dụng nào. Bước sang chú giải chương 15, thánh Tôma mô tả những hoa trái của Thánh Linh: cao minh, hiền hậu, vui tươi, an ủi và bình an.


Đoạn văn cuối cùng nhắc đến Thánh Linh là bài chú giải mẻ cá lạ lùng ở chương 21. Tiếp theo các giáo phụ, thánh Tôma giải thích con số 153 như là nhân cấp 7 ân huệ Thánh Linh (7 x 7 +1 = 50. 3 x50 + 3 = 153).


II. Tổng hợp


Từ những tư tưởng trên đây, bước sang phần thứ hai, chúng ta  thử đúc kết vài đặc điểm của thần học thánh Tôma về Thánh Linh, xoay quanh năm điểm sau đây: 1/ Căn tính của Thánh Linh: Tình yêu và Trao tặng. 2/ Thánh Linh trong lịch sử cứu độ: Luật mới. 3/ Thánh Linh trong Hội thánh: Ngài là linh hồn và trái tim. 4/ Các đặc sủng Thánh Linh. 5/ Các ân huệ Thánh Linh (điểm cuối cùng sẽ được khai triển trong bài tới).


A. Căn tính của Thánh Linh là Trao tặng (Donum)


Như đã nói, khi bàn về danh xưng của Thánh Linh trong sách Tổng luận thần học, thánh Tôma chọn lọc ba danh từ: Spiritus, Amor, Donum. Tuy nhiên, xem ra tác giả ưng ý với hai danh xưng cuối cùng, đó là Tình yêu và Trao tặng, hay nói chính xác hơn nữa, gom lại thành một, tức là: Trao tặng Tình yêu. Danh hiệu này giải thích nguồn gốc cũng như bản tính của Thánh Linh. Thật vậy, trao tặng có nghĩa là cho đi mà không đòi lại, một sự trao ban vô điều kiện. Động lực của việc trao tặng là tình yêu, bởi vì khi tặng ai một món quà là vì ta yêu họ. Vì Thánh Linh phát xuất từ tình yêu giữa Cha và Con, cho nên Ngài xuất phát như là Tình yêu, tình yêu trao tặng giữa Cha và Con; Ngài trở thành Sự Trao tặng nguyên thủy, biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa, và trở nên nguồn gốc cho các ân huệ ban cho các thụ tạo (I, q.38, a.2., corpus; xc. q.37). Đó cũng là điều mà thánh Phaolô đã khẳng định ở Rm 5,5: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Linh mà Ngài ban cho chúng ta”.


Tình yêu trở thành viễn ảnh tiếp cận chính của thánh Tôma khi trình bày hoạt động của Thánh Linh trong lịch sử cứu độ. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua tác động của Ngài trong khung cảnh của Luật mới (Lex Nova), rồi đến trong Hội thánh và trong các linh hồn: tất cả đều là ân ban của tình yêu.


B. Thánh Linh, cốt lõi của Luật mới


Mỗi lần nghe nói tới luật, đầu óc chúng ta lập tức liên tưởng đến một số nghĩa vụ do nhà cầm quyền áp đặt trên đầu người dân. Nói cách khác, luật trái ngược với tự do. Ngoài ra, trong Tân ước, khi đọc thư thánh Phaolô (chẳng hạn thư gửi Galat) chúng ta thấy có sự đối chọi giữa Lề luật với Ân sủng (Đoạn văn Ga 1,17 cũng gợi lên điều ấy). Trong lịch sử Giáo hội, không thiếu những phong trào đối lập giữa cơ chế và thần khí. Vào hồi thế kỷ XIII, Giáo hội phải đương đầu với nhóm Thần khí (Spirituales) chịu ảnh hưởng của viện phụ Joachim Fiore (k.1130-1202), cho rằng kỷ nguyên của Đức Kitô đã kết thúc, nhường chỗ cho kỷ nguyên của Thần khí, trong đó Hội thánh được cai quản không phải bởi hàng phẩm trật nhưng là bởi những con người thần khí. Thánh Tôma đã cố gắng dung hòa tất cả các khuynh hướng ấy khi bàn đến “Luật mới” (Lex Nova), mà bản chất là luật tự do, luật ân sủng, luật Thần khí. Thậm chí cốt yếu của Luật mới là Thần khí nhưng không thể nào loại bỏ Đức Kitô.


Để nắm bắt được tư tưởng của thánh Tôma, chúng ta cần phải sửa lại một vài quan niệm lệch lạc. Trước hết, theo thánh Tôma, luật không phải là mệnh lệnh mù quáng của ý chí nhưng là chỉ thị của lý trí nhằm đạt đến ích chung của cộng đồng.  Thứ đến, thánh Tôma bàn đến nhiều thứ luật như là những chặng đường mà Thiên Chúa dạy dỗ nhân loại, từ luật vĩnh cửu đến luật tự nhiên, từ luật Cựu ước đến luật Tân ước, tất cả nhằm giúp con người đạt đến hạnh phúc. Đó là những chặng của lịch sử cứu độ, từ tạo dựng đến ân sủng, từ tự nhiên đến mặc khải. Thời giờ không cho phép dài dòng về đề tài này, vì thế chỉ xin tóm lại vài điểm căn bản của Luật Mới. Trong Tổng luận thần học, thánh Tôma đã dành ba quaestiones 106-108 trong I-II để bàn về Luật Mới, xoay quanh ba điểm: 1/ Khái niệm. 2/ Đối chiếu luật mới với luật cũ. 3/ Nội dung của luật mới.


1/ Khái niệm


Luật Mới tức là giao ước mới giữa con người với Thiên Chúa, có khả năng mang lại ân sủng. Giao ước mới được thiết lập trong cái chết của Đức Kitô trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Vì thế luật Mới là luật của tình yêu; tình yêu trở thành nền tảng và nguồn mạch của đời sống Kitô hữu. Cốt yếu của luật mới là ân sủng được thông ban cho ta bởi Thánh Linh. Ân sủng này được thành hình do hy tế của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được trở nên con cái Chúa.


Đạo lý của thánh Tôma dựa theo thánh Phaolô, đặc biệt là thư gửi Roma và thư gửi Galat. Vì thế tác giả cũng dựa theo các bản văn ấy để đặt tên cho nó: luật Mới là luật Tin mừng, bởi vì được chứa trong Tin mừng; luật của đức tin (I-II, q.106, a.3; xc. Rm 3,27), luật của ân sủng (ibid), luật của chân lý (I-II, q.107, a.2), luật của sự trọn hảo (I-II, q.107, a.3), luật của tình yêu (I-II, q.107, a.1, ad 2), luật của tự do (I-II, q.108, aa 1,2,4; dựa theo Gc 1,25; 2,2; Gl 2,4.31; 5,30).


2/ So sánh Luật Mới và Luật Cũ


Luật Cũ thường chỉ quy định những hành vì bên ngoài; Luật Mới chi phối cả những hành vi nội tại. Luật Cũ hướng đến những điều thiện ở trần thế này; Luật Mới hướng đến những điều thiện tinh thần. Luật Cũ nhắm giúp con người tuân hành ý Chúa bằng những đe dọa và hình phạt; Luật Mới giúp con người thi hành ý Chúa bằng tình yêu do Thánh Linh đổ vào tâm hồn chúng ta. Luật Mới được ghi trong con tim chứ không khắc trên bia đá như là Luật Cũ.


3/ Nội dung của Luật Mới


Cốt yếu của Luật Mới là ân sủng được Thánh Linh đổ xuống tâm hồn ta, nhờ việc tin nhận Đức Kitô. Tuy nhiên, con người gồm bởi linh hồn và thể xác, cho nên bên cạnh cốt lõi là ân sủng Thánh Linh trong linh hồn, còn có những hành vi bên ngoài nữa, hoặc nhằm chuẩn bị đón nhận ân sủng (hoán cải, đức tin), hoặc chuyển thông ân sủng (các bí tích), hoặc sử dụng ân sủng (các hành vi nhân đức). Nói cách khác, tuy chủ yếu Luật Mới nằm trong linh hồn, nhưng nó cũng cần liên kết với thân thể: thân thể cần được huấn luyện để phục tùng linh hồn.


Dù sao đi nữa, đặc điểm của Luật Mới, do ảnh hưởng của Thánh Linh, là sự tự do tự phát, bởi vì người tín hữu hành động như là con cái Chúa, hành động trong tình yêu chứ không phải vì bị cưỡng bách sợ sệt. Như sẽ thấy trong bài tới, ân huệ Thánh Linh ra như trở thành bản năng thúc đẩy con người tuân hành ý Chúa cách dễ dàng.


C. Thánh Linh, trái tim của Hội thánh


Khi bàn đến tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh, thánh Tôma dùng hình ảnh của thánh Phaolô, gọi Người là “Đầu”, như đã nói trong bài trước. Còn mối tương quan giữa Thánh Linh với Hội thánh thì sao?


Thánh Linh tác động trong Hội thánh phù hợp với đặc tính là Tình yêu và Trao tặng. Tôma gọi Thánh Linh là “linh hồn” và “con tim” của Hội thánh[6]. Thánh Linh được gọi là “hồn” của Hội thánh vì muốn ví với vai trò là nguyên ủy của sự sống và sự hợp nhất giữa các chi thể của Hội thánh. Tư tưởng này đã được thánh Augustino sử dụng (xc. Sermo 257, n.4: PL 38,1231). Thánh Linh là nguyên ủy của sự hợp nhất nhờ hồng ân đức tin và đức mến được ban cho các phần tử, tác động vào trí tuệ và ý chí của họ, ngõ hầu họ hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Dù sao, thánh Tôma là nhà thần học duy nhất vào đời Trung cổ gọi Thánh Linh là “trái tim” của Hội thánh[7].


Hình ảnh “trái tim” muốn nói lên nhiều điều. Trước hết, nó nói lên ảnh hưởng âm thầm kín đáo của Thánh Linh, khác với Đức Kitô là Đầu xuất hiện tỏ tường (ST III, q.8, a.1 ad 3). Thứ đến, Thánh Linh là nguyên ủy của sự hiệp nhất, nhờ tình yêu là nguyên nhân của sự sống và hợp nhất của Hội thánh. Như đã nói nhiều lần, Thánh Linh là Tình yêu giữa Cha và Con, cũng như là tình yêu liên kết giữa các phần tử với nhau. Tình yêu được ví dòng máu lưu thông giữa các chi thể, mang lại cho họ sự sống và sự hợp nhất. Nói theo ngôn ngữ khá cổ điển của thần học, Thánh Linh là chính sự “thông hiệp của Hội thánh” như được tuyên xưng trong Tín biểu các thánh Tông đồ (communio sanctorum), được hiểu theo nghĩa là hiệp thông giữa các thánh (bao gồm tất cả các tín hữu thuộc Hội thánh lữ hành, thanh luyện và vinh hiển), cũng như hiệp thông trong những sự thánh (các bí tích, các công trạng).


D. Các đặc sủng Thánh Linh


Thánh Linh là nguyên ủy của sự hiệp thông trong Hội thánh. Thuật ngữ “hiệp thông” muốn nêu bật hai đặc tính xem ra trái nghịch nhau, một bên là hợp nhất, bên kia là đa nguyên. Hiệp thông là duy trì sự hợp nhất tuy không xỏa bỏ sự đa nguyên. Đây là sự quân bình rất khó duy trì: hợp nhất (unity) nhưng không đồng đều (uniformity); đa nguyên (plurality) nhưng không phân tán. Thánh Linh vừa là nguyên ủy của sự hợp nhất trong Hội thánh, nhưng đồng thời ngài cũng là nguyên ủy của sự đa dạng, nhờ những đặc sủng được ban cho các phần tử Hội thánh. Trong đoạn này, chúng ta dừng lại ở đặc tính đa dạng này.


Trong tiếng Việt, “đặc sủng” là từ ngữ dùng để dịch từ charisma gốc Hy-lạp (hoặc đoàn sủng), xuất hiện 15 lần trong các thư thánh Phaolô và 1 lần trong thư thứ 1 của Phêrô (1 Pr 4,10), với ý nghĩa phức tạp (khác với charis, ân sủng). Bản dịch Vulgata chỉ duy trì từ charisma 1 lần (1 Cr 12,31), còn những nơi khác thì có lúc dịch là gratia, có lúc dịch là donum hoặc donatio. Vì thế không lạ gì mà nó ít được các nhà thần học lưu ý. Thánh Tôma là một trừ lệ, bởi vì ngài phân biệt hai loại gratiagratia gratum faciens và gratia gratis data. Đây là một chơi chữ trong tiếng Latinh, bởi vì gratia, gratum, gratis đều cùng một gốc tầm nguyên, nhưng lại ám chỉ hai đặc điểm khác nhau.


1/ Bản chất


Loại thứ nhất (gratia gratum faciens) giúp cho con người nên thánh thiện (dịch là “thánh sủng” thì khá sát ý, bao gồm cả bảy ân huệ Thánh Linh), cần thiết cho tất cả mọi người sống trong tình nghĩa với Chúa. Loại thứ hai (gratia gratis data) được ban cho một số người không vì công trạng của họ nhưng nhằm đến công ích xã hội. Sự khác biệt quan trọng nằm ở chỗ những người lãnh nhận đặc sủng chưa chắc đã đẹp lòng Chúa và được cứu độ, dựa theo lời cảnh cáo của Mt 7,21-23. Đến ngày phán xét, họ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri… trừ quỷ … làm phép lạ đó sao?”, và họ nghe tiếng đáp lại: “Ta không biết các ngươi”.


2/ Phân loại


Điều thú vị là tác giả đã cung cấp danh mục 9 đặc sủng (dựa theo 1Cr 12,8-10), và phân tích ý nghĩa của chúng (trong Summa Theologiae I-II, q.111 và II-II, qq.171-178) với những tư tưởng độc đáo mà có lẽ thánh Phaolô không nghĩ đến!


Các đặc sủng được phân làm ba nhóm: một là để biết (mặc khải), hai là để nói (công bố), ba là để làm (chứng minh).


a) Loại thứ nhất được gọi là mặc khải, tức là ánh sáng trong tâm trí. Trong loại này có thể kể đến ơn ngôn sứ, là một thứ tri thức được Thiên Chúa ban cho trí tuệ của ngôn sứ, như là một thứ giáo huấn. Sự hiểu biết này vượt quá khả năng tự nhiên của trí óc con người. Ơn ngôn sứ do Thánh Linh ban, đôi khi qua trung gian của các thiên sứ, và có thể mang nhiều hình thức khác nhau (tựa như: hình ảnh, giấc mơ, thị kiến, ánh sáng trí tuệ).


Ơn mặc khải có thể mang ba hình thức: (i) lời dạy (x. 1Cr 12,8), hay nói tiên tri (x.1Cr 12,10); (ii) xuất thần (x. 2Cr 12,2-4), qua đó con người được Thần khí Chúa đưa lên các thực tại siêu nhiên, thoát ra khỏi giác quan, giống như thị kiến mà ông Edêkiel đã kể lại (Ed 8,3); (iii) phân định thần khí, nghĩa là khả năng phân biệt các thần khí khác nhau, để nhận ra tinh thần nào thúc đẩy một người nào nói hoặc làm điều gì (có phải là tinh thần bác ái, hay là ghen tương).


b) Loại thứ hai bao gồm những ơn thuộc lãnh vực công bố. Thật vậy, khi Thiên Chúa mặc khải cho người nào thì không chỉ nhằm soi sáng cá nhân họ, nhưng còn nhằm soi sáng những người khác, nhờ việc giảng dạy. Vì thế, cần phải có ơn “ngôn ngữ” (nói). Trong loại này, có thể kể đến ơn nói tiếng nước ngoài (xenoglossia), nghĩa là nói được ngôn ngữ của thính giả cho họ hiểu; điều này khác với ơn “glossolalia” được nói đến ở 1Cr 14,14 (ơn nói tiếng lạ trong buổi cầu nguyện, và cần đến người giải thích). Cũng có thể kể vào loại này ơn giải thích những giấc mơ như trường hợp của ông Giuse (St 40,8) và Đaniel (Đn 5,16). Thánh Tôma cũng xếp trong loại này ơn thông tuệ và hiểu biết (hoặc có thể dịch là: khôn ngoan và hiểu biết, xc Is 11,2): ở đây không hiểu về chính tri thức, nhưng là khả năng diễn đạt cách thông minh khôn khéo để thuyết phục người nghe.


3/ Loại thứ ba gồm những ơn để minh chứng rằng lời giảng thuyết đến từ Thiên Chúa. Điều này được thực hiện qua các phép lạ, tựa như chữa bệnh. Những ơn này không những thúc đẩy người nghe chấp nhận lời giảng vì nhận ra nguồn gốc siêu nhiên của việc làm, nhưng cũng có thể giúp cho người nghe được củng cố thêm trong đức tin.


Ngày nay, các tác giả dùng những tiêu chuẩn khác để liệt kê và phân chia các đặc sủng (trong đó có cả vấn đề đặc sủng các dòng tu)[8]. Nhưng nhìn lại suy tư của thánh Tôma trên đây, ta có thể nhận ra tiêu chuẩn được đề ra dựa trên sứ mạng loan báo Tin mừng, và đó là mối quan tâm chính của thánh Tông đồ cũng như Dòng tu mà tác giả là phần tử.


Nhiệm vụ loan báo tin mừng đòi hỏi trước hết là sự hiểu biết, được thủ đắc nhờ việc học hỏi, không những là các chân lý đức tin mà còn kiến thức khoa học. Dĩ nhiên, cần có ơn Chúa thì ta mới có thể nắm bắt được những mầu nhiệm vượt qua khả năng tự nhiên. Kế đó, nhà giảng thuyết cần đến “ơn ngôn ngữ” nghĩa là biết cách diễn đạt các chân lý trong công tác rao giảng Tin mừng. Cuối cùng, nhà giảng thuyết cần phải minh chứng bằng việc làm, mà ta có thể hiểu về chứng tá cuộc sống hoặc những công tác bác ái dành cho tha nhân.


Kết luận


Chúng ta chỉ mới điểm qua vai trò của Thánh Linh trong chế độ giao ước mới và trong Hội thánh. Còn một điều quan trọng nữa mà chúng ta để dành cho bài tới, đó là tìm hiểu vai trò của Thánh Linh trong đời sống mỗi tín hữu. Tuy mang nhiều hình thức khác nhau, ta vẫn có thể nhận thấy một mẫu số chung trong các hoạt động của Thánh Linh, là tình yêu (Amor), mà đôi khi cũng được dịch là đức mến (Caritas). Dù sao, trước khi nói đến tình yêu của ta đối với Chúa, thì cần phải nhấn mạnh đến tình yêu của Chúa đối với ta. Thiên Chúa yêu ta trước. Đây là một đặc điểm của linh đạo thánh Tôma, đó là đề cao vai trò của ân sủng (gratia), tuy vẫn không quên rằng: “ân sủng không phá hủy tự nhiên” hoặc “ân sủng giả thiết tự nhiên”. Tạm thời, chúng ta xin Thánh Linh ban cho ta được ngoan ngoãn (dễ bảo: docilis) với những sự thúc đẩy của Ngài.


Đời sống tâm linh là sống theo Thánh Linh (Thần khí Chúa: Rm 8; Gl 3,3; 5,13.16-25; 1Cr 3,1-2). Theo thánh Tôma, con người “thần khí” (homo spiritualis) là kẻ sống hòa hợp với Thần khí đến nỗi ra như Thần khí trở thành “bản năng hoạt động” (instinctus Spiritus Sancti: ST I-II, q.68, a.2, 3m) nơi họ. Phàm ai để cho Thánh Linh hướng dẫn thì không những sẽ cảm nhận tình yêu và các ân huệ của Ngài, mà còn được hưởng tự do của con cái Chúa (2Cr 3,17). Nhờ để cho Thánh Linh hướng dẫn, người tín hữu vượt lên sự xung khắc giữa luật pháp và tự do. Thực vậy, nhiều tác giả vẫn khuyên nhủ hãy trung thành với lề luật Chúa để nên trọn lành, bởi vì họ sợ rằng nếu đề cao tự do quá đáng thì sẽ rơi vào tháo thứ! Tuy nhiên sự xung khắc giữa luật pháp và tự do chỉ xảy ra khi luật pháp được coi như yếu tố áp đặt từ bên ngoài. Đối với thánh Tôma, Thánh Linh được ban để giúp ta thấm nhuần luật Chúa, không còn coi luật Chúa như là cái gì áp đặt tự bên ngoài nhưng trở thành thâm tín nội tâm [9]. Đến mức độ đó, con người thần khí trở nên luật cho chính mình: “ipsi sibi sunt lex” (Rm 2,14-15: I-II, q.96, a.5, ad 1m). Nhận định này mang lại khá nhiều hệ luận cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn người khác (dù là cha linh hướng, hay là một giáo viên): nhà giáo phải làm sao giúp cho môn sinh đến với Thánh Linh. Chính Thánh Linh mới thực là nhà mô phạm nội tâm. Nếu Thánh Linh không nhúng tay vào, thì bao nhiêu lời lẽ của nhà giáo đều là vô bổ. Mặt khác, nhà giáo cũng phải biết giới hạn của mình, biết lúc nào phải dừng lại (hoặc rút lui) để cho môn sinh được tiếp xúc trực tiếp với Thánh Linh.

———————-

[1] Jean Pierre Torrell, Saint Thomas Aquinas Spiritual Master (Chapter VII: To speak of the Holy Spirit), p. 153-174. Leo Elders SVD, El Espiritu Santo en la teologia de Santo Tomás¸ in: Sapientia LXXI (2015), fasc. 237, pp. 121 – 146.

[2] Phan Tấn Thành, Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu (Đời sống tâm linh tập XV), Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 164-184.

[3] Đây là một câu nói được thánh Tôma gán cho thánh Ambrosiô, nhưng ngày nay các nhà phê bình cho rằng của một tác giả vô danh (được đặt tên là Ambrosiaster). Câu nói này được lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm của thánh Tôma.

[4] Tertia pars nhắc đến hoạt động của Thánh Linh nơi Đức Kitô (III, q.7), Đức Maria, các thánh tông đồ (q.23, a.4, ad 4m), các bí tích giúp chúng ta sống ơn gọi (q.41, a.2, ad 2).

[5] Ngoài ra cũng nên thêm chú giải thư thứ nhất gửi Corintô (chương 12) về các đặc sủng, chú giải thư gửi Galat (chương 5) về tự do thần khí.

[6]  J.P. Torrell, Saint Thomas Aquinas, Spiritual Master, (Chapter VIII), p.175-199.

[7] Cha Torrell trích dẫn M. Grabmann, Die Lehre des heiligen Thomas von Aquin von der Kirche als Gotteswerk, Regensburg 1903, 184-93.

[8] Thánh Tôma cũng đề cập đến sự phân chia các “đặc sủng” dựa theo các công tác phục vụ (ST II-II, q.179-180) cũng như các hàng ngũ khác nhau trong Hội thánh (II-II, q. 183-189).

[9] ST II-II, q.93, a.6, ad 1m: “Spirituales viri non sunt sub lege: quia per caritatem, quam Spiritus Sanctus cordibus eorum infundit, voluntarie id quod legis est, implent”.

114.864864865135.135135135250