.jpg)
Với đề tài: “Người – Ta trong kinh Kính Mừng”, cha thuyết trình viên Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa, OP. đã chia sẻ cho cộng đoàn hành trình tái khám phá lịch sử tiến triển của kinh Kính Mừng song song với những chú giải của thánh Tôma. Xét rằng đây là một đề tài lớn bởi lẽ hạn từ “Người – Ta” xem chừng như bất định, cha Giacôbê đã đặt vấn đề: “Đọc kinh Kính Mừng có phải ta đọc không hay là người đọc? Chúng ta đọc hay truyền thống đọc? Lời của ta hay lời của người? Lời của Người đến trong ta hay ta đang đọc lời của người ta? Lời ta đọc có là lời của người, của ta trong tương lai hay không?”
Tiếp theo đó, dựa vào nội dung của kinh Kính Mừng, cha Giacôbê đã cho thấy dẫu rằng lời kinh chỉ vỏn vẹn có hai câu nhưng là kết tinh của cả một chặng đường dài 20 thế kỷ. Lời kinh ấy là trải nghiệm của bao cá nhân, của bao cộng đoàn, là một cuộc sinh nhiệm giữa Người và Ta, là kết quả của Ta và Người trong giây phút hiện tại và cũng là ước vọng của Người và Ta trong tương lai.
.jpg)
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Với việc khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh, cha Giacôbê đã cho thấy chiều sâu trong những lời mà hằng ngày các Kitô hữu vẫn nhẩm trên môi. Đó là những lời reo vui của Cựu ước (sách ngôn sứ Xôphônia) nay đã hiện thực trong cuộc đời Trinh nữ Maria khi thiên sứ Gáprien bái chào Mẹ. Thánh Tôma cho rằng Mẹ đầy ân sủng vì lẽ lý trí của Mẹ phân định, thân xác mẹ vẹn toàn và Mẹ không giữ ân sủng ấy cho riêng mình nhưng còn chia sẻ ân sủng ấy cho những người khác nữa.
Đó còn là những lời đầy tính cá nhân mà mỗi khi trao cho ai sứ vụ hệ trọng, Thiên Chúa luôn ngỏ lời: “Ta sẽ ở với ngươi”. Ở đây “Đức Chúa Trời ở cùng Bà” không chỉ mang tính riêng tư Ta với Người nhưng còn là của Ta với cả nhân loại. Qua lời ấy, Thiên Chúa ký kết với Bà để qua Bà một Giao Ước Mới thành hình: Ta ở với Người để từ nay Trời ở cùng nhân loại mãi mãi.
.jpg)
Nối kết với những kinh nghiệm cá nhân, cha Giacôbê đã gợi lên những câu hỏi để cộng đoàn tiếp tục mạch suy tư: Mỗi khi cất lên lời sứ thần nói với Đức Maria, cũng là lời của Trời nói với con người, tôi tự hỏi bản thân mình đã nói lời của Trời, đã thấm đẫm lời của Trời hay chưa? Lời ấy có kế thừa Lời của Cựu ước, của Tân ước và Truyền thống sống động của Mẹ Giáo hội không?
Hay mỗi khi cất lên lời chúc phúc của bà Êlisabét – một lời chúc phúc vừa mang tính “người” trong Cựu ước, vừa mang tính “ta” của riêng Bà và đồng thời mang tính “chúng ta” khi Bà mang cả nhân loại vào lời chúc phúc ấy – Chúng ta đã để cho lời ấy thấm nhập vào tâm hồn mình chưa? Chúng ta đã chúc lành cho những người đang âm thầm đóng góp cho an sinh của chúng ta, của đất nước, của thế giới này? Cho những con người đang kiến tạo nền văn minh tình thương, xây dựng nền hòa bình và công lý cho nhân loại?
.jpg)
Khép lại buổi chia sẻ, cha Giacôbê mời gọi cộng đoàn cùng nhau cất lên lời kinh Kính Mừng thật chậm rãi và tâm tình. Quả vậy, khi cuộc sống đầy lo âu và căng thẳng, cô đơn và chán chường… hay khi cuộc sống đầy ắp niềm vui và hạnh phúc, mỗi chúng ta luôn được mời gọi nối kết lịch sử cuộc đời mình vào trong lời kinh mà biết bao con người trong suốt chiều dài của 20 thế kỷ đã cất lên. Lời kinh ấy quả thực đã từ người sang ta, từ ta sang người, từ cá nhân đi vào tập thể và từ tập thể lại thấm đẫm vào mỗi cá nhân.
Ban Thông Tin
Học viện Đa Minh
Học viện Đa Minh