Gửi Người Anh Em Tôi[1]
Nhân ngày cầu cho ơn thiên triệu
Bạn thân mến,
Một ngày nào đó, bạn được Thiên Chúa đánh động và cảm thấy mình được kêu gọi để dấn thân phục vụ Chúa trong ơn gọi tu trì. Bạn thấy ơn gọi tu trì đẹp quá. Bạn bị hấp dẫn bởi những mẫu gương, cuộc sống của những người đi tu. Một tiếng gọi nào đó thôi thúc bạn. Thế là bạn bắt đầu một cuộc tìm kiếm. Bạn thắc mắc, ơn gọi tu trì là gì? Mình có ơn gọi sống đời tu trì hay không? Làm sao để ‘đi tu’? Bạn đến ‘gõ cửa’ các cha, các tu sỹ. Bạn chờ đợi các vị cho mình một câu trả lời, vạch cho mình một lối đi … Bạn đã nhận được những hướng dẫn của họ. Nhưng dường như bạn chưa thoả mãn! Thật thế, không ai có thể trả lời thay cho bạn mà chính bạn phải tự mình tìm câu trả lời: “Tôi có ơn gọi sống đời tu trì hay không?” Mầm ơn gọi cần được vun trồng. Bạn vẫn phải tìm kiếm, bàn hỏi và đặc biệt là cầu nguyện để tìm ý Chúa muốn nơi mình. Thiên Chúa gọi Samuel bằng chính tên của cậu. Và Samuel đã tự mình thưa: “Dạ, con đây!”. Và hôm nay, Thiên Chúa cũng gọi đích danh bạn và Người muốn câu trả lời của chính bạn. Thế nên, trong hành trình tìm hiểu ơn gọi, cần lắm một thái độ chân thành lắng nghe và mau mắn đáp trả.
Rồi lại đến một ngày, chợt có ai đó hỏi bạn: “Tại sao bạn đi tu?”, “Đi tu để làm gì?” Thế là bạn lôi ra hàng loạt những câu trả lời đã góp nhặt đây đó: “Đi tu là để phục vụ Chúa”, “Đi tu để phục vụ Hội thánh”, “Đi tu là theo tiếng Chúa gọi”,… Tất cả đều đúng, đều đẹp. Tất cả đều nói lên những lý tưởng cao đẹp của cuộc đời dâng hiến. Lý tưởng đúng là như thế. Sống đời sống tu trì chính là hiện thực hoá những lý tưởng này. Thế nhưng, chính Đức Giesu đã nói với các môn đệ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Bởi thế, câu hỏi ‘Tại sao tôi đi tu?’ nên đổi thành “Tại sao Chúa chọn tôi?”. Và chẳng ai có thể trả lời câu hỏi này, ngoại trừ chính Chúa! Nhưng thánh ý Thiên Chúa thì nhiệm mầu, ai có thể hiểu được? (Xc 1Cr 2,16). Thiên Chúa chọn tôi chỉ vì Người yêu tôi. Quyết định đi tu của tôi chính là một lời cố gắng đáp trả lời mời gọi yêu thương của Người. Thế nên, mỗi khi có ai đó hỏi bạn: “Tại sao đi tu?”, bạn hãy thầm tạ ơn Chúa và thân thưa cùng Người: “Lạy Chúa, sao Chúa chọn con?”.
Chọn ơn gọi tu trì chính là đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Mà tình yêu luôn có những lý lẽ riêng của nó, mấy ai giải thích được? “Tình yêu tương tự như lưỡi câu của người ngư phủ. Ông ta không thể bắt được cá nếu cá không cắn câu. Ai bị móc vào lưỡi câu ấy thì bị ‘chộp’ nhanh đến nỗi tay chân, mắt mũi, miệng lưỡi, trái tim và tất cả những gì của con người đó đều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Hãy chăm chú nhìn lưỡi câu đó để chúng ta bị bắt chộp một cách phúc đức, vì càng bị bắt giữ bao nhiêu, bạn càng được tự do bấy nhiêu” (Meister Eckhart). Đó là một hình ảnh đẹp phác hoạ đời sống tu trì. Bạn đã sẵn sàng để Thiên Chúa ‘chộp’ chưa?
Bạn thường nghe người ta nói ‘yêu là chết trong lòng một ít’. Còn đi tu thì sao? ‘chết’ một ít hay ‘chết’ nhiều? Các môn đệ đã từng hỏi Chúa Giêsu: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì chúng con sẽ được gì?” Câu trả lời của Chúa Giêsu là các ông sẽ được phần thưởng, không chỉ ở đời sau mà ngay cả đời này (và còn thêm sự ngược đãi nữa) (xc Mc 10,28-30). Nhưng chắc chắn, tiên vàn người đi tu không nhắm đến những lợi lộc, địa vị, danh tiếng,… và cũng chẳng quản những gian lao, khó nhọc. Chọn ơn gọi tu trì chính là bạn đã dâng Chúa tất cả con người mình, coi mình ‘đã chết đối với thế gian’. Sống cuộc đời dâng hiến là bạn đang thực hiện một cam kết dấn thân. Dấn thân cho Chúa qua việc phục vụ tha nhân. Bạn đã sẵn sàng dâng tặng trái tim, khả năng, và cả cuộc đời để phục vụ Chúa qua những người anh chị em xung quanh?
Ước mong trên bước đường chập chững tìm hiểu ơn gọi, bạn sẽ gặp những bàn tay đỡ nâng, những hướng dẫn cần thiết giúp bạn đến gần và ở lại bên Chúa.
Lạy Chúa,
Con mong thành hạt lúa,
Để tặng cuộc đời những chén cơm ngon.
Con mong làm nụ hoa,
Để cho đời hương thơm sắc thắm
Con mong làm hạt giống
Để trở thành cây cho muôn chim trú ngụ
Con mong thành khí cụ,
Trong bàn tay Thiên Chúa yêu thương[2].
Hoàng Hà, OP.