05/05/2010 -

Đa Minh Việt Nam

806

 


Giáo Xứ Tân Hiệp Mừng Lễ Quan Thầy


thvs_41. Nhân dịp mừng lễ Thánh Vinh Sơn bổn mạng giáo xứ và cũng là kỷ niệm 35 năm thành lập giáo xứ Tân Hiệp..



-         Giáo xứ có tổ chức hội diễn thánh ca gồm một số ca đoàn trong hạt Long Thành, ca đoàn Xứ ngọc đồng và ca đoàn Quê Hương đền thánh Martino Hố Nai, về Gx Tân Hiệp để giao lưu mừng 35 năm thành lập Giáo xứ vào ngày 30/04/2010 vừa qua.



-         Ngày 02/05/ 2010. Đức Cha Phụ tá Tôma Vũ Đình Hiệu về kinh lý và ban bí tích Thêm sức cho 89 em trong Giáo xứ.



 



2. LỊCH SỬ GIÁO XỨ TÂN HIỆP



I. Những Bước Khởi Đầu



thvs_3Sau hiệp định Paris 1973, chính quyền Sài Gòn có những chương trình khẩn hoang, lập ấp để đem dân từ thành thị đi về miền quê lập nghiệp, vùng đất Thái Thiện, Long Thành từ năm 1974 đã được công binh chế độ cũ san ủi làm đường sá, chia lô, dựng nhà cho dân. Có rất nhiều thành phần di dân trong khu khẩn hoang này. Họ là các cựu chiến binh chế độ cũ, dân miền trung và dân thành phố Sài Gòn…. Linh mục Nguyễn Đức Văn kêu gọi một số gia đình Công Giáo mới đến khẩn hoang qui tụ vào một ấp, mà ngày nay gọi là Ấp 4, Tân Hiệp. Lúc đó sát đường quốc lộ 51, cũng có hai xứ : Hiền Đức và Hiền Hòa. Các xứ này đều có linh mục trông coi. Còn trong khu Ấp Mới, được gọi với cái tên độc đáo là Trại Xanh (vì dân cư mới tới chưa có nhà, mà chỉ ở trong các lều bạt màu xanh), thì thỉnh thoảng có linh mục Nguyễn Đức Văn từ Tân Thái Sơn về dâng lễ. Nhưng sau ngày 30-04-1975, việc đi lại khó khăn, cha không về được, do đó trong một thời gian mấy ngàn giáo dân khu Trại xanh không được tham dự thánh lễ nữa.



a. Thành Lập Giáo Xứ



Vắng chủ nhà, đoàn chiên cảm thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Một vài giáo dân tích cực đã đại diện giáo dân Ấp Mới đến gặp linh mục Nguyễn Đức Văn, rồi cùng ngài đi gõ cửa nhiều linh mục, xin về giúp cho Ấp Mới, nhưng hoàn cảnh lúc đó không cho phép các ngài nhận lời.



Cha Antôn đang quản lý tu viện trong không khí ngột ngạt của thời cuộc, đã vui vẻ đến thăm khu Ấp Mới, dâng thánh lễ và hứa sẽ đến sống với cộng đoàn khi Bề Trên chấp thuận. Sau cuộc họp ban Cố Vấn Tỉnh Dòng đã chính thức cử cha Antôn và cha Giuse Bùi Văn Viễn về Ấp Mới, đồng thời trình lên Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Đức Cha Đa- Minh Nguyễn Văn Lãng, Giám mục Xuân Lộc đã chính thức có bài sai cho cha Antôn quản xứ Phước Thái.



Ngày 29-06-1975, lễ kính thánh Phê-rô và Phao-lô, giáo xứ Phước Thái được tuyên bố thành lập và chọn Thánh Bổn Mạng là Vincenté. Sở dĩ đặt tên giáo xứ là giáo xứ Phước Thái là vì, Ấp mới lúc đó là một ấp của xã Phước Thái. Năm 1976, xã Tân Hiệp được thành lập, gồm khu ấp mới trai phong Bình Minh. Nhưng cho đến năm 1990, cha Antôn mới xin được Tòa Giám Mục cho phép đổi tên giáo xứ Phước Thái thành giáo xứ Tân Hiệp cho phù hợp với địa danh hành chánh.



Giáo xứ mới thành lập có 519 gia đình với 2797 nhân khẩu được chia thành 6 giáo họ. Cộng đoàn giáo dân lúc ấy chiếm khoảng 50% dân cư khẩn hoang lập ấp đến từ các Thành Phố, các tỉnh miền Trung, Phước Long, việt kiều Campuchia hồi hương, và cả bệnh nhân phong phục hồi tại trại phong Bình Minnh nữa. Ngoài ra, sau ngày 30-04-1975 còn có số dân cư thành phố Hồ Chí Minh cũng đến theo chính sách xây dựng vùng kinh tế mới. Do vậy, giáo xứ gồm nhiều thành phần của các Giáo phận từ Bắc chí Nam, kể cả giáo phận Nam Vang.



Tuy thế, với đức tin và lòng mong ước có một nơi tập trung để nguyện cầu sáng, tối, giáo dân đã tự động góp công sức, vật chất để xây dựng nên một nhà nguyện tạm rộng 150 m vuông bằng vật liệu tiền chế của bốn ngôi nhà dân đã bỏ về thành phố sau ngày 30-04-1975. Cha Antôn đã đến với giáo đoàn đang khắc khoải mong đợi một vị chủ chiên. Và một lần nữa, giáo dân đã góp tay dựng thêm một nhà xứ mái tôn vách đất cho hai cha có nơi trú ngụ.


thvs_5



Giữa một đoàn chiên dao động, khó khăn, hai cha đã bắt đầu công tác mục vụ từ con số không : “không nhà xứ, không người giúp đỡ, không điều kiện sống…”. Dầu bữa ăn chỉ là củ khoai mì, rồi tráng miệng cũng bằng sắn khoai, nhưng hai cha đã vừa giúp đỡ thăm viếng, an ủi giáo đoàn, vừa lao động cật lực để sống : làm nông dân sản xuất sắn dây và làm cả tiều phu đốn củi, đốt than….nhưng sáng, chiều cha Antôn và giáo dân vẫn hợp nhau cùng dâng thánh lễ để vang lên lời ca tụng Chúa trong ngôi nhà thờ tạm.



Nhà thờ tọa lạc trên đỉnh đồi khô cằn thuộc khu vực Ấp 04 của xã, cho nên vào thời điểm đó chính quyền vẫn gọi là nhà thờ Ấp 04. Qua nhiều phen mưa Nắng, mối mọt mau chóng biến dạng phủ lên Nhà Chúa sự nghèo nàn như hang đá Be-lem xưa. Bên hông nhà thờ, dưới một lùm cây là một vỏ trái bom thay chuông nhà thờ cứ vang lên sáng, chiều tha thiết mời gọi bà con giáo dân tụ tập Nhà Chúa. Có người ví von tiếng chuông tựa tiếng đàn của các thiếu nữ Si - on tại bờ sông Babilon thửơ trước.



b. Xây dựng thánh đường



Nhà thờ nhỏ tạm dựng bằng vật liệu nhẹ, thời tiết và mối mọt làm xuống cấp nhanh chóng, thường xuyên phải chắp vá, sửa sang, cộng với diện tích quá nhỏ hẹp giáo dân phải đứng giữa mưa nắng để tham dự thánh lễ và các giờ Phụng vụ. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, đường sá đến nhà thờ thật khó khăn. Cho nên từ những năm 80, cha Antôn luôn nghĩ đến phương án di chuyển nhà thờ đến một địa điểm mới, thích hợp. Năm 1984, cha Antôn và cộng đoàn giáo dân đã gởi đơn xin phép chính quyền cho di đời và xây dựng mới thánh đường giáo xứ Tân Hiệp trên khu đất bằng phẳng tại giữa ấp 03 và ấp 04 của xã.


thvs_2



Sau 7 năm chờ đợi, ngày 23-02-1991, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định số 253/QĐ - UBT chấp thuận cho phép di dời và xây dựng thánh đường mới trên quy mô 512 mét vuông. Rồi, quyết định số 287/UBH ngày 10-06 -1991 của UBND huyện Long Thành về địa điểm xây dựng. Cuối cùng, quyết định số 20 ngày 11-07-1991 của sở xây dựng Đồng Nai chấp nhận sơ đồ thiết kế thánh đường.



Được chính quyền chấp thuận cho phép xây dựng thánh đường đã không dễ dàng, thì để thực hiện được ước mơ có một nhà thờ to, đẹp cho số lượng giáo dân đến cầu nguyện ngày càng đông lại không đơn giản chút nào. Nhất là cộng đoàn giáo dân ấy, thực tế cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm.



Tin tưởng vào Chúa, bằng uy tín và nhiệt tình, cha Antôn đã ngược xuôi vận động từng đồng bạc, từng bao Xi-măng… để công trình xây dựng bắt đầu được khởi công.



Với sức lực, mồ hôi, nước mắt của Cha Antôn đã trở thành lễ vật cùng dâng lên Thiên Chúa trong các thánh lễ. Tháng 11-1986, tai nạn giao thông đã ập đến với cha Antôn  và giáo dân Giuse Đồng Văn Cải ngay trên đường đi vận động. Người giáo dân đã về với Chúa để tiếp tục cầu xin cho ước nguyện của giáo đoàn, còn cha Antôn phải hơn nửa năm đau đớn thân xác chờ cho những mảnh xương chậu gắn liền lại, để rồi tiếp tục phục vụ.



Tháng 09-1991, toàn thể giáo dân ra quân dọn dẹp mặt bằng, phóng tuyến móng và đào lỗ chân cột để cuối tháng 12-1991, đội thi công, do ông Nguyễn Văn Đáng chỉ huy thực hiện theo bản thiết kế và kiểm tra của kiến trúc sư Nguyễn Lê Kiên bắt đầu làm phần móng, cột và đổ nền chuẩn bị đặt viên đá đầu tiên ngày 22-02-1992. Sau hơn một năm tổng lực xây dựng, ngày 05-03-1993, thánh đường Tân Hiệp dâng kính thánh Vicenté được Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chủ sự lễ khánh thành và cung hiến bàn thờ.


thvs_1



c. Xây dựng những công trình khác



Hoàn tất việc xây dựng thánh đường Vicenté, cha Antôn còn tiếp tục xây dựng cho giáo xứ Tân hiệp những công trình quan trọng khác như :



Nghĩa trang Công Giáo



Cha_Co_Hieu_2Với hơn một héc-ta đất bằng phẳng cách thánh đường khoảng 200m2, nghĩa trang Công giáo xã Tân Hiệp cũng là một minh chứng cho tầm nhìn xa, trông rộng và khôn khéo của Cha Antôn. Năm 1983, khi nông trường cao-su phóng nọc trồng cây cao-su, cha Antôn đã vận động được mảnh đất tại lô số 192 và hiện nay đã có khoảng 500 giáo dân Tân Hiệp an nghỉ.



Nhà xứ



Thay thế ngôi nhà tranh vách đất ngày mới thành lập, cha Antôn đã xây một nhà xứ khang trang, rộng rãi, thoáng mát với bốn phòng dành cho quý cha, quý thầy sử dụng. Nhân dịp ngày kỷ niệm 50 năm khấn dòng của cha Antôn, Cha Giuse Đinh Châu Trân, Giám Tỉnh Dòng Đa-Minh đã cắt băng khánh thành và làm phép tượng thánh Đa-Minh trước nhà xứ.



Nhà Giáo lý



Việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi hoặc giáo lý sống đạo, hôn nhân cho thanh niên rất quan trọng đã được cha Antôn quan tâm, tổ chức ngay từ những ngày đầu mới thành lập giáo xứ. Dưới bóng cây tràm bông vàng hoặc trong nhà nguyện tạm, giáo lý viên và các em say sưa học hỏi giáo lý và Lời Chúa… Ngay khi xây dựng xong thánh đường, thì việc học giáo lý cũng chỉ được tổ chức ngay trong thánh đường. Nếu tổ chức các lớp học tình thương hoặc các hội đoàn sinh hoạt thì phải tận dụng tiền sảnh của nhà xứ.



Năm 1993, cha Antôn không quản ngại khó khăn và mệt nhọc, đã tiếp tục cho xây dựng một nhà giáo lý gồm 3 phòng khang trang để dạy giáo lý và sinh hoạt các hội đoàn.



Hang đá đức Mẹ lộ Đức và tượng đài thánh cả Giuse



Đây là những công trình cha Antôn hằng ao ước và chuẩn bị từ hàng chục năm. Như kiến tha mồi, cha Antôn đã vận động một số anh em tài xế gom đá từ các nương rẫy để có đá xây hoặc đổ đất làm móng các công trình.



Năm 2002, cha Antôn cho xây dựng cổng thánh đường, rồi hang đá Đức Mẹ, tượng đài Thánh Cả Giuse để đáp ứng lòng sùng kính của giáo dân.



Hang đá và tượng đài được khánh thành trong ngày kỷ niệm mừng kim khánh linh mục và thượng thọ 80 năm tuổi của cha Antôn.



Sau thời gian dài chu toàn trách nhiệm mục tử Chúa trao phó, vì tuổi già sức yếu cha cố Antôn đã được phép của Đức Giám Mục Giáo Phận Đaminh Nguyễn Chu Trinh và Cha Bề Trên Giám tỉnh, Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam cho phép về nghỉ hiu.



Trước lúc rời giáo xứ về nghỉ hiu ngày 08/07/2006, cha Antôn đã chuyển giao chức chánh xứ Giáo xứ Tân Hiệp cho cha Giuse Phạm Quang Sáng, để tiếp tục hướng dẫn và giúp giáo xứ  tiến bước trên hành trình đức tin trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương. Vào 04 tháng cuối của cuộc đời, cha Antôn hưu dưỡng tại giáo xứ và đã qua đời tại đây. Ngài đã được an táng tại chân núi Đức Mẹ trong khuôn viên thánh đường giáo xứ Tân Hiệp vào ngày 22/04/2009.



Trong thời gian tiếp quản giáo xứ, để giúp Ban Hành Giáo của Giáo xứ có nơi làm việc và tiếp khách được khang trang, thuận tiện, cha Giuse đã khởi công xây dựng phòng khách của Giáo xứ và văn phòng cho Ban Hành Giáo.



Thế nhưng, thời gian tiếp quản chức chánh xứ của cha Giuse chưa được bao lâu thì lại được lệnh Bề Trên bổ nhiệm cha về làm chánh xứ, Giáo xứ Ngọc Đồng (Hố nai).



Vì thế, công việc thuyên chuyển lại tiếp tục, vào ngày 25-10-2008, cha Giuse Phạm quang Sáng lại chuyển giao Giáo xứ tân Hiệp cho cha Giuse Nguyễn Văn Đạt OP. Từ đó tới nay, dưới sự dẫn dắt của cha Giuse Nguyễn Văn Đạt, Giáo xứ mỗi ngày một phát triển cả về tinh thần đến cơ sở vật chất.



(Trích kỷ yếu mừng kim khánh LM và thượng thọ Bát tuần của


cha cố Antôn Nguyễn Đức Hiếu,O.P.)


 



 

114.864864865135.135135135250