03/07/2011 -

Đa Minh Việt Nam

856



Hiệp Thông Huynh Đệ




Từ chuyện tháp Babel…


Theo sách Sáng thế (11,1-9), sau lụt hồng thủy, loài người muốn xây một tháp cao chạm tới trời, biểu tượng cho khả năng con người muốn làm gì cũng được. Nhưng Chúa đã phạt họ vì ý tưởng đó bằng cách làm cho họ phải nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, khiến họ không thể hiểu nhau được. Tháp Babel trở thành biểu tượng của sự hỗn độn. Tuy nhiên, trong trình thuật lễ Ngũ tuần (Cv 2,6-12), thánh Luca cho thấy rằng Chúa Thánh Thần đã làm thay đổi cảnh tượng tháp Babel. Tin Mừng được rao giảng qua các ngôn ngữ khác nhau. Các ngôn ngữ đa dạng không còn là dấu hiệu của hỗn độn nhưng trở thành dụng cụ phong phú của tính chất đa dạng.


…đến chuyện hiệp thông huynh đệ


Lời nói chính là trung gian của tâm tưởng bên trong và hành động bên ngoài. Từ lời nói mà sinh ra chia rẽ, thì cũng từ lời nói mang lại hiệp thông. Anh chị em Dòng Giảng Thuyết càng có lý do để suy gẫm thêm về lời nói hơn nữa, vì chính ơn gọi của Dòng là giảng thuyết: chia sẻ cho người khác những điều mình đã chiêm niệm.


Nói với nhau


Khởi đi từ Sách Hiến pháp và chỉ thị: “Như tu luật dạy, sỡ dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa. Sự thống nhất này vượt qua các ranh giới tu viện, đạt tới sự viên mãn khi hiệp thông với tỉnh dòng và toàn Dòng” SHC, 2 § I, ta cũng gặp thấy tinh thần hiệp thông huynh đệ cộng đoàn nơi Luật sống của Huynh đoàn giáo dân: “Họ phải hết lòng hết sức sống sự hiệp thông huynh đệ đích thực trong mọi hoàn cảnh theo tinh thần của các mối phúc, bằng việc thực thi bác ái, chia sẻ những gì mình có cho anh chị em trong Huynh đoàn, đặc biệt những anh chị em nghèo túng và yếu đau, cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời, để tất cả chỉ một lòng một ý trong Thiên Chúa.” Quy luật HĐGDĐM, 8


Như vậy để lời rao giảng của người Đa Minh về một Thiên Chúa yêu thương được vang xa, thì trước hết lời rao giảng về tình huynh đệ cộng đoàn phải là một chứng từ. Nói với nhau và lắng nghe nhau phải là điều kiện thiết yếu để ta có thể nói với tha nhân và lắng nghe tha nhân.


Phải nói với nhau thế nào? Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô dạy chúng ta rằng: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe”( Ep 4,29).  Và đây, ta hãy chiêm ngắm những lời của Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34), “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,11) … Đó là những lời mà khi Người ứng khẩu: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”(Lc 4,22).


Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Mong sao, lời nói của chúng ta mỗi khi ứng khẩu phải là lời xây dựng, lời khích lệ, lời an ủi, lời cảm thông, và là lời chia sẻ; tránh những lời nói sau lưng, lời nói đùa tai hại, lời nói vô tình hay hữu ý làm phá đổ tình hiệp thông huynh đệ.


Kết luận


Một câu chuyện cổ điển của Hy Lạp kể lại rằng: ông Esope (k.620-560 trước CN), một nô lệ được ông chủ (tên là Xanthos) sai đi chợ và dặn: “Hãy mua món gì ngon nhất”. Ông Esope mua toàn lưỡi. Chủ hỏi vì sao, ông đáp: “Ở trên đời không có gì tốt hơn lưỡi. Đó là mối dây đoàn kết của xã hội, chìa khoá của khoa học, cơ quan của lý luận, của luân lý, của thành tín”. Để bắt bí ông Esope, hôm sau ông chủ sai đi chợ nữa và dặn: “Hãy mua món gì dở nhất”. Ông Esope cũng mua toàn lưỡi. Hỏi vì sao, ông thưa: “Ở đời không còn có gì xấu hơn lưỡi. Đó là mẹ đẻ của kiện cáo, nguồn gốc của chia rẽ, của giặc giã, quê hương của nguỵ biện, của vu cáo, của hành vi bất tín thành”.


Lời nói vốn tự nó là tốt, là công cụ để dựng xây tình hiệp thông huynh đệ, nhưng cũng sẽ là dụng cụ để phá vỡ sự hiệp thông nếu ta không dùng đúng cách. Công cụ là cái không thể thiếu đối với người lao động, để công việc được hoàn trọn tốt đẹp thì công cụ phải được mài dũa, bảo trì. Với người Đa Minh, công cụ rao giảng của chúng ta là lời nói, lời nói của chúng ta cần được đặt trong tình hiệp thông huynh đệ mà mài dũa, mà bảo trì. Tình hiệp thông huynh đệ đó lại được đặt trong lời của cầu nguyện, lời chia sẻ với tha nhân, và lời nói mà hằng ngày ta trao đổi với nhau.


Jos. Duy Linh, OP.


(Chia sẻ TMHĐGD ĐM tháng 7.2011)


 

114.864864865135.135135135250