02/09/2022 -

Đa Minh Việt Nam

1175



 

Vừa qua, cha Phêrô Lâm Phước Hùng, O.P., Đặc trách Thường huấn, đã phối hợp với Trưởng ban Tông đồ của Tỉnh dòng để tổ chức đợt Thường huấn dành cho các anh em Đa Minh đang hiện diện tại vùng đất Tây Nguyên. Chương trình này diễn ra trong hai ngày (23-24.08.2022), tại giáo xứ Kon RơBàng, giáo phận Kontum. Chủ đề được chọn cho dịp Thường huấn này là: “CHIỀU KÍCH SỨ MẠNG HỌC TRONG THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI”. Đề tài này được trình bày bởi Lm. Giêrônimô Nguyễn Đình Công, Giám đốc Các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo tại Việt Nam.

Có thể nói, đây là một trong những lần hiếm hoi mà các anh em được tham dự một kỳ Thường huấn đúng nghĩa, nhất là với các anh em đã và đang phục vụ tại vùng đất Tây Nguyên. Những tất bật với việc mục vụ nhiều lúc khiến chúng ta quên mất nhu cầu tự đào luyện và làm mới chính mình. Những khó khăn trong khi thi hành sứ vụ, lắm khi khiến chúng ta sao nhãng tình huynh đệ, nhạt nhòa trong nối kết và rời xa tính hiệp lực của tinh thần Dòng. Trong chiều hướng đó, cuộc gặp gỡ này dường như vượt lên trên ý nghĩa của một cơ hội để học hỏi, để ôn lại những kiến thức vốn bị lãng quên; nhưng còn là dịp để các anh em ngồi lại, lắng nghe, cảm thông và đón nhận nhau.

Các đề tài được vị giảng huấn giới thiệu khá thú vị và bám sát với thực trạng truyền giáo của các anh em cũng như công cuộc Loan báo Tin Mừng của Giáo hội:

Đề tài I: Hiểu đúng, hiểu đầy đủ về truyền giáo và huynh đệ;

Đề tài II: Chiều kích truyền giáo trong Fratelli Tutti;




Đề tài IIINhững yếu tố phá hủy tình huynh đệ và hoạt động truyền giáo tại Việt Nam;




Đề tài IVCác Hội Giáo hoàng Truyền giáo và Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản hiện thực hóa tình huynh đệ trong truyền giáo.


Chúng ta cần lưu ý rằng, truyền giáo là một hành động của Thiên Chúa mà qua đó, Thiên Chúa mặc khải chính Ngài. Khi nói đến một hành động, tức là nói tới việc giải quyết chứ không chỉ dừng lại ở việc giải thích vấn đề. Thật vậy, việc truyền giáo đòi hỏi người môn đệ dấn thân thi hành mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh chứ không chỉ ngồi một chỗ để chỉ vẽ hay khuyên nhủ người khác dựa trên mớ lý thuyết suông, thiếu tính thực tiễn. Ngoài ra, nhà truyền giáo phải là người biết tuân hành ý Chúa chứ không phải tùy tiện làm theo ý của riêng mình. Nói khác đi, chúng ta phải làm mọi việc để Vinh Danh Chúa chứ không phải tìm cách để vinh danh chính mình.
Nhà truyền giáo cần nhớ rằng, việc truyền giáo phải được nhìn nhận như một sự nghiệp chứ không phải đơn thuần là một công việc. Nói khác đi, một khi nhấn mạnh đến sự nghiệp thì hẳn nhiên nó mang tính cống hiến thay vì chỉ giống như việc tìm kiếm thứ gì đó nhằm phục vụ cho một cuộc mưu sinh. Truyền giáo bao trùm hai đặc tính, đó là khẩn thiết và luôn đòi hỏi sự mới mẻ. Chính vì lẽ đó, nó mời gọi các nhà truyền giáo phải không ngừng dấn thân và luôn biết làm mới chính mình.
 

Thông điệp Fratelli Tutti chỉ ra rằng, nếu như tình bằng hữu cung cấp cho chúng ta ba giá trị chuẩn mực: sự thân thiết, sự khích lệ và đòi hỏi dám chịu trách nhiệm; thì khái niệm về tình huynh đệ lại giúp định vị những tương quan. Trước hết, họ phải cùng nhau theo đuổi một lối sống của Tin Mừng. Thứ đến, họ không phải là những cá vị đặt cạnh nhau nhưng là liên kết để hình thành những nhóm người có khả năng liên đới và đồng trách nhiệm. Cuối cùng, tương quan của mọi người đều phải dựa trên sự bình đẳng.
Mặt khác, thông điệp Fratelli Tutti cũng đề cập đến ba chiều kích chính yếu liên quan tới việc truyền giáo đó là: Tự do – hòa bình – liên đới, hướng tha và cánh chung. Một lần nữa thông điệp này nhấn mạnh rằng, tự bản chất, việc truyền giáo phải đem lại tự do, hòa bình và liên đới. Điều đó nói lên rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa tặng ban không ai có quyền độc chiếm cho riêng mình. Thứ đến, chiều kích hướng tha thúc đẩy hoạt động truyền giáo nhắm đến muôn dân muôn nước, và mục đích cuối cùng là làm sao để mọi người đều nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa. Một khía cạnh quan trọng hơn cả đó là chiều kích cánh chung mà việc truyền giáo không được phép lơ là. Ở đây, ĐTC mời gọi hết thảy chúng ta cần phải biết hòa giải và tha thứ vô điều kiện. Chính điều này sẽ giúp cho những người môn đệ luôn hướng đến những giá trị vĩnh cửu, đồng thời biết thiết tha dấn thân đến cùng.
Không dừng lại ở đó, vị giảng huấn còn nhấn mạnh đến một trong những yếu tố góp phần phá hủy tình huynh đệ và hoạt động truyền giáo tại Việt Nam đó là chủ nghĩa “giáo sĩ trị”. Ở một khía cạnh nào đó, nó hủy hoại nhân cách, làm giảm thiểu và thậm chí là hạ thấp ơn ích của Bí tích Rửa tội mà chính Chúa Thánh Thần đã đặt để vào tâm hồn các tín hữu. Ngoài ra, nó cũng gây cản trở sự tham gia tích cực của người giáo dân vào việc rao giảng Tin Mừng; đồng thời khiến cho bộ mặt của Giáo hội trở nên hoen ố và không còn khả năng làm chứng cho Tin Mừng. Nói một cách khác, chính chủ nghĩa giáo sĩ trị là nguyên nhân gây ra khủng hoảng căn tính của người môn đệ cũng như cổ xúy cho một Giáo hội cứng nhắc theo cơ cấu phẩm trật.
Song song với đó, thái độ cộng tác nửa vời cũng là một nguyên nhân khiến cho công cuộc Loan báo Tin Mừng gặp nhiều ngăn trở. Nó đến từ sự ích kỷ của con người, gây lãng phí nguồn nhân lực và cuối cùng là đưa đến một sự dấn thân cầm chừng, dễ thoái lui hoặc mau nản chí. Chủ nghĩa giáo sĩ chỉ quan tâm đến lãnh vực quản trị hơn là tạo ra các sáng kiến góp phần thúc đẩy công cuộc truyền giáo. Điều này khiến cho kế hoạch của Giáo hội bị phân mảnh, phá hoại tính toàn diện và bền vững của sự cộng tác lẽ ra phải có khi dấn thân phục vụ Tin Mừng. Tư duy cục bộ và thói khôn vặt chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm chứ không vì Tin Mừng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người ta chỉ lo chăm chút cho những mục tiêu ngắn hạn và nhất thời. Để khắc phục tình trạng này, các nhà truyền giáo của chúng ta cần phải xác định cho được điều nào là chính yếu, là trọng tâm. Ngoài ra, một lưu ý rất quan trọng đó chính là chuyên cần học hỏi Lời Chúa và không được xa rời các giáo huấn của Hội Thánh.


Khép lại những ngày tham gia đợt Thường huấn, chắc hẳn mỗi người trong anh em đều kín múc được thứ gì đó hữu ích cho bản thân. Là những người đang trực tiếp dấn thân nơi vùng đất truyền giáo này, vậy nên các anh em thừa hiểu rằng, ôm ấp và chất chứa trong tâm hồn những ước mơ cao đẹp thôi thì chưa đủ. Thật vậy, sứ mạng truyền giáo luôn cấp bách và cần lắm những tâm hồn quảng đại, nhiệt thành dấn thân và sẵn lòng trở nên những chứng tá cho Tin Mừng. Vẫn còn đó những khó khăn không thể lường trước; nhưng nếu mỗi người trong chúng ta biết thực tâm chung chia sứ vụ thì có thể tự tin mà nói rằng, sự hiện diện của Dòng sẽ luôn tích cực, năng động và không ngừng mở ra những chân trời mới.

 

114.864864865135.135135135250