20/09/2021 -

Chuyên đề

842

1. Chuyện chúng mình:
 
TẤT CẢ ĐỂ LÀM VINH DANH CHÚA

 Đêm nay, xe chúng tôi di chuyển trong một cơn mưa khá lớn, bên ngoài từng cơn gió quật mạnh làm lạnh cả người. Tôi cũng chẳng còn nhớ đây là lần thứ mấy tôi trực ca đêm, đang miên man suy nghĩ thì xe bỗng dừng lại và chúng tôi đã có mặt tại bệnh viện. Lúc này từng đoàn xe của các nơi cũng vừa đến, nhìn mọi người di chuyển trong đêm thật vất vả, nhưng không vì thế mà nản lòng vì ai cũng đã chuẩn bị tinh thần để bước vào ca trực.
Chờ ngớt mưa, tôi cùng các anh chị tiến vào để mặc bộ đồ bảo hộ. Thường theo sức khỏe của tôi, tôi chỉ có thể mặc bộ đồ cấp 3, nhưng hôm nay đã hết. Một chị đưa cho tôi bộ đồ cấp 4, tôi bảo tôi không mặc được và sẽ bị ngộp. Nhưng được một lúc tôi quyết định mặc bộ đồ này, đúng là nóng thật, chưa gì mồ hôi mẹ mồ hôi con đã tuôn tới tấp, vừa mặc tôi vừa đọc: "Lạy Chúa, xin thêm sức cho con."
Thế là mọi việc cũng hoàn tất. Tôi và mọi người tiến vào trong khoa. Đúng là ban đầu bộ đồ làm cho tôi khó chịu và khó thở, nhưng sau một lúc tôi cảm thấy nó dễ chịu lạ thường và thoải mái là khác. Tôi tạ ơn Chúa. Có nhiều người vẫn thắc mắc ban đêm thì tôi sẽ làm gì trong bệnh viện? Đối với tôi, trong bệnh viện ban đêm cũng như ban ngày vì lúc nào cũng sáng, có chăng công việc ban đêm sẽ đỡ hơn. Tôi tiếp tục hành trình đi từ trên xuống dưới.
Trước tiên, tôi đến thăm những người bạn thân thương (hiii). Khi bước vào, tôi cũng không để ý cái tờ giấy dán ở trước cửa phòng nên khi nhìn thấy mọi người tôi vẫn như thường khi đến và bắt tay chào hỏi. Một Chị vui mừng nói với tôi: "Sơ ơi! Chúng em test kết quả âm tính hết rồi." Tôi liền chúc mừng mọi người và cũng chợt nhận ra, bây giờ các anh chị đã khỏe và không còn là F0, nhưng lúc này tôi là F1. Tôi giải thích cho các anh chị hiểu, tôi cũng ngậm ngùi chia tay mọi người vì từ lúc này tôi sẽ không được bắt tay hay chạm vào mọi người như trước nữa nhưng chỉ có thể đứng từ xa và vẫy tay chào. Tôi nói lời chúc mừng và chia tay các anh chị. Các anh chị cũng vẫy tay chào tôi.
Sau đó, tôi lại đi vào các phòng bệnh khác, nơi có nhiều người cũng không tròn giấc ngủ. "Sơ ơi! Con đói. Sơ ơi, lấy nước giúp con." Tôi đáp ứng mọi sự. Tôi cứ lòng vòng xem ai cần gì để giúp đỡ. Công việc lúc này gần như đã hoàn thành. Tôi dừng lại và nghỉ chân.
Khoảng 1 giờ sáng tôi lại tiếp tục đi. Và lúc này là những câu chuyện được chia sẻ trong đêm. Một em điều dưỡng hỏi tôi về ơn gọi của tôi, về công việc tôi đang phục vụ. Em hỏi: "Sơ ơi! Sơ vào đây Sơ có sợ không?” Tôi trả lời: "Ban đầu thì có nhưng giờ thì hết rồi. Sơ thương các bệnh nhân. Họ không phải là con virus nhưng họ chỉ bị nhiễm thôi. Họ cô đơn và thất vọng và họ đang cần những bàn tay, những trái tim để yêu thương và giúp họ vượt qua đau bệnh này." Tôi ngồi với em một hồi lâu. Sau đó lại tiếp tục đi đến những phòng có bệnh nhân đang thở máy, cứ lặng lẽ vậy đó, vào để xem tình hình bệnh nhân như thế nào. 
Khi tôi vào em không để ý đến tôi nhưng được một lát, em nhận ra tôi và nói nhỏ với tôi: "Con mời Sơ vào." Thật sự tôi và em cũng đã khá quen nhau. Lúc này tôi huých nhẹ vào tay em và cả hai cùng cười. Em là một người rất tận tâm trong công việc. Có những lần tôi thấy em rất mệt nhưng khi tôi hỏi hay cần gì em vẫn rất ân cần hướng dẫn tôi.
Thế là tôi và em đi xem các giường bệnh nhân, tôi hỏi tình trạng bệnh nhân rồi những bộ máy thiết bị mà tôi chưa hiểu tôi cũng hỏi em nốt. Em chia sẻ cho tôi công việc em đang làm… Đúng là tôi được mở mang tầm nhìn hơn khi được trông thấy máy lọc máu ECMO, cái máy mà tôi mới chỉ được nghe bây giờ đã được tận mắt chứng kiến. Sau đó, tôi chia tay em và trở lại phòng bệnh nhẹ hơn.
Tôi đi vào cuối phòng thì nhận ra một bệnh nhân, ban đầu tình trạng cũng khá nặng nhưng hôm nay đã được chuyển xuống đây. Tôi tiến lại gần và chúc mừng cô và cô cũng nhận ra tôi. Cô hỏi tôi nhiều điều: "Sơ đạo Chúa, Sơ đi tu, nhà Sơ có mấy anh chị em… Ba mẹ Sơ có đồng ý cho Sơ tu không?" Tôi trả lời cho cô hết những câu hỏi đó và cô cũng chia sẻ cho tôi nghe hoàn cảnh của cô. Lúc này thấy cô vui vui. Tôi bắt đầu nói với cô một chút về Chúa, nhưng cô nói cô là người đạo Phật. Tôi nói không sao, bây giờ cô cứ nói theo con nhé: "Lạy Chúa, con là người ngoại đạo nhưng con tin có Chúa. Xin Chúa chữa lành cho con và gia đình con." Ban đầu cô còn hơi ngập ngừng nhưng một lúc sau thì vui vẻ đọc theo tôi. Sau đó, tôi nói cô ngủ để có sức và tôi âm thầm nói với Chúa: "Tất cả để làm vinh danh Chúa”.
Tôi rời đi. Thế là một ca trực nữa xong. Tôi thức dậy và đón bình minh của ngày mới. Ngoài cổng bệnh viện các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế cũng đã có mặt để bắt đầu cho ca trực ngày mới. Vui hơn nữa là khi về đến nhà tôi nhận được tin nhắn từ một bệnh nhân gửi: "Cám ơn Sơ, sáng nay em đã cầu nguyện Chúa như lời Sơ dạy." Tôi hỏi chị cảm thấy thế nào, chị nhắn tin: "Thấy an lòng, thoải mái tinh thần lắm sơ… Cảm thấy có sự che chở vô hình." Tôi tạ ơn Chúa và thầm nói: "Em tin Chúa chữa lành cho Chị." Thế là tôi chìm vào giấc ngủ sau một đêm dài phục vụ.
Tạ ơn Chúa, "Tất cả để làm vinh danh Chúa."
Rosa Hoàng Kim Anh
(Nguồn: http://daminhrosalima.net/giao-duc/nhat-ky-tu-si-tu-benh-vien-covid-19-tat-ca-de-lam-vinh-danh-chua-33596.html)
 
2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Thổ Nhĩ Kỳ 6.337.070 61.574 6.847.259
2 Đức 3.888.90 93.585 4.151.81
3 Brazil 20.280.294 590.752 21.239.783
4 Việt Nam 457.505 17.090 687.010
Thế giới 205.878.231 4.704.837 229.257.051
Cập nhật lúc 6g, ngày 20.9.2021
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 8,16-18, thứ Hai, tuần XXV Thường niên – nhớ các thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasang và các bạn tử đạo)
            Công dụng của đèn là soi sáng. Bởi đó, không ai lại khờ khạo đến độ thắp đèn rồi lại đặt dưới gầm giường nhưng là đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Trong đời thường ngày, Kitô hữu chúng ta cũng được ví như ngọn đèn, đó là ngọn đèn đức tin. Trong ý nghĩa đó, đức tin ấy cũng phải được chiếu sáng ra bên ngoài bằng việc sống đạo, bởi vì chẳng ai có thể nhận thấy được đức tin của chúng ta, nhưng chính qua cách sống đạo mà người khác nhận ra đức tin nơi những người xưng mình là Kitô hữu.
Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy, thể hiện niềm tin ra bên ngoài bằng việc sống đạo, là một đòi hỏi tất yếu không thể thiếu được, bởi vì: “Chẳng có gì bí mật mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng”. Như vậy, có đức tin mà không sống đức tin, thì cũng giống như Đức Giêsu nói: “Kẻ không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. Một thứ đức tin yếu kém sẽ không giúp cho người ta đủ sức vượt thắng những cơn cám dỗ và cũng chẳng giúp ích gì trong việc nỗ lực thực thi những đòi buộc của Tin Mừng.
Ngoài ra, giữa một thế giới còn đầy dẫy bóng tối của sự dữ và tội lỗi, người Kitô hữu còn phải có bổn phận trở thành ánh sáng để dẫn lối cho những người đang bước đi trong tăm tối, nhất là giúp họ nhận ra được ánh sáng đích thực là chính Đức Giêsu. Đây không phải là một chỉ dẫn tùy hứng của Giáo Hội nhưng là một lệnh truyền của Đức Giêsu khi Ngài nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu sáng trước mặt thiên hạ, để họ trông thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em” (Mt 5,16).
Mặt khác, chấp nhận làm chứng cho Đức Giêsu cũng có nghĩa là chấp nhận bị bách hại. Thật vậy, bị bách hại là điều tất yếu phải xảy đến đối với người Kitô hữu bởi vì họ được ví như ánh sáng thế gian. Ánh sáng và bóng tối không thể đội trời chung. Nơi nào có ánh sáng, thì nơi đó bóng tối bị đẩy lui. Còn nơi nào có bóng tối hiện diện thì ánh sáng bị chế ngự. Đức Giêsu còn nói rõ ràng hơn: “Nếu thế gian ghét các con thì hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian đã yêu thích những gì thuộc về nó nhưng các con không thuộc về thế gian”. Nếu số phận của Giáo Hội là bị bách hại vì làm chứng cho Đức Giêsu, thì những ai vì sợ bị bách hại mà tránh né sứ mạng làm chứng ấy sẽ có nguy cơ rơi vào lối sống đạo thỏa hiệp, giả hình. Bất cứ ai sống như thế thì cuối cùng sẽ là người bị tước mất cả cái mà họ tưởng mình đang có, đó là ân ban đức tin nhưng lại sử dụng chẳng nên.
Xét cho cùng, đón nhận và sống đức tin, chính là việc biết lắng nghe và đem ra thực hành Lời Chúa. Nếu chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống cụ thể, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban, không chỉ ở đời sau mà ngay cả ở đời này nữa, bởi vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất. Như thế, ơn Chúa ban, chẳng những giúp chúng ta kiên vững trong đức tin nhưng còn biến chúng ta trở nên ánh sáng cho Chúa trước mắt thế gian.
Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng thường hằng bất biến đã chiếu soi vào tận tâm trí và khai sáng để giúp chúng con hiểu được phần nào những mầu nhiệm cao siêu. Xin cũng hãy biến đổi chúng con trở thành ánh sáng của Chúa trước mặt người đời. Xin thương giải thoát chúng con khỏi bóng tối của sự dữ và dẫn đưa chúng con đến nguồn ánh sáng chân thật. Xin dẫn chúng đi trong ánh sáng của ngày cứu độ và đạt đến nguồn hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đã hứa ban.
 
4. Lời bàn
- Bản văn Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe thật vắn gọn, chỉ có ba câu. Thế nhưng, mỗi câu đều mang thông điệp như là một lời cảnh cáo cho đời sống của mọi Kitô hữu chúng ta. Mỗi một trong ba lời này sẽ được lặp lại một lần nữa nơi các chương (11,33; 12,2; 19,26). Việc lặp lại này chỉ rõ là phải hiểu những lời ấy như một tổng thể để tạo thành kết luận của giáo huấn bằng các dụ ngôn, nhằm giúp người ta hiểu và đón nhận Lời Chúa. Hơn nữa, khi nhấn mạnh về cách thức nơi người nghe, sẽ cho thấy một cách quy chiếu minh nhiên về những điều mà Đức Giêsu đã giải thích trong dụ ngôn người gieo giống đã nói tới trước đó (Lc 8,5-15).
- Câu 16 nhấn mạnh về bản chất của đời sống Kitô giáo là không chỉ gồm tóm những giá trị ẩn tàng, mà nhất thiết, nó còn cần được biểu lộ ra bên ngoài. Vì ngay trong bản chất, Kitô giáo là một sự gì đó phải được tỏ ra cho người khác nhìn thấy. Con người ta thường tìm kiếm những lý lẽ khôn ngoan để xua đuổi, thậm chí là loại trừ những kẻ không sống rập khuôn theo họ; bởi vì, những kẻ sống khác người dường như luôn tiềm ẩn những mối nguy, có thể gây ảnh hưởng lên các quyền lợi mà họ đang hưởng. Nhưng cho dù sống khác biệt là rất khó khăn, thì chúng ta vẫn có trách nhiệm không được hổ thẹn khi tỏ ra mình thuộc về Đấng Siêu Việt mà chúng ta đang hết lòng phục vụ. Nếu chúng ta nhận biết vấn đề cách đúng đắn thì đó không những là trách nhiệm, mà còn là một đặc ân. Kitô hữu cho dù nghèo khổ hay thấp kém đến đâu đi nữa thì cũng đừng bao giờ hổ thẹn, nhưng hãy cứ biết dương cao ngọn cờ đức tin của mình.
- Câu 17 nhấn mạnh đến sự không thể giấu kín, không thể che đậy mãi. Chúng ta thường muốn che giấu sự việc đối với ba mối tương quan sau đây. Trước tiên, đôi khi chúng ta ra sức che giấu với chính mình. Chúng ta thường nhắm mắt trước hậu quả mà chúng ta dường như đã biết rõ. Đơn cử như một người quyết tâm phớt lờ trước những triệu chứng của một căn bệnh mà người ấy biết rõ mình đang mắc phải, thậm chí là có thể đoán biết những hậu quả tai hại sẽ xảy đến trong một tương lai gần. Đó là một sự điên rồ. Thứ hai, đôi khi chúng ta ra sức che giấu đối với đồng loại. Sự việc gì rồi cũng có cách để tỏ bày ra bên ngoài. Người hạnh phúc là người không có gì cần phải giấu kín ai cả. Thứ ba, nhiều khi chúng ta cố gắng che giấu đối với Thiên Chúa. Thật sự thì không ai có thể làm được điều này; bởi vì nó nằm ngoài khả năng của chúng ta, và nhất là Thiên Chúa biết rõ từng chân tơ kẽ tóc mỗi người. Do vậy, nếu ai nghĩ mình có thể che giấu được Thiên Chúa, thì đó là một kẻ ảo tưởng kinh niên. Tốt hơn hết, chúng ta phải nên thường xuyên lặp lại những lời này để tra vấn lương tâm mình: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ lòng con”.
- Câu 18 lại nêu lên một định luật bất biến rằng, người nào có thì sẽ được cho thêm, còn kẻ nào không có sẽ đánh mất luôn điều mình đang có. Nếu ai đó có thân thể tráng kiện và chịu khó tập luyện luôn thì thân hình ngày càng chắc khỏe; còn nếu biếng nhác, thân thể của họ sẽ ngày một béo phì ra và như thế mất luôn thể trạng hiện đang có. Một học sinh càng học thì càng có khả năng gây được hứng thú trong học tập; nhưng ngược lại, nếu lười biếng, rất có thể sẽ mất luôn cả những kiến thức đã có. Nói cách khác, đừng bao giờ để sự ngưng trệ xuất hiện trong đời sống. Chúng ta luôn phải biết tiến lên, bằng không sẽ lùi lại. Kẻ thành tâm tìm kiếm thì bao giờ cũng gặp được những điều mới mẻ và thú vị; còn những kẻ không muốn khám phá thêm hoặc ngại dấn thân vào các cuộc phiêu lưu thì sẽ mất luôn những gì mình đã từng thủ đắc được.
- Hình ảnh chiếc đèn gợi lên thứ hạnh kiểm mà mọi người Kitô hữu phải có: những hành động họ làm phải được biểu lộ ra và soi sáng cho kẻ khác. Bởi vì, nếu Chúa ban cho các môn đệ khả năng hiểu biết những mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài, thì đó không phải là để cho họ giữ kín cho riêng mình, nhưng là thôi thúc họ lên đường và loan báo những thực tại đã bị che kín bấy lâu nay. Trong Giáo Hội, Lời Chúa được lan truyền bằng trọn cả cuộc sống của những người đã lãnh nhận Lời. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn sử dụng một câu tục ngữ bình dân, Ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”, để giảng dạy cho các môn đệ về một giáo huấn sau cùng. Người nào càng thực hiện một cách trung thành những gì đã nghe thì người đó càng đạt tới mức trưởng thành của Kitô giáo. Còn nếu càng ít thực hiện thì Lời Chúa sẽ không thể trở thành men trong cuộc sống. Khi đó, việc hiểu biết mầu nhiệm về Thiên Chúa sẽ càng trở nên trừu tượng và không sinh hiệu quả trong đời sống hằng ngày nơi những người nghe. Nói khác đi, một đức tin yếu kém sẽ là một thứ thiệt thòi nếu như không nói là người ta sẽ phải đối diện với nguy cơ mất luôn những gì mình đang có.
- Vui hơn nữa là khi về đến nhà tôi nhận được tin nhắn từ một bệnh nhân gửi: ‘Cám ơn Sơ, sáng nay em đã cầu nguyện Chúa như lời Sơ dạy’. Tôi hỏi chị cảm thấy thế nào, chị nhắn tin: ‘Thấy an lòng, thoải mái tinh thần lắm sơ… Cảm thấy có sự che chở vô hình’. Tôi tạ ơn Chúa và thầm nói: ‘Em tin Chúa chữa lành cho Chị’. Thế là tôi chìm vào giấc ngủ sau một đêm dài phục vụ”. Cuộc sống xô bồ khiến ai nấy đều trở nên bận rộn, đến nỗi nhiều lúc chúng ta chẳng kịp nhận ra những niềm vui nho nhỏ, có khi từ những chuyện rất đỗi tình cờ. Dẫu đơn sơ nhưng kì thực, chúng lại có thể đưa đến cho con người ta những điều thi vị, giúp sưởi ấm những cõi lòng đang mệt mỏi, chán chường.
- Tôi từng nhiều lần tận hưởng cảm giác giống như người chị em này khi đến với các bệnh nhân. Tôi là “khách hàng” thường xuyên của bệnh viện Ung bướu, đến độ “nhẵn mặt” ở các khoa khám chữa bệnh nội trú. Cũng vì lẽ đó nên tôi luôn cảm thấy rằng, chẳng có ở đâu mà tinh thần của các bệnh nhân lại dằn vặt và dễ rơi vào tuyệt vọng như trong các bệnh viện Ung bướu. Cũng dễ hiểu thôi, các bệnh nhân vào đây thường bị ám ảnh bởi số phận dường như đã an bài và cái chết đang ở rất gần với mình. Họ gào thét một cách đau đớn trong cơn tuyệt vọng. Họ cau mày, nhăn mặt khi những cơn đau bất thần ập đến; chúng giày xéo tâm hồn và khiến cho tím tái tâm can bệnh nhân. Họ trở thành người dễ cáu gắt và gây hấn với những người đồng cảnh ngộ. Họ lầm lì như thể đang vặn mình gặm nhấm nỗi đau. Tôi lân la khắp các khoa phòng cho đến khi quần áo thấm “mùi bệnh nhân”. Trở về nhà, miệng thì chẳng buồn đụng đến thức ăn nhưng lòng thì thư thái bình an đến lạ. Tôi chẳng có gì để trao cho họ, nhưng các bệnh nhân thì cảm thấy an lòng vì đã sẵn sàng cho một chuyến đi xa, dẫu cho các Bí tích mà họ lãnh nhận được diễn ra ở một nơi mà chẳng ai muốn vào.
- Tôi nguyện cầu cho họ mỗi ngày và mong ước họ luôn giữ được ngọn đèn đức tin cháy sáng, cho dù phải đối diện với những giây phút ngặt nghèo. Thiên Chúa đã ban cho tôi nhiều thứ; thế nhưng, tôi vẫn cứ tham lam để xin Ngài ban thêm cho tôi sự nhiệt thành. Ước mong sao những ai đang hết lòng phục vụ những người ốm đau bệnh tật, nhất là các anh chị em tình nguyện viên, được Chúa thương nâng đỡ, giữ gìn. Xin cho họ giữ mãi được ngọn lửa nhiệt tình bác ái và không ngừng nhẫn nại, hy sinh. Chớ gì những công khó của họ sẽ góp phần làm Vinh Danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi tha nhân.
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250