23/09/2021 -

Chuyên đề

827

1. Chuyện chúng mình: MỘT KẺ SÁT NHÂN SÁM HỐI SẮP ĐƯỢC PHONG CHÂN PHƯỚC
Cách thích hợp để giới thiệu câu chuyện của người đàn ông này, chính là sử dụng hai câu Phúc âm: Lc 15, 23-24, tường thuật sự trở lại của ‘Đứa con hoang đàng’: “Hãy đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!  Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.
Vào ngày 24-2-1954, Jacques Fesch đã sát hại một cảnh sát và làm bị thương 3 người khác ở gần đó. Tội phạm thật rõ ràng. Trong quá trình cố ăn trộm từ một nhà buôn tiền, mọi thứ đã không diễn ra êm xuôi. Jacques bị kết tội giết người và bị kết án tử hình. Ngày 1-10-1957, anh bị xử tử.
Jacques sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha của anh là một chủ ngân hàng thành công đến từ nước Bỉ. Ông cũng là một nghệ sĩ và một người vô thần, rất ít quan tâm đến cậu con trai. Được mẹ nuôi dưỡng thành tín hữu Công giáo, Jacques là một người hay mơ mộng. Anh cũng lười biếng và chẳng có tham vọng gì. Cha mẹ anh ly hôn khi anh 17 tuổi. Jacques trở nên khép kín, và có hạnh kiểm tồi tệ đến mức bị trường đuổi học. Cha anh đã giao cho anh một công việc tại ngân hàng của ông, nhưng Jacques, người đã từ bỏ đức tin Công giáo, bắt đầu ăn chơi và gặp rắc rối.
Bạn gái của Jacques là Pierrette đã có thai. Khi Jaques 21 tuổi, anh và Pierrette đã kết hôn trong một đám cưới dân sự. Anh nghỉ việc ở ngân hàng của cha mình, bắt đầu chè chén say sưa và không làm được việc gì có ý nghĩa. Anh bỏ bê vợ con của mình, và có con với một người phụ nữ khác.
Jacques lúc đó 24 tuổi. Anh đã có vợ và một con gái, và một đứa con khác nữa với tình nhân. Anh quá mệt mỏi căng thẳng nên đã ngỏ lời xin người cha giàu có của mình mua cho anh một chiếc thuyền để đi Tahiti. Cha anh từ chối. Không hy vọng thoát khỏi cuộc sống mà anh đã tạo ra cho chính mình, Jacques Fesch mua một khẩu súng và toan tính đi ăn cướp của một nhà buôn tiền.
Tên người buôn tiền là Alexander Silberstein. Fesch đánh vào đầu hắn, nhưng Silberstein đã bấm chuông báo động. Một cảnh sát tên Jean Vergne ở gần đó đã chạy đến hiện trường. Jacques, chạy ra khỏi hiện trường, quay lại và bắn trả dữ dội vào viên cảnh sát đang lao tới. Jean Vergne chết tại hiện trường. Ba người chứng kiến ​​bị thương. Jacques Fesch bị bắt vài phút sau đó khi anh cố gắng chạy vào tàu điện ngầm.
Tội ác này đã tạo ra một cơn chấn động. Các bài báo về sự tàn bạo này bùng nổ trên khắp nước Pháp, và đám tang của viên cảnh sát bị giết đã xuất hiện trên tất cả các bản tin truyền hình. Báo chí theo dõi phiên tòa của Jacques, và bầu không khí “kịch tính” đã khiến cả nước theo dõi diễn tiến phiên tòa sát sao cho đến hồi kết. Vào ngày 6-4-1957, Jacques Fesch bị kết án tử hình vì (các) tội ác của mình. Cách hành quyết ở Pháp là xử tử hình bằng máy chém.
Jacques bị biệt giam tại nhà tù La Sante ở Paris. Khi vị tuyên úy nhà tù lần đầu tiên tiếp cận người đàn ông bị kết án, Jacques đã đuổi ngài đi. Nhưng vị tuyên úy vẫn tiếp tục nỗ lực, và sau cùng hai người trở nên thân thiết. Trong thời gian này, một người bạn cũ của Jacques đã được thụ phong linh mục. Ngài bắt đầu đến thăm anh. Và còn một nhân vật thứ ba nữa đã khiến Jacques hoán cải, chính là luật sư của anh. Tên ông là Baudet, một người Công giáo sùng đạo.
Với Chúa, mọi sự đều có thể
Ba nhân vật này đã làm việc cùng nhau như những công cụ của ân sủng ban xuống từ trời cao. Người đàn ông bị kết án tử này bắt đầu xem xét lại cuộc sống của mình. Khi nhìn nhận mình đã gây ra nỗi đau và thống khổ cho quá nhiều người, anh đã đi vào một hành trình hoán cải. Jacques đã trở lại với đức tin Công giáo của mình, đã ôm lấy nó với cả con tim.
Jacques bấy giờ đã coi phòng giam của mình như một tu viện. Anh đọc tiểu sử tâm linh của Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Têrêxa thành Lisieux. Anh thường xuyên liên lạc với gia đình, đặc biệt với người anh trai và mẹ kế của anh. Anh viết nhật ký tâm linh hằng ngày - mà một ngày kia sẽ thành cuốn sách thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Anh đã làm hòa với vợ vào đêm trước khi chết. Vào ngày 1-10-1957, gần 6 tháng sau khi bị tuyên án, Jacques Fesch đã bị xử tử vì tội ác của mình.
Pierrette - vợ của Jacques, và Veronica - con gái của anh, đã tìm cách công bố những bức thư của anh như là điển hình của ơn cứu độ. Lúc đầu, không ai quan tâm. Nhưng với sự giúp đỡ của nữ tu Veronique Dòng Cát Minh và linh mục Augustin-Michel Lemonnier, họ đã xuất bản các tác phẩm của anh. Từ những năm 1970 cho đến hôm nay, những tác phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người.
Vào ngày 21-9-1987, Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger - Tổng Giám mục Paris - đã mở một cuộc điều tra cấp giáo phận về cuộc đời của Jacques Fesch (nhằm khởi sự tiến trình vận động Giáo hội phong chân phước cho anh). Năm 1993, án phong thánh cho anh chính thức được mở tại Rôma, mang lại cho Jacques danh hiệu Tôi tớ của Chúa.
Chúng tôi đã mở đầu bài viết này bằng hai câu của dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”, một Phúc âm về sự tha thứ. Chúng tôi sẽ kết thúc bài viết này bằng hai câu khác cũng của Phúc âm Luca, phản ánh sự hoán cải đáng chú ý nhất mọi thời đại. Kẻ trộm lành Dismas đã nói với Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên thập giá:
"Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Đức Giêsu nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23, 42-43)
Vâng, đối với Chúa, lòng thương xót và sự tha thứ luôn hằng tồn tại đến muôn đời.
Larry Peterson (Aleteia) Tóc Ngắn (TGPSG) chuyển ngữ
 (Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/mot-ke-sat-nhan-sam-hoi-sap-duoc-phong-chan-phuoc-64100)
 
2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Chile 1.605.171 37.379 1.648.550
2 Serbia 765.580 7.885 886.543
3 Bulgaria 426.266 20.251 487.588
4 Việt Nam 487.262 17.781 718.910
       
  Thế giới 207.502.168 4.731.095 230.804.864
Cập nhật lúc 6g5, ngày 23.9.2021
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,7-9, thứ Năm, tuần XXV Thường niên – nhớ thánh Piô Năm Dấu thánh, linh mục)
 Từ bao đời nay, Đức Giêsu vẫn luôn là một ẩn số đối với rất nhiều người không tin vào Ngài. Người ta không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Chỉ có điều, những câu trả lời mà người ta có được không thể làm họ thỏa mãn; bởi vì, động cơ tìm kiếm không dựa trên nền tảng đức tin mà chỉ thuần túy dựa vào mong muốn lấp đầy sự hiếu kỳ. Tin Mừng hôm nay cho biết, Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu để giải nghi chứ không phải do sự cảm phục hay yêu mến. Về phần mình, chúng ta ta sẽ trả lời ra sao nếu có người nào đó tra vấn: “Đức Giêsu là ai?”
Bình an trong tâm hồn là điều con người hằng khao khát và kiếm tìm. Bởi đó, người ta có thể có tất cả mà vẫn đau khổ và day dứt là vì thiếu vắng sự bình an này. Tuy nhiên, Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã cho thấy, con người chỉ có được sự bình an trong tâm hồn, khi dám sống theo lẽ phải, theo tiếng nói của lương tâm ngay thẳng, và dám sống theo sự thật, cho dẫu vì đó mà phải đau khổ. Vua Hêrôđê, tuy sống trên ngai vàng, nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng day dứt, vì ông đã không dám sống theo tiếng nói của lẽ phải. Thật thế, Gioan Tẩy giả, một con người đã dám lên tiếng phản đối hành vi tội lỗi của vua Hêrôđê. Nhưng nhà vua không nghe, lại còn giam Gioan vào ngục. Và với âm mưu thâm độc của người đàn bà loạn luân là Hêrôđia, Hêrôđê đã đang tâm giết chết Gioan Tẩy giả, một người đã nói cho vua biết sự thật.
Khi làm điều gian ác như thế, Hêrôđê tưởng rằng mình có thể bóp nghẹt được tiếng nói của lẽ phải, và nhất là ông tưởng rằng, từ nay có thể ung dung sống trong tội ác. Nhưng không, Tin Mừng cho thấy, chính khi loại bỏ được Gioan thì lại là lúc nhà vua phân vân, lo sợ nhất; đến độ Gioan đã trở thành nỗi ám ảnh khiến ông tưởng rằng Đức Giêsu chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông cho chém đầu, nay sống lại.
Kết thúc Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta biết, Hêrôđê ao ước được gặp Đức Giêsu, một con người đã gây cho ông nhiều thắc mắc. Và cuối cùng, ông cũng đã cơ hội gặp được Đức Giêsu, nhưng gặp trong một hoàn cảnh rất bi đát, đó là lúc Đức Giêsu bị xét xử và kết án tử hình.
Chúng ta nên biết rằng, nếu như tất cả những ai đủ thành tâm thiện chí thì khi gặp được Đức Giêsu, dù chỉ một lần, họ đều có thể trở thành môn đệ của Ngài, nghĩa là được cứu độ. Riêng với thì Hêrôđê thì không, dĩ nhiên không phải vì Đức Giêsu loại trừ ông, nhưng vì ông không tin vào Ngài. Tin Mừng còn nói thêm, trong cuộc gặp gỡ với Hêrôđê, Đức Giêsu đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào ông đặt ra, tất cả là vì thái độ thiếu thiện chí của ông. Trong khi đó, ngay trong hoàn cảnh đớn đau nhất, kẻ trộm lành vẫn tìm thấy ơn cứu độ vì anh đã tin vào Đức Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào vào nước Ngài xin nhớ đến tôi!”. Lòng tin chân thành và khiêm tốn ấy đã được đáp trả một cách hiệu nghiệm: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”.
Như vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa lúc nào cùng sẵn sàng để trao ban cho con người. Nhưng chỉ những ai đã gặp được Đức Giêsu và tin vào Ngài thì mới đón nhận được mà thôi. Ngoài ra, Đức Giêsu đã có lần quả quyết: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”, bởi sứ mạng của Ngài khi đến trần gian này là để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất. Chớ gì điều đó luôn trở thành điểm tựa cho đời sống đức tin của hết thảy chúng ta.
Lạy Chúa, xin thứ tha mọi lỗi lầm con đã trót phạm đến Chúa cũng như anh chị em. Xin cho chúng con luôn biết tự vấn lương tâm mỗi ngày để kịp thời nhận ra thiếu sót và điều chỉnh hoặc hối lỗi ăn năn. Xin cho chúng con luôn thiết tha tìm gặp Chúa trong tin yêu và thờ kính, chứ đừng chỉ biết chạy đến cùng kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh thử thách gian nan. Xin ban ơn trợ giúp để đời sống đức tin của chúng con ngày một thêm kiên vững và can đảm tuyên xưng trước mặt mọi người.
 
4. Lời bàn
- Vào lúc bấy giờ, tin tức về Đức Giêsu đã được lan truyền khắp nơi. Có lẽ người ta đã kể cho vua Hêrôđê nghe biết những điều đó. Khi hay tin như vậy, Hêrôđê trở nên phân vân, nhất là khi người ta nói Đức Giêsu như là hiện thân của Gioan Tẩy giả. Trích đoạn hôm nay đưa chúng ta đến với những kết luận về Đức Giêsu mà Hêrôđê đã nghe được.
+ Trước hết, Hêrôđê bị mặc cảm tội lỗi vì đã cho phép xử tử Gioan Tẩy giả, nên giờ đây, nhà vua bị ám ảnh vì việc mình đã làm. Khi một người đã làm một việc gian ác, cả thế giới biến thành kẻ thù của người ấy. Tự thâm tâm, nhà vua không điều khiển được chính tâm trí của mình. Khi ông suy nghĩ, tư tưởng của ông sẽ quay về với điều gian ác mà ông đã từng thực hiện trong quá khứ. Chẳng ai có thể tránh được việc phải sống riêng với chính mình. Khi nội tâm tố cáo, đời sống của họ sẽ trở nên hoang mang lo lắng đến nỗi không thể chịu đựng được. Còn đối với những người khác, nhà vua lo sợ người ta sẽ phát giác ra những việc sai trái của mình. Ngoài ra, ông cũng lo sợ một ngày nào đó các hậu quả do việc mình làm sẽ đổ lên đầu ông. Những kẻ biết rõ việc sai với mình đã làm, đều có tâm trạng như thế. Khi Hêrôđê nghe nói về Đức Giêsu, ý nghĩ đầu tiên vụt lên trong tâm trí ông là hình ảnh về một Gioan Tẩy giả, người mà ông đã giết chết, nay quay về để chạm mặt và cáo tội ông. Cuộc đời của người đã trót phạm những tội lỗi nặng nề thì luôn bị ám ảnh về những điều sai quấy đã gây ra giống như vậy.
+ Một số người nghĩ Đức Giêsu chính là ngôn sứ Êlia tái xuất. Dân Do Thái đang trông đợi Đấng Mêsia đến với họ. Có nhiều ý kiến về Đấng Mêsia, nhưng ý nghĩ thông thường nhất về Đấng Mêsia là một vị vua chiến thắng; trước hết sẽ đem lại cho dân Do Thái quyền tự do, độc lập, rồi sau đó họ sẽ cầm đầu họ trong một chiến dịch chinh phạt và chiến thắng cả thế giới. Nhưng có một điểm chính yếu trong niềm tin, đó là trước khi Đấng Mêsia đến, thì Êlia, vị đại ngôn sứ sẽ trở lại và làm sứ giả tiền trạm, ngài đến trước để tiên báo về một Đấng Mêsia sắp sửa xuất hiện. Cho đến nay, mỗi lần dự lễ Vượt Qua, người Do Thái vẫn chừa một chiếc ghế trống trong bàn tiệc. Họ gọi đó là chiếc ghế của Êlia. Họ đặt trước chiếc ghế ấy một ly rượu nho. Có một lúc nào đó trong giờ hành lễ, họ ra mở rộng cửa để Êlia có thể vào báo tin cho họ biết rằng, Đấng Mêsia sắp đến. Đây là kết luận của những kẻ tin rằng, Đức Giêsu chính là người có thể hiện thực hóa các tham vọng riêng của họ. Họ nghĩ về Đức Giêsu không phải như Đấng mà họ phải tuân phục, phải vâng lời, nhưng như là kẻ mà họ có thể lợi dụng để thực hiện mưu đồ cho cả dân tộc. Rõ ràng, những người như thế nghĩ về những tham vọng của chính họ hơn là tìm Thánh ý của Thiên Chúa.
+ Chúng ta cũng bắt gặp ở đây nhận xét của những người đang trông chờ lời phán dạy của Đức Chúa. Nhiều người đã nhận thấy nơi Đức Giêsu có thứ gì đó như là một vị ngôn sứ. Vào thời ấy, dân Do Thái đang đau lòng vì ý thức được rằng, tiếng nói của ngôn sứ đã im bặt cách đó ba trăm năm. Họ vẫn nghe các Rabbi cãi nhau về luật, họ vẫn nghe các bài giảng đạo đức trong các hội đường nhưng từ rất lâu họ không nghe lại câu nói rất đỗi quen thuộc: “Đức Chúa đã phán như vậy”. Những con người vào thời đó không ngờ họ được nghe chính lời của Thiên Chúa, bởi vì họ đã nghe thấy lời của Đức Giêsu. Thật ra, Đức Giêsu còn cao trọng hơn bất kì vị ngôn sứ nào. Không phải Ngài chỉ đem Lời Chúa đến, nhưng còn đem đến cho họ những quyền năng, sự sống và hiện diện của chính Thiên Chúa nữa. Thật ra, số người thấy Đức Giêsu như là một ngôn sứ cũng có lý hơn vua Hêrôđê, kẻ đang bị lương tâm cắn rứt, và cả những người ái quốc đang trông chờ Đấng Mêsia xuất hiện. Nếu họ chịu kiên trì nuôi dưỡng ý nghĩ đó về Đức Giêsu, hẳn là họ sẽ bước thêm một bước nữa để thấy Ngài là con Thiên Chúa.
- “Người đàn ông bị kết án tử này bắt đầu xem xét lại cuộc sống của mình. Khi nhìn nhận mình đã gây ra nỗi đau và thống khổ cho quá nhiều người, anh đã đi vào một hành trình hoán cải. Jacques đã trở lại với đức tin Công giáo của mình, đã ôm lấy nó với cả con tim. Có lẽ trong cuộc đời này, ăn năn sám hối là hành động cao quý nhất mà mỗi người chúng ta có thể thực hiện được. Hoán cải vốn dĩ rất dễ dàng khi nói, nhưng lại cực kỳ khó khăn trong hành động. Nói như thế để hiểu thêm về hành trình hoán cải và trở nên thánh của Jacques Fesch là khó khăn biết chừng nào. Chắc chắn phải cậy nhờ đến ơn của Chúa thì anh mới có thể “ôm lấy nó với cả con tim”. Jacques bị chính tòa án lương tâm của mình kết tội trước khi anh bị điệu ra trước mặt các công tố viên. Nhưng dù thế nào đi nữa, anh cũng không thể biện minh cho tội lỗi của mình.
-  Một cuộc chiến căng thẳng chắc chắn đã xảy ra trong chính con người của anh. Những dằn vặt, đau khổ lúc này chẳng thể trả lại mạng sống cho người mà anh đã ra tay sát hại. May mắn cho anh, Chúa đã dùng những con người đầy thiện chí để kéo anh ra khỏi cơn khủng hoảng đang ngày đêm giày xéo tâm hồn. Tuy nhiên, cuộc hoán cải chỉ thực sự bắt đầu diễn ra khi Jacques coi phòng giam của mình như một tu viện. Anh đọc tiểu sử tâm linh của Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Têrêxa thành Lisieux. Anh thường xuyên liên lạc với gia đình, đặc biệt với người anh trai và mẹ kế của anh. Anh viết nhật ký tâm linh hằng ngày - mà một ngày kia sẽ thành cuốn sách thu hút trí tưởng tượng của nhiều người. Anh đã làm hòa với vợ vào đêm trước khi chết. Như vậy, cuối cùng thì những người đã từng bị Jacques làm cho đau khổ, lại góp phần vực dậy một tâm hồn lầm lạc; cho dù khi ấy, anh ta đang ở trong một tình cảnh rất đặc biệt. Quả thật, với ơn Chúa, mọi sự đều có thể.
- Trong Tin Mừng theo thánh Luca, danh xưng của Hêrôđê xuất hiện ít nhất mười hai lần, trải dài từ chương thứ hai cho đến tận chương hai mươi ba. Sự khó lường và dã tâm của Hêrôđê trước sau vẫn không thay đổi. Trong chương chín, ông ta mong muốn có một cuộc hội ngộ với Đức Giêsu; thế nhưng, mãi cho tới khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn thì ông mới có được điều mình mong chờ. Tiếc rằng, Đức Giêsu đã khiến ông thất vọng. Thật vậy, thánh Luca nói đến thái độ mừng rỡ của Hêrôđê, còn Đức Giêsu thì hoàn toàn im lặng trước những câu hỏi của ông ta (Lc 23,8-9). Cũng nên nhớ rằng, đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu dường như tỏ ra xem thường Hêrôđê.
- Thánh Luca là người duy nhất cho thấy một số người Pharisêu có thiện cảm và quý mến Đức Giêsu. Những người này đã đến báo tin cho Đức Giêsu biết việc Hêrôđê đang tìm cách giết Ngài, đồng thời khuyên Ngài rời đi nơi khác để tránh gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trả lời khiến họ bất ngờ: Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba  tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13,32-33). Nếu điều đó đúng thì một lần nữa, chúng ta hiểu thêm được bản chất “tinh quái” của Hêrôđê. Như thế cũng có nghĩa là, bất kỳ ai đi chăng nữa, nếu ảnh hưởng của họ có thể gây phương hại đến ông ta thì đều nằm trong tầm ngắm của các kế hoạch bạo tàn, theo kiểu “giết lầm hơn bỏ sót”. Nhưng thực ra, ông ta đã nhầm; bởi vì, một khi “giờ” của Đức Giêsu chưa đến thì chẳng một ai có thể cản trở kế hoạch của Ngài.
- Hình ảnh của một Hêrôđê gian xảo hoàn toàn trái ngược với câu chuyện về người tử tù có tên là Jacques Fesch mà chúng ta nhắc đến ở trên. Thái độ biết quay đầu là bờ đã biến một kẻ “sát nhân” thành “thánh nhân”. Trong khi đó, Hêrôđê vẫn cứ mãi quay cuồng trong dã tâm bất hảo của mình. Jacques Fesch tuy chỉ gặp Chúa trong bốn bức tường của nhà lao, nhưng anh ta đã được biến đổi tận căn nhờ biết chân thành phục thiện. Hêrôđê mặt giáp mặt với Chúa nhưng vẫn chứng nào tật nấy vì thiếu đi những thứ cần thiết để có thể nhận ra tội lỗi của mình. Mỗi người trong chúng ta, rất có thể cũng sẽ rơi vào một trong hai trường hợp trên đây. Vậy nên, phần số mỗi người sẽ do mình chọn lấy, đừng phân bua hay đổ lỗi này nọ, nếu một ngày nào đó Chúa gọi đi bất thình lình mà chẳng kịp ăn năn.
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250