1. Chuyện chúng mình: CÁC GIÁM MỤC CHÂU ÂU KÊU GỌI NGƯỜI DÂN CHÂU ÂU ĐỪNG SỢ TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU
Trong sứ điệp chung kết của đại hội toàn thể diễn ra từ ngày 23-26/9/2021, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE), các Giám mục châu Âu kêu gọi các dân tộc châu Âu đừng sợ Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhưng hãy tái khám phá nguồn cội của mình.
Các Giám mục châu Âu nhấn mạnh: “Như đã biết, lịch sử châu Âu là sự đan xen hài hòa của những nét đặc thù, được tìm thấy sự tổng hợp và viên mãn nơi con người của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của thế giới”.
Chúa Giêsu là niềm hy vọng thực sự của châu Âu
Các Giám mục nhận biết rằng “cả đức tin Kitô giáo và tôn giáo đều bị chi phối bởi những thách thức của thời đại, ví dụ như khó khăn trong đối thoại, sự thiếu tin tưởng trong việc gặp gỡ người khác, văn hóa duy vật chi phối, thúc bách”. Tuy nhiên các ngài mời gọi “đừng sợ hãi” nhưng “hãy hiệp nhất”. Các ngài cũng khẳng định: “Chúng tôi - với tư cách là các Mục tử và Công dân - đồng hành với anh chị em, các cá nhân, gia đình, dân tộc, quốc gia, để trở thành người phục vụ cho niềm vui của anh chị em”. “Chúa Giêsu là niềm hy vọng thực sự của châu Âu bởi vì ngài là sự thật, và chỉ có sự thật mới giúp anh chị em được tự do”.
Đừng ai sợ Tin Mừng của Chúa Giêsu
Nhắc lại lời Đức Thánh Cha mời gọi tham gia vào một hành trình hiệp hành, các Giám mục đảm bảo rằng các ngài muốn lắng nghe các dân tộc ở Châu Âu. Và các ngài kêu gọi: “Đừng ai sợ Tin Mừng của Chúa Giêsu: nó nói với chúng ta về con người và về Thiên Chúa, Đấng bảo đảm phẩm giá con người, nhắc nhớ rằng không ai đơn độc và không ai được đơn độc, nhắc rằng kẻ yếu đuối nhất phải được quan tâm hơn. Hãy nhớ rằng sẽ không có tự do, cũng như không có tiến bộ, nếu không có người khác, vì mỗi người đều tốt cho tất cả: con người, gia đình và quốc gia”. Các Giám mục kết luận: “Cùng với nhau chúng ta thấy rõ hơn và khiêm tốn bước tới những chân trời của ánh sáng và hòa bình”.
Tân Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu
Trong đại hội toàn thể, các Giám mục châu Âu đã bầu Đức cha Gintaras Linas Grusas, tổng Giám mục của Vilnius, Lithuania, làm tân Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, thay thế Đức Hồng y Angelo Bagnasco đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch từ ngày 8/10/2016.
Hồng Thủy - Vatican News
(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-09/giam-muc-chau-au-dung-so-tin-mung-chua-giesu.html)
2. Những con số biết nói
Stt | Quốc gia | Được chữa khỏi | Tử vong | Tổng số |
1 | Italy | 4.435.370 | 130.807 | 4.665.049 |
2 | Indonesia | 4.031.099 | 141.709 | 4.211.460 |
3 | Nam Phi | 2.765.700 | 87.417 | 2.898.888 |
4 | Việt Nam | 559.941 | 18.936 | 770.587 |
… | ||||
Thế giới | 210.244.397 | 4.777.349 | 233.491.660 |
3. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 1,47-51, thứ Tư, tuần XXVI Thường niên- Kính các Tổng lãnh thiên thần)
Lần đầu tiên trong tác phẩm của mình, thánh Gioan đặt trên môi miệng Đức Giêsu những lời khai mở về sứ mạng của chính Ngài trước mặt các môn đệ. Rất có thể các môn đệ không xa lạ gì với tước hiệu Con Người, nhưng họ không thể tin rằng mình đang đối diện với Đấng mang thân phận là “Con Người” ấy. Quả thật, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh chiếc thang gắn liền với tên tuổi của tổ phụ Giacóp để nói về chính mình. Tựa như chiếc thang trong giấc mơ xưa, Con Người cũng là nơi trời và đất, Thiên Chúa và loài người gặp gỡ nhau. Ngoài ra, nếu như xưa kia chiếc thang nằm ở một nơi được gọi là Bết Ên, có nghĩa là nhà của Thiên Chúa; còn giờ đây với thánh Gioan, Đức Giêsu chính là Đền Thờ mới, tức là cũng nói tới nơi Thiên Chúa hiện diện, nhưng là theo một cách thức mới mẻ hơn, gần gũi hơn.
Nếu như Kinh Thánh nói tới việc sáng tạo vũ trụ và muôn vật, trong đó có con người, thì Sách Thánh lại không hề nói tới việc Thiên Chúa tạo dựng các thiên thần. Thế nhưng, cho dù Kinh Thánh không kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng các vị ấy, thì chính Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, đều đồng loạt làm chứng về sự hiện hữu của các thiên sứ; và một cách đặc biệt, chính Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc tới các vị sứ giả của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã nói với Nathanael: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.
Mặc dù Kinh Thánh không nói tới việc Thiên Chúa tạo dựng các thiên thần, cũng không cho biết con số của các vị là bao nhiêu, nhưng chỉ cho biết rằng, các vị đông vô kể. Nhiệm vụ của các ngài là thờ lạy Thiên Chúa Hằng Sống và thi hành những mệnh lệnh của Thiên Chúa đối với con người. Trong số các thiên thần, Sách Thánh nói nhiều tới ba vị Tổng lãnh được trao cho những sứ mệnh đặc biệt và sứ mệnh ấy gắn liền với tên gọi của các ngài. Đó là các Tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel và Raphael mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay.
Trước hết, sứ thần Michael là vị đã giao chiến với con rắn xưa trong vườn địa đàng, tức là Satan và ngài vẫn tiếp tục giao chiến với nó cho tới khi hoàn tất trong chiến thắng vinh quang vào ngày tận thế. Cuộc chiến thắng đó là tất yếu, bởi vì Michael có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Ngài thường được hình dung như một trang chiến binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và chân đi dép. Danh xưng của ngài được nhắc đến năm lần trong Sách Thánh: ba lần trong sách của ngôn sứ Đanien (10,13; 10,21 và 12,1), một lần trong sách Khải Huyền (12,7) và một lần trong thư của thánh Giuđa (1,9). Nhờ sách Khải Huyền mà chúng ta biết về trận chiến trên trời, nơi mà Tổng lãnh Michael cùng các thiên thần khác chiến đấu chống lại quỷ vương và các ác quỷ của nó.
Kế đến, sứ thần Gabriel là vị đã đến loan báo cho Đức Maria biết mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Maria là do quyền năng của Chúa Thánh Thần và Ngôi Lời cũng hoàn tất công trình cứu độ đó bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bên cạnh đó, cũng chính sứ thần Gabriel đã được sai đến để truyền tin cho Dacaria về việc vợ ông sẽ cưu mang Gioan Tiền hô, lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Đức Chúa. Danh xưng của ngài có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” và được nhắc đến bốn lần trong toàn bộ Sách Thánh: hai lần trong sách Đanien (8,16; 9,21) và hai lần trong Tin Mừng theo thánh Luca (1,19; 1,26).
Cuối cùng, trong Cựu ước, sứ thần Raphael là vị đã chữa lành đôi mắt mù lòa của Tôbia cha; còn theo truyền thống trong Tân ước, sứ thần Raphael được coi là vị thiên thần thường xuyên khuấy động nước ở hồ gần Giêrusalem và ai xuống hồ trước tiên, dù mắc bất cứ bệnh gì cũng được chữa khỏi. Bởi đó, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa”. Danh xưng của vị Tổng lãnh thiên thần này được nhắc đến 15 lần trong sách Tôbia.
Như thế, các thiên thần và con người có mối liên hệ rất đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng các thiên thần để bày tỏ cho con người biết ý định cứu độ của Ngài, và nhất là Thiên Chúa đã sai các sứ giả của mình đến cứu giúp con người trong cuộc chiến chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất là ma quỷ. Và như thế, khi mặc khải cho chúng ta biết về sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần trong thế giới con người, Thiên Chúa hẳn là muốn cho chúng ta cảm nghiệm một cách sâu xa hơn về tình thương của Ngài. Thật vậy, dù chúng ta có nhìn thấy các thiên thần hay không, thậm chí là chúng ta có tin hay không tin vào sự hiện diện của các ngài, thì các vị ấy vẫn luôn trung thành với sứ mệnh Thiên Chúa trao cho, đó là trợ giúp con người trong cuộc chiến đấu thiêng liêng cho tới khi chúng ta dành được chiến thắng vĩnh viễn.
Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài hằng bao bọc chở che chúng ta bằng sự hiện diện cũng như trợ giúp của vô số các thiên thần. Đó phải trở thành niềm xác tín khi chúng ta mừng kính các Tổng lãnh thiên thần hôm nay. Chớ gì mỗi người chúng ta luôn biết cộng tác với ơn Chúa, nhất là tuân theo sự hướng dẫn của các thiên thần, để chúng ta đủ sức chống lại ba thù là thế gian, xác thịt và ma quỷ.
Lạy Chúa, loài người chúng con thân phận yếu hèn, ngoài Ngài ra, chúng con chẳng biết tìm nương tựa ở nơi đâu cho vững. Xin thương sai phái các Tổng lãnh thiên thần đến nâng đỡ và trợ lực để chúng con đủ sức chống lại mưu thâm chước độc của ba thù. Xin đừng để chúng con cậy dựa sức mình nhưng luôn biết cậy trông vào sức mạnh vô song của Chúa. Xin cho chúng con biết mau mắn vâng nghe lệnh Chúa truyền và thi hành mà chẳng chút từ nan. Xin đôn đốc để chúng con hăng say làm việc thiện và biến những hy sinh nhỏ bé đó thành của lễ dâng lên trước tòa Đấng Tối Cao.
4. Lời bàn
- Trích đoạn Tin Mừng này đã được Giáo Hội dùng trong ngày mừng kính thánh Tông đồ Batôlômêô. Tuy nhiên, ý nghĩa phụng vụ của ngày hôm nay lại nhắm đến một khía cạnh khác, cho dù cũng dựa trên chính trình thuật được tác giả Gioan ghi lại để nói về các thiên thần của Thiên Chúa. Có khá nhiều ý nghĩa thần học được nói đến trong đoạn trích này. Trước hết, dường như chúng ta nhận thấy, tác giả không chỉ kể lại sự kiện gặp gỡ giữa Đức Giêsu với các môn đệ đầu tiên, nhưng còn giúp chúng ta nhận ra bóng dáng của cả một cộng đoàn thời hậu Phục sinh nữa. Nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra rằng, Đức Giêsu đang nói chuyện với Nathanael, tức là ở dạng số ít; nhưng câu cuối cùng của đoạn trích lại như thể Chúa đang nói với cả một cộng đoàn: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở”. Trong thời hậu Phục sinh, chắc hẳn không chỉ có Nathanael mà còn có cả cộng đoàn của thánh Gioan cũng được chiêm ngưỡng những điều lớn lao một cách nhãn tiền.
- Chúng ta nên nhớ rằng, không phải Đức Giêsu đã nhìn thấy Nathanael dưới cây vả nên khiến ông kinh ngạc, nhưng vì Ngài thấu rõ tận thâm tâm của ông. Chính vì thế, Nathanael có lẽ đã tự nhủ, đây chắc hẳn là Đấng được xức dầu của Thiên Chúa như đã hứa chứ không phải là ai khác. Đáp lại sự bối rối đang hiện ra trên gương mặt của Nathanael, Đức Giêsu đã trích dẫn chuyện đời xưa liên quan tới việc Giacóp nhìn thấy chiếc thang bắc lên tận trời (St 28,12-13) để nói cho ông hiểu rằng, ông sẽ còn thấy những việc lạ lùng hơn nữa. Ngoài ra, Đức Giêsu còn muốn nhắc cho ông biết rằng, giấc mơ của Giacóp khi xưa giờ đây đã thành hiện thực. Hình ảnh chiếc thang cũng nói đến sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Ở đây, Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với chiếc thang Giacóp, đồng thời trở nên cầu nối đặc biệt giữa nhân loại này với Cha của Ngài.
- Vậy thì những điều lớn lao mà người ta sẽ “thấy” ở đây là gì?
+ Trước tiên, người ta sẽ thấy trời mở ra. Điều này mang một ý nghĩa rất quan trọng. Khi xưa, lúc nguyên tổ phạm tội, cũng là lúc các cửa trời đóng lại với toàn thể nhân loại. Thế nhưng giờ đây, khi Đức Giêsu từ trời xuống thế gian, thì các tầng trời lại mở ra. Hình ảnh đó đã được nhắc đến trong sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa, càng củng cố thêm cho ý tưởng về việc Đức Chúa sẽ không bao giờ khép cửa trời thêm một lần nữa; bởi vì, Đức Chúa đã tái thiết lập mối dây tình thương khi sai Con của mình xuống thế gian. Đó là một sự kiện thực tế chứ không chỉ là giấc mơ giống như tổ phụ Giacóp ngày xa xưa nữa.
+ Ngoài ra, người ta sẽ nhìn thấy các thiên thần. Trong tiếng Hy Lạp, Aggelos có nghĩa là (an angel, messenger) thiên thần hay thiên sứ. Đây vừa là một danh xưng nhưng cũng đồng thời nói đến sứ vụ của các ngài. Thật vậy, các thiên thần cũng chính là những sứ giả hay là những người đưa tin của Thiên Chúa. Điều đó chúng ta không còn cảm thấy xa lạ. Hiểu theo nghĩa đó thì thiên thần hay thiên sứ cũng chính là những vị làm trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Một điều khá thú vị đó là, hình ảnh các thiên thần lần lượt xuất hiện trong chương đầu (1,51) và chương cuối (20,12 – tính theo những gì được cho là chính thánh Gioan viết; chương 21 có lẽ do môn đệ của ngài viết). Như vậy, nếu ở chương 1 được coi là lời hứa thì trong sự kiện Phục sinh, lời hứa ấy đã ứng nghiệm tỏ tường.
+ Mặt khác, người ta sẽ nhìn thấy hình ảnh về “Con Người”. Khái niệm về Con Người thực ra không còn xa lạ với người đương thời với Đức Giêsu; chỉ có điều, những gì họ biết được đều thuộc về lối trình bày mang tính chất khải huyền giống như trong thị kiến của ngôn sứ Đanien. Còn trong Tin Mừng Gioan, thuật từ này xuất hiện 12 lần và hầu hết trong số đó, Đức Giêsu dùng để nói về chính mình. Chúng ta cần lưu ý rằng, hình ảnh về Con Người được nhắc đến trong câu 51, không chỉ xuất hiện lần đầu tiên nhưng còn gợi lên một điều rất khó giải thích. Điều chúng ta cần nhớ đó là, Đức Giêsu nhận mình như là chiếc thang nối giữa trời và đất. Nhờ trung gian này, các thiên thần lên lên xuống xuống để chuyển trao những sứ điệp từ trời và cũng là để cho thấy một sự liên lạc giữa Thiên Chúa và con người trở nên gần gũi biết bao. Hơn thế nữa, việc hiện thực hóa giấc mơ của tổ phụ Giacóp cũng soi dẫn để chúng ta nhận ra căn tính thần linh của chính Đức Giêsu. Cách nào đó, chính Ngài cũng là trung gian và cũng là sứ giả của Chúa Cha, đem bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại.
- “Đừng ai sợ Tin Mừng của Đức Giêsu: nó nói với chúng ta về con người và về Thiên Chúa, Đấng bảo đảm phẩm giá con người, nhắc nhớ rằng không ai đơn độc và không ai được đơn độc, nhắc rằng kẻ yếu đuối nhất phải được quan tâm hơn. Hãy nhớ rằng sẽ không có tự do, cũng như không có tiến bộ, nếu không có người khác, vì mỗi người đều tốt cho tất cả: con người, gia đình và quốc gia”. Có khi nào chúng ta tự hỏi, vì sao các Giám mục ở Âu châu lại đặt ra vấn đề này trong thời buổi hiện tại? Trước hết, có lẽ chúng ta nên nhớ rằng, đời sống đức tin tại nhiều quốc gia ở châu lục này thực sự đang rơi vào những cuộc khủng hoảng trầm trọng. Mới đây, một cuộc khảo sát tại Pháp cho thấy, lần đầu tiên số người tin vào Thiên Chúa đã trở nên thiểu số, tức chỉ chiếm 49% số người được mời tham gia. Chắc hẳn có nhiều lý do khiến cho số người không còn tin vào Thiên Chúa ngày một gia tăng ở một đất nước trước đây vẫn tự hào nhận mình là Trưởng nữ của Giáo Hội. Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng đưa đến tình trạng sa sút này là do nhiều người không còn cảm thấy hứng thú với việc học hỏi Lời Chúa, nếu không muốn nói là họ sợ phải lắng nghe Tin Mừng của Đức Giêsu. Nói cách khác, họ sợ phải thay đổi nếp sống rập theo những đòi hỏi của Đức Giêsu.
- Đứng trước tình trạng này, nhiều người nhắc nhở chúng ta lưu tâm đến tác động của Thần Khí đối với đời sống đức tin của cả Giáo Hội. Cần có một sự cộng tác giữa Thần Khí với con người thì công cuộc tái loan báo Tin Mừng mới có cơ may khơi dậy niềm cảm hứng cho các Kitô hữu được. Nếu không, Giáo Hội sẽ luôn có nguy cơ đối diện với câu trả lời đầy tính dửng dưng và có phần miệt thị của Nathanael khi ông nói với Philipphê: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được”. Ngay cả khi Đức Giêsu ví mình như là một chiếc thang nối trời và đất, trên đó luôn có các thiên thần lên xuống, thì đối với những kẻ kém tin, họ vẫn chỉ nhìn ngắm sự kiện đó theo chiều dọc mà không nhìn thấy bóng dáng của chính họ trong sự liên đới với tha nhân, tức theo chiều ngang. Chỉ khi nào chúng ta nhận thấy mình liên lụy với cả hai chiều ngang-dọc ấy, chúng ta mới có thể khám phá ra nguồn cội của mình. Nói một cách khác, nếu chúng ta chưa thực sự biết cộng tác với ơn của Chúa Thánh Thần thì chắc rằng, chúng ta không muốn đến gần Đức Giêsu, và dĩ nhiên cũng chẳng muốn nghe Lời của Ngài. Mừng lễ các Tổng lãnh thiên thần, chúng ta xin Chúa cho mỗi người, biết khám phá và tin nhận sự khôn ngoan thượng trí; sức mạnh vô song và nguồn linh dược chỉ có ở nơi Thiên Chúa của chúng ta. Một khi tin nhận như thế, chẳng những con người ta không cảm thấy sợ hãi hay e ngại đối với Tin Mừng mà còn khám phá ra rằng, chính Đức Giêsu mới là niềm hy vọng để qua Ngài, nhân loại này mới có thể đạt đến một sự tự do đích thực.
Viết Cường, O.P.