08/03/2022 -

Chuyên đề

2801

Trong tiến trình “Hiệp hành” với Giáo hội hoàn vũ để cùng tham gia vào kỳ họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới cấp giáo phận. Giáo phận Xuân Lộc cũng đã triển khai và thực hiện tiến trình này. Cha Lê Văn La Vinh, Dòng Đa Minh được chọn để tham gia vào Ban Linh hoạt Viên - “nhóm Hiệp Hành” - của Giáo phận. Và qua cha La Vinh, các cha Dòng Đa Minh tại tu viện thánh Martinô Hố Nai – Biên Hòa được mời gọi soạn thảo CÁC BÀI GIẢNG TĨNH TÂM MÙA CHAY cho Giới trẻ để phổ biến trong toàn giáo phận như là bước khởi đầu cho tiến trình này.
Xin trân trọng giới thiệu để quý cha và quý bạn đọc cùng xem, cùng suy niệm và tùy nghi sử dụng.


Tựa đề của những bài suy niệm Mùa Chay năm nay (Tam nhật), cũng chính là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Roma vào năm 2023.
Khác với những kỳ thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục lần này được diễn ra theo trình tự “từ dưới lên trên”; nghĩa là bắt đầu từ cấp giáo hội địa phương, sang đến cấp quốc gia, rồi mở ra đến cấp châu lục và cuối cùng là cấp giáo hội hoàn vũ khi đại hội toàn thể của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới.
Ngay từ chủ đề: Hướng tới một Hội thánh hiệp hành, chúng ta thấy Giáo hội hôm nay, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như đã “thay đổi cái nhìn”;  nghĩa là khác với trước đây - kỳ họp này - Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 thấy rằng “Hội Thánh Hiệp Hành” là mọi người cùng đi với nhau; là lúc mà toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh. Đây là một hành trình dành cho tất cả mọi tín hữu mà ở đó mọi người cùng tham gia để lắng nghe nhau, lắng nghe trong bầu khí cầu nguyện, tham gia trong tinh thần dấn thân tích cực để đóng góp, để xây dựng hầu có thể hiệp thông và tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng cách hiệu quả nhất cho thế giới hôm  nay[1]. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô thì đây là “một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Hội thánh thực hiện trong thiên niên kỷ thứ III này”[2].
Hội thánh hiệp hành còn là kiểu mẫu, là cách thức hiện hữu[3], một cách sống và hoạt động đặc trưng Hội thánh cần để chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay[4].
Với cái nhìn “vừa đổi mới, vừa xoay chiều “ này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mọi người trong Hội thánh hôm nay - đặc biệt là các bạn trẻ - được mời gọi cùng “Hiệp hành” trong sự “Hiệp thông” để với sự “Tham gia” của mọi thành phần dân Chúa mà cùng thi hành “Sứ vụ” của mình.
Như vậy, chương trình đã được khởi động (đã khai mạc tại cấp giáo phận tháng 10/2021) và tiến trìnhHiệp hành” sẽ được triển khai và bắt đầu từ cấp giáo phận.
Với những điều trình bày một cách khái quát và sơ lược nêu trên, chúng ta cũng thấy được rằng, mỗi Kitô hữu - mà các bạn trẻ chúng ta là thành phần - được mời gọi để tham gia góp phần cho sự thành công của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần này trong Giáo hội ngay chính tại địa phương của mình.
Dựa theo chủ đề và tên gọi, chúng ta sẽ cùng lần lượt chia sẻ và suy tư về ba chiều kích của Giáo hội mà thượng Hội Đồng Giám mục lần này muốn nhắm đến và làm nổi bật trong chính cuộc sống của Giáo hội hôm nay: HIỆP THÔNG - THAM GIA - SỨ VỤ.
  
Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người… Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 4-6.12-13).
Dưới sự soi sáng của Lời Chúa qua thư của thánh Phaolô, chúng ta có thể thấy được rằng nhờ Bí tích rửa tội, các tín hữu trong Hội thánh mặc dầu có nhiều khác biệt về chức năng, nhiệm vụ và đa dạng về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng đều hiệp thông với nhau trong Chúa Kitô và trong Hội thánh của Người.
Hơn nữa, khái niệm về hạn từ hiệp thông chúng ta vẫn thường hiểu như là sự đồng thuận, sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn mà kiểu mẫu chúng ta có thể nói đến là cộng đoàn các tín hữu tiên khởi của các tông đồ mà sách TĐCV ghi lại (Cv 4,34-35).
Ghi nhận được sự “Hiệp thông” trong cộng đoàn tín hữu sơ khai do sách TĐCV ghi lại, chúng ta thấy có những yếu tố này:
  • Các tín hữu thì đông, nhưng một lòng một ý.
  • Của cải được gom góp lại thành của chung cho cộng đoàn.
  • Ai cũng được quan tâm - không ai phải thiếu thốn.
  • Ai nấy đều được phân phát theo nhu cầu.
Sở dĩ các tín hữu sơ khai có được tâm tình này bởi lẽ ai nấy đều ý thức rằng mình là thành viên trong cộng đoàn và mình là người thuộc về cộng đoàn ấy
Thiết nghĩ điều này là yếu tố then chốt để tạo nên sự hiệp thông trong cộng đoàn: từ gia đình, cho đến các nhóm, cho đến cộng đoàn giáo xứ và Giáo hội. Bởi lẽ, nếu không ý thức được hai điều này, thì ai nấy cũng chỉ là người đứng ngoài, là khán giả, là người sống bên lề trong cuộc sống và sinh hoạt của cộng đoàn.
Chắc hẳn các bạn trẻ cũng đã nhận thấy và cảm nghiệm được hai điều này trong cuộc sống khi quan sát và nhận thấy thái độ của những người sống “bên lề” của cộng đoàn: thái độ và cung cách thờ ơ, sự dửng dưng, bàng quan, lạnh nhạt… và với kiểu sống này, thì chắc hẳn mỗi người sẽ không tìm thấy được sự hiệp thông với người khác trong chính cộng đoàn của mình.
Sở dĩ có ai đó trong chúng ta có những thái độ hay lối sống vừa kể trên là bởi vì chính họ không cảm thấy mình là thành viên, họ không cảm thấy mình thuộc về cộng đoàn. Họ nghĩ mình là khách, là người tham quan, họ không dính dáng, không chia sẻ, không hiệp thông…
Ngay trong gia đình, ai đó trong chúng ta đang là tương quan vợ chồng khắng khít, liên đới do bí tích Hôn phối và do tương quan máu thịt với anh chị em trong gia đình, do đó chúng ta phải thuộc về nhau; đối với Giáo hội và cộng đoàn địa phương thì Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và con của Hội Thánh, do đó chúng ta là thành viên của cộng đoàn này.
Thiết nghĩ, trong ngày tĩnh tâm Mùa Chay hôm nay, chúng ta cùng nhau xem lại yếu tố căn bản này của mỗi người chúng ta để chúng ta cùng sám hối, sửa lỗi và làm mới lại sự hiệp thông của mỗi cá nhân với gia đình và với cộng đoàn giáo hội địa phương (giáo xứ) của mình.
Từ gia đình: Qua Bí tích hôn phối, hai người nam nữ đã gắn kết với nhau trong lời thề yêu thương chung thủy, và các con cái trong gia đình phải kính trong cha mẹ và yêu thương lẫn nhau để tạo dựng gia đình hạnh phúc. Đây là yêu tố căn bản để tạo nên sự hiệp thông trong mỗi gia đình. Sống trong xã hội đang trong thời kỳ đổi mới, nhiều người trẻ trong chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của công việc, của sự giao lưu nơi xã hội để rồi lơ là, bỏ bê, lạnh nhạt với những trách nhiệm, những tương quan và bổn phận trong gia đình. Điều này có nguy cơ làm cho sự gắn kết, sự hiệp thông của mỗi cá nhân với gia đình của mình mờ nhạt hơn, lỏng lẻo hơn. Và như thế, sự hiệp thông trong chính nơi gia đình mỗi người không được rõ nét, không bền chặt thì với giáo xứ và với cộng đồng xã hội sự hiệp thông xem ra thật mong manh và nhạt nhòa hơn.
Thật vậy, với ảnh hưởng của xã hội hôm nay cũng như cách sống thực dụng đã có một tác động lớn đến cung cách sống của từng mỗi người. Điều này làm đảo lộn các giá trị cho mỗi cá nhân trong gia đình, trong cộng đồng. Hay nói cách khác là những giá trị sống cần thiết và quan trọng trong cuộc sống như là tình gia đình, sự hiếu thảo vâng lời cha mẹ, sự đỡ nâng chia sẻ với anh chị em ruột thịt, việc quan tâm đến những người xung quanh cũng như việc tự thấy mình có trách nhiệm phải vun đắp, phải dựng xây cho mình có một ngôi nhà hạnh phúc mà ở đó mọi mối tương quan được tròn đầy, bền chặt thì không được quan tâm đủ hay đã bị bỏ quên.
Hơn nữa, người ta nhận thấy những từ ngữ “vô tâm”, “vô cảm”, “hững hờ” xuất hiện càng nhiều trên các trang báo như diễn tả một lối sống của một số bạn trẻ hôm nay. Lối sống này đã tác động đến những mối tương quan từ trong gia đình ra đến xã hội với cường độ ngày một nhiều hơn và sức lan tỏa ngày một rộng hơn. Những thái độ này đã vô tình đẩy lui đi và làm tan biến những sự quan tâm, chia sẻ, đỡ nâng, sống có trách nhiệm của mỗi cá nhân… Những nhân tố cần thiết để tạo nên sự liên đới hiệp thông trong gia đình (từ lâu nay chúng ta vẫn giữ)  ra như - hôm nay - có nguy cơ biến mất.
Phải chăng, Tuần Tam nhật Tĩnh tâm Mùa Chay với các bạn trẻ lần này là một cơ hội giúp các bạn xem lại, rà soát tâm tình, thái độ và cung cách sống của các bạn đối với thân nhân, với gia đình để tạo nên mối dây hiệp thông cần thiết trong chính gia đình của mình.
Đến cộng đoàn giáo xứ: Đọc lại thư thánh Phaolô được trích dẫn ở trên thì mỗi người chúng ta khi sống trong cộng đoàn Giáo hội tuy rất khác biệt về chức trách nhiệm vụ, về công việc, về hoàn cảnh… nhưng có chung một Thần Khí; và chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Khi dùng hình ảnh một thân thể để diễn tả sự hiệp thông, thánh Phaolô cho thấy tất cả chúng ta đều là những chi thể, là những bộ phận khác nhau nhưng đều liên đới thông hiệp với nhau trong cùng một thân mình. Vấn đề còn lại là mỗi cá nhân các bạn trẻ chúng ta có nhận thấy được mình là thành phần là một bộ phận của thân thể đó không? Và mình có thuộc về thân thể đó không?
Đã là những chi thể trong cùng một thân thể thì có liên đới, tương quan với nhau và mỗi chi thể phải biết hoàn thành tốt nhiệm vụ và vai trò của mình thì thân thể mới được khỏe mạnh, cường tráng và hoạt động tốt được.
Giáo hội của chúng ta - Nhiệm thể Chúa Kitô - cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là chi thể trong thân thể Mầu nhiệm mà ở đó: Đức Kitô là đầu, còn chúng ta là chi thể trong nhiệm thể này[5]. Tất cả mọi thành phần dân Chúa (chi thể) đều hoạt động tốt trong vai trò và bổn phận của mình, để mọi người, mọi giới đều liên đới hài hòa. Tất cả các chi thể đều bổ sung, chia sẻ và cùng thông hiệp với nhau thành một nhiệm thể duy nhất là Giáo hội của Chúa Kitô, Giáo hội hiệp thông, mọi người hiệp hành. Mong sao đừng để có ai trong chúng ta là cái ruột thừa (ruột dư) - một bộ phận vô dụng - trong nhiệm thể này.
Ngày hôm nay, các bạn trẻ của chúng ta bị cuốn hút nhiều vào cuộc sống mới với một tốc độ ngày càng gia tăng: các bạn ham làm, ham chơi, ham khám phá, ham hưởng thụ… và những đam mê này nơi người trẻ có nguy cơ làm xói mòn, làm phai nhạt đi những tương quan, làm mất đi ý thức được thuộc về của những thành viên trong chính giáo hội địa phương (giáo xứ) của mình. Và như thế trong việc Hiệp hành của Giáo hội (mọi người cùng đi trên một con đường của Chúa Giêsu), có ai đó trong các bạn như là khán giả, có ai đó trong các bạn đang là người đứng bên lề của tiến trình hiệp hành này… bởi lẽ những người ấy không hiệp thông, những người ấy không cảm thấy mình được thuộc về, không là thành viên của  đoàn người lữ hành này.
Trong tâm tình của những ngày tĩnh tâm Mùa Chay với chủ đề hướng tới một Hội thánh hiệp hành với chủ đề ngày thứ 1 là Hội thánh hiệp thông. Các cộng đoàn chúng ta  - cùng các bạn trẻ - được mời gọi xem lại cách sống của mình trong gia đình, trong Giáo hội và ngoài xã hội.
Xem xét lại cách sống để thấy mình đang là thành viên trong gia đình, trong giáo hội, và để nhắc nhớ rằng mình đang là người thuộc về… chứ không phải là khách tham quan, không phải là khán giả trong chính gia đình và cộng đoàn của mình. Có được như thế, mỗi người trong chúng ta sẽ tích cực hơn, sẽ dấn thân hơn để xây dựng gia đình thành một tổ ấm tràn đầy mến thương và lành thánh, để xây dựng giáo hội địa phương (giáo xứ) thành một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và hiệp hành. Và như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được Hội thánh Chúa Kitô - trong thế giới hôm nay - thành một Hội thánh Hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ.
Lm Fr.de Sales Lê Văn la Vinh, OP

[1] Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ, 1.2; Synod 2021 – 2023, số 15
[2] Ibid, 1.3                    
[3] Ibid, 1.3
[4] Ibid, 1.3
[5] Xc 1 Cor 12, 12tt…
114.864864865135.135135135250