13/08/2019 -

Chứng từ

1802



Vị Linh Mục Của Kinh Mân Côi

Tôi tớ Chúa Patrick Peyton sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Ireland. Năm 19 tuổi, ngài di cư đến Hoa Kỳ để tìm kiếm công việc. Ngài được nhận vào làm công việc giữ cửa trong một Vương cung thánh đường ở Scranton, Pennsylvania. Trong một dịp tình cờ, Patrick được gợi hứng bởi sứ vụ giảng thuyết của các Linh Mục Thánh Giá, đến độ ngài xin gia nhập và trở thành chủng sinh của hội dòng này. Cũng trong thời gian ấy, ngài đã được cứu chữa khỏi căn bệnh lao như kết quả cầu nguyện đặc biệt với Mẹ. Để tạ ơn, ngài đã hứa với Đức Maria sẽ dành trọn cuộc đời để nói với các gia đình trên toàn thế giới về cách thức Mẹ khao khát trợ giúp họ. Đồng thời, cha mong muốn đem Kinh Mân Côi đến với gia đình của họ. Vì lòng nhiệt thành truyền bá Kinh Mân Côi, ngài trở nên một trong những người cổ võ Kinh Mân Côi vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Sau khi khởi xướng chương trình phát thanh ở Albany, New York, nhằm rao truyền việc đọc Kinh Mân Côi tại gia, ngài đã chính thức phát động phong trào Tông đồ Kinh Mân Côi tại gia năm 1942. Như một phần trong những nỗ lực nhằm truyền bá Kinh Mân Côi tại gia trên toàn nước Mỹ, ngài viết cho tất cả Giám mục Hoa Kỳ và mong ước các vị sẽ ủng hộ cho hoạt động Kinh Mân Côi tại gia trong giáo phận. Ngài đặt ra một khẩu hiệu rất dễ nhớ: “Gia đình đọc kinh cùng nhau thì sẽ sống cùng nhau”. Ngài còn huy động được một số diễn viên và nhân vật nổi tiếng của Hollywood thời bấy giờ ủng hộ cho những nỗ lực của mình. Thậm chí, cha Patrick còn thuyết phục họ xuất hiện trên những chương trình truyền hình và truyền thanh để cổ động cho Kinh Mân Côi. Năm 1947, ngài khai mạc chương trình “rạp hát tại gia” như là một cách thức tiện lợi hơn nhằm cổ võ Kinh Mân Côi gia đình thông qua truyền thông. Năm 1948, ngài khởi xướng hoạt động tông đồ mang tên “Những cuộc viễn chinh Mân Côi tại gia”. Suốt đời, ngài tổ chức những sự kiện Mân Côi trên 40 quốc gia, quy tụ khoảng hơn 28 triệu người cùng đọc Kinh Mân Côi. Ngài cũng được rất nhiều vị Giáo hoàng yêu mến và là bạn của thánh Têrêsa Calcutta. Ngài được an táng tại nghĩa trang Thánh Giá, tọa lạc trong khu đất của trường trung học Stonehill, bang Massachusetts.

Lòng Sùng Kính Kinh Mân Côi

Lòng sùng kính Đức Maria của cha Patrick Peyton có thể được bắt nguồn từ những năm tháng khi ngài còn ở Ireland. Cha Patrick chịu ảnh hưởng rất lớn từ song thân và từ lòng sùng mộ Đức Maria của người Ireland. Mỗi đêm, mẹ ngài đều quy tụ gia đình đọc kinh và cha ngài sẽ làm chủ giờ Kinh Mân Côi tại nhà.

Trong suốt quãng thời gian theo học ở Hoa Kỳ, sau khi được chữa lành bệnh, tình yêu của ngài đối với Đức Maria được quy hướng về các công tác tông đồ. Ngài thấu hiểu sứ vụ nơi trần thế của mình là rao truyền lòng sùng mộ Đức Maria và Kinh Mân Côi của Mẹ, viết các tác phẩm và diễn thuyết về lời kinh của Mẹ trước công chúng trên toàn thế giới. Đức Maria là Nữ Vương của ngài. Ngài được vinh dự đem những giáo thuyết tinh tuyền về Nữ Vương đến mọi quốc gia. Đôi lần, ngài cũng đề cập về mình với vai trò là “con lừa của Đức Maria”. Trong một lần, nữ diễn viên nổi tiếng, Loretta Young, đã phát biểu rằng cô chưa bao giờ thấy một người nam có tình yêu sâu đậm với một người nữ như là cha Peyton đối với Đức Trinh Nữ Maria.

Ngài khao khát mọi người trên toàn thế giới hãy đọc Kinh Mân Côi như là cách thức chiến đấu trong hòa bình đối với chế độ độc tài chuyên chính. Ví dụ, năm 1986, trong cuộc Cách mạng Nhân quyền nhằm lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Ferdinand Marcos ở Philippines, Kinh Mân Côi là thông điệp mà qua đó cha Peyton muốn gửi đến cho người dân Philippines sức mạnh và lòng quả cảm để họ có thể đứng trước những cỗ xe tăng và đọc Kinh Mân Côi. Trên cao tốc EDSA nổi tiếng, mọi người được khuyến khích bình tâm lại và đọc Kinh Mân Côi khi họ trông thấy tấm biển quảng cáo cho Chiến Dịch Kinh Mân Côi của cha Peyton được căng trên đường. Tấm biển viết: “Gia đình đọc kinh cùng nhau thì sẽ sống cùng nhau” và “Một từ trong lời kinh, một từ trong bình an”. Kinh Mân Côi đã đem đến cuộc cách mạng hòa bình; không có bất kì một tiếng súng nào.

Chiến Sĩ Kinh Mân Côi

Không quá phóng đại khi nói rằng những nỗ lực của cha Peyton cho việc truyền bá Kinh Mân Côi gia đình là không gì có thể sánh bằng. Để thực sự xứng đáng được gọi là linh mục của Kinh Mân Côi, ngài không chỉ thành lập các phong trào chính yếu cho việc cổ võ Kinh Mân Côi, mà còn sản xuất 15 cuốn phim ngắn lấy chủ để là các mầu nhiệm trong lời kinh ấy. Táo bạo hơn, cha còn viết thư gửi cho Đức Giáo hoàng Phaolô VI, khẩn cầu đấng kế vị thánh Phêrô nâng Kinh Mân Côi thành lời kinh dùng trong phụng vụ. Cha Peyton đề xuất thỉnh nguyện này vì ngài chứng kiến rất nhiều quốc gia đã quay lưng lại với Kinh Mân Côi suốt thập niên 60 và đầu thập niên 70. Thái độ chối bỏ Kinh Mân Côi đã làm xáo động mạnh mẽ tâm hồn cha Peyton. Vì thế, ngài khẩn cầu Vị Đại Diện Đức Kitô hãy làm gì đó. Câu trả lời từ Rôma được gói gọn trong Tông huấn rất nổi tiếng của Đức Phaolô VI năm 1974, mang tên Marialis Cultus (Lòng tôn kính Đức Maria). Mặc dù Tông huấn không chấp thuận cho Kinh Mân Côi trở thành lời kinh trong phụng vụ, nhưng Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI rất ủng hộ Kinh Mân Côi, khuyến khích những tín hữu sùng đạo đọc lời kinh ấy và đề cao tầm quan trọng của Kinh Mân Côi.

Trong tâm trí của cha Peyton, Kinh Mân Côi là bản thánh vịnh của ơn cứu độ vì lời kinh ấy hòa quyện hai lời kinh đẹp nhất: Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Ngài nhìn nhận Kinh Mân Côi như cách thức cho công cuộc phúc âm hóa và là khí cụ giáo huấn. Vì lí do đó, ngài luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc Kinh Tin Kính vào đầu mỗi chuỗi Mân Côi. Giống như nhiều người, ngài tỏ lòng khao khát các mầu nhiệm mới được bổ sung sau này gắn kết với Kinh Mân Côi. Nhờ đó, mọi người có thể tiếp cận và chiêm niệm nhiều hơn về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu Kitô. Một số mầu nhiệm mà cha Peyton đề xướng, sau này đã được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thêm vào Kinh Mân Côi. Luôn ghi khắc lời dạy của Chân phước Giáo hoàng Piô IX, cha Peyton nhắc nhở những người có mặt trong các sự kiện của ngài rằng: khi cầm chuỗi Mân Côi trên tay, có nghĩa là họ đang nắm giữ “bảo vật quý giá nhất ở Vatican”. Ngài thuyết phục mọi người rằng việc đọc Kinh Mân Côi tại gia sẽ làm cho các nhân đức và việc lành triển nở ngay trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nhằm khuyến khích mọi người đọc Kinh Mân Côi hơn nữa, ngài đã quảng bá 15 lời hứa của Đức Maria đến tất cả những ai lần chuỗi Mân Côi.

Nhờ tầm ảnh hưởng và sự phổ biến của chương trình Những cuộc viễn chinh Mân Côi tại gia, cha Peyton nhận được rất nhiều những lời mời từ các giám mục trên toàn thế giới, đến viếng thăm và truyền bá Kinh Mân Côi trên đất nước của các vị. Năm 1961, hơn 550.000 người đã tham dự Đại hội Kinh Mân Côi do ngài tổ chức tại San Francisco. Sự kiện này được Đức Tổng giám mục giáo phận ban bố và là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của tổng giáo phận San Francisco. Năm 1962, ngài còn quy tụ được hơn 1 triệu người ở Colombia cùng đọc Kinh Mân Côi. Và trong cùng năm đó tại Rio de Janeiro, Brazil, ngài cũng quy tụ được hơn 1,5 triệu người. Năm 1964, ngài quy tụ hơn 2 triệu người ở Philippines đọc Kinh Mân Côi.

Trích từ Donald H. Calloway, MIC,
Champions of the Rosary, Marian Press, 2016

114.864864865135.135135135250