Thêm Một Vụ Chữa Lành Kỳ Diệu Tại Lộ Đức
Média: France/AFP, 4/4/2011 – Với việc được chữa lành không thể nào cắt nghĩa được của một thợ thủ công bị bệnh thần kinh toạ, Lộ Đức lại trở thành một địa điểm nổi tiếng với nhiều phép lạ, thu hút khách hành hương trên toàn thế giới, dù Giáo Hội rất hiếm khi công nhận tính kỳ diệu của những phép lạ này.
Trong Phòng Chứng thực Y khoa (Bureau des Constatations Médicales - BCM) tại Lộ Đức, bức ảnh chụp ông Serge François, 64 tuổi, chẳng bao lâu nữa sẽ được treo bên cạnh những bức chân dung của 67 người được ơn lành bệnh được Giáo Hội công nhận cho đến nay.
Theo Lm. Horacio Brito, Cha sở Đền Thánh Lộ Đức - nơi mỗi năm có hơn 6 triệu khách hành hương tuốn đến, trong số đó có nhiều bệnh nhân đến đây với hy vọng được ơn chữa lành - và Bác sĩ Alessandro de Franciscis, bác sĩ thường trực tại BCM, vụ việc đang chờ để được giải quyết này là “có một không hai” trên thế giới.
Lộ Đức “không phải là nơi duy nhất có Đức Mẹ hiện ra, cũng không phải là nơi duy nhất có những phép lạ chữa lành” - Cha Brito bình luận trong một cuộc họp báo được tổ chức hôm thứ hai, nhằm gợi lại trường hợp của một thợ thủ công tỉnh Angers được ơn chữa lành, ngày 12-4-2002, tại hang đá Massabielle, cũng chính là nơi mà Bernadette Soubirous đã thấy Đức Mẹ hiện ra năm 1858 - “Nhưng đây là nơi duy nhất trong giới Kitô giáo, và ngay cả với Do Thái giáo và Hồi giáo, có Phòng Chứng thực Y khoa, chịu trách nhiệm thẩm định một cách khoa học về các vụ được chữa lành”, Bác sĩ Franciscis nói.
BCM có nhiệm vụ thu thập chứng cứ của các bệnh nhân. “Tôi có mặt ở đó để lắng nghe các bệnh nhân, sau đó phân loại các chứng cứ, vì cũng có sự gian trá trong đó”, vị bác sĩ gốc Mỹ và Ý phát biểu. Và rồi cũng có những trường hợp được biết rõ như trường hợp của ông Serge François, người đã trải qua 3 lần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, nhưng các cuộc phẫu thuật đã không thành công và cuối cùng đã làm cho chân trái của ông bị liệt.
Một trong những khó khăn trong tiến trình điều tra, đó là xác minh xem bệnh nhân có thực sự bị bệnh hay không. “Thật dễ khi ai đó nói rằng mình bị liệt, nhưng có thể người ta chỉ bị trong đầu óc mà thôi”, Đức cha Jacques Perrier, Giám mục của Tarbes và Lộ Đức, nói.
Sau khi đã thẩm tra xong, hồ sơ được gửi đến “toà thượng thẩm của chúng tôi”, tức Uỷ ban Y khoa Quốc tế Lộ Đức (Comité Médical International de Lourdes - CMIL), gồm khoảng 20 bác sĩ - Bác sĩ Franciscis cắt nghĩa.
Uỷ ban này có nhiệm vụ chứng minh, như trường hợp năm 2008 của ông Serge François, người thợ sữa ti vi, rằng “việc chữa lành diễn ra đột ngột, hoàn toàn, không liên quan đến việc chữa trị đặc biệt và lâu dài”. Và các bác sĩ đã không tài nào cắt nghĩa được việc chữa lành này.
Cách chung, những tiêu chuẩn do ĐHY Prosper Lambertini đưa ra vào thế kỷ XVIII để định nghĩa một phép lạ, thì ngày hôm nay, ta rất khó mà đáp ứng được - vị phụ trách Nguyện đường cắt nghĩa, ngài đang tìm cách vận động lên Vatican (để xin thay đổi - ND), nhưng vẫn chưa có kết quả.
Chẳng hạn, bệnh nhân không được dùng thuốc, đây là một trường hợp hầu như không có ngày hôm nay.
Dù sao đi nữa thì Giáo Hội cũng chỉ công nhận rất ít những vụ được chữa lành. Như vậy, tính từ năm 1844 đến nay, trên 7.000 trường hợp được chữa lành mà khoa học không cắt nghĩa được, chỉ có chưa tới 1% trường hợp được Giáo Hội chính thức công nhận.
Trường hợp được chữa lành “đáng chú ý” của ông Serge François, được Đức cha Emmanuel Delmas, Giám mục Giáo phận Angers, chính thức công nhận vào ngày 27-3, là “một ân ban của Thiên Chúa” cho giáo phận của người, trường hợp gần đây nhất là vào năm 2005.
“Tất cả tiến trình này đều diễn ra rất chậm”, Đức cha Perrier tóm lại. Nếu người cảm thấy vui mừng vì vụ việc này được công nhận, thì người cũng thấy rằng “các phép lạ là con dao hai lưỡi. Nó có nguy cơ là ta chỉ chú ý đến những gì không phải là cốt lõi của sứ điệp tại Đền Thánh”.
G.B. Lưu Văn Lộc
(nguồn: truyenthongconggiao.org)