02/06/2013 -

Chứng từ

5752

 Phêrô Mai Vũ Quốc Duy, OP

Được cắt cử lên giúp xứ ở vùng Tây Nguyên với các bậc đàn anh, tôi có cảm tưởng từ ngỡ ngàng đến thán phục về tấm lòng sùng kính Mẹ Maria của anh chị em dân tộc. Có lẽ vì trước đây theo chế độ mẫu hệ, họ dễ nhạy cảm trước tình thương của người Mẹ, nhất là Mẹ của Nữ Vương trời đất, Mẹ của anh em sắc tộc. Vì vậy trong tháng 5 và tháng 10 là hai tháng dành riêng kính Đức Mẹ, sinh hoạt giáo xứ nhộn nhịp hẵn lên. Thôi thì đủ các nhóm người trong giáo xứ  từ ca đoàn thiếu nhi đến giới trẻ nam nữ , từ các bà mẹ trẻ  đến các bà nội bà ngoại cao niên và ngay cả giới các ông nữa,.. cũng tập trung ở sân nhà thờ để tập luyện chuẩn bị làm giờ dâng hoa kính Mẹ. Trong 2 tháng này, thì dù trời mưa gió, giáo dân già trẻ lớn bé đều rủ nhau đến nhà thờ vào những ngày thứ bảy hàng tuần, nhất là trong hai ngày khai mạc và kết thúc. Điều đặc biệt cảm động là họ ngồi tại nhà thờ tham dự từ đầu chí cuối, rồi trong khi  tham dự, họ cùng hát những bài ca quen thuộc bằng tiếng dân tộc hòa theo tiếng cồng chiêng rất sốt sắng. Cuối giờ dâng hoa, mỗi người đem một cành hoa lên dâng trước tòa Mẹ.

alt

Dưới đây là những hình ảnh ghi lại buổi dâng hoa của giáo xứ Kon Rơbang trong ngày kết thúc tháng hoa 31/05 vừa qua.


Sau phần khai mạc của cha chánh xứ Luca Nguyễn Văn Mạnh, OP., toàn thể cộng đoàn cùng rước kiệu Mẹ từ sân nhà các Yă (các nữ tu dân tộc) vào nhà thờ cách nhau khoảng 300 mét. Tiếp đến, lần lượt 10 nhóm dâng hoa, khởi đầu là các em ấu nhi, rồi đến thiếu nhi, các thiếu nữ, các bà mẹ mới lập gia đình rồi đến các cụ bà. Mỗi nhóm một loại đồng phục khác nhau, hấu hết là mang mầu sắc dân tộc nhưng cũng có nhóm giới trẻ đang đi học cấp ba,  lại thướt tha trong bộ áo trắng dài của người kinh trông cũng thấy hay hay. Mỗi người với một bó hoa trong tay mà họ hái từ trong vườn hoặc cũng có đi mua chút đỉnh. Tất cả cùng tràn ngập niềm vui dâng lên Mẹ những điệu múa hát, những nhánh hoa tươi thắm, những ngọn nến lung linh.

Sau mỗi nhóm dâng hoa khoảng chừng năm đến bảy phút, họ cùng quỳ lần hạt Mân côi chung. Trước khi kết thúc, hấu hết mọi người đến tham dự đều mang theo trên tay một hoặc vài nhánh hoa và xếp hàng lần lượt lên bàn thờ đích thân dâng lên Mẹ, tỏ lòng thảo kính của người con đối với Mẹ hiền kính yêu.

alt alt 

Nếu ai có dịp tham dự buổi dâng hoa của Giáo xứ vùng Tây Nguyên nói chung, và của Giáo xứ Kon Rơbang nói riêng, ắt hẳn quý vị sẽ thấy được sự khác biệt so với buổi dâng hoa của người Kinh. Có người nhận xét rằng: ngày nay người ta “múa hoa” hơn là “dâng hoa” theo nghĩa là hình như ngày nay các em dâng hoa của một số xứ đạo người kinh không còn có những phong cách như trước đây nhưng theo trào lưu ca múa của thời đại nặng phần trình diễn bên ngoài. Phải nói là  một cuộc “dâng hoa” như thế trông rất là đẹp mắt, hoàng tráng và khá …tốn phí, nhưng phải chăng hơi bị thiếu phần diễn tả tâm tình dâng tiến bên trong, nên không giúp cho người tham dự và ngay cả người dâng tâm tình yêu mến Mẹ. Còn việc dâng hoa của Giáo xứ Kon Rơbang nói riêng của người dân tộc thì khác. Nó không cầu kỳ hay phức tạp, cũng chẳng cần đầu tư luyện tập quá công phu. Nhưng nhờ có sẵn hồn âm nhạc và khả năng tập luyện ca múa rất nhanh, dân làng hoà nhịp theo tiếng đàn, tiếng cồng chiêng với những bước chân nhún nhảy nhẹ nhàng, những cử điệu múa rất đơn sơ và giản dị như chính cuộc sống của người Tây nguyên. Tất cả như muốn bày tỏ một tâm tình:“

Con đến dâng Mẹ đoá hoa lòng
Này lạy Mẹ đoàn con dâng tiến.
Xin Mẹ , xin Mẹ thánh hiến
Ôi lạy Mẹ ấp ủ con liên”
(An Di)

Ước mong sao những người anh em dân tộc này sẽ giữ mãi được lòng yêu mến Đức Mẹ theo văn hóa và truyền thống của họ để cuộc đời của họ vốn phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát trong cuộc sống vẫn có được niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu và Mẹ Maria ban cho. Các độc giả nào yêu thích việc dâng hoa của anh em dân tộc xin mở Google mục : Các đoàn thể giáo xứ Kon Rơbang dâng hoa” sẽ được thưởng thức những điều tôi vừa cảm nhận trên.

alt

114.864864865135.135135135250