Thịt Ta Thật Là Của Ăn
Năm A – 26-06-2011
Tin mừng Ga 6, 51-58
các bài chia sẻ khác
Chia sẻ
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu thường dùng những hình ảnh quen thuộc của đời sống hằng ngày để mặc khải chân lý cao siêu. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho khoảng năm ngàn người ăn no nê, Đức Giêsu muốn con người tìm kiếm lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Người đã dùng hình ảnh bánh là lương thực thường ngày để nói về bánh hằng sống chính Người ban tặng.
Bài Tin Mừng hôn nay là phần cuối của diễn từ tại Caphácnaum. Trong phần này, Đức Giêsu đã tự giới thiệu Người là bánh ban sự sống. Quả thế, Đức Giêsu đã đến thế gian, bằng lời nói, hành động và cuộc sống của Người, Người đưa con người vào cõi sống. Người là hiện thân của bánh ban sự khôn ngoan và ơn mặc khải, để ai tin nhận Người sẽ được Người nuôi dưỡng bởi sự khôn ngoan và ơn mặc khải đó. Người đã chịu đau khổ và chịu chết. Cái chết của Người trở nên nguồn sống cho nhân loại. Thịt Người trở nên của ăn, máu Người trở nên của uống, để ai ăn thịt và uống máu Người thì được sống muôn đời.
Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng Mana, thứ bánh không đem lại cho người ta sự sống đời đời. Nay, Đức Giêsu với tư cách là Môsê mới, trổi vượt trên Môsê Cựu Ước, muốn nuôi sống cả nhân loại bằng chính bản thân Người, là bánh đích thực đem lại sự sống vĩnh cửu. Trong bữa Tiệc Ly, Người đã lập bí tích Thánh Thể để qua muôn thế hệ, con người có thể lãnh nhận Bánh Trường Sinh. Thánh Tôma Aquinô đã phải thốt lên: “Cao quý và lạ lùng thay bữa tiệc của Chúa, bữa tiệc mang lại ơn cứu độ và đầy dịu ngọt. Còn gì cao quý hơn bữa tiệc ấy? Ở đó không phải thịt bê, thịt dê như trong luật cũ nữa, mà là chính Đức Kitô, Thiên Chúa thật, được dọn ra cho chúng ta rước lấy”. Hội Thánh tiếp tục cử hành bữa tiệc của Chúa qua Thánh lễ hằng ngày.
Tham dự thánh lễ là chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể, cử hành chính mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Trong thánh lễ, chúng ta được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, là của ăn nuôi linh hồn chúng ta trên đường tiến về quê hương vĩnh cửu. Thánh lễ là bàn tiệc hiệp thông, vì nhờ kết hợp với Mình và Máu Chúa, tất cả mọi tín hữu trở nên một thân thể. Thánh lễ dạy chúng ta biết “bẻ bánh” trong đời thường, là biết cổ võ và sống cho lý tưởng hiệp nhất yêu thương, nỗ lực chia cơm sẻ áo cho người nghèo, và tránh đi những lời nói và cách cư xử đưa đến những chia rẽ, bất hoà. Sống hiệp thông và chia sẻ với tha nhân là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã thực sự tham dự Thánh lễ, không chỉ trong khi cử hành phụng vụ, nhưng còn kéo dài trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, nơi đó Đức Kitô đã hiến mình làm của nuôi linh hồn chúng ta. Hội Thánh mời gọi chúng ta đáp trả tình yêu Chúa bằng việc tôn thờ Mình và Máu Thánh Chúa. Đó là chúng ta hoàn toàn tin thật Chúa hiện diện trong hình Bánh và Rượu.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, hằng ngày, qua Thánh lễ Chúa ban mình máu Ngài nuôi sống chúng con. Xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa, để biết siêng năng đến cùng Ngài qua Bí Tích Thánh Thể, và nhất là giữ sự nghiêm trang sốt sắng, cũng như dọn mình cẩn thận để rước thịt và máu Ngài ngự vào tâm hồn chúng con. Amen.
Gợi ý chia sẻ
1. Chúng ta tôn thờ Đức Giêsu trong Bí tích Thánh thể như thế nào?
2. Chúng ta có tâm tình nào mỗi khi tham dự Thánh lễ và rước lễ?
Học viện Đa Minh
(Chia sẻ TMHĐGD ĐM tháng 6.2011)