16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”.
Chia Sẻ
TÌNH YÊU BA NGÔI
Có một giai thoại kể lại rằng: Ngày nọ, khi thánh Augustinô đang đi dạo trên bờ biển và suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi, thì trông thấy một chú bé đang dùng một vỏ sò múc nước biển để đổ vô một cái lỗ. Thánh nhân hỏi chú bé: Cháu đang làm gì thế? Chú bé trả lời: Cháu đang cố gắng múc hết nước biển để đổ vô cái lỗ này ạ! Thánh nhân phì cười và nói: Điều đó quả thật không thể, cháu chỉ vô ích thôi! Thế nhưng chú bé trả lời: Nhưng điều cháu đang làm còn dễ hơn điều ngài đang suy nghĩ đấy ạ!
Giai thoại trên không biết thực hư ra sao, nhưng sự cao siêu về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa thì quả là chân thực. Và hôm nay, Giáo hội cho chúng ta mừng kính mầu nhiệm ấy, mầu nhiệm quan trọng nhất của đời sống đức tin Công giáo.
Tin mừng hôm nay trích từ chương 3 Tin mừng theo thánh Gioan, kể lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô. Nếu theo bài Tin mừng thì quả thật chúng ta không bắt gặp thấy hình ảnh của Chúa Thánh Thần trong đoạn trích. Nhưng nếu chúng ta đọc những câu liền trước đó trong chương này, chúng ta sẽ gặp thấy hình ảnh của Chúa Thánh Thần được xuất hiện như một nguyên ủy để đem lại một cuộc “sinh hạ mới”. Cuộc sinh hạ này chỉ được thực hiện nhờ việc chúng ta tin vào Con Người được trao ban cho thế gian bởi Thiên Chúa. Con Người đến “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Tựa như xưa kia, dân Israel sau khi bị rắn độc cắn đã nhìn lên con rắn đồng được treo cao để khỏi phải chết, thì cuộc “sinh hạ mới” cũng hệ tại việc chúng ta nhìn lên Con của Người bị treo trên thập giá, với niềm tin ngày nào đó cũng được hưởng niềm vui ơn cứu độ. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa đã soạn thảo một kế hoạch để dự liệu cho nhân loại một phương thế để đạt được ơn cứu độ. Phương thế ấy được đặt nền trên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ep 3,16). Tình yêu là một trong những phẩm tính của Thiên Chúa. Trước hết, tình yêu được diễn tả nơi tương quan Ba Ngôi với nhau, và rồi được phú ban cho con người, để con người cũng được hưởng nhờ và thể hiện tình yêu đó. Thánh Phaolô tông đồ, trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêxô, đã nói: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,5-6). Như vậy, phương thế mà Ba Ngôi mong muốn chính là việc tỏ mình để lôi kéo con người rời xa tội lỗi và trở về với Thiên Chúa.
Ba Ngôi được biểu thị như một tương quan yêu thương và Thiên Chúa cũng mong muốn mọi người cũng mang lấy một tương quan yêu thương như thế: với Thiên Chúa và với tha nhân. Chúng ta có thể làm “giảm bớt” đi tính mầu nhiệm của Ba Ngôi, tức là chúng ta hiện thực hóa mầu nhiệm ấy, bằng cách thực thi lòng yêu thương bác ái đối với mọi người. Việc yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ Thiên Chúa và luôn quy hướng về Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Thiên Chúa, tự Ngài, đã là tình yêu, và tình yêu ấy được thể hiện nơi tất cả các thụ tạo, đặc sắc nhất là nơi con người. Cho nên việc con người thể hiện một đời sống yêu thương, chẳng qua chỉ là một hành động trở về với chính nguồn gốc của mình là Thiên Chúa. Khi làm một việc tốt, chính là khi chúng ta sống đúng với hình ảnh mà khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói tới: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26).
Với một thế giới ngày càng được mở ra như hiện nay, khoảng cách giữa châu lục này với châu lục kia, nước này với nước kia, và giữa người này với người nọ không còn là điều khó khan ; thậm chí nó góp phần cho con người ngày nay có thêm nhiều đối tượng cũng như cách thức để thể hiện tình thương của mình. Đâu đó trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hành động yêu thương chia sẻ. Những việc làm đó cho dù có phát xuất từ ai, thuộc dân tộc hay tôn giáo nào, đều là sự phản ảnh tương quan tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, mà khi sáng tạo Thiên Chúa đã đặt vào tâm khảm con người. Nếu nói như vậy, chúng ta, các Kitô hữu, phải là người thể hiện tình yêu ấy một cách rõ rệt hơn ai hết. Kitô hữu tức là người có Đức Kitô, có Thiên Chúa trong mình, ấy thế mà lại không mang lấy những tâm tình như Thiên Chúa thì quả là điều đáng tiếc. Còn về phần cách thức, tình thương không còn đơn thuần chỉ là việc cho đi những của cải vật chất, nhưng còn bằng rất nhiều những cách khác, mà cụ thể, dễ dàng và hữu hiệu nhất chính là lời cầu nguyện của chúng ta. Thánh José Escriva đã nói: “Anh em đi cầu nguyện: để trở thành lửa, một ngọn lửa sống động, lan truyền nhiệt tâm và ánh sáng”.
Ước gì trong ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta biết hiện thực hóa mầu nhiệm cao cả và thâm sâu này vào thế giới bằng tình yêu thương của chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta nên như một ngọn lửa, như lời thánh José Escriva đã nói, để thổi bùng thế giới này trở nên rạo rực với lửa tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
