NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU
Lm Timothy Radcliffe OP
* … của tôi !
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”
Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Đơn giản thật. Nhưng người luật sĩ này lại chưa thoả mãn. Hình như ông mong có một câu trả lời phức tạp hơn. Các luật sĩ có lẽ không còn gì để làm, nếu như những câu trả lời quá đơn giản ! Ông muốn biết chính xác những điều buộc ông là những điều nào. Người Do-thái nghĩ nhiều về căn tính của những người thân cận của họ. Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là “người ở gần ta nhất”. Người thân cận mà càng ở gần, thì ta càng phải có những bổn phận bắt buộc đối với người ấy. Một số đông người sống xa ta nên ta chẳng còn phải là người thân cận của họ, và như thế ta chẳng có bất cứ nghĩa vụ nào đối với họ. Ở thời của Đức Giêsu, điều này rất đúng, đặc biệt đối với những người bị coi là lạc đạo, tức là những người Samari.
Cũng câu hỏi này được đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay : ai là những người thân cận của chúng ta ? Những người thân trong gia đình chúng ta ? Hàng xóm láng giềng của chúng ta ? Điều này có thể còn ở trong các làng xã, nhưng chắc là không còn trong những thành phố lớn, ở đây ngay cả nhà sát vách chưa chắc chúng ta đã biết tên biết tuổi. Chúng ta phải làm gì cho họ ? Những người ấy có phải là người thân cận của chúng ta không ? Như người luật sĩ, chúng ta muốn câu trả lời áp dụng được cho mọi trường hợp. Chúng ta muốn biết chúng ta phải làm gì.
Nhưng Đức Giêsu không đưa ra một câu trả lời rõ rệt. Người kể một câu chuyện.
* Bước vào trong dụ ngôn để được biến đổi.
Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô…
Dụ ngôn không phải là những minh hoạ cho một vấn đề.Dụ ngôn là những câu chuyện chứa đầy sức mạnh, có sức biến đổi chúng ta. Một rabbi Do-thái kể lại câu chuyện về người ông của mình, ông ta là môn đệ của rabbi Baal Shem Tov : “Ông tôi bị tê liệt. Một ngày nọ, người ta xin ông kể lại một câu chuyện về người thầy của ông. Và ông đã kể rằng thánh Baal Shem Tov có thói quen nhảy múa khi cầu nguyện. Đang khi say sưa kể chuyện, ông tôi đứng dậy và câu chuyện đã khiến cho ông nhảy múa để minh họa hành động ngày xưa của thầy mình khi cầu nguyện. Ngay lúc đó, ông được lành bệnh. Chính vì thế mà người ta phải kể lại những câu chuyện.”
Những dụ ngôn của Đức Giêsu là để tóm lấy cổ chúng ta và “lôi” chúng ta đi. Chúng ta ở trong những dụ ngôn này, và những dụ ngôn này biến đổi chúng ta. Các dụ ngôn của Đức Giêsu thường tạo được hệ quả ấy nơi thính giả bởi vì chúng làm cho họ bị sốc. Nhưng chúng ta đọc và nghe các dụ ngôn ấy đến nỗi thuộc nằm lòng, cho nên thường các dụ ngôn không đem lại cho chúng ta một bất ngờ nào cả. Đó chính là tâm trạng khi ta nghe một câu chuyện người ta bảo là chuyện lạ nhưng kỳ thực ta đã biết kết cục ra sao rồi. Chúng ta nên tái khám phá ý nghĩa của sự bất ngờ này, nếu không các dụ ngôn sẽ không giúp chúng ta thay đổi cái nhìn của chúng ta. Tôi đi đâu cũng đi tay không nên chẳng thể giúp gì được cho ai. Còn người Samari nhân hậu trong dụ ngôn, bởi vì ông ta giàu, nên ông ta đi đâu vẫn mang theo tủ thuốc cá nhân ! Nhưng dụ ngôn người Samari nhân hậu đã là một chuyện chướng đối với các thính giả đầu tiên. Chúng ta phải tái khám phá cuộc đảo lộn này.
Trong cuộc cách mạng ở Nicaragua, một tu sĩ Đa Minh người Mỹ giúp một nhóm thanh niên Nicaragua biểu diễn vở kịch về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong một thánh lễ. Các thanh niên này cho những người tham dự thánh lễ thấy một thanh niên Nicaragua bị hạ gục và ở trong tình trạng thừa sống thiếu chết bên vệ đường như thế nào. Một thầy dòng Đa Minh đi tới, dừng lại liếc nhìn và bỏ đi, không quan tâm. Rồi đến một dân biểu cũng thế. Cuối cùng, một người từ doanh trại quân địch, một du kích contra, đi đến, mặc quân phục đàng hoàng. Anh ta dừng lại, đeo vào cổ anh kia một chuỗi tràng hạt, cho anh ta uống nước và đưa anh đến một ngôi làng gần nhất. Đúng vào lúc đó, một nửa cộng đoàn tín hữu la hét phản đối. Không thể chấp nhận một tên contra lại làm việc ấy. “Chúng ta không đội trời chung với họ”. Thánh lễ trở nên náo loạn ! Cuối cùng, người ta bắt đầu tranh cãi về ý nghĩa của dụ ngôn. Vì họ bị sốc, nên họ có thể hiểu dụ ngôn sâu sắc hơn nhiều. Người ta đồng ý không còn nói về người khác là những người contra, nhưng gọi họ “những người anh em chúng ta ở Honduras” hay “những người anh em lang thang”. Họ đã phải đọc lại kinh Confiteor (kinh cáo mình) hồi đầu họ đã đọc rồi, hôn chúc bình an và tiếp tục dâng thánh lễ. Dụ ngôn đang nói đây cũng phải diễn ra nơi chúng ta một sự đảo lộn như thế.
Dĩ nhiên, sự đảo lộn đầu tiên xuất phát từ chỗ cái con người không thanh sạch, người lạc đạo, người Samari kia, là người ra tay nghĩa hiệp, chứ không phải một vị tư tế thánh thiện, cũng chẳng phải là thầy Lêvi. Nhưng tôi cho rằng dụ ngôn này nêu lên một thách đố sâu sắc hơn nữa. Nó khiến chúng ta đặt vấn đề về chính ý tưởng chúng ta có về con người và về Thiên Chúa.
Câu chuyện kể lại một cuộc hành trình từ Giêrusalem đến Giêrikhô. Nhiều người và tôi đã đi bộ trên con đường ấy, dọc theo wadi Qelt. Con đường này khoảng hai mươi lăm cây số, ngang qua vùng đất khô cằn sỏi đá, trời nắng nóng…. Nhưng câu chuyện này lại đề cập đến một cuộc hành trình nội tâm nhiều hơn. Từ ngữ được thánh Luca dùng để nói về “cuộc hành trình” chính là từ hodos, từ người dùng để nói về niềm tin Kitô giáo : “con đường”. Dụ ngôn là một cuộc hành trình giúp nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa và về cuộc biến đổi con người của chúng ta.
* Trước tiên là ra khỏi mình.
Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?
Ông luật sĩ hỏi : “Ai là người thân cận của tôi ?” Cuối cùng, Đức Giêsu lại đặt câu hỏi khác : “Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Câu hỏi của ông luật sĩ lấy ông ta làm trọng tâm. Ai là người thân cận của ông ta ? Nhưng dụ ngôn đã chuyển đổi câu hỏi này khi đặt con người bị đánh nhừ tử vào trọng tâm. Ai là người tỏ ra là người thân cận của người ấy ?
Chính đó là cuộc hành trình căn cốt nhất mỗi hữu thể con người phải thực hiện,đó là cuộc hành trình giải phóng mình khỏi tính ích kỷ. Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình này ngay từ lúc sinh ra. Đứa trẻ sơ sinh là trung tâm của thế giới. Khi lớn lên, nó dần dần khám phá thấy rằng còn có những người khác nữa. Và những người khác ấy không chỉ hiện hữu chỉ để thực hiện ý muốn của nó mà thôi. Ta trở nên người nhất khi ta học cho biết nhường chỗ trung tâm cho những người khác.
Đối với mỗi người chúng ta, thử thách lớn nhất trong cuộc đời là thôi không làm cái rốn lồi của thế giới nữa. Đấy là một chân lý tôi nhận thức được về mặt lý trí tuệ, nhưng thật khó mà cụ thể hoá chân lý ấy trong thực tế. Tôi nghĩ rằng điều ấy càng khó trong xã hội ngày nay. Tính hiện đại đã tôn vinh hình ảnh của hữu thể con người cô độc, tách khỏi những người khác, tự do không bị bất cứ điều gì bó buộc, giải trừ mọi cam kết. Đó là cái tôi của xã hội tiêu thụ. Chúng ta sẽ nhận ra rằng đâu đâu trong ngôi làng toàn cầu này, chúng ta cũng có thể thấy những dấu hiệu về sự khải hoàn của thế hệ “cái tôi”, chế độ độc tài của cái ngã. Chúng ta có thể học cho biết thôi không khư khư nắm giữ và biết cho người khác cái vị trí trung tâm như thế nào ?
* Sau đó, có một tấm lòng để thấy.
Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương.
Từ “chạnh lòng thương” là một trong những từ quan trọng nhất của Tân Ước. Nghĩa là : bị đụng chạm đến tận trung tâm của con người, đến tận tâm can của con người. Ta sống sự đảo lộn này khi ta ý thức về người khác.
Một kinh nghiệm ở New York. Để tập giảng thuyết, nhóm chủng sinh được yêu cầu soạn bài giảng về dụ ngôn người Samari nhân hậu. Các chủng sinh này soạn bài giảng ở nhà rồi sau đó xuống phố đến một studio để người ta sẽ ghi âm cho. Một diễn viên, giả trang người bị thương, nằm sẵn ở đó trước, đầy máu me, quằn quại trên mặt đường và thều thào xin giúp đỡ. 80% trong số các chủng sinh này đi qua, không thèm nhìn người ấy. Đấy là những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng dụ ngôn và thậm chí còn sáng tác ra những lời lẽ hay để giảng nữa, nhưng họ vẫn có thể đi ngang qua bên cạnh người đàn ông mình đầy thương tích mà chẳng đoái hoài tới người ấy. Chúng ta có thể mở rộng tấm lòng đối với người khác như thế nào ?
Đối với đa số, ý thức về tha nhân như thế được thể hiện một cách đầy kịch tính, khi người ta yêu. Iris Murdoch, một triết gia người Anh, nói rằng : “Đối với nhiều người, yêu là kinh nghiệm tuyệt vời nhất và biểu hiện rõ nét nhất của đời họ. Vì khi đó, trọng tâm của ý nghĩa bất thình lình bị nhổ ra khỏi bản thân mình, và cái tôi mơ mộng trở thành ý thức, nhờ một sự đảo lộn, về một thực tại hoàn toàn bị tách rời”. Khi yêu, chúng ta thôi không còn lấy mình làm cái rốn của vũ trụ, và để chỗ cho người khác. Chúng ta thôi không làm mặt trời nữa mà trở thành mặt trăng.
Nhưng như thế cũng không thực sự giải đáp cho vấn đề của chúng ta. Chúng ta không thể “phải lòng” hết mọi người ! Và người Samari nhân hậu không “phải lòng” người bị nạn ! Vấn đề là chúng ta để cho những người chúng ta mới quen biết động đến cuộc đời chúng ta như thế nào ? Người Samari cảm thấy bị động chạm, xót xa vì ông ta thấy người bị thương. Thầy tư tế và thầy Lê-vi cũng thấy. Tuy nhiên, hai người này không thấy người bị nạn cần đến sự giúp đỡ của họ, nhưng thấy nguồn gốc gây ra ô uế. Sau này chúng ta sẽ nói về họ.
Thách thức đầu tiên là phải mở rộng con mắt để nhìn thấy. Ngay trước khi nói dụ ngôn người Samari nhân hậu, Đức Giêsu quay về phía các môn đệ và nói : “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy !” (Lc 10,23). Mỗi xã hội đều chấp nhận cho một số người tính khả thị còn những người khác thì biến mất. Trong xã hội của chúng ta, các chính trị gia và các ngôi sao điện ảnh, các ca sĩ và các cầu thủ bóng đá, tất cả đều khả thị. Họ xuất hiện ở những nơi có đông đảo quần chúng, trên các bảng hiệu quảng cáo và trên truyền hình. Nhưng chúng ta đang làm cho những người nghèo thành bất khả thị.
Khi Đức Giáo Hoàng thăm nước Cộng Hoà Dominica, chính phủ nước này đã ra lệnh cho xây dựng một bức tường dài dọc theo con đường từ sân bay về đến trung tâm thành phố, để Đức Giáo Hoàng không trông thấy những khu ổ chuột nơi những người nghèo khó đang sinh sống. Người dân gọi đó là “bức tường tủi nhục”. Chúng ta có dám nhìn những người nghèo của chúng ta và để cho họ động chạm đến cuộc đời mình không ? Chúng ta đã dựng nên “bức tường tủi nhục” nào trong xã hội để giấu đi những người nghèo ?
* Và thực hành chứ không mơ mộng.
Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”
Để cho mình bị động chạm đến chưa đủ. Khi xem phim, hay xem kịch, những mục lâm ly giọt vắn giọt dài, tôi hay cảm động và khóc theo cách dễ dàng. Bạn bè của tôi xấu hổ khi đi xem phim, hay vở kịch trên tivi với tôi ! Nhưng khi hết phim, tôi đi ăn bún ốc, và quên ngay những gì đã khiến tôi khóc. Tất cả chúng ta mệt nhọc vì đồng cảm. Trên truyền hình, chúng ta thấy hàng ngàn hình ảnh đàn ông, đàn bà và trẻ em bị thương và chết, nằm dài bên vệ đường. Chúng ta có thể làm được gì cho họ ?
Tôi đang viết bài này, thì một người anh em Đa Minh, giám mục Guatemala, đến gặp tôi. Người đã mô tả cảnh nghèo khó nơi giáo dân của người, đang khổ sở do những cơn bão tố và những trận động đất, nạn tham nhũng và sự bách hại đối với Hội Thánh. Tôi đã cảm động sâu sắc. Nhưng, người vừa đi khỏi, tôi lại tiếp tục soạn bài nói về người Samari nhân hậu ! Đúng là viết về những dụ ngôn thì dễ hơn là sống theo những dụ ngôn đó. Như Bernard Shaw từng nói : “Ai có thể, hãy hành động. Ai không thể, hãy dạy dỗ !”
Lòng thương cảm nơi người Samari làm đảo lộn hết mọi dự tính. Ông ta đã chuẩn bị cho cuộc hành trình, tiền bạc và đồ ăn thức uống. Bây giờ ông phải dùng những thứ này vào một mục tiêu mà ông không hề ngờ được. Hai quan tiền là một số tiền lớn, đủ để trả tiền công trong ba tuần. Nhưng ông đã cho cả những gì ông chưa có, tức là tiền bạc mà ông hy vọng kiếm được ở Giêrikhô. Ông chấp nhận liều khi phải đưa ra lời hứa mà không định được giới hạn.
Khi ông luật sĩ hỏi : “Ai là người thận cận của tôi ?” ông ta mong muốn xác định những bổn phận của ông. Ông muốn biết trước những gì ông phải làm và những gì ông không nên làm. Nhưng câu trả lời của người Samari nhân hậu dẫn ông đến một miền đất ông chưa từng biết đến. Ông không thể biết người chủ quán sẽ đòi ông bao nhiêu. Có một câu nói đùa xưa rồi : “Nếu bạn muốn chọc cho Chúa cười, thì cứ việc kể cho Chúa nghe những dự tính của bạn”. Lòng thương cảm đích thực làm đảo lộn những dự tính và dẫn chúng ta vào những hướng đi thật bất ngờ. Nếu chúng ta dám nhìn vào những người nghèo, những người bị thương tích, những người xa lạ giữa chúng ta, khi đó ai biết những hậu quả nào sẽ theo đuổi chúng ta ?
* Cuối cùng là trở nên bạn hữu.
Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.
Chúng ta đã thấy rằng ông luật sĩ đặt câu hỏi lấy ông ta làm trung tâm, và Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này bằng một câu hỏi lấy người khác làm trung tâm. Nhưng, còn có sự chuyển đổi khác. Ông luật sĩ hỏi ai là người thân cận của tôi. Như thế giả thiết là chúng ta đã có những người thân cận rồi, nhưng chúng ta còn phải xác định họ là ai nữa. Và Đức Giêsu trả lời khi hỏi ai đã trở thành thân cận của người bị nạn. Người Samari trở thành người thân cận với người ấy. Ông thiết lập mối tương quan mà trước đây ông không có.
“Hãy đi và làm như vậy”. Những lời này là lời mời gọi xây dựng một xã hội vẫn còn chưa hiện hữu. Nó chỉ cho thấy Vương Quốc. Khác với chủ nghĩa duy vật, chúng ta, những Kitô hữu, không nghĩ rằng tự mình chúng ta có thể xây dựng Vương Quốc. Vương Quốc ấy sẽ đến như một ơn huệ không căn cứ vào công nghiệp của chúng ta. Ân huệ này vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng nền văn minh của chúng ta, nhằm tìm kiếm sự hiệp thông với người khác, mở rộng tay chúng ta để đón nhận ân huệ này. Văn minh được định nghĩa như “nghệ thuật của cái có thể”. Văn minh Kitô giáo có nét đặc sắc nhờ niềm hy vọng đạt tới những gì, theo nhiều người, hình như là không thể. Chúng ta liều lao mình tới sự hiệp thông vượt quá sức chúng ta. Văn minh Kitô giáo là nghệ thuật của cái không thể.
Nói cho cùng, điều này hàm ý là chúng ta mất đi những nét đặc thù thiển cận chia rẽ chúng ta với những người khác. Dụ ngôn kể lại cuộc hành trình của chúng ta. Cuộc hành trình này biến đổi căn tính của những người tham gia. Con người bị bọn cướp tấn công đơn giản được gọi là “một người kia”. Người ấy không được nói rõ là một người Do-thái hay Samari, người nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay cụ già. Người ấy là mỗi người trong chúng ta, từng người. Và khi Đức Giêsu hỏi ai là người thân cận với người bị nạn, thì ông luật sĩ không trả lời : “Người Samari”. Ông chỉ trả lời đơn giản : “Người đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Chính người Samari cũng được giải thoát khỏi căn tính là người lạc giáo. Câu chuyện bắt đầu như một câu chuyện của người Do-thái và người Samari. Nó đã trở nên câu chuyện cho hai người. Những người bảo tồn căn tính của mình là những người đi tránh sang một bên : thầy Lêvi và thầy tư tế. Hai người này đánh mất cơ hội khám phá một cách thức mới để làm hữu thể con người. Họ đi qua một bên và giam mình trong căn tính cũ kỹ của họ.
Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Điều đó còn có nghĩa là yêu người thân cận bằng với yêu chính mình. Chúng ta được mời gọi yêu mến người thận cận của ta như một phần của chính chúng ta. Chúng ta yêu thương các thành viên trong gia đình như chính chúng ta, bởi họ làm nên thành phần của ta. Chúng ta chỉ là một xương, một thịt. Yêu mến người xa lạ như chính ta, đó là khám phá một căn tính mới có sức biến đổi ta. Người Samari thực hiện điều chúng ta gọi là “bác ái”, theo nghĩa cổ xưa nhất của từ này. Cho đến thế kỷ XVII, ít là trong tiếng Anh,“bác ái” nghĩa là mối liên hệ liên kết chúng ta với nhau như những thành phần của Thân Thể Đức Kitô.
Sau thế kỷ XVII, có sự biến đổi to lớn trong cách hiểu về lòng nhân đạo của chúng ta, và nhất là từ này đi đến chỗ chỉ còn là tiền bạc chúng ta cho người nghèo. Nó không còn giải nghĩa tình yêu của ta đối với anh chị em của ta nữa, và bắt đầu chỉ sự giúp đỡ đối với người xa lạ.
Khi Đức giám mục Helder Camara hay tin một người nghèo bị cảnh sát bắt, ông điện thoại và bảo : “Tôi đã nghe nói rằng các ông bắt người anh em của tôi”. Và một nhân viên cảnh sát trả lời rất lễ phép và xin lỗi : “Thưa Đức cha, chúng con thật có lỗi ! Chúng con không biết rằng đó là người anh em của Đức cha. Ông ta sẽ được trả tự do ngay tức khắc !” Và khi vị Tổng giám mục đến tìm người đàn ông này tại đồn cảnh sát, một nhân viên cảnh sát đã thưa : “Nhưng thưa Đức cha, ông ta không cùng họ với Đức cha”. Đức cha Camara trả lời : “Tất cả những người nghèo đều là anh chị em của tôi”.
Thế nên, yêu người thân cận như chính mình có nghĩa là lên đường. Con đường này không chỉ dẫn từ Giêrusalem đến Giêrikhô. Nó dẫn đến Thiên Quốc, nơi tôi khám phá đầy đủ tôi là ai. Chính cuộc hành trình này giải phóng ta khỏi mọi định nghĩa hạn hẹp do ta đưa ra. Cuộc hành trình đưa ta tới gần Đức Kitô. Như thánh Gioan đã viết : “Điều ấy chưa được bày tỏ. Nhưng chúng ta biết rằng, khi Người [Đức Kitô] xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1 Ga 3,2).
Chúng ta có thể thực hiện cuộc hành trình đầy chông gai tiến về Vương Quốc như thế nào ? Làm sao đương đầu với những nguy cơ khi rời bỏ Giêrusalem để đi Giêrikhô ? Có thể chúng ta sẽ rơi vào tay bọn cướp và chúng sẽ để mặc ta thừa sống thiếu chết. Chúng ta có thể tìm thấy một người mình đầy thương tích, và cuộc gặp gỡ này làm thay đổi đời ta. Không lẽ cứ ở nhà cho chắc ăn ? Có thể nói, chúng ta dám theo “con đường này” bởi vì Thiên Chúa đã đi trước chúng ta. Thiên Chúa đã rời Giêrusalem đi Giêrikhô, và chúng ta có thể hoàn toàn an tâm lên đường.
Dụ ngôn nói đến sự biến đổi căn tính con người. Nhưng ở mức độ còn sâu sắc hơn, có một câu chuyện khác, câu chuyện về sự biến đổi căn tính của Thiên Chúa.
* Trần gian là ngôi thánh đường.
Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikho…
Giêrusalem là Thành Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, trong Đền thờ. Nhưng cuộc hành trình đưa chúng ta rời xa Đền Thờ, nơi thánh thiêng nhất trên trần gian.
Thầy tư tế cũng đi Giêrikhô. Quả thực, nhiều gia đình tư tế sống ở Giêrikhô và, khi hoàn tất việc phục vụ Đền thờ Giêrusalem, họ theo con đường này trở về nhà. Thế nên, khi thầy tư tế thấy người bị nạn nằm đó, ông tránh qua một bên. Tại sao ? Không nhất thiết là vì ông ta thiếu một tấm lòng. Con người bị thương này được mô tả là “thừa sống thiếu chết”. Ta quen chấp nhận bảo rằng ông ta không thể đụng vào thân thể người gần chết này, bởi vì như thế ông sẽ ra ô uế. Thiên Chúa của sự sống không dính dáng gì với người chết và, vì lý do đó, tuyệt đối cấm các tư tế Đền Thờ đụng vào người chết. Ông không thấy nhìn người chết này như là con người cần được giúp đỡ mà như một nguy hiểm đe doạ sự thánh thiện của ông. Cũng chính vì lý do đó mà thầy Lêvi, người phục vụ trong Đền Thờ, đi qua mà không dừng lại.
Người Samari bị loại ra khỏi sự thánh thiện của Đền Thờ. Đó là người lạc giáo và ly giáo. Người Samari thậm chí còn xây một Đền Thờ khác. Họ là những người không thanh sạch và là hiện thân của sự phạm thượng.Nhưng những cử chỉ diễn tả lòng thương xót của người này lại làm sáng tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Cũng có thể việc nhắc đến dầu và rượu chỉ hai thành phần dùng trong những hy lễ ở Đền Thờ. Chính ở đây, ngay chỗ này, anh chị em sẽ thấy là nơi thánh thiện thực sự, nơi Thiên Chúa ngự. Toàn bộ bản văn có thể được tóm lại trong Hô-sê 6,6 : “Ta muốn lòng thương xót chứ đâu cần lễ tế”. Và người Samari mang người ấy đến quán trọ. Trong tiếng Hy-lạp, người ta dùng từ rất gợi ý nghĩa là : “tiếp đón mọi người”. Những xác chết không đe doạ sự thánh thiện đích thực. Thật thế, Thiên Chúa của sự sống có thể ôm những người chết vào lòng và ban sự sống cho họ. Thập giá là Đền thờ đích thực nơi ta có thể thấy vinh quang của Thiên Chúa.
“Ai là người thân cận của tôi ?” ông luật sĩ hỏi. Đó là câu hỏi hằng được lặp đi lặp lại ở mọi nơi mọi chỗ. Đâu là bổn phận ta phải có đối với tha nhân ? Có nhiều câu hỏi được đặt ra để chúng ta phải đi tìm câu trả lời. Đức Giêsu không cho ta câu trả lời giản đơn. Dụ ngôn buộc chúng ta phải thay đổi lối đặt vấn đề. Làm thế nào tôi có thể trở thành người thân cận của người bị thương tích ? Làm sao tôi có thể khám phá ra mình có liên quan với người ấy và cho người ấy ?
* Thưa các bạn :
Vấn đề lớn nhất và thực là khó, xoay quanh đời ta đó là “cái tôi” to đùng, rất tự nhiên và có thể nói được là rất hồn nhiên như trẻ thơ. Chỉ có người thức tỉnh mới sớm nhận ra nó. Một cha bạn, bên cạnh phòng tôi, kê một hồ cá ngay trước cửa phòng của tôi và ngài có con cá rất đẹp. Tôi xin ngài con cá đó để thả vào cái hồ bên cửa sổ phòng của tôi nhưng ngài không cho. Tôi buồn lắm ! ! ! Nhưng khi thức tỉnh thì tôi sẽ nhận ra liền, con cá đó nó ở ngay trước cửa phòng tôi, tôi muốn nhìn ngắm nó ngày đêm thỏa thích, có phiền hà gì đâu. Thế nhưng nó phải là của tôi cơ. Nó thuộc về tôi cơ. Tôi làm chủ nó cơ… Thế đấy ! “cái tôi” của tôi thì tôi vẫn thích hơn !.
Đọc Lời Chúa và ghiền gẫm hàng ngày giúp tôi nhận ra mình để được biến đổi. Biến đổi, đó là Lời Chúa giúp tôi ra khỏi mình. Một cuộc đảo lộn lớn trong đời tôi là Chúa giúp tôi ra khỏi chính tôi để tôi mền lòng ra trong tôi và trước mọi người. Nhờ đó, chạnh lòng thương xót của Chúa, sớm ở trong lòng tôi để tôi có thể thấy được những người chung quanh tôi đang “bị thương”, “người nghèo”, đó là người chưa nhận ra được Chúa thương yêu, Chúa là niềm vui hạnh phúc của họ.
Hành trình ra đi (cho dù có trầy da tróc vẩy) là tấm lòng luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, có thể làm đảo lộn tất cả những chương trình dự tính của mình để đưa họ vào “quán trọ” . Nơi đó, có anh chị em luôn ở bên họ, và Đức Chúa sẽ chữa lành băng bó vết thương cho họ, đưa họ vào “Vương Quốc” (trong một trời mới đất mới). Mỗi người sẽ trở thành bạn với họ, không còn những vách ngăn, những hố sâu ranh giới nữa (đồng cảm).
Người được chữa lành là người sống nên một với Chúa mọi nơi mọi lúc trong đời thường mỗi ngày và yêu thương anh chị em của mình như chính yêu thương mình để trần gian thực sự trở thành ngôi thánh đường có Chúa hiện diện.
.
.