29/06/2011 -

Chia sẻ tin mừng

214

 


 



 


CHUNG ÁCH VỚI ĐỨC KITÔ


 


các bài chia sẻ I




Trên các con đường làng quê Việt Nam, người ta vẫn còn thấy đó đây những chiếc xe bò, là phương tiện chuyên chở thô sơ. Chỉ với một đôi bò, cái ách, chiếc thùng với cặp bánh xe bằng gỗ to tướng, người ta có thể chở những kiện hàng nặng nề có khi lên đến vài tấn. Chính kinh nghiệm có nơi những chiếc xe bò ấy lại soi sáng ta hiểu hơn về bài Tin Mừng hôm nay, khi chúng ta được mời gọi “chung ách” với Đức Kitô.


Chung ách


Cái ách được sử dụng như dây cương ghì giữ hai con vật lại với nhau, qua đó chúng làm cân bằng sức lực của hai con bò được ách vào đó. Con nào khoẻ hơn sẽ phải gánh đỡ phần “nặng hơn.” Hạn từ “Ách của tôi” ám chỉ ách mà Đức Giêsu đặt lên vai những kẻ theo Người, biến họ trở thành những người đồng hành với Người và với Thiên Chúa (xc. 1Cr 3,9). Ở đây, ách của Người thì nhẹ nhàng, vì Người đã gánh lấy phần nặng nề. Thế nhưng cỗ xe sẽ chẳng thể nào di chuyển nếu một trong hai con vật cứ đứng ỳ ra đó. Cũng thế, dẫu có Đức Kitô là Đấng mang vác phần lớn những gánh nặng nề, điều ấy cũng đòi buộc kẻ chung ách là ta cần nỗ lực bước theo Người, nỗ lực cộng tác với Người trên hành trình dương thế.


Trở thành môn đệ


Việc học và trở thành môn đệ của Đức Kitô khác với việc học nơi các Rápbi Do Thái. Hẳn khi nói câu này, Đức Kitô cũng cảm nghiệm thấy sự nặng nề mà những luật lệ truyền khẩu ràng buộc người ta trong đời sống thường nhật. Từ Thập Điều mà ông Môsê lãnh nhận trên núi Sinai, qua những giải thích, áp dụng, những người Pharisêu đã chế tác thành 613 điều luật cấm làm cũng như cho phép làm. Còn trong trường của Đức Kitô, người ta chỉ còn phải ghi nhớ hai điều cơ bản này mà thôi, đó là “Mến Chúa, Yêu Người.” Ngắn gọn hơn nữa, ta có thể nói mọi điều luật tựu trung ở một điều duy nhất là “Đức Ái”.


Như thế ta nhận thấy, ngược lại với gánh nặng của luật và truyền thống mà những kinh sư và Pharisêu đã chất lên vai dân, ách của Đức Giêsu là giáo huấn của Người - một gánh nhẹ nhàng (x. Cv 15,10). Có chuyện đó không phải là Người đòi hỏi ít những yêu cầu của luân lý, đạo đức, nhưng bởi vì Người trao ban cho người ta nhiều sự nghỉ ngơi của Nước Trời và ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để họ có thể vượt qua những khó khăn.


Lại nữa, Kinh Thánh Cựu Ước nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng “dịu hiền, nhân từ, hay trợ đỡ” (x. Tv 25,8; 34,9;…). Ở đây Đức Giêsu cũng thể hiện rõ những phẩm chất riêng của Người như của Đấng Mêsia. Có nghĩa là nơi Người cũng chất chứa sự dịu hiền, đầy trắc ẩn và hay thương xót. Nếu thế thì chẳng có gì ngăn cản chúng ta tiến bước trở thành người môn đệ của Chúa.


Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay Giáo hội thường dùng để đọc trong lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa, lễ mà chúng ta vừa mừng cách đây hai hôm. Đứng trước tình yêu phát xuất từ Thánh Tâm, nhiều người dễ có thái độ khúm núm, đớn hèn vì thân phận con người. Thiết nghĩ điều đó là cần thiết, nhưng thái độ quan trọng hơn chính là thái độ của tư thế đứng. Đó là thái độ hiên ngang vì được cứu độ; thái độ mừng vui vì có Đức Kitô đồng hành và mang đỡ những nỗi nhục nhằn; thái độ của những người nghèo đã lãnh nhận mặc khải từ chính Chúa. Thiết nghĩ đó mới là thái độ chính của những người cảm nghiệm thấy được chung ách với Đức Kitô và được trở thành môn đệ của Người.


Gợi ý chia sẻ


Anh chị có sẵn sàng cho việc chung ách với Đức Kitô không? Điều gì khiến anh chị chùn chân, không thể tiến bước cùng Người?


Học viện Đa Minh


(Chia sẻ TM HĐGD ĐM tháng 7.2011)



114.864864865135.135135135250