PHỤC SINH KHÔNG CHỈ LÀ NIỀM HY VỌNG CHO TƯƠNG LAI
Lm. Jude Siciliano, OP
Câu chuyện Phục Sinh bắt đầu với ngôi mộ trống. Không phải cách tôi hay làm! Nếu là tôi, tôi sẽ kể có đám đông hàng ngàn người, thậm chí chục ngàn người đứng chờ đợi ngay ngôi mộ. Nên chuẩn bị sẵn pháo hoa để bắn mừng giây phút ấn tượng khi tảng đá lấp cửa mồ bắt đấu kọt kẹt và từ từ lăn ra khỏi lối vào ngôi mộ.
Tôi sẽ mướn nhạc công, đặc biệt là phải có kèn trống, sẵn sàng tấu lên khúc nhạc chiến thắng khi Đức Giêsu xuất hiện sáng chói trong ánh nắng ban mai. Và sẽ thật thiếu sót nếu không có camera, tôi sẽ ghi hình giây phút này để lại cho thế hệ tín hữu mai sau, như một bằng chứng xác thực. Tôi cũng muốn làm một đĩa DVD để gửi cho những kẻ hoài nghi, đặc biệt là các Pharisêu và tư tế ; cũng đừng quên Hêrôđê và những tên lính đã đóng đinh Đức Giêsu. Tôi sẽ nói với họ thế này: “Đó, ngươi thấy không, đúng như lời Người nói! Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết”. Nhưng không biết camera của chúng ta có thể chụp được hình các thiên thần mà các Tin mừng khác nhắc tới không nhỉ?
Còn nữa: tại sao những lại chọn bài đọc này cho Lễ Sáng Chúa Nhật Phục Sinh? Hôm nay, tất cả các nhà thờ của chúng ta đều chật ních. Cả những người hiếm khi đến nhà thờ thì hôm nay cũng ở với chúng ta, còn có nhiều trẻ em mặc những bộ đồ phục sinh bảnh bao. Chẳng lẽ chúng ta không có những bài đọc hoành tráng hơn bài Tin mừng nhẹ nhàng này của thánh Gioan? Chẳng lẽ chúng ta không gây ấn tượng cho khách tham quan và cả những người thỉnh thoảng đến nhà thờ, như chủ kênh truyền hình Ed Sullivan từng gọi là “một chương trình thực sự lớn” hay sao? Thậm chí bài Tin mừng hôm nay cũng chẳng mảy may có đến một cảnh thoáng qua của Đức Kitô phục sinh.
Có lẽ thánh Phêrô có thể giúp chúng ta tìm kiếm Đức Kitô phục sinh, không phải quay lại quá khứ, nhưng là ngay bây giờ. Trong bài trích sách Công vụ Tông đồ, ngài cho chúng ta một cái nhìn khái quát về cuộc đời Đức Giêsu, bắt đầu với sứ vụ của Người ở Galilê, và việc Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần cho Người khi Người chịu phép rửa. Điều đánh động tôi trong lời chứng của Phêrô và điều giúp tôi thấy được cái thiếu hoàng tráng của bài Tin mừng hôm nay là sự xác nhận của thánh Phêrô: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”
Thánh Phêrô cho rằng những ai được Thiên Chúa chọn thì có thể “thấy” Đức Giêsu và những chứng nhân đó được Thiên Chúa kêu gọi để “rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng…” Tin mừng Phục sinh không chỉ dành riêng cho một số người được chọn hay những người ưu tú trên thế giới. Nhưng công việc của những tín hữu đầu tiên và cả chúng ta nữa là rao truyền lời đó cho tất cả thế giới biết những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trong Đức Giêsu. Kế hoạch của Thiên Chúa là những ai chứng kiến Đức Giêsu phục sinh thì sẽ rao truyền tin đó để những tâm hồn và tâm tưởng sẽ được biến đổi. Vì thế mà không có một DvD hay hình ảnh nào ghi lại biến cố này – chỉ những chứng nhân sống động được Thiên Chúa kêu gọi chuyển trao những gì họ cảm nghiệm về Đức Kitô phục sinh, cho những ai chưa được nghe Tin mừng mà chúng ta cử hành hôm nay: “Đức Kitô đã phục sinh.”
Ngày nay, nhiều người hay nói rằng: “Nếu chỉ mình tôi ở đó lúc Đức Giêsu phục sinh, tôi có lẽ đã rất hăng hái làm chứng những gì tôi nhìn thấy”. Vâng, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy cái trước tiên mà Maria Magdala, thánh Phêrô và “môn đệ Đức Giêsu yêu mến” nhìn thấy là một ngôi mộ trống! Ít nhất là những gì xảy ra cho Maria và thánh Phêrô là sự hiểu lầm và bối rối. Maria ra mộ lúc “trời còn tối” – vẫn còn tối tăm cách khác đối cả Maria và Phêrô. Maria kết luận như bất cứ người nào cũng có thể nghĩ thế, “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Chúng ta không biết thánh Phêrô nghĩ gì khi nhìn thấy ngôi mộ trống: chắc chắn không phải nghĩ về việc Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Không ai nghĩ như thế, ngay cả thánh Phêrô và những người thân thiết với Đức Giêsu nhất; điều đó quả là phi lý. Tạ ơn trời vì còn có một người môn đệ khác cũng có mặt ở ngôi mộ, “người môn đệ được thương mến”. Dù không thấy Đức Kitô phục sinh, ông nhìn vào trong mộ, thấy khăn niệm và khăn che đầu được cuộn lại ngay ngắn, thánh Gioan cho chúng ta biết, “Ông đã thấy và đã tin”
Thân phận của Người Môn Đệ Được Yêu là đề tài đã được tranh luận và bàn thảo từ rất lâu. Thánh Gioan nói với chúng ta người ấy cũng đã ở dưới chân thập giá (19:35) với Mẹ của Đức Giêsu, với Maria vợ của ông Clopas và Maria Magdala, còn các môn đệ khác lúc đó đã bỏ trốn hết. Khoảng một thế kỷ sau, giáo phụ Irênê xác định người đó là một trong nhóm mười hai – có thể là Gioan? Nhưng thánh Irênê không có mặt ở đó. Một vài người cho rằng người môn đệ vô danh đó là Lazarô, có người lại bảo đó là Tôma. Nhưng chúng ta không chắc chắn.
Nhưng có thể thánh Gioan sử dụng danh từ Người Môn Đệ Được Yêu như một biểu tượng cho kiểu mẫu của người môn đệ hoàn hảo. Như một người mên đệ, ngài có lẽ cũng đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu và đi theo Người. Môn đệ này không chỉ làm môn đệ của Đức Giêsu trong suốt thời gian tốt đẹp; mà còn đứng dưới chân thập giá nữa, chứng kiến những khổ hình mà Đức Giêsu phải chịu. Ngài không hề ảo tưởng về những gì mà người môn đệ phải đón nhận. Ngài không bỏ chạy nhưng ở lại đó, hiện diện với cộng đoàn và nghe tường thuật đầu tiên của Maria về ngôi mộ trống. “Môn đệ mẫu mực” này, người đã chứng kiến tất cả, hôm nay cũng có mặt ở nơi ngôi mộ trống. Giờ đây, nhìn vào trong mồ, ngài thấy mọi sự được tỏ tường; ngài tin tưởng mà không cần nhìn thấy chứng cứ cụ thể - như chúng ta cũng được mời gọi nên như thế.
Thật chẳng có cảnh tưởng nào thuyết phục những người lần đầu tiên chứng kiến ngôi mộ trống tin tin rằng Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng cuối cùng thì đây quả thật là một câu chuyện Phục Sinh rất hay cho chúng ta ngày nay, vì chúng ta được đòi hỏi phải tin sự chứng kiến của những chứng nhân đầu tiên và hậu duệ của họ mà không cần phải thực sự nhìn thấy, vì chúng ta cũng đang nhìn chằm chằm vào ngôi mộ trống của cuộc đời chúng ta và được mời gọi để tin rằng có một cuộc sống mới ở đó.
Cách đây hai tuần, chúng ta được nghe về câu chuyện Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại. Người chết từ trong mộ đi ra, trên mình còn cuốn vải niệm. Đức Giêsu ra lệnh, “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Nhưng ngày nào đó, Lazarô cũng sẽ chết, và lại bị cuốn vào vải niệm.
Khi Người Môn Đệ Được Yêu nhìn vào trong ngôi mộ trống thì thấy vải niệm của Đức Giêsu còn để lại. Không thể tìm thấy Đức Giêsu sẽ trong mớ khăn niệm đó nữa, vì giờ đây đã phục sinh. Nhờ vào sự sinh của Người, cả chúng ta nữa cũng sẽ được trỗi dậy khỏi mồ và bỏ sự chết lại phía sau – như hình ảnh những khăn niệm trong Tin mừng hôm nay biểu trưng.
Tình yêu mà người môn đệ cảm nghiệm từ nơi Đức Giêsu đã chuẩn bị cho ngài thấy được đời sống mới mà Đức Giêsu đã bước vào. Với chúng ta, những người hôm nay lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Bàn Tiệc Thánh cũng biết được tình yêu mà Đức Giêsu dành cho chúng ta – giờ đây chúng ta là “các môn đệ được yêu”. Chúng ta nhìn vào những nơi chết chóc của mình với niềm tin phục sinh và hy vọng rằng Thiên Chúa có thể làm ra sự sống mới nơi mà giờ đây chúng ta nhìn thấy sự chết và những hệ lụy của nó.
Chúng ta nhớ lại những cảm nghiệm riêng tư về sự phục sinh, khi chúng ta nhìn vào một ngôi mộ, một nơi chết chóc trong cuộc sống của chúng ta và cảm nghiệm sự sống mới. Chính kỷ niệm đó cho chúng ta niềm hy vọng. Chẳng hạn như, với đôi mắt và trí nhớ được điểm tô bằng niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta nhớ lại:
- Khi chúng ta gần như bỏ cuộc với một người bạn nghiện nghập thì họ lại hồi tỉnh, nhờ giúp đỡ và rồi sống lại.
- Khi chúng ta chịu đựng sự mất mát một người thân yêu và thế giới như sựp đổ, và rồi sau đó ta bước ra khỏi ngôi mồ đau đớn và sống lại.
- Khi chúng ta phải gánh chịu những khủng hoảng tài chánh và chúng ta sát cánh với nhau như một gia đình, thực hiện những điều chỉnh nghiêm túc và cần thiết trong lối sống của mình và sau đó chúng ta lại sống.
- Khi chúng ta lạc mất đức tin, nhưng lại cảm thấy sự trống trải vì mất đi cộng đoàn của những người tin và nghi lễ quan trọng, chúng ta ta trở lại với những thực hành tôn giáo và rồi chúng ta sống lại.
Với các tín hữu, phục sinh không chỉ là niềm hy vọng cho tương lai, nơi chốn và thời gian tốt hơn. Chúng ta đã nhìn vào trong rất nhiều ngôi mộ của chúng ta. Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến là mẫu gương cho chúng ta. Ngài biết tình yêu mà Đức Giêsu dành cho mình; một tình yêu mà ngay cả đau khổ hay sự chết cũng không làm lay chuyển. Không nhìn thấy Đức Giêsu nhưng ngài vẫn tin, và ngày nay ngài là sự khích lệ cho mỗi chúng ta, giúp chúng ta nhìn những cái chết của mình với nét mặt không hề sợ hãi.
Trong thánh lễ Phục sinh này, chúng ta, “những người môn đệ được yêu”, hãy mở to đôi mắt và đôi tai đức tin để nhìn và nghe Chúa Phục sinh đang ở giữa chúng ta. Người ở cùng chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Người; Người ở với chúng ta qua bánh rượu Thánh Thể. Chúng ta nhớ lại kinh nghiệm ohục sinh mà chúng ta có trong quá khứ, khi chúng ta cảm nghiệm cuộc sống mới sau cái chết. Với những kinh nghiệm được làm mới lại trong Thánh lễ này, chúng ta được tràn trề hy vọng khi chúng ta đối diện với những cái chết ngay hiện tại cũng như trong tương lai.
Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em HV Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ