21/03/2011 -

Chia sẻ tin mừng

453

 


 


Cơn Khát Tâm Linh


 


Tin mừng (bài ngắn) Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42


Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành miền Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Vì đi đường mệt mỏi, nên Đức Giêsu ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.


Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi uống với!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, tôi là phụ nữ Samari, mà ông lại xin tôi cho ông uống sao?” Quả thế, người Do Thái không giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi uống với’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy Ngài lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ Ngài lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính tổ phụ đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của ngài cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Phàm ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi sẽ cho, thì muôn đời sẽ không khát. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”


Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”


Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy Ngài là một ngôn sứ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các vị lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng.” Đức Giêsu nói với chị: “Này người phụ nữ, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật. Quả thế, Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như vậy. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”


Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Chúng tôi tin, không còn phải vì lời chị kể nữa! Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”


Chia sẻ


Tại những vùng đất khô hạn như xứ Paléttin, nước là một vấn đề rất quan trọng. Chúng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và sự sảng khoái, vui thoả của chúng cũng dễ được sánh ví với ơn cứu độ. Vì thế ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh sử dụng hạn từ này tổng cộng 491 lần. Trong những lần sử dụng ấy, có học giả Kinh Thánh chỉ ra, chung quanh cái giếng, thường xảy ra các cuộc hôn nhân. Ta có thể kể ra đây những ví dụ như: lão bộc của Apraham đã ký kết hôn nhân cho Isaác bên một cái giếng (St 24,10-61); Giacóp gặp Rakhen bên bờ giếng (St 29,1-20); Môsê gặp người vợ tương lai bên bờ giếng (Xh 2,15b-21)…


Tuy không nhất thiết rằng khi bàn chuyện hôn nhân, người ta phải đem ra bờ giếng để nói, nhưng ý tưởng về những cuộc hôn nhân phát sinh từ bên một bờ giếng cũng soi sáng cho ta nhiều điểm thú vị khi nghe bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay. Nói theo một nghĩa nào đó, tiến trình đi đến việc tin nhận của người phụ nữ Samari, và sau là cả thành Samari, sẽ là gì nếu không phải là một cuộc kết ước giữa họ với Đức Kitô? Sự kết ước ấy dẫn họ đến lời tuyên xưng: “Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” Thiết nghĩ, như một cuộc hôn nhân, sau lần gặp gỡ này, những người Samari thuở xưa đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của việc không còn thờ Chúa trên “núi này hay núi kia”, nhưng là “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật”.


Một điểm khác ta cũng cần lưu ý, để có thể thu phục được người phụ nữ Samari tin theo hồng ân cứu độ mà Người mang lại, Đức Giêsu đã đã vận dụng cả một khoa sư phạm. Trước tiên Người khơi lên sự tò mò để bà tìm hiểu, qua việc nhắc đến một công việc thường ngày, là đến giếng kín nước để giải toả cơn khát thể lý. Từ đó Người gợi đến một thực tại khác: nước hằng sống. Thế rồi câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác nữa khi Đức Giêsu đề cập đến đời sống riêng tư của bà, nơi ấy cơn khát tình yêu dường như vẫn chưa được thoả đáng. Mục tiêu của Đức Giêsu không phải đưa bà đến chỗ nhìn vào mình, nhưng là nhìn vào Người để nhận biết Người là ai.


Khi nhìn vào Đức Giêsu, bà đã được nghe Người khẳng định: “Đấng ấy là tôi.” Nếu như người phụ nữ này thông thuộc Kinh Thánh một chút, hẳn chị đã thấy sự tương đồng giữa lời tuyên bố của Đức Giêsu với lời mà Thiên Chúa phán với ông Môsê khi ông hỏi danh của Người. Cũng cùng một từ, nhưng tuỳ theo văn mạch mà người ta hiểu: “Ta là Đấng Tự Hữu” hay “Đấng ấy là tôi”. Tựu trung lại, qua cách sử dụng cụm từ này, Đức Giêsu đã mặc khải cho người phụ nữ biết Người là Đấng Mêsia, còn gọi là Đức Kitô, là Đấng sẽ đến.


Tóm lại, đặt bài Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh Mùa Chay, Giáo hội mong muốn chúng ta xác tín vào hồng ân mình đã lãnh nhận trong phép rửa. Có thể nói phép rửa là một kết ước gắn cuộc đời chúng ta với Thiên Chúa. Nếu trong truyền thống người Do Thái, có nhiều cuộc hôn nhân mở ra cho một cuộc đời mới, được định hình bên bờ giếng thế nào, thì trong Kitô giáo, bờ giếng rửa tội cũng là nơi ta gặp gỡ Thiên Chúa, mở ra trang sử mới trong cuộc đời chúng ta. Bờ giếng rửa tội cũng là nơi ta tin nhận mặc khải mà Đức Giêsu đã tỏ lộ như Người đã làm với người phụ nữ xưa. Điều còn lại là ta có xác tín và rao truyền Đức Kitô là Đấng cứu độ trần gian như những người Samari xưa hay không?


Gợi ý chia sẻ


Anh chị em có cảm nhận thấy cơn khát tâm linh đang giày vò tâm hồn mình không? Đối diện với cơn khát này, anh chị em có tìm đến Đức Giêsu – Đấng là mạch suối trường sinh hay tìm một đối tượng khác?


Khoa sư phạm trong cách trò chuyện của Đức Giêsu đã gợi lên trong anh chị em điều gì?


Học viện Đa Minh


(trích Chia sẻ TM. HĐGDDM tháng 3.2011)


 


.

114.864864865135.135135135250