Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã để lại lời truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”[1]. Lời mời gọi này không chỉ cho các môn đệ mà thôi còn cho cả chúng ta là những người Kitô Hữu. Bởi chưng, ngay khi lãnh nhận ấn tín ơn thanh tẩy là chúng ta đã lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ để đưa tha nhân đến với Chúa bằng sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta thấy rằng sứ vụ loan truyền Lời Chúa là ơn gọi và là trách nhiệm của người Kitô Hữu, bởi chúng ta được Chúa nhận làm con, được sai đi và được ủy thác để trở nên cầu nối Hồng ân giữa Thiên Chúa và mọi loài thọ tạo. Quả thế, thánh tông đồ Phaolô đã có cảm nhận sâu sắc khi ngài nói: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”[2]. Bởi cuộc đời của Ngài đã gắn chặt vào Chúa Giêsu, cảm nghiệm được tình yêu dịu ngọt của Thiên Chúa. Điều đó đã khiến cho Ngài trở nên “điên” vì Thiên Chúa và hằng thao thức, khắc khoải mang Lời đến với muôn người.
Là loài thọ sinh, chúng ta cũng như thánh Phaolô xưa hãy ý thức rằng mình là bình sành mỏng manh, dễ vỡ [3] nhưng được Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng khiến chính cái mong manh yếu ớt đó lại trở nên rắn chắc trước mặt người đời, nhất là trước những cuộc bách hại. Có như thế chúng ta mới có cảm nghiệm được “Đức Kitô sống trong tôi”[4]. Tình yêu của Chúa ngày đêm hằng thúc bách và chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa đã thực hiện những kì công của Người qua bàn tay con người. Bởi chưng, như lời Chúa Giêsu phán rằng: “không phải anh em nhưng chính Thánh Thần Chúa nói trong anh em”[5].
Tin Mừng không mở ra cho chúng ta những con đường thênh thang, thẳng tắp nhưng là những khúc lộ quanh co, gập ghềnh, là con đường dẫn đến đồi Calvê.
Chúng ta có thể loan báo Tin Mừng bằng phương thế nào?
Đức Phaolô VI đã cho chúng ta một cách thức thiết thực khi người nói: Con người hôm nay cần những chứng nhân hơn các thầy dạy. Từ đó chúng ta thấy rằng việc loan báo Tin Mừng không phải bằng những lời nói bay bổng, giảng thuyết hùng hồn nhưng chính bằng đời sống của mình. Nghĩa là phải có hành động thiết thực, là lội ngược với dòng chảy cuộc đời để làm chứng cho tình yêu như Chúa Giêsu đã dạy: tha thứ cho kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn…
Chứng nhân trước hết nơi gia đình mình. Gia đình là tế bào hình thành nên Giáo Hội, là Giáo Hội thu nhỏ. Nơi đó, từng thành viên gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong đời sống học hành, làm việc và cầu nguyện. Bởi chưng, nơi nào có tình yêu hiện diện thì có Chúa cùng song hành, giúp đỡ, chở che. Ơn Thánh Linh tuôn đổ tràn trề để từng thành viên thực sự trở nên một môn đệ nhiệt thành truyền rao Lời Chân Lý như một nhân chứng sống động giữa thế giới thực dụng và hưởng thụ. Có như thế, gia đình Kitô hữu mới thực sự trở nên gia đình của tình thương trong xã hội đầy thù hận và ghét ghen.
Chứng nhân không phải là người sống tách biệt khỏi cuộc sống nhưng là hòa vào cuộc sống để nến tỏa sáng, để như muối ướp mặn đời. Nghĩa là đời sống của người Kitô Hữu phải thực sự là một câu hỏi lớn cho thời đại hôm nay. Tại sao thời này mà có những người dám bỏ thời gian để viếng thăm tha nhân? Họ có thể yêu thương được kẻ thù của mình? Và vì đâu mà gia đình họ được đầm ấm yêu thương?... tất cả những hành động đó của chúng ta như ánh sao tua trong đêm đông giá lạnh của cuộc đời hầu dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa. Có như thế thế giới hôm nay trở nên mặn muối, dậy men yêu thương.
Chứng nhân còn là chết đi cho lý tưởng Tin Mừng. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, dù đã nhận lời mời gọi của Người nhưng các môn đệ vẫn còn sống trong sợ hãi và lo âu. Những sợ hãi, lo âu này đã vùi lấp đi lý tưởng loan truyền Tin Vui Cứu Độ. Thế nhưng, ngay khi lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ngài đã can đảm phá tung cánh cửa hằng ngăn cách nguồn mạch Tình Yêu với dân chúng dẫu có bị xỉ nhục, bắt bớ, tù đày…Hơn hết, bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần mà các môn đệ đã dám dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho niềm tin. Thế nhưng, hạt giống Đức Tin dẫu có bị vùi lấp xuống đất và mục nát đi nhưng chính lúc đó nó sẽ trổ sinh nhiều hoa trái.
Dễ thấy rằng, rập khuôn thầy Giêsu là điều đó chúng ta không thể làm nổi, nhưng với khả năng Chúa ban, chúng ta dư sức thực thi những việc tha nhân đang cần. Bởi lẽ tình yêu là vô giới hạn nếu biết gắn chặt vào Chúa. Tình yêu chân thành luôn có những sáng tạo độc đáo để làm hài lòng người mình yêu. Vì thế Lời Chúa hôm nay rất thiết thực đối với mỗi người. Vậy:
Hãy là đôi chân cho người già yếu, giúp họ đến nhà thờ, đi thăm bà con.
Hãy là đôi tai cho những bạn trẻ đang mong bạn lắng nghe những nỗi lòng của họ.
Hãy là tin mừng cho người đang u sầu bằng những lời chia sẻ ủi an, khích lệ khôn ngoan.
Và hãy đem ánh sáng cho những ai đang lầm đường lạc lối, bằng sự hướng dẫn ân cần đầy thương yêu.
Lạy Chúa, xin đốt lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa để sưởi ấm con tim băng giá bởi những lo toan ưu phiền của cuộc sống. Để từ đó cuộc sống con thực sự là dấu chứng của Tình Yêu giữa cuộc sống đầy những hận thù, chiến tranh; và để con biết nhận ra những khát vọng tình yêu Chúa của tha nhân quanh con mà ngày càng mạnh bước hơn nữa trong việc đáp trả lời mời gọi dấn thân cho sứ vụ Tin Mừng. Amen.
JB. Lê Hoàng Huynh, OP