Kính thưa Cộng đoàn,
Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng đã đã quyết định cứu độ con người. Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến, Thiên Chúa đã tuyển chọn và huấn luyện dân riêng. Sau hết, Thiên Chúa sai Gio-an Tẩy Giả đi trước mở đường cho Con Chúa. Gio-an là tiếng kêu trong hoang địa kêu gọi mọi chuẩn bị tâm hồn đón Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Lu-ca khai mạc cuộc đời hoạt động của Gio-an rất long trọng. Ông xuất hiện và rao giảng trong một khung cảnh đạo đời thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế. Ông đi khắp miền sông Gio-đan rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Chính ông cũng làm gương về sự sám hối trong hình ảnh một ngôn sứ khắc khổ: mình mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn(Mt 3,4). Vai trò tiền hô của ông đã được tiên báo trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi”.
Giáo Hội dùng bài Tin Mừng hôm nay trong bầu khí mùa Vọng để nhắc nhở chúng ta lời mà Gio-an đã kêu gọi dân Do Thái năm xưa và sống theo lời ấy; là không ngừng sám hối, chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Giáng Sinh, đón Chúa đến trong từng giây phút của cuộc đời, nhất là đón Chúa quang lâm và ngày tạ thế của mỗi người.
Chúng ta phải sám hối vì sám hối là điều kiện căn bản để gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu rỗi. Mặc dù, nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tái sinh trong Đức Ki-tô, được sống một đời sống mới. Tuy nhiên, đời sống đó không tiêu hủy sự mỏng dòn của bản tính nhân loại, cũng như sự hướng chiều theo tội lỗi. Chúng ta là những tội nhân, như lời thánh Phao-lô nói: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Chính Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sám hối. Lời mời gọi này là một phần cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng, nhằm đưa mọi người đạt tói sự thánh thiện và sự sống vĩnh cửu mà Chúa Cha hằng mời gọi. Hơn nữa, chúng ta dửng dưng trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta nhưng mấy lần chúng ta đã ý thức tình yêu của Ngài và đáp trả. Vậy chúng ta phải khiêm tốn trước mặt Chúa, đấm ngực và thưa lên như người con hoang đàng: “thưa Cha con thật đắc tội với trời và với cha” (Lc 21,15), hoặc như người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Chúa sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm nếu chúng ta sám hối và trở về với Ngài.
Gio-an Tẩy giả cho chúng ta cách sám hối để đón Chúa đến. Đó là: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng”.
Trước hết, chúng ta phải ý thức sứ mạng sửa đổi bản thân là sứ mạng đầu tiên của mỗi người. Sửa lối cho thẳng để đón Chúa là chúng ta quyết tâm sửa cho tư tưởng luôn trong sạch, không có ý gian dối quanh co, không nghĩ xấu cho người khác. Sửa cho lời nói luôn trung thực, không ăn gian nói dối và đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe (Ep 4,29). Sửa cho việc làm luôn ngay thẳng, không buôn gian bán lận, luôn làm tròn bổn phận hằng ngày và làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời (Cl 3,23), “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”, để làm vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc anh em.
Trong xã hội hôm nay có nhiều thung lũng vô hình ngăn cách giữa con người với con người, giữa thành thị với nông thôn, giữa các quốc gia, dân tộc. Đó là sự phân hóa giầu nghèo: người giầu dư thừa của cải, người nghèo không đủ ăn. Đó là thung lũng hận thù; thung lũng chia rẽ sắc tộc, tôn giáo. Vì những thung lũng đó con người không nhận ra sự hiện diện Thiên Chúa trong cuộc sống. Chúng ta cùng chung tay san lấp những thung lũng đó bằng sự hòa giải, bác ái, hy sinh ngay bây giờ với những người xung quanh chúng ta. Đó chính là chúng ta lấp đầy thung lũng để mọi người thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng không quên lấp đầy tâm hồn trống rỗng của mình bằng tình yêu Thiên Chúa và tình mến anh chị em, để luôn tràn đầy hồng ân Chúa, sẵn sàng đón Chúa ngự đến.
Núi đồi ngăn cản đường đi. Mỗi người đều mang trong mình những ngọn đồi cản lối Chúa đến, đó là: tính tự phụ kiêu căng, coi mình hơn người khác. Chúng ta phải bạt cho thấp bằng lòng khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình và nhận ra lòng nhân từ bao la của Chúa. Đồng thời cũng luôn biết tôn trọng mọi người không phải vì địa vị, tài năng của họ nhưng vì tất cả chúng ta là anh em có cùng một cha, Đấng ngự trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để cứu con người khỏi hư mất. Chính Ngài đã kêu gọi chúng con “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Hôm nay, qua Giáo Hội, lời kêu gọi đó vẫn không ngừng vang lên trong đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe lời kêu gọi của Chúa để sám hối mỗi ngày là nhận ra những yếu đuối, khuyết điểm của bản thân và quyết tâm sửa đổi để đáp lại tình yêu Chúa dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, tội lỗi của thế gian đã làm con người xa lìa Chúa. Chúa đã đến làm Đấng Trung Gian giao hòa đất với trời và giao hòa con người với Thiên Chúa. Xin cho chúng con cũng biết cộng tác với Chúa để lấp hố sâu ngăn cách con người với con người, ngăn cản con người tới gặp Chúa. Đó là, chúng con biết quên mình vì lợi ích của đồng loại và chung tay thực hiện công cuộc hòa giải trong xã hội đầy chia rẽ hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su, trong mỗi thánh lễ, chúng con được đón Chúa ngự vào linh hồn. Xin Mình và Máu Chúa thanh tẩy tâm hồn và củng cố sự sống chúng con. Nhờ Chúa, chúng con vững vàng bước đi trên đường đời, dù còn nhiều gian nan thử thách nhưng vẫn một lòng trung kiên trông đợi ngày Chúa đến.
A-men. Lạy Chúa Giê-su xin ngự đến! (Kh 22,20)
Giuse Trần Công Thượng, OP