LTS: Nhân dịp tĩnh tâm năm của Anh em Học viện, thầy Giuse Nguyễn Phú Quý đã viết thư cho cha Timothy Radcliffe, O.P., để xin cha chia sẻ về vai trò của anh em Đa Minh trẻ đối với sứ vụ của Dòng. Đáp ứng thỉnh cầu này, cha Timothy đã gửi cho anh em một lá thư, trong đó, ngài khích lệ các anh em hãy sẵn sàng để được sai đi “rao giảng Tin Mừng khắp thế giới”.
Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tuy là một Tỉnh dòng trẻ, nhưng con số thành viên lại đông nhất trong Dòng. Trong khi đó, nhiều Tỉnh dòng kỳ cựu ở Châu Âu lại đang phải đối diện với khủng khoảng ơn gọi trầm trọng, và độ tuổi trung bình của các thành viên ngày càng tăng. Để duy trì đời sống cộng đoàn và sứ vụ Đa Minh, một số Tỉnh dòng ở Châu Âu kêu gọi sự cộng tác của Tỉnh dòng Việt Nam. Một cơ hội mở ra cho sự hiện diện sứ vụ rộng hơn của anh em ở tầm mức toàn Dòng. Trong thư, cha Timothy để cập đến khó khăn phải rời xa quê hương để thi hành sứ vụ ở một nơi xa lạ, nhưng “tìm kiếm hạnh phúc và sự viên mãn luôn đồng nghĩa với việc rời bỏ một ngôi nhà quá nhỏ bé và tìm kiếm một căn tính lớn hơn với những người xa lạ… Chúng ta tất cả được mời gọi vào ngôi nhà lớn lao của Vương Quốc Thiên Chúa”.
Bên cạnh khó khăn cha Timothy đề cập trong thư, cũng phải nói thêm: Để có thể làm sứ vụ trong môi trường quốc tế, một trong những thách đố đối với anh em là khả năng ngôn ngữ, và quan trọng hơn là khả năng “hội nhập” vào đời sống và sứ vụ ở những nền văn hoá khác. Đặc biệt tại Châu Âu, nơi từng là cái nôi của Kitô giáo, các anh em được sai đến đây sẽ phải đối diện với một lối sống đức tin và thực hành Kitô giáo xem ra khá ‘khô khan’ và ‘lý trí’, khác hẳn với sự sầm uất, ‘tình cảm’, lễ hội như ở Việt Nam. Hơn nữa, ở những quốc gia phương Tây hiện nay, anh em cũng sẽ phải đối diện với tình trạng nhiều Kitô hữu từ bỏ việc thực hành tôn giáo, sẽ phải chứng kiến ngày càng đông các tín hữu rời bỏ Giáo hội, và làn sóng bài Công giáo cũng ngày càng mạnh mẽ.
Sau đây là nội dung lá thư cha Timothy gửi cho các Anh em Học viện.
Blackfriars, Oxford, Vương Quốc Anh
Ngày 11 tháng 08 năm 2024
Anh em thân mến,
Tôi ước gì có thể ở cùng anh em trong những ngày tĩnh tâm này ở Việt Nam. Tôi vẫn còn giữ những kỷ niệm tuyệt vời về những chuyến thăm đến đất nước xinh đẹp của anh em, đặc biệt là kỳ Tổng Hội Biên Hòa năm 2019. Chúng tôi đã nhận được sự chào đón rất tuyệt vời và chúng tôi đã không muốn rời khỏi! Toàn thể Gia đình Đa Minh đã khiến chúng tôi cảm thấy như ở nhà.
Tôi được biết rằng một trong những chủ đề mà anh em sẽ nói chuyện là: "Anh Em Đa Minh Trẻ Việt Nam và Công việc Truyền Giáo trong Dòng". Dòng rất cần anh em rao giảng Tin Mừng khắp thế giới. Nhà truyền giáo luôn là người dám rời xa quê hương để rao giảng Tin Mừng về Vương Quốc của Thiên Chúa, nơi mà mọi người đều sẽ cảm thấy thoải mái trong ngôi nhà của Thiên Chúa. Nhà truyền giáo thì mang trong mình hy vọng về một ngôi nhà lớn hơn, nơi mà mọi người sẽ thuộc về và mọi rào cản ngăn cách sẽ bị xóa bỏ.
Thật vậy, quả là khó để rời xa quê nhà và sống xa quê hương với lối sống của những người thân, và thậm chí cả những món ăn quen thuộc. Tôi tin chắc rằng, người anh em Jordan[1] của chúng ta đã đôi lúc cũng cảm thấy như vậy. Chúng tôi cũng nhớ anh ấy!
Hãy can đảm lên, những anh em trẻ! Hẳn rằng, anh em còn nhớ, vào đầu thiên niên kỷ mới, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết cho Giáo Hội sứ điệp: “Duc in altum” – “Chèo ra chỗ nước sâu”. Đó là một lời mời gọi hãy có lòng can đảm ra đi truyền giáo. Thật vậy, Hội Thánh chỉ tồn tại khi người ta dám rời xa quê hương và rao giảng Tin Mừng. Anh em hãy nghĩ đến những vị thánh tử đạo đã làm nên Giáo hội Việt Nam. Nhiều vị trong số đó đến từ những vùng đất xa xôi và đã chết ở xa quê nhà. Thật thế, nếu chúng ta không bao giờ thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, chúng ta sẽ không bao giờ sống thực sự. Chúng ta sẽ chết vì buồn chán.
Tìm kiếm hạnh phúc và sự viên mãn luôn đồng nghĩa với việc rời bỏ một ngôi nhà quá nhỏ bé và tìm kiếm một căn tính lớn hơn với những người xa lạ. Mỗi người trong anh em đã thực hiện bước đi can đảm khi rời bỏ gia đình mình để gia nhập Dòng. Nhưng chúng ta tất cả được mời gọi vào ngôi nhà lớn lao của Vương Quốc Thiên Chúa, nơi mà Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “không còn Do Thái hay Hy Lạp, không còn nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Chúa Kitô” (Gl 3,28). Đây là niềm vui lớn lao khi khám phá ra một căn tính lớn hơn trong Chúa Kitô. Khi tôi đến Oxford như một sinh viên trẻ vào năm 1967 – cách đây rất lâu rồi! – tôi nhớ niềm vui khi được sống cùng với các anh em đến từ Rwanda và Mêxicô. Tôi đã khám phá thêm một chút về chính mình!
Chúng ta là anh em, với người anh cả là thánh Đa Minh! Tình huynh đệ mang tính toàn cầu của chúng ta là một dấu chỉ nhỏ của tình huynh đệ mà tất cả mọi người đều được mời gọi trong Chúa Kitô. Fratelli tutti! Tất nhiên, điều đó sẽ là điều khó khăn, và anh em sẽ nhớ gia đình và đôi khi nhớ quê hương, nhưng điều đó sẽ chẳng là gì so với niềm vui được rao giảng Tin Mừng, khám phá những người bạn mới và trở nên sống động!
Chúa Giêsu đã sai các môn đệ của Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mt 28,19). Chúng ta cũng sẽ đi để đón nhận những món quà mà mỗi nền văn hóa mang lại. Những môn đệ đầu tiên được sai đi từ Giêrusalem đã nhận được những món quà khôn ngoan của Hy Lạp và Rôma. Thế giới ngày nay càng bị chia rẽ nhiều hơn bởi những căn tính hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc và định kiến. Chúng ta cần những món quà của nhau và sự khôn ngoan của nhau. Dòng cần anh em, những người anh em của tôi!
Xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của anh em.
Người anh em của anh em trong Thánh Đa Minh, Timothy[1] Thầy Jordan là một trợ sĩ thuộc Tỉnh dòng Ireland, đang làm sứ vụ tại Dự tỉnh Nữ Vương Trung Hoa (Đài Loan). Khi cha Timothy viết lá thư này cho Anh em Học viện, thầy Jordan đang ở Việt Nam.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô