I. THƯ BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN GỬI GIA ĐÌNH ĐA MINH DỊP CHÂN PHƯỚC MARGARITA THÀNH CASTELLO ĐƯỢC PHONG THÁNH
Rôma, ngày 24 tháng 4 năm 2021
Prot. 74/18/547 Margherita da Città di Castello
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con.
Tv 27,10
Kính gửi quý Bề trên Giám tỉnh và Dự tỉnh,
cùng tất cả thành viên Gia đình Đa Minh
Anh Chị Em thân mến,
Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi điều thiện hảo, tôi vui mừng thông báo việc tuyên phong hiển thánh sắp tới (tuyên thánh tương đương) cho người chị của chúng ta, Chân phước MARGARITA THÀNH CASTELLO (MARGHERITA DELLA METOLA – 1287-1320).
Câu chuyện cuộc đời của vị hiển thánh mới nhất trong Gia đình Đa Minh vừa thương tâm vừa cảm động: chị khiếm thị bẩm sinh, vẹo cột sống, một cánh tay dị tật, chân thấp chân cao, cả tuổi thơ bị giấu kín để tránh những cặp mắt tò mò, và sau đó bị cha mẹ bỏ rơi. Chị đã được một gia đình sùng đạo và thương người nhận nuôi, rồi gia nhập dòng ba Đa Minh (mantellata[1]). Dẫu bản thân, do tình trạng thể lý, cũng cần đến các việc thương xác của người khác, nhưng Chân phước Margarita vẫn thực hiện được nhiều việc thương xác đầy cảm hứng: chăm sóc bệnh nhân, an ủi người hấp hối và thăm viếng các tù nhân. Chị như bà góa nghèo trong Tin Mừng đã quảng đại dâng cúng tất cả những gì mình có (Lc 21,1-4). Chân phước Margarita bị mù nhưng lại thấy được sự tốt lành nơi con người; sinh ra đã khập khiễng, nhưng chị đã bước đi trong ân sủng, vì biết rằng mình đang khiêm tốn bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chân phước Margarita đã yêu thương bằng trái tim cao thượng mặc dù chị từng là một đứa trẻ không được yêu thương. Thật vậy, chị là một “người chữa lành mang thương tích”, một người khuyết tật có khả năng làm cho người khác tốt lên, một kẻ bị ruồng bỏ đón tiếp những người thất vọng; quả thực, chị là hình ảnh tuyệt đẹp về tình yêu có sức biến đổi của Thiên Chúa.
Cho đến thế kỷ XIX, việc tôn kính Chân phước Margarita như một người nữ thánh thiện của Thiên Chúa chỉ giới hạn trong nước Ý và trong Dòng Đa Minh. Nhờ các thành viên Gia đình Đa Minh quảng bá tấm gương thánh thiện của chị, mà chị đã được biết đến và tôn kính không chỉ tại vùng Umbria và Marche nước Ý mà còn ở Hoa Kỳ và Philippines.
Đáp lại lời thỉnh cầu của Dòng, của anh chị em giáo dân và nam nữ tu sĩ trên khắp thế giới, của các hồng y và các giám mục, Đức Thánh cha Phanxicô đã chuẩn thuận việc tuyên thánh tương đương cho Chân phước Margarita vào ngày 24 tháng Tư năm 2021. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với vị Tổng thỉnh viên phong thánh của Dòng, trước đây là tu sĩ Innocenzo Venchi OP và hiện nay là tu sĩ Gianni Festa OP, đã tận tâm tận lực làm việc để chị Margarita xinh đẹp và diễm phúc của chúng ta được tuyên phong hiển thánh.
Có lẽ một số anh chị em sẽ thắc mắc – chúng ta đã rất nhiều thánh, và lịch phụng vụ của chúng ta hầu như đã đầy các lễ kính và lễ nhớ, sao vẫn cứ tiến hành các hồ sơ xin phong thánh? Chúng ta làm như vậy là vì, như tu sĩ Gianni luôn nhắc nhở chúng ta, “sự thánh thiện của những anh chị em này là dấu chỉ hữu hình cho sức sống và tính thích thời của Dòng!” Việc tuyên thánh cho chị Margarita thành Castello củng cố niềm xác tín mới mẻ của tất cả chúng ta rằng đời sống Đa Minh, trong toàn thể sự sung mãn và phong phú của đời sống ấy, thực sự là một con đường nên thánh.
Vì vậy, tôi yêu cầu các Giám tỉnh và các Bề trên thuộc Gia đình Đa Minh phổ biến lá thư này, cùng với bản tóm tắt tiểu sử của vị tân hiển thánh, trong các cộng đoàn của anh chị em, nhất là các cộng đoàn đào tạo. Cách riêng, tôi mời gọi anh chị em hiệp thông cầu nguyện với chúng tôi, vào một ngày sẽ được thông báo sau, trong Thánh lễ với nghi thức chính thức ghi danh Chân phước Margarita vào sổ bộ Các Thánh sẽ diễn ra tại thành phố Castello, do Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, chủ sự.
Xin Thánh Margarita thành Castello chuyển cầu cùng Chúa cho toàn thể Gia đình Đa Minh.
—
[1] Các phụ nữ thành viên dòng ba Đa Minh thời đó mặc áo trắng và khoác áo choàng đen. – ND
II. TIỂU SỬ THÁNH MARGARITA THÀNH CASTELLO
Chị Margarita sinh khoảng năm 1287 tại lâu đài Metola, tỉnh Massa Trabaria (khu vực biên giới giữa Umbria và Marche), không xa Mercatello del Metauro, thuộc lãnh thổ của Giáo hội. Cha của chị, ông Parisio, là lãnh chúa của lâu đài và được gọi là ‘cattano’ (trưởng quan), một tước vị được kế thừa từ dòng tộc; mẹ của chị là bà Emilia. Nhưng ngay khi sinh chị đã bị mù và dị tật. Cha mẹ quyền quý và giàu có của chị không thể chấp nhận nỗi bất hạnh gây tai tiếng cho gia đình này. Vì vậy, người cha đã nhốt chị trong một căn phòng cạnh nhà nguyện lâu đài để che giấu “nỗi tủi hổ” khỏi những cặp mắt thế gian. Cô con gái bé bỏng đã chấp nhận quyết định này không hề phản kháng và vẫn giữ được sự thanh thản của mình. Chị đã trải qua tuổi thơ trong cô độc, dâng mình cầu nguyện và chiêm niệm, hiệp thông với Thiên Chúa, trong sự tĩnh lặng và bình an sâu thẳm của tâm hồn.
Sau một thời gian ngắn sống tại lâu đài bên bờ sông Metauro, do những biến động quân sự trong vùng, cha mẹ đã đưa chị đến thành Castello, viếng mộ chân phước Giacôbê († 1292), một trợ sĩ dòng Phanxicô bấy giờ mới qua đời trong hương thơm thánh thiện. Họ hy vọng chị sẽ được chữa lành, nhưng phép lạ họ mong đợi đã không xảy ra. Một tác giả viết tiểu sử thế kỷ XIV kể rằng vì thất bại trong nỗ lực cuối cùng này, họ đã bỏ rơi chị ở Castello, ‘chẳng ai thương, đơn độc, không được chu cấp, chẳng ai giúp đỡ’.
Có lúc chị tứ cố vô thân, phải xin bánh ăn. Rồi chị tìm được nơi nương náu trong đan viện Thánh Margarita tại một thị trấn nhỏ. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đời sống đạo đức của chị, việc khổ chế nhiệm nhặt và những lời khuyên răn của chị đã khơi dậy lòng đố kỵ nơi các nữ đan sĩ. Không thể sánh được với sự gương mẫu trổi vượt của chị, các nữ đan sĩ đã trục xuất chị, cùng với nhiều lời lăng mạ và xúc phạm. Sau hàng chục lần bị phản bội, chị Margarita cuối cùng được một cặp vợ chồng sùng đạo sâu xa, Venturino và Grigia, đón về nuôi. Họ dành riêng cho chị một căn phòng nhỏ trên gác, để chị có thể tự do cầu nguyện và chiêm niệm. Lòng quảng đại của họ đã được chị Margarita đền đáp. Chị dùng những ơn đặc biệt của mình để phục vụ cha mẹ nuôi cùng những người thân và bạn bè của họ. Chị tận tình với việc đào tạo và giáo dục Kitô giáo cho con cái của các ân nhân. Chị là người hướng dẫn nhẹ nhàng và đáng tin cậy cho những ai tìm đến xin lời khuyên nhủ ủi an. Nhiều lần chị đã bảo vệ bạn hữu của chị khỏi những nguy hiểm trầm trọng. Chị cũng quan tâm đến những người nghèo và cùng khổ trong thành phố. Mặc dù bị mù và tàn tật, chị vẫn cố gắng trở nên một người giàu lòng trắc ẩn đối với tất cả những ai thiếu may mắn.
Chị đã sống quãng đời ngắn ngủi và giản dị còn lại của mình tại nhà ông bà Venturino và Grigia, phân bố thời gian giữa cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động bác ái. Chị luôn ăn chay, hầu như không ngủ, và khi chợp mắt, chị nằm trên sàn chứ không bao giờ nằm trên giường. Nhờ chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu, chị Margarita cảm thấy gắn bó với vị Tân Lang trên trời của mình, được đồng hình đồng dạng với Người, và cuộc sống kết hiệp này đã mang lại cho chị bảo chứng và niềm vui khôn tả. Sau khi mặc tấm áo thống hối của Anh em Giảng thuyết, hằng ngày chị đến nhà thờ của họ, ở đó chị xưng tội mỗi ngày và hết sức sốt sắng tham dự việc cử hành Thánh Thể. Chị thường có những lúc xuất thần ngây ngất trong Thánh lễ.
Khi bệnh trầm trọng hơn, chị đã mời các anh em Đa Minh đến để xin nhận lãnh các bí tích của Giáo hội, tạ ơn Thiên Chúa và ra đi trong an bình vào ngày 13 tháng 4 năm 1320, lúc mới 33 tuổi.