16/11/2013 -

Anh em Đa Minh

1043


Interviewed and Edited by Lucette Verboven
New York:Continuum 2011.


 


ĐÀM THOẠI VỚI BR. TIMOTHY RADCLIFFE
Cuộc đàm thoại này diễn ra ở Brussels, Bỉ, mùa Xuân 2009


 


Nhà Giảng Thuyết Lưu Động


Đã mười năm rồi, bây giờ tôi lại có dịp hội ngộ với cha Timothy Radcliffe, OP. lần này ở Brussels. Lần đầu tiên tôi phỏng vấn ngài là ở Tu viện Santa Sabina, một cơ sở rất cổ kính ở đồi Aventine, Roma, lúc đó tôi ngạc nhiên vì thấy ngài là người nhiệt tình mà lại không để ý đến lễ nghi. Tôi vẫn dõi theo ngài hằng năm và đọc các sách ngài viết. Ngài là Bề Trên Cả trẻ nhất và không theo qui ước nhất mà tôi từng gặp, khi ngài chọc người ta cười về hình chân dung của ngài, một ngày nào đó sẽ được treo trên phòng triển lãm của Dòng Đa Minh. Ngày đó đã đến vào năm 2001, khi nhiệm kỳ của ngài đã mãn.



Tôi hỏi ngài có nhớ Santa Sabina không, ngài trả lời bằng một câu cân bằng: “có và không”. Đó là chín năm hạnh phúc và thế đã là đủ. Bây giờ thỉnh thoảng ngài có thể trở lại Roma mà không lo có thư từ chờ ngài phải trả lời. Ngài vẫn vui vẻ như ngày nào và dáng người vẫn không thay đổi, vẫn trẻ trung, tóc bù xù, và tu phục nhăn nheo. Ngài vẫn tiếp tục đi gặp gỡ các “anh em và chị em” của ngài, như ngài vẫn thường thân thương gọi cộng đoàn của ngài.



Mười năm trước, chúng tôi nói về chữ quan trọng nhất đối với ngài: veritas, chân lý. Lần này, chúng tôi tập trung vào những vấn nạn thời nay: Hồi giáo, căn tính, tình dục. Mặc dù ngài vẫn ngại ngùng vì nguồn gốc quí phái của mình, nhưng tôi đã được cho phép nhìn thoáng qua lối sống ấy vào 60 năm về trước. Cả nhà phải mặc quần áo chỉnh tề để ăn tối trong phòng ăn mà bầu khí tràn đầy nghi thức lịch sự. Tôi có cảm giác thời thơ ấu của ngài chẳng có hơi hướm gì của thời mới mà toàn được cai trị bằng các vương tôn và mệnh phụ. Nhưng câu chuyện ngài kể làm cho tôi đổi hẳn lối suy nghĩ. Khi công ty của cha ngài bị đóng cửa, cha ngài đã quan tâm đến những công nhân của ông đến độ ông tiếp tục trả lương đầy đủ hàng tháng cho họ cho đến khi họ tìm được công việc khác. Điều này đã thực sự làm khánh kiệt gia sản nhưng nó cho thấy chú bé Timothy đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình như thế nào.



Cha Timothy nói về cha mẹ với một lòng trìu mến, nhất là mẹ, người đã dẫn chú bé Timothy đến nhà thờ dòng Đa Minh coi sóc vì bà rất ngưỡng mộ vị sáng lập nhà thờ đó, Bede Jarrett. Phải chăng đó là điềm báo ơn gọi tương lai của ngài? Tu viện của các “Hắc Y tu sĩ” rồi đây sẽ là nhà của Timothy và là điểm phát xuất cho nhà giảng thuyết lưu động.


 


KIÊN NHẪN ĐỊA DƯ



Là Bề Trên Cả từ năm 1992 đến 2001, cha đã đi rất nhiều và cha vẫn còn tiếp tục đi, và như vậy chắc chắn sứ vụ cha thi hành rất rộng lớn. Chắc cha cũng nhận thấy có những vấn nạn mới được đặt ra trong những năm vừa qua?



Khi tôi bắt đầu đi lại, khoảng 20 năm vừa qua, thế giới chúng ta có vấn đề nổi cộm là sự đương đầu giữa Đông và Tây, giữa chủ thuyết Tư bản và chủ thuyết Cộng sản. Ngày nay có 2 vấn đề lớn. Một là sinh thái (môi trường sống), vì chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì sự sống. Vấn đề thứ hai là tương quan với Hồi giáo. Trong hầu hết các quốc gia mà tôi đã đến, tôi gặp nhiều người đang cố gắng thiết lập mối tương quan hữu nghị với Hồi giáo.



Chẳng phải đó là mối tương quan một chiều sao? Con vừa mới nói chuyện với Đức Cha Teissier, Cựu Tổng giám mục của Algiers, về vấn đền này. Năm 2006, một đạo luật vừa được thông qua ở Algeria, ngăn cấm các tín đồ Hồi giáo gia nhập Kitô giáo.



Cũng tùy từng nơi. Chúng ta thường lẫn lộn Hồi giáo với nền văn hóa của một quốc gia nhất định nào đó. Thí dụ như ở Maghreb, Bắc Phi, tình hình hoàn toàn khác hẳn với Indonesia, nơi Hồi giáo rất cởi mở cho đối thoại. Việc đầu tiên là phải có sự tôn trọng. Một tu sĩ Đaminh nổi tiếng người Ai-cập tên là Anawati, người đã khởi sự đối thoại với Hồi giáo từ 50 năm trước, có nói: “Ta cần phải có sự kiên nhẫn địa dư” (geological patience). Nếu thiết lập được tình hữu nghị thì ta đã có được căn cơ để đối thoại.



Người Hồi giáo đang xây những mosques của họ ở Đông Âu, còn những Kitô hữu Chính thống giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ lại không được ngay cả mở cửa lại trường học đã có sẵn của họ?



Đó là một vấn đề lớn, và cũng đúng khi chúng ta đòi phải có sự nhân nhượng lẫn nhau; bằng không chúng ta lại bỏ rơi những Kitô hữu thiểu số ở những quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu lý do nhiều tín đồ Hồi giáo rất bất mãn với văn hóa Tây Phương. Một mặt, văn hóa Tây Phương có sự tự do tuyệt vời, sự khoan dung đẹp đẽ mà tôi rất thích và rất nhiều sáng tạo trong phim ảnh, tiểu thuyết và âm nhạc. Mặt khác, nền văn hóa này đã đánh mất khía cạnh luân lý của nó. Việc đánh giá mọi sự như món hàng trên thị trường làm nhiều người rất thất vọng. Chính vì thế, ta có thể hiểu được thái độ phản đối của người Hồi giáo với văn hóa Tây Phương.



Chúng ta phải giúp những người Hồi giáo đang sống ở các quốc gia Tây Phương hiểu văn hóa Tây Phương. Tiếc thay, ta dễ bị lôi cuốn vào việc tìm ra kẻ thù; vì thế, tôi không nghĩ là tình cờ khi Cộng sản biến mất thì ta lại tìm ra Hồi giáo. Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta đã tự nhát mình (làm mình quá lo sợ) về Hồi giáo.



Nhưng những người Hồi giáo đã gây ra vụ tấn công 9/11?



Đúng là như thế, và quả thực nhiều tín đồ Hồi giáo rất hiếu chiến và hung hăng, họ muốn gây chiến với Tây Phương. Nhưng sẽ chẳng giúp gì được nếu chúng ta coi Hồi giáo là kẻ thù. Phần đông những người Hồi giáo đều chống lại việc khủng bố và muốn trở thành những công dân hữu dụng của đất nước chúng ta.



Chúng ta có cần kẻ thù không?



Thực ra, hầu hết mọi xã hội đều tìm kiếm một kẻ thù. Trước khi cộng sản ra đời, trong suốt nhiều thế kỷ, Âu Châu đã xem Hồi giáo là kẻ thù. Hồi giáo xâm chiếm Bắc Phi, nơi đã từng là địa bàn của Kitô giáo trong nhiều thế kỷ; rồi chinh phục Tây Ban Nha; và việc quân Hồi giáo đặt chân đến cả Vienna đã cho ta thấy trong phần lớn lịch sử Âu Châu, Hồi giáo đã được xem là kẻ “ngoại thù”. Sau một thời gian ngắn Cộng sản thu hút sự chú ý của ta, bây giờ chúng ta lại trở về với cái nhìn rất xưa cũ về Hồi giáo. Nhưng ngày nay, Hồi giáo cũng thường được xem là kẻ “nội thù.”



Đây là một điều nguy hiểm và không công bằng. Chúng ta phải khám phá ra được căn tính vững chắc này, một ý niệm về cộng đoàn không cần phải liên kết để chống lại một kẻ thù. Tâm điểm của Kitô giáo là tin rằng Đức Giêsu đã là vật thí thân vô tội, gánh lấy mọi tội lỗi. Triết gia Pháp, René Girard cho rằng tìm một vật thí thân và giết nó là một cơn cám dỗ phổ quát. Có những nhóm Hồi giáo, như Wahhabism, rất chống đối Tây Phương; nhưng xem thái độ này là chung cho tất cả Hồi giáo thì không chính xác và rất tai hại.



CĂN TÍNH



Cha cho rằng một cách để giải quyết vấn đề là củng cố căn tính của chúng ta. Cha có ý muốn nói gì? Căn tính của chúng ta là Kitô hữu, là người Phương Tây, là vô thần…?



Tôi nghĩ điều này cần nhiều yếu tố. Hãy để tôi lấy ví dụ về căn tính người Anh. Đối với tôi là người Anh có nghĩa là gì? Trong quá khứ, chúng tôi thường gắn căn tính mình với sự chinh phục: chinh phục người Tô-cách-lan; chinh phục người Ái-nhĩ-lan, người Welsh và rất nhiều nơi khác chúng tôi đã chinh phục! Đó là một căn tính quân phiệt. Bây giờ những ngày huy hoàng của Đế quốc đã hết, tìm được một căn tính gắn liền chúng tôi với truyền thống văn hóa, như thơ phú và nhạc chẳng hạn, là một thách đố. Tôi cũng hy vọng, tại nước Anh, chúng tôi có thể khám phá được chúng tôi là ai qua lòng hiếu khách của chúng tôi đối với người xa lạ.



Vậy căn tính của cha là gì?



Của tôi ư? Thực ra, phần lớn cuộc sống của tôi đã làm mất dần căn tính của mình. Gia đình tôi xuất phát từ Yorkshire. Khoảng 30 năm trước, căn nhà cổ của chúng tôi ở Rudding Park đã được bán đi, và giờ đây, nó đã trở thành một khách sạn hạng sang, có cả sân chơi golf. Tôi đau lòng khi thấy đất và nhà bị bán, vì chúng tôi đã ở đó gần 20 năm; nhưng dẫu sao chúng tôi cũng phải nhượng lại nó cho người khác. Khi gia nhập Dòng, theo một nghĩa nào đó, tôi đã phải bỏ đi cái căn tính riêng biệt đó để khám phá ra một căn tính rộng lớn hơn, thành một người anh em của mọi thành viên trong Dòng, và như vậy, lại nhận được một ý nghĩa mới của việc là người Anh. Khi đến Roma rồi đi khắp nơi trên thế giới, tôi lại khám phá ra một căn tính mới, là một người anh em với các anh chị em trên toàn địa cầu. Trong Đức Kitô, tôi đang dần dần tìm được chính tôi như là một thành viên của đại gia đình nhân loại, một căn tính không được xác định vì bất cứ ai! Căn tính trọn vẹn hay ý nghĩa trọn vẹn về việc chúng ta là ai luôn luôn là ở đằng trước chúng ta trong tương lai.



Như trường hợp thích thú này của Barack Obama, ông tìm cách xác định mình là một người da đen nhưng không chống lại người da trắng. Tại Hoa Kỳ, làm sao người ta có thể có một căn tính dựa trên việc không phải da trắng? Cuốn sách Những Giấc Mơ Từ Bố Tôi của ông là một sự khám phá thú vị và thông minh về trường hợp này.



Dường như cha đã lớn lên trong 2 cơ cấu phẩm trật rất khắt khe – quí tộc Anh và Công Giáo. Cha nhận xét ra sao về xã hội phân chia giai cấp của Anh?



Tại Anh hiện nay, thật tình mà nói, giai cấp xã hội không còn quan trọng nữa.



Nhưng không phải như khi cha lớn lên chứ?



Không, không như khi tôi lớn lên.



Cha lớn lên trong một gia đình quí phái Anh, thưa có phải vậy không?



Đúng, cũng có thể nói như vậy.



Chẳng phải có câu chuyện về chiếc xe đó sao?



Khi tôi nghỉ trọ tại nhà của ông chú tôi (chú ấy có một căn nhà ở miền quê rất lớn với rất nhiều phòng ngủ), chú hỏi tôi tàu lửa tôi đi sẽ khởi hành lúc mấy giờ, nhưng tôi nói tôi sẽ đứng đường đón xe đi quá giang; chú ấy nghĩ đây là một việc đáng hổ thẹn. Cuối cùng, chú ấy cho tài xế lấy xe Rolls Royce chở tôi đến chỗ tôi có thể tìm xe quá giang, và lần đó tôi đi quá giang bằng xe tải! Đó thực sự là một sự giải thoát, chẳng phải vậy hay sao!


Nhưng thực sự cha có thể sống một đời sống thoải mái mà?



Lúc mới vào Dòng, thực sự khó cho tôi vì tôi chưa bao giờ sống chung với người thuộc các tầng lớp xã hội khác. Tôi nghĩ họ thấy tôi kỳ cục và tôi cũng thấy họ dị hợm nữa. Nhưng điều đó chỉ kéo dài khoảng 1 tháng thôi.



Một trong những điểm thu hút tôi vào Dòng là việc không có giai cấp trong Dòng. Tại Anh, sự phân biệt giai cấp dường như quá ngột ngạt. Một trong những điểm lôi cuốn tôi trở thành một tu sĩ Đaminh là tôi được bước vào một khu vực thoáng mát, nơi đó mọi người đều là bạn của tôi.



Một khía cạnh khác trong căn tính của cha, là một người Công Giáo. Cha thấy cơ cấu phẩm trật của Công Giáo như thế nào?



Ta có thể tưởng tượng Giáo Hội giống như một chiếc xe buýt. Để giữ các bộ phận trong xe lại với nhau, ta cần một khung gầm. Đó là một cái khung cứng ngắc phía dưới giữ chắc phần đầu máy, các ghế ngồi và những thứ khác lại với nhau. Nếu không có cái khung gầm này, chiếc xe buýt sẽ rời ra từng mảnh. Nhưng điểm thích thú nhất không phải là cái khung gầm mà là điểm chúng ta sẽ đi đến, người đang đi chung với chúng ta và quang cảnh chúng ta xem thấy ở dọc đường. Đó chính là sự mạo hiểm của cuộc hành trình.



Trong Giáo Hội, hệ thống phẩm trật được ví như cái khung gầm. Ta cần nó để giữ giáo hội lại với nhau, nhưng nó lại không phải là điểm thích thú. Điều thích thú chính là việc khám phá Tin Mừng, sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, yêu người lạ và yêu chính mình. Đó chính là khám phá ra sự tự do. Những điểm đó là điều quan trọng về Giáo Hội.



Nhưng cha phải nói thể nào với những người cảm thấy bị bóp nghẹt vì những phán quyết từ hệ thống phẩm trật?



Trước hết, chúng ta phải can đảm để bàn thảo về những khó khăn đó; và thứ nhì, chúng ta thường đánh giá thấp việc sẵn sàng đối thoại của các đấng bậc. Chúng ta hãy đối thoại và cùng nhau tìm ra những cách thức mới.



CÀNG GẦN CÀNG THẤY ÍT



Phải chăng hình ảnh cha có về Thiên Chúa đã thay đổi khi cha làm Bề Trên Cả của Dòng?



Tôi nghĩ người ta từ từ mất dần hình ảnh của mình về Thiên Chúa. Khi còn là một trẻ thơ, tôi nghĩ Thiên Chúa có một bộ râu trắng tinh rất đẹp và ngồi trên tòa cao. Tôi đã lầm! Khi là một thầy dòng trẻ tuổi, tôi nghĩ Thiên Chúa là Đấng rất quyền năng. Cũng vậy, tôi lại phải bỏ đi hình ảnh đó về Thiên Chúa. Cách này được gọi là via negativa. Giống như khi ta hôn: càng gần thì ta càng thấy ít. Và khi thực sự hôn một ai đó, thì ta chẳng thấy chi nữa hết! Trong đời sống thiêng liêng, ta phải bỏ đi hình ảnh này và hình ảnh kia về Thiên Chúa, cho đến khi ta chẳng còn thấy chi nữa hết.



Như vậy chẳng phải là hư vô hay sao? Có làm ta nản lòng?



Không, không bao giờ; ngược lại là đàng khác. Nếu đến gần Thiên Chúa, ta sẽ thấy mọi sự qua cặp mắt của Thiên Chúa, cũng như khi thân mật với một người bạn, ta sẽ thấy mọi sự với nhau chứ không phải chỉ chăm chú nhìn vào nhau. Khi Thomas Merton, sau 10 năm trong đan viện, phải đi ra ngoài in một tài liệu nhỏ, thầy đã ngạc nhiên khi nhận ra sự tốt lành của mọi người thầy gặp! Thiên Chúa đã nói với mọi người điều Ngài đã nói với Người Con: “Thực là tốt lành vì con đã hiện hữu.” Chúng ta gần Chúa khi chúng ta chia sẻ sự vui thích của Ngài trong tha nhân.



Làm thế nào để cha đến gần Thiên Chúa?



Thực ra cũng giống như khi ta gần một người nào đó. Trước hết, ta phải dành thời giờ cho Ngài. Ta phải biết lắng nghe. Nếu có một tình bạn thâm sâu với một người nào đó, thì ta nghe những gì người ấy nói, chứ không phải những gì ta nghĩ người ấy phải nói.



Cha có thực sự nghe thấy điều Chúa nói không? Làm thế nào cha biết là cha đang không lừa phỉnh chính mình?



Không phải giống như thình lình điện thoại cầm tay của tôi kêu và Thiên Chúa đang ở đầu dây bên kia. Tôi không nghe Chúa nói theo nghĩa đen; nhưng tôi khám phá ra tôi là ai khi tôi đọc Kinh Thánh, vì tôi khám phá ra được câu chuyện của chính cuộc đời tôi; câu chuyện làm cho niềm vui của tôi, nỗi buồn của tôi, thành công của tôi, thất bại của tôi đều có ý nghĩa. Điều đó có liên quan đến căn tính.



Tôi đã kể về thời thơ ấu của tôi, việc tôi gia nhập Dòng Đaminh và câu chuyện cuộc đời tôi. Nhưng khi tôi cầm quyển Kinh thánh lên, tôi khám phá được một câu chuyện về tương quan của Thiên Chúa với nhân loại và tôi nhận ra chính chuyện đời tôi. Khi đọc Phúc Âm, tôi thấy tôi trong chính câu chuyện mình đang đọc. Tôi là người phụ nữ Samaria, người mù bẩm sinh, người phong hủi, Phêrô… Sự hứng khởi khi đọc Kinh Thánh là ta luôn luôn trong cuộc với câu chuyện ta đang đọc. Do đó, nghe tiếng Chúa bao gồm việc khám phá ra một ý nghĩa rất mới về việc tôi là ai, giống như khi ta yêu một ai, thì ta khám phá ra ta là ai cùng với người đó.



Những người trẻ có thích những câu chuyện này hay không?



Ồ, chắc chắn rồi. Người trẻ cũng có cùng khó khăn và chia sẻ cùng nhân phẩm. Những câu chuyện này đã không ngừng thu hút người ta trong suốt 2000 năm.



Ở ĐỜI NÀY HOẶC ĐỜI SAU



Theo cha đâu là nhu cầu lớn nhất của người trẻ ngày nay?



Những thắc mắc lớn là về niềm hy vọng, vì người trẻ thấy một tương lai bấp bênh về kinh tế, và họ cũng sợ cho tương lai của trái đất này nữa. Chúng ta có thể sẽ phải đối diện với một thảm họa về môi sinh. Mạng sống của hàng triệu người đang bị nguy hiểm.



Vậy cha có thể nói về niềm hy vọng được không?



Đó là chính câu hỏi, chẳng phải sao? Cũng giống như mọi người, chúng ta chẳng biết việc gì sẽ xảy ra, nhưng chúng ta tin Thiên Chúa không sáng tạo nên bất cứ một ai cách vô ích. Thiên Chúa tạo nên mỗi một người chúng ta cho hạnh phúc, và chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc ấy ở đời này hoặc đời sau.



Làm sao cha biết được điều đó?



Tôi tin. Tôi đã từng thấy niềm hạnh phúc đó, niềm vui thâm sâu nơi rất nhiều người mà bản thân họ biết là họ được tạo dựng nên cho hạnh phúc đó.



Người trẻ còn tìm những gì khác nữa không?



Theo kinh nghiệm của tôi, trước hết họ tìm kiếm sự xác thực – một danh từ hết sức quan trọng. Họ mong rằng nếu chúng ta hồ nghi, chúng ta phải bày tỏ nỗi hồ nghi đó; khi chúng ta xác tín, chúng ta phải nói ra.



Điều thứ nhì họ tìm kiếm là tự do. Giáo Hội thường làm cho người ta nghĩ Giáo Hội không thực sự nói điều Giáo Hội nghĩ. Nhưng chúng ta sẽ không phải là nhân chứng của Chúa Kitô nếu chúng ta không trung thực, tự do và vui tươi. Vui tươi đây không phải là vỗ tay vui vẻ ồn ào bên ngoài; nhưng ngược lại, niềm vui đó phải lớn đủ để đón nhận cả đau khổ, chẳng vậy nó không xác thực.



TRỌNG TÂM CỦA PHÁI TÍNH (TÌNH DỤC)



Một trong những lãnh vực tế nhị đối với người trẻ là tình dục. Cha có bị hỏi về vấn đề này không?



Tôi có một buổi chiều lý thú trong một câu lạc bộ nhạc disco ở Singapore, nơi đây tôi đã được một tu sĩ trẻ tuổi dòng Phanxicô người Indonesia phỏng vấn. Chúng tôi được một bữa rất vui nhộn và câu lạc bộ đó chật ních người, và đến gần cuối buổi nói chuyện thì họ muốn tôi nói về tình dục.



Thế họ đã muốn biết gì?



Họ thường muốn biết điều gì được phép và điều gì bị cấm. Nhưng ta không thể hiểu tình dục nếu chỉ nhìn dưới khía cạnh luật lệ. Ta cần phải hiểu vẻ đẹp của tình dục. Nơi tốt nhất để chúng ta dựa vào đó chính là Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu nói: “Này là mình ta, ta trao nó cho anh chị em.” Trọng tâm điểm của tình dục đạo đức học là khi hai người nói với nhau: “Anh trao chính mình anh cho em” (Em trao chính mình em cho anh).



Điều này làm cho ta rất dễ bị tổn thương. Đức Giêsu đặt chính bản thân Ngài trong tay các môn đồ, sẵn sàng ưng chịu bất kỳ điều gì họ muốn làm với thân thể Ngài. Và một trong số họ đã phản bội Ngài, một người khác đã chối bỏ Ngài, và hầu hết những người đó đều tháo chạy. Thế nên, khi trao phó thân thể cho người khác, thì có nghĩa là bạn sẵn sàng chịu tổn thương, đồng thời cũng quảng đại và trung thành. Đức Giêsu trao phó chính Ngài cho chúng ta mãi mãi.



Cha đã cho thấy xã hội chúng ta tầm thường hóa thân thể và giảm thiếu nó thành một thứ đồ vật mà chúng ta sở hữu.Tại sao chủ trương này lại nguy hại?



Nếu thân thể chỉ là một cái gì tôi sở hữu, giống như điện thoại di động hay chiếc xe, thì thân thể của tôi đã bị giảm giá trị. Ta có thể cho đi chiếc máy vi tính cá nhân mà vẫn còn là mình, nhưng nếu ta cho đi thân thể của mình cho người khác, ta cho người ấy chính mình và như vậy ta đã thay đổi, không còn là mình nữa.



Tiếc thay cơn cám dỗ của nền văn hóa chúng ta đang sống là đánh giá nhiều thứ như tài sản. Ngay từ thế kỷ 17, thân thể đã được coi như một tài sản và thân thể của người vợ là tài sản của ông chồng. Hầu hết luật Âu Châu được dựa trên giả định cho rằng người vợ thuộc về người chồng như là một tài sản có thể thải bỏ (sau khi dùng). Đó thực là một nền móng tai hại (giả định tệ hại) cho tương quan của ta với người khác.



Văn hóa của chúng ta dường như khuyến khích sự lang chạ. Điều đó sai ở chỗ nào?



Nếu cứ ăn nằm bừa bãi thì ta đã coi thường khả năng ta có thể trao hiến thân mình hoàn toàn, quảng đại và trung tín với một người. Nhưng cũng là một điều sai lầm nếu ta bước vào trong phòng và ra lệnh: “Tôi biết đang có nhiều sự lang chạ ở trong phòng này và điều này phải được chấm dứt ngay lập tức!” Ta phải đồng hành với người trẻ trên bước đường của họ và sẽ đến lúc họ sẽ đặt ra những câu hỏi quan trọng.



Một điều khác cha đã đề cập đến, là thuyết nhị nguyên giữa thân xác và linh hồn. Cha nói đó không phải là ý niệm của Kitô giáo, trong khi phần lớn lại nghĩ ngược lại.



Trong văn hóa Tây phương, rất lâu trước khi có Kitô giáo, thì đã có khuynh hướng về nhị nguyên. Ngay thời Plato, hằng trăm năm trước Kitô giáo, đã thấy có rồi. Vào thế kỷ thứ 2, Kitô giáo đã chống lại nhị nguyên của nhóm Gnostics. Rồi nhóm Manicheans vào thế kỷ thứ 4, nhóm Albigensians vào thế kỷ thứ 13 cũng cổ động cho thuyết nhị nguyên. Descartes vào thế kỷ 17 cũng bị thu hút bởi thuyết nhị nguyên giữa tâm trí và thân xác. Nhiều tư tưởng khoa học ngày nay cũng theo lối nhị nguyên. Do đó, tôi nghĩ ở Tây Phương có một xu hướng thường xuyên đối với thuyết nhị nguyên.



Kitô giáo thường cố gắng để khước từ nhị nguyên nhưng đôi khi cũng không thắng được. Một trong những điều ngạc nhiên nơi thánh Tôma là ngài nhấn mạnh trên sự phối hợp hoàn toàn giữa thân xác và linh hồn. Aquinas đã có một cái nhìn thật xuất chúng về sự hiệp nhất căn bản của con người.



Thánh Gioan Damascus đã giảng về sự linh thánh của tình dục. Chẳng phải là điều đó không thể tin là đã do từ một vị thánh không?



Tôi hy vọng là không. Diễm Tình Ca của Kinh Thánh rất nóng bỏng. Trong Tông Thư đầu tiên của Đức Thánh Cha, Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), ta có thể đọc thấy Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa tình yêu nhục thể và tình yêu Kitô giáo. Ngài nói cả hai đều là tình yêu. Một trong những lý do tại sao người thời nay hạ thấp giá trị tình dục, đó chính là họ đã lấy tình yêu nhục thể ra khỏi tình dục, nên tình dục đã trở thành máy móc và phi nhân vị, một hành động giống như việc đánh răng chẳng hạn.



Nhưng những ý tưởng tiêu cực về tình dục cũng lan tràn trong Kitô giáo, phải không ạ?



Đó là một vấn đề phức tạp; tôi xin đan cử một thí dụ.Vào thời Trung Cổ, ta không thấy có nhiều chỉ dạy tiêu cực về tình dục. Trong Divine Comedy của Dante, tội phạm về tình dục được xem nhẹ hơn tội nói dối hoặc phản bội bạn bè, bởi vì người ngày nay tìm kiếm sự thiện nhưng sai chỗ. Sau thời Khai Minh (Enlightenment, thế kỷ 17-18), sự nghi ngại về tính dục bắt đầu nổi lên.



BA NGÔI



Cha có diễn tả niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Chẳng phải đây là một ý niệm trừu tượng hay sao?



Không, chẳng phải thế đâu. Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là một trong những niềm tin thú vị và cụ thể nhất ta có thể có. Cách chính yếu, nó nhắm đến 2 điều. Nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta không gặp gỡ một lý thuyết về Thiên Chúa hoặc một sứ giả của Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa trong ngôi vị.Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta với một khuôn mặt nhân loại. Điểm thứ 2 là trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta tìm thấy một tình yêu bình đẳng, không thống trị cũng chẳng trói buộc (domination nor manipulation). Tình yêu này luôn luôn nâng chúng ta lên ngang hàng nhau. Chúng ta có thể có thứ tình yêu hạ cố hoặc kẻ cả, hoặc yêu một người nào đó như là một người hùng trên hẳn chúng ta. Điều chúng ta thấy được ở Chúa Ba Ngôi là tình yêu chân thực đem chúng ta đến chỗ bình đẳng.


 

Đề tài này dường như không thấy nhiều linh mục trình bày trên tòa giảng. Con đã không nghe được một bài giảng nào về Chúa Ba Ngôi trong những năm gần đây.

 

Tôi nghĩ đó là một phần của một vấn đề rộng lớn hơn. Chúng ta thường nghĩ linh đạo thì nhẹ nhàng và dễ tiếp thu hơn, còn đạo lý thì cao ngạo, trừu tượng và không thể lãnh hội được. Nhưng tôi thấy đạo lý lại gây phấn khởi và giải thoát ta. Khi ta dấn mình vào trong lãnh vực đạo lý – như phục sinh, Ba Ngôi, thiên tính của Đức Kitô – ta được mời gọi mạo hiểm để khám phá ra chân lý. Đạo lý không khóa nhưng lại mở lý trí chúng ta ra. Tôi nghĩ thật không công bằng cho người trẻ nếu chỉ cung cấp cho họ một chút linh đạo mơ hồ và nhẹ nhàng. Đối với tôi, làm thế có vẻ nhàm chán.



Còn về Thánh Thể thì sao? Chẳng lẽ lại không nhàm chán sao?



Thường thì như thế. Thánh Lễ thường được cử hành cách cẩu thả, âm nhạc thì kinh hồn còn bài giảng thì thật tồi tệ không tưởng nổi. Đây là lúc Đức Giêsu trao phó chính mình Ngài cho chúng ta trong Thịt và Máu của Ngài. Chúng ta có thể không biết cách nào để cử hành việc trao tặng này xứng đáng, tuy nhiên, trọng tâm của Thánh Thể là điều Chúa Giêsu nói: “Ta trao phó chính mình ta cho anh chị em.” Làm sao mà chúng ta có thể không đáp lại: dạ vâng? Còn gì tuyệt vời hơn thế?



Con thấy có nhiều người chẳng nói ”dạ vâng” và họ lại ngủ nướng vào sáng Chúa Nhật.



Một số người có lẽ xem Thánh Lễ là một nghi lễ bó buộc hơn là một quà tặng tuyệt vời. Hãy nghĩ giống như ta nhận được điện thoại từ người yêu vào sáng sớm lạnh giá, người yêu đang có một món quà tuyệt vời dành cho ta và nói ta hãy đến gặp mặt. Ngay cả khi cuộc hành trình nhàm chán, ta vẫn đi vì ta muốn nhận được món quà đó. Điều quan trọng nhất của các tôn giáo là quà tặng của nó.



CẦU NGUYỆN VÀ THẬP GIÁ



Cha cầu nguyện thế nào?



Bạn nói chuyện với người phối ngẫu của bạn như thế nào? Người ta có nhiều cách khác nhau để chuyện trò với vợ hoặc chồng mình. Đôi khi họ dỡn, đôi khi họ trao đổi về thời sự hoặc bàn thảo về dự án cho tương lại, hoặc cãi nhau. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng vậy. Đôi khi ta cầu nguyện trong thinh lặng, hoặc ngồi với những người mình thương trong thinh lặng, khi khác ta đọc hoặc lắng nghe người chung quanh nói với mình, có khi ta cũng tranh luận với Thiên Chúa nữa. Tôi nghĩ điều đó cũng tốt. Trong Do thái giáo, có một truyền thống mạnh mẽ dám giận dữ với Thiên Chúa. Chúng ta cần mọi hình thức chuyện vãn đó với Thiên Chúa.



Trong quyển ‘Seven Last Words’ – Bảy Lời Nói Cuối Cùng – của cha, cha nhắc đến những thánh giá cha nhận được trong những cuộc hành trình. Thánh giáo nào cha thích nhất?



Thánh giá tôi thích nhất là từ Haiti. Nó trình bày một nông dân trên đường hành hương. Trời tối, nhưng anh vẫn đi về hướng mặt trời. Thánh giá này nhắc cho tôi về chính những cuộc hành trình của tôi: thường lên đường lúc trời tối, kẹt ở phi trường vì chuyến bay bị hủy và tôi tự hỏi tôi đang đi đâu, tôi đang làm gì. Thánh giá này cho thấy luôn luôn có một lộ trình; luôn luôn có ánh sáng ở cuối đường.



Lm. Trần Trung Liêm, OP. chuyển ngữ


 

114.864864865135.135135135250