Trong lịch sử Giáo hội, một số diễn ngữ được sử dụng để diễn tả khát vọng sâu xa là “trở về với cội nguồn.” Những diễn ngữ này không hàm ý sự nuối tiếc về “một thời đã qua,” hay mong muốn thoát khỏi “ngày hôm nay” của thời điểm hiện tại mà Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng đã ban cho chúng ta. Thật vậy, thuật ngữ “REFORMATION – CẢI CÁCH” (thường gọi là “Gregorian”, theo tên vị Giáo hoàng đầu tiên đề xướng phong trào này) đã được Giáo hội sử dụng qua nhiều thế kỷ. Chính trong bối cảnh “cải cách” mà Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã ra đời. Thánh Đa Minh trở thành một phần của phong trào cải cách này. Ngài mong muốn trung thành với lý tưởng của đời sống các Tông đồ. Có lẽ ước muốn cải cách này hàm chứa “tính hiệp nghị” trong các Công đồng, chẳng hạn Công đồng Lateranô IV vốn đã tạo động lực và khuôn khổ pháp lý cho ý tưởng cải cách này.
Đối với Giáo hội Công giáo, diễn ngữ “cải cách” có lẽ gắn liền với Công đồng Trentô và những cuộc cải cách mà Công đồng này đã khơi lên trong Giáo hội. Các quyết nghị của Công đồng Trentô thậm chí còn được nghiên cứu như là đối trọng với “Phong trào Cải Cách” (ám chỉ đến sự ly khai của anh em Tin Lành), và do đó được gọi cách chung và có lẽ đơn giản là một “Cuộc Cải Cách thực thụ” hay là “Phong trào Phản Cải Cách.”
Như mọi người đều biết, có những cá nhân thực sự nổi bật đã sống trong thời kỳ Cải Cách này và luôn ấp ủ mong muốn trở về với nguồn cội. Thánh Catarina Siena, đôi khi cũng được gọi là “mẹ của công cuộc cải cách,” là một thí dụ. Cha Aniceto Fernández, Tổng quyền Dòng Đa Minh, đã viết một bức thư gửi toàn Dòng nhân dịp thánh Catarina được tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh, đã mô tả thánh nữ là một con người mà “dường như toàn bộ linh hồn của thánh phụ Đa Minh đã được chuyển trao cho người [thánh Catarina].” Từ một góc nhìn khác, ta có thể lấy thêm thí dụ nữa là thánh Giáo hoàng Piô V.
Sau cuộc Cách Mạng Pháp (hay nói đúng hơn là sau các cuộc cách mạng vào những năm 1789, 1830, 1848), và sau cái gọi là “Đế chế Napoleon” (với giọng điệu bài giáo sĩ…), thuật ngữ “RESTORATION – PHỤC HƯNG” được lựa chọn để sử dụng. Cải cách chế độ quân chủ mà Hoàng đế Napoleon tuyên chiến chống lại cũng như chính bản thân Giáo hội đều sử dụng hạn từ “phục hưng” để biểu lộ khát mong là trở về với nguồn cội. Đối với Giáo hội, điều này không chỉ là mong muốn “quay trở lại,” mà còn là mong muốn rút ra những bài học, đâu là động cơ và nguyên nhân đưa tới những cuộc cách mạng ấy cũng như đưa tới chính chủ nghĩa bài giáo sĩ, để từ đó thúc đẩy một sự thay đổi triệt để mang tính Tin Mừng. Dòng Đa Minh cũng đã đi đầu trong công cuộc “phục hưng” này. Cha Henri-Dominique Lacordaire, với bài giảng và tập luận đề nổi tiếng về việc phục hưng là ví dụ điển hình minh chứng cho điều này.
Hai cuộc thế chiến đã đặt ra cho nhân loại những câu hỏi to lớn, đặc biệt là đối với Âu châu, chiến trường chủ yếu của những cuộc thế chiến này (tuy nhiên, lại gây với nhiều tiếng vang khác nhau nơi lãnh thổ thuộc địa của các cường quốc Âu châu). Lần này, diễn ngữ “RENEWAL – CANH TÂN” được sử dụng để cố gắng thể hiện mong muốn quay trở về với cội nguồn. Chúng ta thậm chí có thể phân biệt các khía cạnh khác nhau của cuộc canh tân “tiền Công đồng” (đã xuất hiện trong các vấn đề về phụng vụ, nghiên cứu Kinh Thánh,…), cuộc canh tân “trong Công đồng” (Công đồng Vatican II là sự kiện lớn nhất của Giáo hội trong thế kỷ XX), và cuộc canh tân “hậu Công đồng” (những hệ quả mà Công đồng mang lại trong đời sống Giáo hội hoàn vũ). Chúng ta nhớ tới nhiều tư tưởng và thần học gia của Dòng đã có ảnh hưởng tích cực đến các bản văn Công đồng bằng suy tư của họ như các cha Yves Marie-Joseph Congar, Marie-Dominique Chenu,…
Đặc biệt (nhưng không riêng gì) các nghị phụ Công đồng (trong quá trình chuẩn bị, khai triển và giảng dạy trong toàn thể Giáo hội) đã sử dụng những từ ngữ khác nhau nhằm thể hiện mong muốn thực thi công cuộc CANH TÂN. Bằng các ngôn ngữ khác nhau, nhiều nhân vật khác đã tiếp thu các diễn ngữ này và sử dụng chúng theo cách mà các Nghị Phụ đã làm trong các tác phẩm của họ:
Ressourcement – Về nguồn: trở về với nguồn cội (biết ơn quá khứ)
Aggiornamento – Thích nghi: cập nhật cho hợp thời (sống hiện tại với niềm đam mê)
Development - Phát triển: phát triển đạo lý (hướng tới tương lai)
Ý tôi là gì? Hai Tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế được ban hành dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô rất có ý nghĩa để hiểu sâu hơn về các diễn ngữ: SYNOD - CÔNG NGHỊ và SONODALITY - TÍNH HIỆP NGHỊ. Những tài liệu này giúp chúng ta thấy những khái niệm này xuất phát từ ý nghĩa của Bí tích Rửa Tội và sự đồng trách nhiệm của mọi tín hữu, những người đã được rửa tội, trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội; một Giáo hội mang tính hiệp nghị. Hai tài liệu này là: Tính hiệp nghị trong Đời sống Giáo hội (2018) và Cảm thức đức tin trong Đời sống Giáo hội (2014).
Tài liệu thứ nhất trong hai tài liệu được nêu ở trên (ra đời sau tài liệu thứ hai) cho thấy rõ ràng ý nghĩa chính của cả hai diễn ngữ (CÔNG NGHỊ và HIỆP NGHỊ), đồng thời thừa nhận rằng chúng cũng có thể mang một số nghĩa tương tự nhau. Thật vậy, chúng ta không thể nói về một ý nghĩa đơn nhất của những diễn ngữ này; chúng ta không thể nói rằng các ý nghĩa của mỗi diễn ngữ này chẳng liên quan gì đến nhau, như thể chúng là những cách diễn đạt hoàn toàn khác nhau, không có mối liên hệ sâu sắc và rõ ràng nào. Sự cám dỗ của chủ nghĩa duy văn tự và các biến thể của nó, cũng như chủ nghĩa tương đối, đã giản lược các diễn ngữ này vào một ý nghĩa duy nhất và độc quyền, hoặc có những người giả định rằng những người khác nhau thì sử dụng các diễn ngữ này theo những cách không giống nhau. Cả hai xu hướng trên đều là cản trở cho công cuộc đối thoại thực sự.
"Ngày hôm nay" của Giáo hội đòi hỏi chúng ta đi sâu hơn vào ý nghĩa của diễn ngữ này, một thuật ngữ diễn ta cách đơn giản ước muốn “cùng nhau tiến bước” (hiệp hành) của Giáo hội. Sẽ là không đủ nếu chúng ta chỉ đi vào phân tích ngữ nghĩa, cú pháp, hình thái biểu thức của các thuật ngữ. Cảm thức đức tin (sensus fidei) của Dân Thiên Chúa hiểu được điều này ngay cả khi không thể diễn tả nó một cách rõ ràng, chẳng hạn không thể hiểu được ý nghĩa dài, rộng, cao, sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Kitô và nơi Hội Thánh của Người. Đi sâu vào ý nghĩa của diễn ngữ “canh tân” được thể hiện trước hết ở mong muốn được tham gia, trở thành một phần của tiến trình này. Lời kêu gọi mang tính đồng nghị sử dụng lối chơi chữ để nhằm thôi thúc chúng ta. Trong tiếng Tây Ban Nha, lối chơi chữ này còn ý nghĩa hơn nữa: No se aparte, sea parte (Đừng đứng sang một bên, mà hãy tham gia vào) (chú ý khoảng trắng ngắt các chữ cái của nhóm từ seaparte – ND).
Phải thừa nhận rằng trong đời sống tu trì (chí ít là theo kinh nghiệm cá nhân của tôi trong tư cách là một tu sĩ Đa Minh), cách riêng là qua các công hội (tu viện hội, tỉnh hội, tổng hội), tôi đã là một nhân chứng trực tiếp và đặc biệt về ý nghĩa của việc thảo luận, phân định và cùng nhau xác định tất cả những gì liên quan đến đời sống huynh đệ cũng như các khía cạnh khác của đời sống chiêm niệm của Dòng, và những vấn đề riêng của “gia đình Đa Minh.”
Trong kịp kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng, tất cả, một số, và từng ý nghĩa của hiệp nghị (tùy theo mức độ thẩm quyền cá nhân hay tập thể) đối với chúng tôi như là một hình thức “đồng bàn.” Tất cả chúng tôi đều là anh chị em của nhau, bao gồm các anh em, chị em (các nữ tu sống đời chiêm niệm cũng như các nữ tu hoạt động), và huynh đoàn giáo dân trong Dòng…
Trong bối cảnh ngày nay, thật tốt khi tái nhấn mạnh nguyên tắc kinh điển của thời Trung cổ hay quy tắc của hiến pháp đã thấm nhuần vào đời sống và việc quản trị của Dòng chúng ta: “Quod ad omnes tangit ab omnibus traari et approbari debet” (điều gì liên quan đến mọi người thì cần phải được thảo luận và phải được mọi người chấp thuận) [1]. Theo tinh thần của nguyên tắc này, chân phước Humbertô Roman, Tổng quyền kế vị thứ tư của thánh Đa Minh (1254-1263), đã viết lại một cách hết sức khôn ngoan trong Hiến pháp nền tảng của Dòng: “Điều thiện được mọi người chấp thuận sẽ được xúc tiến cách mau lẹ và dễ dàng” [2].
Chính xác hơn, các Tổng hội của anh em chúng ta được lần lượt nối tiếp với tần suất khác nhau từ năm 1220 đến nay. Nếu tôi không nhầm thì Tổng hội gần nhất là Tổng hội các Giám định viên được diễn ra tại Tultenango, Mexicô (2022) đã là Tổng hội thứ 291 trong lịch sử Dòng.
Tôi đã cho phép mình lan man đôi chút, vì tôi tin rằng sự lan man này cũng có tầm quan trọng của nó, có thể xem là một ghi nhận nhỏ bé mang tính “chính trị”. Nhưng linh hồn của toàn bộ thể chế định hình cho nếp sống và việc quản trị nếp sống tu trì này, nói một cách chính xác, chính là “tính hiệp nghị.”
Điều quan trọng cần lưu ý là tác động hỗ tương của các hệ thống công ích-xã hội của thời đại và của đời sống tu trì trải dài xuyên suốt lịch sử. Thật vậy, những hệ thống đa dạng này dường như có liên hệ mất thiết với nhau.
Vào thế kỷ XII và XIII, khi các thành phố tự trị, các đô thị và đại học dần bắt đầu áp dụng một cách chậm chạp hệ thống kiểm soát và bỏ phiếu kín, thì các dòng tu nói riêng và Giáo hội nói chung đã sử dụng các kỹ thuật bầu cử và thảo luận này trong nhiều thế kỷ.
Năm 1216, vua John của Anh quốc phải ban hành “Đại Hiến Chương” – hoạt động đầu tiên của hệ thống nghị viện. Trước đó cả một thế kỷ, “Hiến chương Đức ái”, một hình thức công hội được triệu tập bao gồm các đại biểu được bầu cử đã xuất hiện thường niên trong dòng Xitô, gọi là Tổng tu nghị.
Để đưa ra thí dụ cuối cùng, một trong những bản văn hiến pháp lâu đời đời nhất trong lịch sử Âu châu, đó là “Luật về các quyền”, được soạn thảo năm 1689. Bản luật này ra đời gần mười năm sau khi hiến pháp của một trong những Dòng tu đầu tiên và phát triển nhất dấn thân vào việc giáo dục, là dòng Sư huynh trường Công giáo (quen gọi là dòng Sư huynh Lasan), được thông qua.
Nếu chúng ta phân tích tính lịch sử của các dòng tu này (trong đó tất nhiên có cả Dòng Đa Minh), theo quan điểm “tự nhiên,” chúng ta sẽ nảy ra một vài câu hỏi trong đầu mình. Làm sao các dòng tu này có thể sống sót sau rất nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, chia rẽ, bị đàn áp hoặc chỉ trích bởi chính quyền dân sự dưới nhiều hình thức đa dạng của sự bách hại như chế độ quân chủ chuyên chế, chủ nghĩa đế quốc mang tính độc tài, chế độ cộng hòa mang bản sắc bài giáo sĩ cách rõ ràng?
Những luật lệ và hiến pháp của các dòng tu được tạo ra nhắm đến “ơn cứu độ cho các linh hồn” tiếp tục là nỗ lực nhằm “hợp lý hóa” và, hoặc là, “thế tục hóa” trong phạm vi quyền bính mang tính chính trị của một sứ mạng rõ ràng lại mang tính “siêu nhiên.” Trong những luật lệ của các dòng tu này, mọi thứ dường như được xây dựng như thể Chúa quan phòng chẳng can thiệp gì, như thể mọi thứ đều phụ thuộc vào và mang tính con người. Các nguyên tắc được quy định khác nhau, chẳng hạn như nguyên tắc về việc bầu cử, các hướng dẫn nhằm ngăn chặn việc gian lận bầu cử, và đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Thánh Biển Đức, thánh Phanxicô, và thánh Inhaxiô, những người đã mô tả thẩm quyền trong đời sống tu trì bằng những từ ngữ rất đẹp, dường như cũng đã thấy trước những thách đố trong tương lai và đã tạo nên các cơ chế pháp lý nhằm loại bỏ các tu viện trưởng hoặc các bề trên không xứng đáng với chức vụ của họ, hay những người không thích hợp với mục tiêu sứ vụ của mỗi hội dòng. Quyền bính to lớn của vị Tổng quyền chỉ có tác dụng trong chừng mực vị ấy thi hành quyền bính để xây dựng cộng đoàn đã bầu vị ấy lên, và thúc đẩy các phương thế cách hợp lý nhằm đạt tới mục đích chung. Vì lý do này, các giới hạn quyền bính của vị bề trên được tạo ra. Qua kinh nghiệm lịch sử, chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu châm ngôn nổi tiếng: “Quyền lực làm tha hóa, quyền lực tuyệt đối làm tha hóa tuyệt đối” [3].
Các tổ chức tu trì phải được quản trị. Do đó, những thách đố trong việc quản trị con người ngay từ khi thành lập cũng tương tự, nếu không muốn nói là giống hệt, những thách đố của xã hội dân sự hay của “thế tục”. Chúng bao gồm việc lựa chọn người lãnh đạo, việc điều chỉnh bản văn hiến pháp sao cho phù hợp với thực tế đang thay đổi của xã hội, sự quân bình giữa trung ương tập quyền và địa phương phân quyền, các vấn đề gây ra bởi một nền quản trị nhắm đến hiệu quả nhưng xa cách con người, hoặc một nền quản trị tôn trọng địa phương nhưng lại thiếu đi cảm thức thuộc về, các vấn đề về quyền của các thành viên và quyền bính riêng của các vị bề trên.
Bằng sự hiệp nghị, việc quản trị trong đời sống tu trì được trao cho chúng ta như một kinh nghiệm chính trị theo một nghĩa riêng, được tiếp tục, chẳng phải là không gặp sự cố, nhưng ít ra là không bị gián đoạn trong suốt nhiều thế kỷ. Việc quản trị như vậy dựa trên những giả định cố hữu (những giả định không thay đổi như Hiến pháp, luật lệ, tinh thần Kitô giáo), và những giả định thay đổi dựa trên bối cảnh lịch sử [4].
Phương thức quản trị của những người sống đời thánh hiến thể hiện linh đạo của họ. Đó là sự diễn tả đặc sủng của đấng sáng lập ở giữa lòng Giáo hội - in medio Ecclesiae, đặc sủngđã được quyền bính của Giáo hội xác nhận.
Bahía Blanca, 1 May 2024
Lễ thánh Giuse Thợ[1] x. Yves-Marie Congar, “Quod omnes tangit, ab omnibus tractari et approbari debet” in Revue historique de droit francais et étranger 36 (Paris 1958) 210-259.
[2] Expositio Regulae, XVI in Opera de vita regulari, ed. J.J. Berthier (Casali 1956) vol I, p. 72; x. Hiến pháp và Chỉ thị Dòng Anh Em Giảng Thuyết, số 6.
[3] John Emerich Edward Acton (Napoli 1834 – Tegernsee 1902), in a letter written in April 1887 to Mandell Creighton (future Anglican Bishop of London), uttered his most famous phrase: “Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely.”
[4] x. Benedict XVI, Address to the members of the Roman Curia on the occasion of Christmas, 22.12.2005.
52. Đoạn văn trong sách Khải huyền, chương 20, nói Đức Kitô sẽ cai trị 1000 năm nghĩa là gì?
Bạn sẽ rơi vào mơ hồ vô vọng với sách Khải huyền nếu bạn quên rằng đó là cuốn sách về các thị kiến và những biểu tượng kỳ bí, phức tạp. Trong lịch sử Kitô