Gustavo Gutiérrez sinh ngày 08/6/1928 tại Lima, Peru, trong một gia đình khiêm tốn. Bị viêm tủy xương và phải thường xuyên nằm một chỗ khi còn rất trẻ, Gustavo Gutiérrez tận dụng thời gian đọc rất nhiều, đặc biệt là các tác giả Pascal, Giovanni Papini với tác phẩm Câu Chuyện về Đức Ki-tô, Karl Jaspers và Honorio Delgado. Sau khi hồi phục sức khoẻ, anh bắt đầu học y khoa và triết học với ý tưởng trở thành bác sĩ tâm thần.
Vào tuổi 24, anh ước muốn trở thành linh mục và được Đức giám mục gửi đến châu Âu học thần học. Gustavo Gutiérrez học tiếng Pháp và viết luận văn về Freud tại Đại học Công giáo Louvain, Bỉ và sau đó học thần học tại Đại học Công giáo Lyon. Thời gian này, Gustavo Gutiérrez có cơ hội gặp gỡ chuyển viên Kinh Thánh và thần học nổi tiếng: nhà chú giải Kinh Thánh Dòng Xuân Bích Albert Gelin, cũng như các nhà thần học, tu sĩ Dòng Tên Gustave Martelet và tu sĩ Đa Minh Marie-Dominique Chenu – người sau này sẽ là một trong những chuyên gia của Công đồng Vatican II. Gustavo Gutiérrez cũng chịu ảnh hưởng của các tu sĩ Đa Minh khác như các nhà thần học Christian Duquoc và Claude Geffré, Louis-Joseph Lebret, v.v..
Thụ phong linh mục năm 1959, được đặt cha sở cho một giáo xứ thuộc quận Rimac nghèo nàn ở thủ đô Lima, cha Gustavo Gutiérrez cũng tham gia giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng ở Peru và các trường đại học Châu Âu và Bắc Mỹ. Một câu hỏi luôn ám ảnh cha: Làm sao chúng ta có thể nói với người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ?
Vào tháng 5 năm 1967, hai năm sau khi kết thúc Công đồng, cha đã phát biểu vấn đề này trước các sinh viên tại Đại học Montréal. Ba khía cạnh của nghèo đói được cha phân biệt:
- - Nghèo đói thực tế diễn ra hàng ngày. Nghèo đói này “không phải là điều tất yếu mà là sự bất công”;
- - Khó nghèo tinh thần, đồng nghĩa với "con đường nên thánh 'trở nên như trẻ nhỏ', phó thác cuộc đời vào tay Thiên Chúa”;
- - Khó nghèo dưới hình thức một cam kết, để “sống liên đới với người nghèo, cùng họ chiến đấu chống lại nghèo đói, loan báo Tin Mừng từ họ.”
Năm sau, khi được mời nói chuyện về “thần học phát triển” tại một hội nghị ở Peru, cha giải thích rằng “thần học giải phóng thì thích hợp hơn.” Ngôn ngữ thần học này, đề cập đến nỗi đau khổ của người nghèo, sẽ truyền cảm hứng cho các giám mục tập trung tại Medellin (Colombia) tham dự hội nghị lần thứ hai của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) nhằm thảo luận về việc thực hiện Vatican II. Các tham dự viên của Hội nghị đã tố cáo “bạo lực được thể chế hóa” của các chế độ đang tồn tại trên lục địa này. Trong một số trường hợp, cuộc nổi dậy cách mạng được xem là chính đáng. Lần đầu tiên các giám mục khẳng định “ưu tiên cho người nghèo”.
Vào tháng 5 năm 1969, Gustavo Gutiérrez tới Brazil, khi ấy đang trải qua những thời khắc đen tối nhất của chế độ độc tài quân sự. Ở đó, cha gặp các sinh viên, các nhà hoạt động Công giáo Tiến hành, các linh mục. Những chứng từ của họ đã góp phần làm phong phú thêm suy tư của cha cho tác phẩm Thần học Giải phóng, xuất bản năm 1971.
Không phải là một chiến dịch chính trị
“Giải phóng” mà cha Gustavo Gutiérrez khởi xướng và theo đuổi không phải là một chiến dịch chính trị. Giái phóng ở ba cấp độ lồng vào nhau.
- - Cấp độ kinh tế, chúng ta phải giải quyết nguyên nhân của những tình trạng bất công.
- - Cấp độ nhân bản, thay đổi cơ cấu thôi chưa đủ, chúng ta phải thay đổi con người.
- - Cấp độ thần học, cấp độ sâu sắc nhất, chúng ta phải giải thoát mình khỏi tình trạng tội lỗi: từ chối yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Ở cấp độ thứ ba này, thần học giải phóng xác định việc dấn thân cho người nghèo là một nhiệm vụ giải phóng theo Tin Mừng, một câu trả lời cho thách thức mà sự nghèo đói đặt ra khi nói về Thiên Chúa, Đấng yêu thương người nghèo. Trong một Giáo hội Nam Mỹ thiếu linh mục, phong trào thần học giải phóng huy động sự tham gia của các nhà thần học khác như Leonardo Boff, Juan Luis Segundo hay Dom Helder Camara, đã khai sinh ra, chỉ riêng ở Brazil hơn 80.000 cộng đồng cơ bản và hơn “một triệu nhóm Kinh thánh”. Phong trào lan rộng ra những nơi khác, như Hoa Kỳ trong cộng đồng người da đen thiểu số, Châu Phi, Châu Á, và làm thức tỉnh thần học của thế giới thứ ba.
Những phản ứng tiêu cực và tích cực
Thần học giải phóng cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Sự phản đối mạnh mẽ nhất đến từ các cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự ở châu Mỹ Latinh cũng như ở Hoa Kỳ. Trong Giáo hội, Thần học giải phóng cũng bị nghi nghờ khi dùng lý thuyết và khái niệm của Mác để phân tích tình trạng nghèo đói.
Đức Gioan Phaolô II đã từng cảnh báo “Việc ‘đọc lại’ Tin Mừng, xuất phát từ những giả định mang tính lý thuyết, hơn là từ việc suy niệm đích thực về Lời Chúa và cam kết thực sự dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng”.
Năm 1984, Thần học Giải phóng đã hứng chịu những phê bình nặng nề từ Bộ Giáo lý Đức tin, khi đó Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đang là người đứng đầu. Dĩ nhiên, Gustavo Gutiérrez vẫn luôn có quyền bảo vệ mình trong những cuộc tranh luận. Vào năm 2004, khi kết thúc quá trình “đối thoại” kéo dài 20 năm, vị Tổng quyền Dòng Đa Minh đã nhận được một lá thư trong đó Đức Hồng Y Ratzinger “cảm tạ Đấng Tối Cao vì đã có kết luận thỏa đáng cho con đường làm sáng tỏ và đào sâu (đức tin) này”
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của cha Gustavo Gutiérrez vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn ngài “vì tất cả những nỗ lực của cha và cách thức cha đặt câu hỏi về lương tâm của mọi người, để không ai thờ ơ với thảm cảnh nghèo đói và ‘bị loại trừ’.
Gia nhập Dòng Đa Minh
Gustavo Gutiérrez gia nhập Dòng Đa Minh và khấn trọng thể vào ngày 24 tháng 10 năm 2004 tại tu viện Thánh Danh (Saint-Nome) ở Lyon (Pháp).
Bài viết được biên tập từ bản dịch của GB. Phạm Hoàng Dũng, O.P.
Nguồn: La Crox - Mort de Gustavo Gutiérrez, « père » de la théologie de la libération