29/09/2024 -

Anh em Đa Minh

825
“Chỉ đơn giản là một người Đa Minh thôi đã là đóng góp lớn nhất cho Giáo hội và cho thế giới. Cách thức để chúng ta thực hiện sứ mạng này là đào sâu giá trị của truyền thống Đa Minh: cầu nguyện và học hành diễn ra trong đời sống chung.” Nhận định trên đã được cha Anthony Akinwale, O.P., người vừa nhận danh hiệu Tôn sư Thần học của Dòng vào năm 2023, đưa ra trong một cuộc phỏng vấn do truyền thông của Dòng thực hiện.


Nhận lãnh danh hiệu Tôn sư Thần học từ vị Tổng quyền Dòng trao cho, điều này có ý nghĩa gì đối với cha?

Cách nào đó, là một bất ngờ đối với tôi. Tổng hội 2009 đã đề cử tôi cho danh hiệu này. Tôi không bao giờ thắc mắc tại sao hồ sơ dường như không tiến triển. Và quan tâm thắc mắc cũng không phải là việc của tôi. Tôi nhận được tin vui vào một buổi tối tháng Hai năm 2023, khi đang giảng dạy cho các nữ tu Đa Minh châu Phi tại Nairobi, Kenya. Đó là một sự bất ngờ, nhưng cũng là một lời mời gọi để suy ngẫm. Thời điểm và khung cảnh đan viện vào lúc tôi nhận tin này đã cho tôi cơ hội để suy ngẫm về ý nghĩa của việc trao tặng danh hiệu này. Ba điều nổi lên trong tâm trí tôi vào buổi chiều hôm đó.

Trước hết, tôi nhận được tin tức này trong khi đang giảng dạy. Đối với tôi, điều này có nghĩa là trong vai trò mới này, tôi được mời gọi tiếp tục giảng dạy trong Dòng, trong Giáo hội và thế giới. Tôi được kêu gọi nỗ lực hơn nữa sử dụng trí tuệ Chúa đã ban để phục vụ cho sứ vụ giảng thuyết và giảng dạy của Dòng, và tiếp tục tiến về phía trước, cho dù có những thách thức. Tôi đã viết luận án tiến sĩ thần học bàn về cuộc khổ nạn của Đức Kitô trong tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Kể từ đó, tôi đã hiểu được rằng con đường giảng dạy là con đường thập giá. Con đường thập giá là con đường của người môn đệ, cũng là con đường của sự học hỏi. Điều này có nghĩa là tôi phải tiếp tục nghiên cứu, và phải tiếp tục tìm kiếm chân lý trên con đường thập giá này.

Thứ hai, tôi nhận được tin tức này khi đang ở trong đan viện của các đan sĩ Đa Minh, nơi dành riêng cho việc chiêm niệm. Suy ngẫm về điều này đã dẫn tôi đến sự nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc giảng dạy với tư cách là một tu sĩ Đa Minh: giảng dạy là chia sẻ cho người khác hoa trái của việc chiêm niệm Chân lý - Veritas.

Tôi cảm thấy cần phải đề cập đến một ý nghĩa thứ ba: Vinh dự. Đó là một vinh dự cho tôi khi nhận được danh hiệu này từ vị Tổng quyền Dòng. Trong khi học Sách Hiến Pháp, vị Giáo tập của chúng tôi, cha Chukwubuikem Okpechi, O.P. – một người yêu mến đời sống Đa Minh và kêu gọi các tập sinh chúng tôi cũng yêu mến đời sống này – đã giải thích cẩn thận cho chúng tôi rằng, đây là danh hiệu cao quý nhất do Dòng trao tặng. Danh hiệu này sẽ được trao cho những anh em được công nhận là có những đóng góp lớn lao cho sứ vụ trí thức của Dòng. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó mình sẽ được trao tặng danh hiệu cao quý này. Tôi rất biết ơn cha Tổng quyền, cha giáo của tôi, và rất nhiều các bậc thầy khác đã đóng góp vào việc đào tạo trí thức cho tôi.

Vinh dự này cũng là một thách đố. Một lời mời gọi thực hiện bổn phận. Nó làm cho tôi nhớ lại điều mà mẹ tôi thường nói : "Anthony này, ai nhận được nhiều thì cũng được mong đợi nhiều.” Dòng trao tặng cho tôi danh hiệu này thì có nghĩa là Dòng cũng mong đợi nhiều hơn từ tôi. Tôi hy vọng và cầu mong có thể đáp ứng được những mong đợi của Dòng, và không chỉ của Dòng, mà còn của Giáo hội, của học thuật hàn lâm và của xã hội. Bởi vì, trước hết, một Tôn sư Thần học được kêu gọi trở nên người phục vụ chân lý. Những lời của Thánh Augustinô hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi tâm đắc lời này của vị Giám mục Híppolitô, chính ngài cũng là một Bậc thầy: "Praepositi sumus, et servi sumus. Praesumus, sed si prosumus" (De Diversis, serm. 9, 3; 35, 6) - "Được đặt làm người đứng đầu, chúng tôi là người phục vụ. Là người đứng đầu, chúng tôi phục vụ lợi ích". Một người là Tôn sư Thần học chỉ khi người đó phục vụ cho Chân lý."

Theo cha, sứ mạng thần học hiện nay của Dòng trong Giáo Hội và trên thế giới là gì?

Nhiều điều đang xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới. Bàn tiệc của nhân loại thì đầy ắp. Tuy nhiên, nhân loại lại đang đói. Thật là một nghịch lý! Người ta đói khát sự thật, sự thiện, tình yêu, và nhất là đói khát Thiên Chúa. Điều này thường không được chú ý. Đó chính là khát vọng sự trọn hảo tuyệt đối, mà con người chỉ có thể tìm thấy trong Thiên Chúa. Tuy nhiên, như tôi thường chia sẻ, Thiên Chúa bị gạt ra ngoài lề và bị phỉ báng. Người bị gạt ra ngoài lề bởi con người nghĩ rằng sự hoàn hảo tuyệt đối có thể tìm thấy trong thành công to lớn về kinh tế và đầy đủ về vật chất. Và có những người lợi dụng Thiên Chúa như công cụ để tìm kiếm tối đa quyền lực, lợi ích và thoả mãn ước muốn. Theo tôi, sứ mạng thần học hiện nay của Dòng là nói sự thật câu chuyện về Thiên Chúa với thế giới. Vậy thì, câu chuyện thật sự đó là gì?

Câu chuyện thật sự về Thiên Chúa là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:16). Ngài là tình yêu chân thật. Tôi có thể làm chứng rằng trong những khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, tôi đã kinh nghiệm tình yêu này một cách mạnh mẽ. Tôi đặc biệt cảm động bởi một trong những bài thánh ca phụng vụ Yoruba đẹp nhất, “Ife l’Olorun” (Chúa là tình yêu), mà Cha Thomas Makanjuola Ilesanmi đã sáng tác ngay sau Công đồng Vatican II.

Thiên Chúa đã kể cho chúng ta câu chuyện tình yêu của Người qua người Con chịu đóng đinh. Tôi không tin rằng những đóng góp thần học của chúng ta cho Giáo hội và cho thế giới khác với những gì Tông đồ Phaolô đã nói: "Chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh." Đó là câu chuyện của mầu nhiệm vượt qua, của một Thiên Chúa đã đến với chúng ta như một người bạn, khi chúng ta đang thù nghịch với Người, tình yêu của Người bị phản bội và bị tổn thương trên thập giá, nhưng cuối cùng tình yêu bị tổn thương ấy đã chiến thắng trở thành ơn cứu rỗi của những ai đã làm tổn thương Người.

Kể câu chuyện này cho một thế giới đầy ngờ vực là một sứ mạng khó khăn, giống như trong thời của Phaolô và các Kitô hữu đầu tiên. Chúng ta, những tu sĩ Đa Minh, với lòng yêu mến việc học, cần phải hiểu các triết lý và ngôn ngữ của thời đại chúng ta. Hiểu các triết lý để có thể định hướng cho đời sống của mình. Chúng ta cần hiểu ngôn ngữ của thời đại để có thể giao tiếp hiệu quả. Chúng ta phải không ngừng tìm kiếm triết lý đúng đắn và ngôn ngữ thích hợp để rao giảng ơn cứu độ trong Đức Kitô chịu đóng đinh. Chúng ta không chỉ yêu mến việc học, mà sự chuyên tâm học hành còn phải gắn liền với cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta phải xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và lòng can đảm để có thể nói với thế giới: một thế giới của đa phức tôn giáo, một thế giới mà sự hoài nghi và mê tín cũng có thể trở thành tôn giáo, một thế giới mà sự thù ghét và thờ ơ đối với tôn giáo cũng đã trở thành một thứ tôn giáo. Người Đa Minh sống trong thế giới hiện đại này phải cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự can đảm và khôn ngoan để rao giảng như Thánh Phêrô nói với nhà Israel: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).
"Hành trình đồng nghị đang diễn ra ở Châu Phi như thế nào?

Trước hết, tôi muốn nói rằng đồng nghị không phải là điều xa lạ với châu Phi. Sự đồng trách nhiệm, một trong những ý hướng chính của Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, không phải là mới mẻ ở Châu Phi. Tôi sinh ra trong một giáo xứ, nơi tôi lớn lên và nhận thấy được sự đồng trách nhiệm của các linh mục và các giáo dân. Sau khi thụ phong linh mục vào năm 1987, tôi đã làm việc tại Giáo phận Sokoto ở Tây Bắc Nigeria, một giáo phận được thành lập nhờ những khởi xướng mục vụ tạo bạo của các nam nữ tu sĩ Đa Minh người Mỹ và Nigeria, phối hợp làm việc với các anh chị em giáo dân. Nhiều năm sau, tại lễ kỷ niệm 50 năm của giáo phận, tôi có vinh dự đồng tác giả với Emmanuel Akubor viết cuốn sách Sowing in the Desert: History and Pastoral Challenges of Sokoto Diocese (Hạt Giống Trong Sa Mạc: Lịch Sử và Thách Thức Mục Vụ của Giáo Phận Sokoto). Trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi đã thấy được sự hòa hợp và phối hợp của các nam nữ tu Đa Minh và anh chị em giáo dân trong việc xây dựng một giáo phận ngay giữa trung tâm của Hồi giáo. Mặc dù không phủ nhận rằng có những trường hợp giáo sĩ lạm dụng quyền bính, tôi phải nói rằng tôi đã chứng kiến điều mà Thánh John Newman gọi là sự đồng điệu giữa các mục tử và tín hữu (Conspiratio pastorum ac fidelium).

Sự phát triển của Kitô giáo tại Nigeria và nhiều khu vực khác ở Châu Phi sẽ không tiến triển nếu thiếu đi sự cộng tác mạnh mẽ của thời kỳ truyền giáo, một sự liên đới vẫn còn tiếp diễn cho đến hôm nay. Chúng ta có nhiều điển hình về các giáo xứ được thành lập nhờ khởi xướng của giáo dân. Đức tin sẽ không thể được truyền lại nếu không có sự hướng dẫn khôn ngoan, gương mẫu và can đảm tuyệt vời của các giáo lý viên.

Tôi vừa trình bày một bài tham luận tại một hội thảo dành cho các đại biểu Châu Phi tham dự phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng. Tổ chức Hội nghị của các Hội đồng Giám mục ở Châu Phi và Madagascar đã tổ chức hội thảo này tại Nairobi với sự tham gia của các giám mục, linh mục và anh chị em giáo dân. Các cuộc thảo luận rất cởi mở và thẳng thắn. Câu hỏi trọng tâm là: Làm thế nào để chúng ta trở thành một Giáo hội đồng nghị và truyền giáo? Có một sự đồng thuận này là: Giáo hội chào đón mọi người, nhưng không được đánh đổi nội dung của Tin Mừng mà các tông đồ đã đón nhận, gìn giữ và chuyển trao lại. Đối với tôi, độ sâu và chất lượng của các cuộc thảo luận rất đáng khích lệ. Các giám mục Công giáo Nigeria cũng đã giao cho tôi nhiệm vụ tổng hợp tất cả các đóng góp từ các giáo phận, tỉnh dòng, chủng viện và các khoa thần học trong cả nước. Việc đọc những đóng góp này mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích."

"Một số người châu Phi tin rằng chương trình nghị sự của Hội nghị bắt nguồn từ Bắc Bán cầu và dường như thiếu sự chuẩn bị để lắng nghe tiếng nói ở Châu Phi. Về phần mình, tôi tin rằng Giáo hội toàn cầu sẽ được phong phú rất nhiều nếu có sự lắng nghe từ nhiều phía. Cần có sự lắng nghe giữa Giáo hội ở Bắc bán cầu và Giáo hội ở Nam bán cầu, và ngược lại. Giáo hội ở Bắc bán cầu thường bị cám dỗ nhượng bộ chủ nghĩa tục hóa, trong khi Giáo hội ở Nam bán cầu, ở một số nơi như miền Bắc Nigeria, đang bị đe dọa bởi Hồi giáo cực đoan, và ở nhiều nơi khác ở Châu Phi, đang đối mặt với thách thức từ phong trào Tin Lành, thường nghiêng về cảm xúc hơn là lý trí, trong các vấn đề đức tin."

Theo Cha, khía cạnh nào của việc suy tư thần học cần thiết cho việc hình thành các nhà thần học Đa Minh tương lai ở Nigeria và, nói chung, ở Châu Phi?

"Tôi tin rằng nếu chúng ta muốn suy tư thần học như những người Đa Minh, điều cần thiết ở mỗi người Đa Minh trên mọi châu lục là chúng ta học cách tiếp nhận truyền thống cầu nguyện và học hành của Dòng Đa Minh – sự kết hợp giữa đời sống tâm linh và trí thức – cho nhiệm vụ mục vụ của việc giảng dạy và rao giảng. Đối với chúng tôi ở Châu Phi, tôi luôn tin rằng việc đọc các tác phẩm của Thánh Tôma và các vị thánh khác trong Dòng dưới ánh sáng kinh nghiệm Châu Phi của chúng tôi là rất quan trọng. Dường như có một giả định bởi một số người khi chưa suy tư đúng mức, và điều này không chỉ riêng gì người ở Châu Phi, đã cho rằng Thánh Tôma thuộc về một quá khứ mà không có gì để nói với hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta phải giống như người kinh sư khôn ngoan, người rút ra từ kho tàng của mình những điều cũ và mới.

Sự tổng hợp tri thức của Thánh Tôma rất cần thiết cho ngày nay, một ấn phẩm rất có giá trị gần đây, đó là sự hợp tác giữa Đại học Đa Minh ở Ibadan và Viện Tôma tại Angelicum, với tựa đề: Thomas Aquinas in Twenty-First Century Global Thought (Tạm dịch: Tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô trong bối cảnh toàn cầu của thế kỷ 21. Trong một thế giới toàn cầu và đa văn hóa, chúng ta cần phục hồi cuộc đối thoại giữa Thánh Tôma và các triết lý ở Châu Phi. Trong bối cảnh này, Trung tâm Đối thoại (Centre for Dialogue) ở Châu Phi tại Đại học Đa Minh Ibadan được vị Tổng Quyền Dòng thiết lập, được xem như một Trung tâm Thần học (locus theologicus). Đây là cơ hội đầy tiềm năng làm phong phú những suy tư thần học của chúng ta tại khoa Thần học mới được thành lập tại Đại học này."

Khi nói điều này, tôi lại nhớ đến STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) chiếm một vị trí ưu tiên trong các trường đại học ngày nay. Chúng ta đang ở trong thời đại mà tôi gọi là sự thống trị của các khoa học tự nhiên. Nhưng các nguồn mạch của truyền thống trí thức và thần bí Đa Minh, từ thánh Đa Minh, thánh Tôma, thánh Catarina và nhiều vị khác có thể cống hiến cho não trạng duy lý ngày nay một nền tảng khôn ngoan rất cần thiết, thiếu nền tảng này, nhân loại có thể nhanh chóng đi vào con đường tự hủy diệt. Tôi hy vọng rằng việc đào tạo các tu sĩ Đa Minh tương lai ở châu Phi sẽ có được kết quả từ sự tiếp nhận truyền thống Đa Minh theo cách của Châu Phi. Chúng ta không cần phải phương Tây hóa bản thân để trở thành người Đa Minh. Có thể diễn giải lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với người Châu Phi ở Kampala, Uganda, vào năm 1969, tại lễ khánh thành S.E.C.A.M. (Hội nghị Giám mục các nước châu Phi và Madagascar), chúng ta có thể và phải là người Châu Phi và người Đa Minh.

Trở lại với câu trả lời của tôi cho câu hỏi trước. Với tư cách là những người Đa Minh ở Châu Phi và ở những nơi khác cũng vậy, trong những suy tư thần học của mình, chúng ta phải kể câu chuyện về một Thiên Chúa tình yêu. Vì Thiên Chúa, như Thánh Tôma đã dạy, là chủ thể của thần học (subiectum theologiae) (Summa Theologiae, q. 1 art. 7). Nhiệm vụ của chúng ta là học cách kể câu chuyện của Thiên Chúa cho khán giả Châu Phi của chúng ta và, cuối cùng, cho khán giả toàn cầu. Thần học của chúng ta phải chú ý đến Lời của Thiên Chúa và hoàn cảnh cuộc sống của những người đón nhận Lời. Làm thế nào chúng ta có thể kể câu chuyện về một Thiên Chúa là tình yêu giữa những bao đau khổ của con người? Đây là nhiệm vụ khó khăn mà chúng ta phải đối mặt, nhưng chúng ta có Đấng Bảo Trợ ở bên cạnh: Thần Khí sự thật.
 
Cha muốn chia sẻ thêm điều gì nữa không?

Chỉ đơn giản là một tu sĩ Đa Minh thôi đã là đóng góp lớn nhất cho Giáo hội và cho thế giới. Thế giới của chúng ta đang thiếu vắng chiều kích tâm linh và đạo lý. Không phải chỉ có các tu sĩ Đa Minh mới có thể lấp đầy khoảng trống này. Cũng không phải các tu sĩ Đa Minh không có gì để học hỏi từ người khác. Sẽ là kiêu ngạo trí thức nếu chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng tôi tin rằng, nhờ Đấng Quan Phòng đã ban cho Giáo hội một nhà giảng thuyết nổi bật là thánh Đa Minh, mà các tu sĩ Đa Minh lãnh lấy sứ mạng và vị trí đặc biệt để lấp đầy khoảng trống này. Cách thức để chúng ta thực hiện sứ mạng này là đào sâu giá trị của truyền thống Đa Minh: cầu nguyện và học hành diễn ra trong đời sống chung.
 
Tôi phải kết thúc với lời cảm ơn đặc biệt gửi đến những người mà tôi đã hân hạnh nhận được hướng dẫn họ. Họ đã dạy cho tôi, khi tôi giảng dạy cho họ. Tôi đã học được nhiều từ họ hơn là những gì tôi học để lấy bằng cấp. Họ đã dạy tôi cách trở nên người phục vụ Sự Thật. Khi nhận thấy họ thăng tiến, tôi cảm tạ Thiên Chúa vì những ân huệ Người dành cho Dòng, cho Giáo hội và cho thế giới."
  
*** Anh Anthony Alaba Akinwale, OP, sinh ở Ebute Metta, Lagos, Nigeria, ngày 10 tháng 6 năm 1962. Anh đã tuyên khấn lần đầu trong Dòng Giảng Thuyết vào ngày 27 tháng 9 năm 1981. Anh học triết học tại Chủng viện Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Ibadan, Nigeria, và học thần học tại Phân Khoa Thần Học Công Giáo ở Kinshasa, Congo. Anh được truyền chức linh mục vào ngày 20 tháng 12 năm 1987. Sau khi được truyền chức, anh làm việc tại Giáo phận Sokoto. Anh tiếp tục học tại Phân Khoa Triết Học và Thần Học ở Ottawa, Canada, và đã nhận MA và BA về thần học vào năm 1991, sau đó tại Đại Học Boston, Hoa Kỳ, nơi anh lãnh nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1996.
Anh là Giám học đầu tiên của Học Viện Đa Minh ở Ibadan (từ 1996 đến 2000), sau đó Giám đốc Học viện năm 2004 đến 2016. Từ năm 2017 đến 2022, anh là Phó Chưởng Ấn của Đại học Đa Minh mới thành lập tại Ibadan. Năm 2022, anh được trao ghế Val McInnes[1] của Đại học Giáo hoàng thánh Tôma Aquinô – Angelicum, Roma. Anh cũng từng là Chủ tịch Hiệp hội Thần học Công giáo Nigeria từ năm 2001 đến 2004 và là chuyên viên cho Tổ chức Hội nghị của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar cũng như Hội nghị Hội đồng Giám mục Công giáo Nigeria. Kể từ năm 2018, anh là thành viên của Hội đồng học thuật của tạp chí Studio Gilsoniana, một tạp chí thuộc Hội quốc tế Etienne Gilson và Hội Tôma Aquinô Ba Lan. Hiện tại, anh là Phó hiệu trưởng của Đại học Augustine, Ilara-Epe, bang Lagos, Nigeria.
 

Chuyển ngữ: Vương Thuật, O.P.
Nguồn: “Simply to be a Dominican” is the Greatest Contribution a Dominican Can Make to the Church and the World - ORDO PRAEDICATORUM | OFFICIAL
[1] Ghế Val McInnes (được đặt tên theo fr. Val McInnes, một anh em Đa Minh rất yêu mến đời sống trí thức của Dòng) được trao tặng một năm hai lần cho các các giáo sư xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy tại Angelicum.
114.864864865135.135135135250