30/05/2024 -

Anh em Đa Minh

1089

Cha Vito Tomás Gómez García, O.P. nhận danh hiệu Tôn sư Thần học (Magister in Sacra Theologia) vào năm 2022. Trả lời trong cuộc phỏng vấn do Truyền thông của Dòng thực hiện, ngài nói: Danh hiệu Tôn Sư Thần Học khích lệ tôi phải nỗ lực cống hiến hơn nữa cho Dòng, để tiếp tục dấn thân cho sứ mạng gieo Tin Mừng vào trong xã hội.

Nhận lãnh danh hiệu Tôn sư Thần học do cha Tổng Quyền trao, điều này có ý nghĩa gì đối với Cha?

Tôi phải cảm ơn toàn thể Dòng Giảng Thuyết, cách riêng cha Tổng Quyền vì biết bao hồng ân mà tôi đã nhận được, bắt đầu từ khi tôi vào thỉnh viện của Tỉnh dòng Aragon và vẫn tiếp tục đến hôm nay tại Tỉnh dòng mới là Hispania. Tôi đã nhận được sự trợ giúp từ nhiều người, những cơ hội và phương tiện. Nếu không có những sự nâng đỡ ấy, tôi đã không thể bước theo thánh Đa Minh, theo chân rất nhiều mẫu gương và các vị tiền bối của Gia đình Đa Minh. Nhìn về tương lai, nhận lãnh danh hiệu Tôn sư Thần học là một sự khích lệ lớn lao thúc đẩy tôi phải cống hiến hết sức cho Dòng, để tiếp tục dấn thân cho sứ mạng gieo Tin Mừng vào trong xã hội.

Theo cha, đâu là đóng góp thần học hiện nay của Dòng cho Giáo hội và cho thế giới?

Người anh của chúng ta, thánh Tôma đã viết trong các tác phẩm của ngài nhằm bảo vệ các tu sĩ Đa Minh - một gia đình tu trì mới trong Giáo hội, nhưng như chúng ta biết, bị thẩm quyền học thuật thời đó chống đối. Các tu sĩ Đa Minh muốn, trước hết, hoàn toàn theo gương Chúa Kitô, và rồi cống hiến một con đường đón nhận Tin Mừng cho nhân loại. Cách ngắn gọn, đây là chương trình cho công việc thần học của chúng ta: phát huy các khả năng và sử dụng các phương tiện Thiên Chúa ban trong thời gian và nơi chốn cụ thể. Dòng được mời gọi cống hiến cho Giáo Hội những suy tư sâu xa về mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người trong một xã hội, làm sao có thể mở ra với siêu việt, với Thiên Chúa - Đấng tự bày tỏ chính mình trong tình yêu đầy tràn lòng thương xót nơi việc Nhập Thể của Con Ngài và trong sự thánh hóa không ngừng của Chúa Thánh Thần.

Tôi tin rằng Giáo hội rất cần các tu sĩ Đa Minh chúng ta đóng góp những suy tư thần học được kín múc từ các nguồn mạch mặc khải và từ sự am tường các tư tưởng Kitô giáo của các thời đại khác nhau, đồng thời lưu tâm đến các phương diện của triết học và lịch sử của nhân loại. Những thành tựu đạt được trong quá khứ là tiền đề cho nghiên cứu của chúng ta trong thời hiện đại.

Mặt khác, chúng ta hiện nay có sẵn nhiều phương tiện mà hầu như chỉ là mơ ước của các thế hệ trước chúng ta. Một ví dụ cụ thể: ngày nay chúng ta trong phòng riêng của mình, nhưng có thể tham khảo các tác phẩm được lưu trữ trong các thư viện, và hơn nữa, còn dễ dàng biết thư viện nào có các bộ sưu tập thư mục mà chúng ta cần tìm. Các trước tác thần học của chúng ta, kể cả bài báo hoặc tiểu luận, luôn phải có một nền tảng vững chắc, và được rèn giũa trong cộng đoàn qua cầu nguyện và đời sống. Tuy nhiên, các tác phẩm sách vẫn mang giá trị lớn như là thành quả của việc nghiên cứu liên tục.

Dưới ánh sáng của thần học về hôn nhân gia đình, đâu là câu trả lời của Dòng và của Giáo hội cho những thách đố mà gia đình ngày nay đang phải đối mặt?

Mỗi chúng ta có một gia đình và phải xem đó là trường học đầu tiên của cuộc đời mình. Chính ở đó, chúng ta nhận được những điều kiện cho sự phát triển thể chất và tinh thần, phát triển tôn giáo, văn hóa và các mối tương quan liên vị của chúng ta. Thông thường, gia đình đưa chúng ta gia nhập vào Giáo hội và xã hội, đón nhận sự giáo dục phổ thông và giáo dục đức tin. Nhà là trường học đầu tiên của chúng ta với tất cả ý nghĩa của nó. Suy tư của chúng ta phải được định hướng nhằm vào nền tảng thần học của bí tích hôn nhân, vận dụng phương pháp được phát thảo cho công việc thần học này. Không cần phải nói, chúng ta cũng đã thấy rằng, các vấn đề về hôn nhân và gia đình khẩn thiết kêu gọi chúng ta phải có những suy tư và chăm sóc mục vụ gia đình trong xã hội ngày nay. Chính gia đình là nền tảng cho xã hội, và xã hội phụ thuộc vào các giá trị của gia đình.

Bí tích Hòa giải có thể giúp người trẻ ngày nay như thế nào?

Từ quan điểm thần học, con người có mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta phải bắt đầu từ thực tế là chúng ta được sinh ra cùng với nhu cầu hoà giải. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được thông hiệp trong vẹn với Thiên Chúa, hoặc qua những cách thức huyền nhiệm khác, sự hiệp thông ấy được trao ban bởi quyền năng thương xót của Thiên Chúa mà con người không tự mình mà có được.

Chúng ta nhớ lại những lời của Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium, số 16: “Cả những người chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, mà không phải do lỗi của họ, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ.” 

Tại giếng rửa tội, không chỉ mọi vết nhơ tội lỗi được tẩy xoá, mà sự viên mãn của ân sủng còn được ban tặng cho chúng ta, được tăng trưởng nhờ các nhân đức và những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Bí tích Hòa giải là cần thiết cho tất cả những người đã được rửa tội, giúp chúng ta duy trì và gia tăng ân sủng. Những người làm công tác thần học và chăm sóc mục vụ phải làm sao để thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô luôn khoẻ mạnh. Bí tích Hòa giải mang lại sức mạnh cần thiết, giúp đời sống ân sủng vượt qua những chướng ngại, thậm chí có thể gây ra những hậu quả thể lý. Việc chăm sóc mục vụ cho trẻ em và thanh thiếu niên phải nhấn mạnh đến các phương thế bí tích do Thiên Chúa thiết lập, giúp họ tiến bước trên hành trình sống đời tâm linh thật lành mạnh và kiên vững.

Cha có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Liên quan đến vấn đề vừa trình bày, tôi xin chia sẻ điều này. Vào giữa thế kỷ 13, Tổng hội quy định rằng tất cả các cộng đoàn của chúng ta phải làm sao có một bản sao của cuốn sách có tựa đề: De modo docendi pueros. Tác phẩm này mô tả cách dạy dỗ con cái, do anh William ở Tournai, O.P. soạn thảo (dưới hình thức ấn bản dành cho học sinh, bản thảo này đã được xuất bản tại Indianapolis, Hoa Kỳ vào năm 1955).

Dưới đây là một số suy nghĩ lượm lặt được từ cuốn sách này: giáo dục là hoa trái của tình yêu thương; phải lưu ý đến phương pháp và khoa học. Những gì được tiếp nhận khi còn trẻ sẽ lưu giữ mãi cho đến cuối đời. Bổn phận của cha mẹ là giáo dục con cái sao cho toàn diện, được cái này mà cũng không mất cái kia. Thầy giáo phải có nhân cách tốt. Trong số những thầy giáo tồi, đặc biệt người bần tiện thì phải tránh, vì họ không quan tâm sự tiến bộ của trẻ em, chỉ nghĩ đến tiền bạc hơn là chỉ dạy, giáo dục học sinh của mình. Trẻ em phải được hướng dẫn về đức tin, luân lý và các khoa học. Đức tin giống như gốc rễ tốt lành của tâm hồn. Toàn bộ gia đình phải được hướng dẫn, con trai và con gái và cả những người giúp việc. Gia đình phải có sự trong sạch, tốt lành, lương thiện với hàng xóm, khiêm tốn và phục tùng Thiên Chúa. Do đó, sự chăm sóc mục vụ qua giáo dục và trong lĩnh vực giáo dục, ngay từ khởi đầu, là một điều gì đó rất riêng của chúng ta. Thánh Tôma trình bày rõ ràng điều này trong một số tác phẩm của ngài.
* Cha Vito Tomás Gómez García sinh năm 1943, tại Villacorta, Tây Ban Nha. Thuộc Tỉnh Dòng Hispania, cha tuyên khấn trong Dòng Giảng Thuyết năm 1960. Cha lãnh bằng Cao học thần học năm 1968. Sau đó, cha tiếp tục lấy Cao học về Lịch sử Giáo hội năm 1971 và bằng Tiến sĩ năm 1989 tại Đại học Giáo hoàng Gregorian ở Roma, với một luận án được xuất bản đầy đủ, tựa đề “Hồng y Fr. Manuel García y Gil, Giám mục Badajoz và Tổng Giám mục Zaragoza (1802-1881)”. Cha là giảng viên tại Khoa Thần học San Vicente Ferrer ở Valencia từ năm 1971 cho đến khi trở thành Giáo sư danh dự vào tháng Sáu năm 2013. Cha đã giảng dạy các môn học về Lịch sử Tín điều, Lịch sử Giáo hội vào cuối thời Trung cổ và Phục hưng, Phương pháp Khoa học Tổng quát và Lịch sử Giáo hội trong các giai đoạn khác nhau, chuyên về Thời kỳ Hiện đại và Đương đại. Cha cũng là Thư ký và Giám đốc trong nhiều năm của Niên giám “Escritos del Vedat”, và của Tạp chí “Teología Espiritual”, cả hai ấn phẩm này đều của Khoa Thần học San Vicente Ferrer của Valencia. Trong mười hai năm, cha là Tổng Thỉnh viên của Án phong thánh cho các thánh Dòng Giảng Thuyết, với văn phòng được đặt tại trụ sở Dòng ở Roma. Cha hiện đang là Đặc trách Án phong thánh của Tỉnh dòng Hispania, và Giáo sư về tiểu sử thánh Đa Minh và lịch sử Dòng cho Tập viện của Tỉnh dòng ở Seville.

* Tôn Sư Thần học thánh là một bằng danh dự do vị Tổng Quyền ban cấp, theo đề nghị của Ban Tổng Cố vấn, với các yêu cầu nhất định. Học hàm này có từ năm 1303, do Đức Giáo hoàng Benedictô XI, là một tu sĩ Đa Minh, thiết lập để Dòng Giảng Thuyết có thể trao cho anh em năng quyền giảng dạy thần học. Ngày nay trong Dòng, danh hiệu học thuật có tính cách danh dự và đặc biệt này là sự ghi nhận cao nhất dành cho những anh em xuất sắc trong lãnh vực thánh khoa.


[Vương Thuật, O.P. chuyển ngữ từ website của Dòng: Dominicans Continue to Sow the Gospel in Society ]
 
 
 
 
 
 
114.864864865135.135135135250