11/10/2014 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

764

* Ngày Thứ Nhất: 6-10-2014

ĐTC Phanxicô xin các nghị phụ nói rõ và nói thẳng ý kiến và xác tín của mình trong Thượng HĐGM.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong lời chào mừng các nghị phụ trong phiên họp khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM khóa ngoại thường thứ 3 về gia đình, sáng ngày 6-10-2014 tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican, về về ”các thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Phiên họp bắt đầu lúc 9 giờ, dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris và trước sự hiện diện của ĐTC với 181 nghị phụ, cùng với các dự thính viên. Trên bàn chủ tọa trong Hội trường THĐGM, cạnh ngài còn có ĐHY Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, 3 Hồng Y chủ tịch thừa ủy, ĐHY Tổng tường trình viên, và Đức TGM Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt của khóa họp này.

Trong kinh giờ Ba, ĐHY Lluós Martínez Sistach, nguyên TGM Barcelona, Tây Ban Nha, đã trình bày một bài suy niệm ngắn.

Đến lượt ĐTC chào mừng mọi người. Ngài nói:

Các Hồng Y, Thượng Phụ, GM, anh chị em thân mến

Tôi nồng nhiệt chào mừng anh chị em tham dự cuộc gặp gỡ này và thành tâm cám ơn sự hiện diện ân cần và quí giá và tham dự của anh chị em.

Nhân danh anh chị em, tôi muốn nồng nhiệt cám ơn tất cả những ngừơi đã tận tụy làm việc, trong kiên nhẫn và với khả năng chuyên môn, qua những tháng dài, đọc, thẩm định và soạn thảo các đề tài, văn bản và công việc của Thượng HĐGM khóa ngoại thường này.

ĐTC đặc biệt cám ơn ĐHY Baldisseri, Tổng thư ký THĐGM Đức cha Phó Tổng thư ký và tất cả các nhân viên của Văn phòng Tổng thư ký đã làm việc không biết mệt mỏi và còn tiếp tục làm việc cho Thượng HĐGM này. ĐTC cũng cám ơn Hội đồng Hậu Thượng HĐGM thế giới khóa 13, vị Tổng tường trình viên, Tổng thư ký và các HĐGM đã làm việc rất nhiều, cũng như 3 vị HY thừa ủy.

Tiếp đến ĐTC cám ơn các HY, Thượng Phụ, GM và các tham dự viên khác, và nói rằng: sự tham dự của anh chị em làm cho công việc của Thượng HĐGM này được phong phú, tinh thần đoàn thể của hàng GM và công nghị tính để mưu ích cho Giáo Hội và các gia đình. Tôi cũng muốn tinh thần công nghị thể hiện qua việc chọn vị Tường trình viên, Tổng thư ký và các vị chủ tịch thừa ủy. Vị tường trình viên và Tổng thư ký đặc biệt do Hội đồng hậu Thượng HĐGM trực tiếp bầu lên, trong khi 3 vị Chủ tịch thừa ủy thừa ủy thì tôi đã xin Hội đồng đề nghị và tôi đã theo đó để bổ nhiệm.

ĐTC nói với các nghị phụ:

”Anh em mang tiếng nói của các Giáo Hội địa phương, tập họp ở cấp địa phương của HĐGM. Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương là do Chúa thiết lập; các Giáo Hội địa phương được hiểu như thế là do con người thành lập.

Tiếng nói này anh em mang đến trong công nghị. Đó là một trách nhiệm lớn: mang những thực tại và các Giáo Hội, để giúp các Giáo Hội ấy tiến bước trên con đường là Tin Mừng gia đình.

Một điều kiện tổng quát cơ bản là: nói rõ ràng. Xin đừng ai nói: ”Điều này không thể nói; ai đó sẽ nghĩ về tôi thế này thế kia..” Cần nói tất cả những gì mình cảm thấy trong tinh thần tự do ngôn luận.

Sau công nghị Hồng y lần cuối hồi tháng 2 năm 2014, trong đó có nói về gia đình, một Hồng Y đã viết cho tôi rằng: rất tiếc là vài Hồng Y không có can đảm nói một số điều vì tôn trọng ĐGH, cho rằng ĐGH nghĩ khác. Điều này không tốt, đó không phải là đặc tính công nghị, vì cần phải nói tất cả những gì mà trong Chúa mình cảm thấy phải nói: không vị nể con người, không nhút nhát. Và đồng thời, phải khiêm tốn lắng nghe và thành tâm đón nhận trong tinh thần cởi mở điều mà các anh em nói. Với hai thái độ đó, ta thực thi công nghị tính. Vì thế, tôi xin anh em, hãy có những thái độ huynh đệ ấy trong Chúa: nói trong tinh thần tự do ngôn luận và khiêm tốn lắng nghe. Và hãy thi hành điều đó trong tinh thần thanh thản và yên hàn, vì công nghị luôn tiến hành với Phêrô và dưới Phêrô, và sự hiện diện của Giáo Hoàng là bảo đảm cho tất cả.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta hãy cộng tác để năng động tính của công nghị được củng cố rõ ràng.

ĐHY Baldisseri

Sau lời chào của ĐTC, ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã trình bày những chỉ dẫn thực tiễn trong việc tiến hành Thượng HĐGM: mỗi nghị phụ được quyền phát biểu tối đa 4 phút theo thứ tự các đề tài được ấn định cho mỗi phiên họp. Bài phát biểu đó, sau khi trình bày, trở thành tài sản của Thượng HĐGM. Các nghị phụ được tự do trả lời phỏng vấn với các nhân viên truyền thông và trình bày những gì mình thấy là nên nói. Mỗi ngày sẽ có một cuộc họp báo theo sự phối hợp của Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, và có sự tham dự của một vài nghị phụ.

Các nghị phụ theo dõi một video về cách sử dụng các dụng cụ tại Hội trường Thượng HĐGM, từ ống nghe cho đến việc chọn các sinh ngữ được thông dịch trực tiếp, dụng cụ bỏ phiếu và báo sự hiện diện. Sau khi các nghị phụ bấm vào máy, tổng cộng có 181 nghị phụ có mặt trong phiên khoáng đại đầu tiên sáng hôm qua.

Bài dẫn nhập của ĐHY Baldisseri

Sang đến bài dẫn nhập vào Thượng HĐGM khóa ngoại lệ thứ III, trước tiên, ĐHY Baldisseri đặc biệt cám ơn ĐTC vì đã quyết định tôn phong chân phước cho ĐGH Phaolô 6 vào chúa nhật 19-10 tới đây, trong lễ bế mạc Thượng HĐGM này. Đức Phaolô 6 được phong chân phước trong bối cảnh Thượng HĐGM, ghi đậm một dấu hiệu quan trọng về đoàn thể tính và công nghị tính. Sau 50 năm, Đức Cố Giáo Hoàng vẫn là một nhân vật thời sự.

ĐHY Baldisseri gợi lại diễn tiến chuẩn bị Thượng HĐGM khóa đặc biệt này về gia đình, từ lúc ĐTC tuyên bố triệu tập, xác định đề tài, bổ nhiệm Tổng thư ký mới, đến việc soạn tài liệu chuẩn bị, bổ nhiệm các chức sắc khác của Công nghị GM thế giới này.

Việc tham khảo ý kiến sâu rộng trong Giáo Hội được khởi sự với bản câu hỏi kèm theo tài liệu chuẩn bị. Có 83,11% những người có quyền thuộc các HĐGM đã trả lời, gần 65,40% các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã trả lời, gần 77% các Công nghị các Giáo Hội Công Giáo đông phương đã trả lời góp ý, không để nhiều nhận xét từ các nhân và các nhóm trong và ngoài Giáo Hội.

Dựa vào các bản góp ý gửi đề, một tài liệu làm việc đã được soạn thảo với sự cộng tác của một nhóm 9 chuyên gia. Tài liệu này đã được giới thiệu trong cuộc họp báo ngày 26-6 năm nay và được phổ biến rộng rãi trên trang mạng của Tòa Thánh.

Thành phần tham dự

Về thành phần tham dự công nghị này, ĐHY Baldisseri cho biết có tổng cộng 253 người, trong đó có 191 nghị phụ có quyền bỏ phiếu. Các vị gồm 3 thành phần: trước tiên có 162 vị tham dự do chức vụ, tiếp đến có 3 vị được bầu lên, sau cùng là 26 nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm gồm 14 HY, 8 GM, 4 LM.

Các nghị phụ do chức vụ gồm 13 vị thủ lãnh của các Công nghị Giám Mục các Giáo hội Công Giáo nghi lễ đông phương tự quản, sau đó là 114 vị Chủ tịch HĐGM (trong đó có Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam); tiếp đến là 25 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Theo quyết định của ĐTC, trong số các nghị phụ theo chức vụ có thêm các HY, GM thành viên của Hội đồng Thượng HĐGM thứ 13, là những vị đã chuẩn bị công nghị GM khóa đặc biệt sắp bắt đầu.

Có 3 nghị phụ tham dự vì được bầu lên, đó là 3 Bề trên Tổng quyền: dòng Tên, dòng Capuchino và dòng thánh Giuse (CSI). Sau cùng là 26 vị do ĐTC bổ nhiệm, đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Trong số 191 nghị phụ, có 61 Hồng y, 1 Hồng Y thượng phụ, 7 Thượng Phụ, 1 TGM trưởng, 67 TGM và 47 GM, 1 LM giám chức và 6 LM dòng.

Xét về xuất xứ có 42 nghị phụ Phi châu, 38 từ Mỹ châu, 29 từ Á châu, 78 vị từ Âu Châu và 4 vị từ Úc châu.
Ngoài ra có 16 chuyên gia và 38 dự thính viên nam nữ, trong đó có 12 cặp vợ chồng, và 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em. Trong số các chuyên gia cũng có 1 cặp vợ chồng.

Cầu nguyện cho Thưng HĐGM

Ngoài các sự kiện đó, Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM đã cổ võ các sáng kiến cầu nguyện cho công nghị GM đặc biệt này. Nhất là vào lễ thánh gia thất, chúa nhật 29-12 năm ngoái, buổi cầu nguyện được cử hành đồng thời tại 3 nơi là Vương cung thánh đường Đức Mẹ Truyền Tin ở Nazareth, Đền Thánh Đức Mẹ Loreto ở miền trung Italia, và Đền thờ Thánh Gia ở thành Barcelona, Tây Ban Nha. Trong dịp đó văn bản kinh cầu nguyện cho Thượng HĐGM do ĐTC soạn cũng được phổ biến.

Chúa nhật 28-9 vừa qua, Văn phòng Tổng thư ký cũng mời gọi các HĐGM, các hội đoàn và phong trào trên thế giới tổ chức ngày cầu nguyện cho Thượng HĐGM. Và từ ngày 6-10-2014, tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, các tín hữu cũng cầu nguyện cho công nghị GM này trong nhà nguyện Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma. Sáng kiến này được sự cộng tác của giáo phận Roma, và tại nhà nguyện ấy có đặt thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, và song thân của Người là chân phước Zélie và Louis Martin, cũng như thánh tích của hai chân phước Ông Bà Luigi và Maria Baltrame Quatrocchi người Italia.

Trong bài tường trình, ĐHY Baldisseri nói đến hành trình Thượng HĐGM theo tinh thần công nghị được ĐTC nhấn mạnh rất nhiều và tiến hành qua 2 giai đoạn: công nghị đặc biệt hiện nay và Thượng HĐGM khóa thường lệ vào năm tới. Đây là một thời điểm thuận tiện: các vị chủ chăn và tín hữu để cho mình được Chúa Thánh Linh hướng dẫn hầu thực hiện công nghị tính này vốn được ĐTC nhiều lần nhắc như một yếu tố quan trọng trong đời sống Giáo Hội... Hiệp nhất trong sự khác biệt: không có con đường Công Giáo nào khác để chúng ta liên kết với nhau. Trong tinh thần công nghị và hiệp thông huynh đệ ấy, các giai đoạn chuẩn bị Thượng HĐGM này đã được tiến hành.

Danh sách các chủ đ

ĐHY Baldisseri cũng nói đến cuốn cẩm nang Thượng HĐGM đã được phát cho các nghị phụ và các tham dự viên khác. Tài liệu này rất quan trọng để theo dõi công việc của công nghị GM này. Lịch trình tiến hành được đăng ở phần cuối cuốn Cẩm Nang, theo đó cuộc thảo luận tại Hội trường Thượng HĐGM, trong tuần lễ thứ I, từ phiên khoáng đại thứ hai sẽ tiến hành theo chủ đề:

Chiều thứ hai này, có hai đề tài: Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình (Phần I, ch. 1), kiến thức về Kinh Thánh và Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (Phần I, ch. 2).

Trong phiên họp thứ 3, có 2 đề tài: Tin Mừng gia đình và luật tự nhiên (Phần I, ch. 3). Gia đình và ơn gọi con người trong Chúa Kitô (Phần I, Ch. 4). Chiều thứ 3, 7-10, chủ đề là ”Mục vụ gia đình và các đề nghị khác nhau được đề ra (II, 1). Sáng thứ tư trong phiên khoáng đại thứ 5, sẽ bàn về những thách đố mục vụ gia đình (II, 2). Trái lại ban chiều sẽ nói về những tình trạng mục vụ khó khăn (II, 3). Phiên khoáng đại thứ 7, sáng thứ năm 8-10 sẽ bàn về các thách đố mục vụ liên quan tới sự cởi mở đối với sự sống (III, 1), trong khi phiên thứ 8 vào ban chiều sẽ nói về Giáo Hội và gia đình đứng trước thách đố giáo dục (III, 2).

Mỗi phiên họp theo chủ đề sẽ được mở đầu với phần nhập đề ngắn của vị Chủ tịch thừa ủy theo lượt, tiếp đến là chứng từ của các dự thính viên nam nữ được chọn, ưu tiên dành cho các đôi vợ chồng, qua đó họ có thể soi sáng đề tài bằng kinh nghiệm sống của họ, cung cấp một viễn tượng giáo dân làm cho cuộc thảo luận được phong phú.

Trong tuần lễ thứ hai của công nghị sẽ có các cuộc thảo luận nhóm bàn về bản tường trình sau tuần lễ thứ I, theo cùng thứ tự các chủ đề.

Bản tường trình các cuộc thảo luận nhóm sẽ được trình bày tại các phiên khoáng đại để được Thượng HĐGM phê chuẩn. Như thế sẽ không có việc soạn các đề nghị như trước kia. Bản tường trình này sẽ được đệ lên ĐTC để tùy ngài quyết định. Văn kiện này cũng là điễm khởi hành để chuẩn bị Thượng HĐGM khóa thường lệ thứ 14 sẽ tiến hành vào tháng 10 năm tới, 2015. Nói khác đi, sau khi thích ứng, văn kiện ấy sẽ trở thành tài liệu chuẩn bị cho Thượng HĐGM lần tới để tham khảo ý kiến và soạn Tài liệu làm việc cho khóa họp năm tới.

Đến 10 giờ rưỡi sáng hôm qua, ĐHY Vingt-Trois tuyên bố các nghị phụ được nửa giờ giải lao.

ờng trình ĐHY Peter Erdoe

Tái nhóm vào lúc 11 giờ, các nghị phụ đã nghe ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng trường trình của công nghị GM này đọc bài tường trình dài hơn 1 tiếng đồng đồ về thực tại gia đình ngày nay và các vấn đề cần được công nghị này bàn tới.

Dựa theo Tài liệu làm việc, qua các chủ đề như Tin mừng gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng.

I. Trước tiên là phương pháp phân định về gia đình, rồi đến phương pháp làm việc của Thượng HĐGM này.

II. ”Tin Mừng về gia đình và việc mục vụ gia đình, với các tiểu đề như:

- Thách đố giáo dục của gia đình: là trường dạy về tình người, về xã hội, Giáo Hội và sự thánh thiện - Sự vững chắc và rõ ràng trong hành trình huấn luyện

- Gia đình như người giữ vai chính trong việc loan báo Tin Mừng

- Hoạt động mục vụ trong những tình trạng khủng hoảng

- Những khó khăn từ bêntrong gia đình và những sức ép từ bên ngoài

III. Những tình trạng mục vụ khó khăn, gồm các tiểu đề:

- Giáo hội như nhà Cha

- Sự thật và lòng từ bi thương xót

- những vụ sống chung và hôn nhân dân sự

- việc săn sóc mục vụ những người ly dị và tái hôn. Về vấn đề này được nhiều ngừơi nói tới, nhưng ĐHY Erdoe nói đây chỉ là một trong rất nhiều thách đố mục vụ cam go ngày nay. Và cũng có một số nước không hề có vần đề này, vì họ chẳng có hôn phối dân sự. Một số khác, con số ly dị giảm sút vài người ta không muốn tái hôn sau sự thất bại của hôn phối thứ I.

- Thủ tục giáo luật giải hôn phối và con đường ngoài tòa án.

- ĐHY cũng bàn đến thói quen thực hành của các Giáo hội chính thống.

IV. là Gia đình và tin mừng sự sống, gồm các tiểu đề như

- việc loan báo Tin Mừng sự sống

- gia đình trong bối cảnh quan hệ

- Trách nhiệm của Giáo hội và việc giáo dục

- Các vấn đề liên hệ tới Thông hiệp Sự Sống con người

Và ĐHY Erdoe kết luận rằng thách đố mà Thượng HĐGM này cần đương đầu là làm sao thành công trong việc tái đề nghị cho thế giới ngày nay, phần nào cũng giống như thời kỳ đầu của Giáo Hội, sức thu hút của Sứ điệp Kitô về hôn nhân và gia đình, nhấn mạnh niềm vui mà hôn nhân và gia đình mang lại nhưng đồng thời cung cấp những câu trả lời đích thực và đượm tình bác ái cho bao nhiêu vấn đề liên hệ tới cuộc sống gia đình ngày nay.


Họp báo của Cha Lombardi

Khác với các công nghị GM thế giới trước đây, lần này Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM không phổ biến các bản tóm tắt bài phát biểu do chính nghị phụ thực hiện. Trái lại, mỗi ngày đều có một cuộc họp báo ngắn để tường trình tổng quát cho giới báo chí những gì đã được trình bày trong phiên họp.

Trưa thứ hai 6-10-2014, sau phiên khoáng đại thứ I, cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã chủ tọa cuộc họp báo này với sự tham dự của ĐHY Peter Erdoe, người Hungari, Tổng trường trình của Thượng HĐGM, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris là người đã chủ tọa phiên họp thứ I, và ĐHY Bruno Forte, Tổng thư ký đặc biệt của Thượng HĐGM đang tiến hành.

ĐHY Peter Erdoe

Ngỏ lời với giới báo chí, ĐHY Peter Erdoe nói đến một vài thay đổi trong phương pháp của Thượng HĐGM, vì ĐTC đã thay đổi qui luật của Công nghị GM, chẳng hạn ngài qui định rằng từ nay ngôn ngữ chính thức của Thượng HĐGM là tiếng Ý, thay vì tiếng la tinh như từ trước đến nay, dĩ nhiên là có phần thông dịch. Sự thay đổi này cũng làm cho công việc của Tổng tường trình viên dễ dàng hơn. Trong những Công nghị GM trước đây, các nghị phụ phải nghe bài tường trình cả tiếng đồng hồ bằng tiếng la tinh, và đó là điều không dễ dàng đối với mọi người.

Những thay đổi đáng kể khác trong phương pháp liên quan đến nội dung và cách thức soạn bản tường trình trước khi thảo luận, nhất là vì sau khi nhận được Tài liệu làm việc, các Nghị Phụ được yêu cầu gửi trước bài phát biểu của mình về Văn phòng Tổng thư ký trước cuối tháng 9 vừa qua. Vì thế, nhiều bài phát biểu đã được gửi về, và dựa trên các văn bản đó, chúng tôi dang soạn bài tường trình sau cuộc thảo luận. Dĩ nhiên cũng cần theo dõi các bài phát biểu của các nghị phụ trong những ngày tại tại Hội trường THĐGM, vì không phải tất cả các nghị phụ đều trình bày giống như đã viết trên giấy và gửi về trước, ngoài ra cũng có những bài phát biểu tự do. Tóm lại là phải thu thập tất cả để soạn bản tường trình sau cuộc thảo luận. Khi soạn bản tường trình trước cuộc thảo luận, chúng tôi cũng có thể để ý đến nội dung của một số bài phát biểu trên giấy đã được gửi về. Chúng tôi nghĩ, như thế có thể nhắc đến vắn tắt một số lập trường quan trọng từ những câu trả lời, và dĩ nhiên chúng tôi cũng dựa trên Tài liệu làm việc. Văn kiện này thực ra đã là kết quả của cuộc đúc kết các bản trả lời từ các nơi gửi về. Vì thế có thể nói là toàn Giáo Hội được tham khảo ý kiến hai lần. Tóm lại công việc của chúng tôi như tường trình viên là tổng hợp những gì được trình bày, và nói một cách thơ phú hơn, công việc đó hệ tại ”lắng nghe tiếng nói của Giáo Hội hoàn vũ”.

ĐHY Vingt-Trois

Tiếp lời ĐHY Erdoe, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, một trong 3 vị Chủ tịch thừa ủy, là người đã chủ tọa phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng HĐGM sáng thứ hai 6-10, vừa qua, đã lên tiếng lưu ý các ký giả về cám dỗ muốn diễn tả kinh nghiệm của Thượng HĐGM theo kinh nghiệm mình đã có về các cuộc thảo luận tại quốc hội.

ĐHY nói: ”Trong cuộc thảo luận tại quốc hội, người ta cố gắng đạt tới một mục đích là đi tới một đa số và một thiểu số. Các chế độ dân chủ, hay ít là các chế độ ”mặc bộ áo dân chủ”, nói là đa số thắng thiểu số và thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng công việc tại Thượng HĐGM không phải như vậy. Các nghị phụ ở đây không phải để đạt được đa số từ những lập trường được trình bày. Các vị ở đó là để làm việc, làm sao phát triển được một ý chí chung trong Giáo Hội. Ý chí này là động viên về những mục tiêu rõ ràng và chính xác bao nhiêu có thể, và phần còn lại thì để cho các Giáo Hội địa phương thi hành.

Phiên họp khoáng đại thứ 2

Lúc 5 giờ chiều thứ hai 6-10-2014, Thượng HĐGM đã nhóm phiên khoáng đại thứ 2 với sự hiện diện của ĐTC và 180 nghị phụ và bàn về chủ đề: 'Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình” (I,1), và ”Việc hiểu biết và đón nhận Kinh Thánh và các văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình” (I,2). Hai đề tài này thuộc chương thứ I và thứ II trong phần thứ I của Tài liệu làm việc.

Chứng từ của ông bà Ron và Mavis Pirola

Mở đầu mọi người đã nghe chứng từ của ông bà Ron và Mavis Pirola người Australia, dự thính viên tại Thượng HĐGM này. Ông bà là đồng giám đốc Hội đồng Công Giáo Australia về hôn nhân và gia đình. Họ kể lại kinh nghiệm trong gia đình về việc sống căng thẳng giữa một bên là khẳng định chân lý, và bên kia là sự cảm thông và từ bi. Cụ thể là người con trai của Ông bà Pirola là một người đồng tính luyến ái. Một hôm, nggười con ấy nói là muốn đưa người bạn trai của anh ta về nhà. Ông bà là người hoàn toàn tin tưởng và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, nhưng phải làm sao trước yêu cầu của người con? Ông bà bị giằng co giữa một bên là tôn trọng và chấp nhận chân lý và giáo huấn của Hội Thánh, và bên kia là từ bi yêu thương người con. Ông bà biết rằng các cháu muốn ông bà đón nhận đứa con và bạn trai của anh ta trong gia đình. Vì thế câu trả lời của ông bà có thể được tóm tắt trong câu: ”Đó là con chúng tôi!”.

Theo ông bà Ron và Mavis Pirola, điều này có thể là ”kiểu mẫu loan báo Tin Mừng cho các giáo xứ khi gặp những hoàn cảnh tương tự”. Vai trò của Giáo Hội là làm cho thế giới nhận biết tình thương của Thiên Chúa.

Ông bà dự thính viên còn kể thêm rằng: ”Một người bạn gái của chúng tôi ly dị và cho biết là nhiều khi không cảm thấy hoàn toàn được đón nhận trong giáo xứ của bà. Nhưng bà vẫn đi dự lễ thường xuyên và không than thở gì với các con của bà. Đối với giáo xứ, bà là một gương mẫu về sự can đảm dấn thân đương đầu với những nghịch cảnh. Từ những người như bà chúng ta học cách nhận ra rằng tất cả chúng ta mang những thương tích nội tâm trong cuộc sống của mình. Ý thức về những vết thương nội tâm của mình, giúp chúng ta rất nhiều trong việc giảm bớt xu hướng xét đoán người khác, một thái độ cản trở việc loan báo Tin Mừng”.

Nội dung phát biểu của các nghị phụ

Sau chứng từ của ông bà Pirola, một số nghị phụ đã phát biểu ý kiến, mỗi vị tối đa là 4 phút. Nội dung các bài phát biểu của các nghị phụ có thể tóm tắt như sau:

Đi từ tiền đề gia đình là tế bào cơ bản của xã hội loài người, là chiếc nôi của tình yêu nhưng không, và việc nói về hôn nhân và gia đình bao hàm một sự giáo dục về lòng chung thủy, nhiều nghị phụ nhấn mạnh rằng cần phải bảo vệ gia đình vì tương lai của nhân loại tùy thuộc gia đình.

Ngoài ra, từ nhiều phía, người ta thấy cần phải thích ứng ngôn ngữ của Giáo Hội, để đạo lý của Hội thánh về gia đình, về sự sống, tính dục, được hiểu đúng đắn: cần đối thoại với thế giới, noi gương Công đồng chung Vatican 2, nghĩa là có thái độ cởi mở phê bình, nhưng chân thành. Lý do vì nếu Giáo Hội không lắng nghe thế giới, thì thế giới cũng chẳng nghe Giáo Hội. Và cuộc đối thoại có thể dựa trên những đề tài quan trọng như phẩm giá bình đẳng giữa người nam và người nữ, sự phủ nhận bạo lực.

Có nghị phụ nói: chúng ta không phải giải thích Tin Mừng, nhưng là chứng tỏ Tin Mừng và nhất là cần có sự can dự của giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng, nêu rõ đoàn sủng truyền giáo của giáo dân. Việc loan báo Tin Mừng không thể là một lý thuyết xuông, nhưng phải làm sao để chính các gia đình làm chứng tá cụ thể về vẻ đẹp và về chân lý Phúc Âm, Thách đố ở đây là đi từ một thế tự vệ tới một thái độ đề nghị và tích cực, nghĩa là tái đẩy mạnh khả năng đề nghị gia sản đức tin với một ngôn ngữ mới, hy vọng, nhiệt thành, hăng say, trình bày chứng tá có sức thuyết phục, bắc những nhịp cầu giữa ngôn ngữ của Giáo Hội và ngôn ngữ của xã hội. Theo nghĩa đó có nghị phụ đề nghị sử dụng viêc huấn giáo Kinh Thánh hơn là thần học suy lý, vì nói đúng ra, con người không còn thỏa mãn vì sự ích kỷ và tìm kiếm những lý tưởng. Cũng vì con người muốn hạnh phúc và Kitô hữu biết rằng hạnh phúc là chính Chúa Kitô, nhưng họ không tìm được ngôn ngữ thích hợp để nói điều đó cho thế giới. Trái lại Giáo Hội phải có sức thu hút, làm việc để thu hút, với thái độ thân thiện đối với thế giới.

- Về những đôi vợ chồng gặp khó khăn, có nghị phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải gần gũi họ trong sự cảm thông, tha thứ và từ bi: lòng từ bi là phẩm tính đầu tiên của Thiên Chúa, nhưng cần nhìn sự từ bi trong bối cảnh công lý, chỉ như thế ta mới tôn trọng thực sự toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa.

Hộn nhân đang và vẫn còn là bí tích bất khả phân ly, nhưng vì chân lý là Chúa Kitô, một ngôi vị, chứ không phải là một toàn bộ các qui luật, nên điều quan trọng là duy trì những nguyên tắc, tuy thay đổi những hình thức cụ thể trong việc áp dụng. Tóm lại như ĐGH Biển Đức 16 đã nói, đó là ”sự mới mẻ trong sự liên tục”: Thượng HĐGM này không đặt lại vấn đề đạo lý, nhưng suy tư về Mục Vụ, tức là về sự phân định tinh thần để áp dụng đạo lý ấy trước những thách đố của gia đình ngày nay. Theo nghĩa đó lòng từ bi không loại bỏ các giới răn, nhưng là chìa khóa để giải thích các giới răn.

Ngoài ra, trong Công nghị cũng nhấn mạnh rằng cần phải cứu xét những tình trạng bất toàn với lòng tôn trọng: ví dụ những cặp nam nữ sống chung không kết hôn, nhưng họ sống trong sự chung thủy và với tình yêu thương, trình bày những yếu tố thánh hóa và sự thật. Vì thế điều thiết yếu là trước tiên cần nhìn những yếu tố tích cực, để Thượng HĐGM mang lại can đảm và hy vọng cho cả những hình thức bất toàn của gia đình, những hình thức có thể đề cao giá trị theo nguyên tắc tiệm tiến. Cần thực sự yêu mến các gia đình gặp khó khăn.

Trong bối cảnh một xã hội mà người ta tôn thờ cái tôi của mình, đưa tới sự giải trừ gia đình, cần nêu rõ sự đánh mất ý nghĩa Giao Ước giữa con người với Thiên Chúa. Do đó việc loan báo vẻ đẹp của gia đình, không thể là một khoa thẩm mỹ, trình bày một lý tưởng thuần túy phải bắt chước, nhưng phải trình bày tầm quan trọng sự sự dấn thân chung kết dựa trên Giao Ước của đôi vợ chồng với Thiên Chúa.

- Một điểm thiết yếu khác là sự phủ nhận thái độ giáo sĩ trị, nhiều khi Giáo Hội dường như quan tâm tới quyền bính hơn là phục vụ và vì thế không soi sáng cho tâm hồn con người. Do đó cần tái noi gương Chúa Kitô, tìm lại sự khiêm tốn: việc cải tổ Giáo Hội phải bắt đầu bằng việc cải tổ giáo sĩ, vì nếu các tín hữu thấy các vị mục tử noi gương Chúa Kitô, thì họ sẽ tái gần gũi với Giáo Hội, và như thế Giáo Hội có thể đi từ tình trạng chỉ loan báo Tin Mừng để trở thành người loan báo Tin Mừng.

Và các nghị phụ cũng bàn về đề tài giá trị thiết yếu cảu tính dục trong hôn nhân: thực vậy người ta nói rất nhiều để phê bình tính dục ngoài hôn nhân, đến độ tính dục trong hôn nhân dường như là một sự nhân nhượng đối với một sự bất toàn. Thượng HĐGM nhấn mạnh tới sự cần thiết phải huấn luyện kỹ lưỡng hơn cho các LM, các chính sách bênh vực gia đình và đẩy mạnh việc thông truyền đức tin giữa lòng gia đình.

Trong giờ thảo luận tự do từ 6 đến 7 giờ chiều, có 2 đề nghị được đưa ra: xin Thượng HĐGM gửi một sứ điệp khích lệ và quí mến đối với các gia đình ở Irak, đang bị đe dọa vì cuộc tàn sát do trào lưu Hồi giáo cuồng tín gây ra và phải chạy trốn để không từ bỏ đức tin. Đề nghị này được đa số các nghị phụ bỏ phiếu chấp thuận.

Đề nghị thứ hai là cần suy tư về hàng giáo sĩ có gia đình trong các Giáo Hội Đông phương, họ cũng thường sống những cuộc khủng hoảng gia đình, và có thể đi tới chỗ yêu cầu được ly dị.


* Ngày Thứ Hai: 7-10-2014

Trong phiên khoáng đại thứ 3, Lúc 9 giờ sáng thứ ba, 7-10-2014, các nghị phụ Thượng HĐGM thế giới đã bàn về vấn đề những người ly dị.

ĐTC hiện diện tại phiên họp do ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila, chủ tọa và bàn về ”Tin Mừng gia đình và luật tự nhiên” (I,3) và ”gia đình và ơn gọi của con người trong Chúa Kitô' (I, 4) như đã được trình bày trong chương 3 và 4 thuộc phần thứ I của tài liệu làm việc.

Sau lời giới thiệu của ĐHY Tagle, đôi vợ chồng dự thính viên George và Cynthia Campos người Philippines đã trình bày chứng từ. Ông George là Giám đốc tổ chức ”Các đôi vợ chồng vì Chúa Kitô” và bà Cynthia là thành viên của tổ chức này. Cả hai đều thuộc tổng giáo phận Manila.

Trong phần phát biểu về chủ đề được xác định, một số nghị phụ đã kêu gọi tăng cường việc chuẩn bị hôn nhân, để không những bí tích này được thành sự nhưng còn được những kết quả phong phú. Các nghị phụ cũng đề nghị không nên chỉ tìm kiếm những phương dược cho những cuộc hôn nhân bị thất bại, nhưng còn phải để ý đến những điều kiện làm cho hôn phối được thành sự và phong phú. Điều này cần phải thông truyền một quan niệm về hôn nhân không phải như một điểm tới, nhưng là một hành trình hướng về một mục tiêu cao cả hơn, một con đường tăng trưởng bản thân và cho đôi vợ chồng, một sức mạnh và là nguồn năng lực.

Cần luôn tháp tùng các đôi vợ chồng trong hành trình cuộc sống, qua một nền mục vụ gia đình khẩn trương và nghiêm túc. Hành trình chuẩn bị lãnh nhận bí tích hôn phối phải lâu dài, theo nhân cách của mỗi người và nghiêm ngặt, đừng sợ thấy con số các hôn phối cử hành tại nhà thờ bị giảm sút. Chẳng vậy người ta sẽ gặp nguy cơ làm cho các tòa án hôn phối bị tràn ngập công việc.

- Một điểm khác được các nghị phụ trình bày tại Thượng HĐGM là ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông. Các phương tiện này nhiều khi xâm nhập đời sống và trình bày những ý thức hệ trái ngược với đạo lý của Hội Thánh về gia đình và hôn nhânm. Trong viễn tượng này, người ta nói các tín hữu Công Giáo cần được bảo vệ, nhưng cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Giáo Hội phải cung cấp giáo huấn một cách chính xác và quyết liệt hơn, trình bày đạo lý không phải như một danh sách những điều cấm đoán, nhưng gần gũi với các tín hữu, như Chúa Giêsu đã làm. Theo cách thức ấy, khi hành động trong sự đồng cảm và dịu dàng, Giáo Hội có thể thu hẹp khoảng cách giữa đạo lý và thực hành, giữa giáo huấn của Giáo Hội và đời sống thường nhật của các gia đình. Vì điều cần thiết không phải là chọn lựa giữa đạo lý và lòng từ bi, nhưng là khởi sự một nền mục vụ sáng suốt, nhất là để khích lệ các gia đình đang gặp khó khăn, thường cảm thấy mình không thuộc về Giáo Hội.

- Trong phiên họp thứ ba, các nghị phụ đã nói nhiều về những cặp vợ chồng gặp khó khăn, những người ly dị tái hôn. Một số nghị phụ khẳng định rằng Giáo Hội đừng đưa ra một sự phán xét đối với những cặp ấy nhưng trình bày chân lý, với cái nhìn cảm thông, vì dân chúng đi theo sự thật và theo Giáo Hội nếu Giáo Hội nói lên chân lý. Liều thuốc từ bi mang lại sự đón tiếp, chăm sóc và nâng đỡ. Lý do cũng vì các gia đình đau khổ không tìm kiếm những giải pháp mục vụ mau lẹ, họ không muốn chỉ là những con số thống kê, nhưng cảm thấy nhu cầu được soi sáng, cảm thấy được đón nhận và yêu mến. Giáo Hội phải dành nhiều chỗ hơn cho tiêu chuẩn bí tích, hơn là tiêu chuẩn luật pháp.

Về vấn đề những người ly dị tái hôn có được rước lễ hay không, một số nghị phụ khẳng định rằng bí tích Thánh Thể không phải là bí tích của những người hoàn hảo, nhưng là của những người đang trên đường lữ hành.

Tại Thượng HĐGM có trình bày 3 chiều kích đặc thù của gia đình, đó là: ơn gọi sự sống, đặc tính truyền giáo, được hiểu như làm chứng về Chúa Kitô qua sự hiệp nhất gia đình; sau cùng là đón tiếp tha nhân, vì gia đình là trường học đầu viên về tha nhân, là nơi người ta có thể học sự kiên nhẫn và chậm rãi, đối nghịch với với nhịp sống ồ đạt của thế giới ngày nay. Một chiều kích khác của tế bào gia đình được nêu bật trong sự thánh thiện, vì gia đình giáo dục về sự tháanh thiện, là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi, là Giáo Hội tại gia, phục vụ công trình loan báo Tin Mừng, là tương lai của nhân loại.

Trong phiên họp thứ ba, các nghị phụ cũng nói đến tầm quan trọng của việc huấn giáo về gia đình, nhất là cho các trẻ em, và việc cầu nguyện trong gia đình, vì việc cầu nguyện này tới tới một sự sinh ra đức tin, giúp cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái.


* Ngày Thứ Ba: 8-10-2014

Trong phiên khoáng đại thứ 6, chiều thứ tư, 8-10-2014, Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt đã bàn về những tình trạng mục vụ khó khăn và những cặp đồng phái.

Hiện diện trong phiên họp từ lúc 4 giờ rưỡi đến 7 giờ chiều có ĐTC và 180 nghị phụ, dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil.

- Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội không phải là một sở quan thuế, nhưng là một nhà cha, vì thế Giáo Hội phải kiên nhẫn tháp tùng tất cả mọi người, kể cả những người ở trong tình trạng mục vụ khó khăn. Giáo Hội Công Giáo chân chính bao gồm cả những gia đình lành mạnh và gia đình khủng hoảng, vì thể nỗ lực hằng ngày trong việc thánh hóa không thể để Giáo Hội dửng dưng đối với những yếu đuối, vì sự kiên nhẫn cũng bao hàm việc giúp đỡ tích cực cho người yếu đuối nhất.

- Về công việc của tòa án hôn phối cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, nói chung, nhiều nghị phụ đều nhận thấy cần cải tiến thủ tục để các vụ án này được cứu xét mau lẹ hơn, thu nhận nhiều hơn các giáo dân có khả năng trong các tòa án của Giáo Hội. Nhưng cũng có những nghị phụ cảnh giác về nguy cơ hời hợt và luôn luôn phải duy trì việc tôn trọng sự thật và quyền lợi của những người liên hệ, vì án hôn phối tiêu hôn không phải là tiến trình đi ngược với đức bác ái mục tử và việc mục vụ tư pháp phải tránh những ý tưởng buộc tội, trái lại khích lệ việc cứu xét các vụ án trong thanh thản.

Ngoài ra, có nghị phụ về nghị dùng cả các biện pháp hành chánh để tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tuy rằng biện pháp này không thay thế cho con đường tư pháp, hai con đường bổ túc cho nhau. GM là người có thẩm quyền quyết định xem vụ án hôn phối nào có thể được cứu xét theo đường hành chánh.

- Một số nghị phụ nhấn mạnh rằng cần phải có thái độ tôn trọng đối với những tín hữu ly dị tái hôn, vì họ thường phải sống trong những tình trạng khó khăn hoặc bất công về mặt xã hội, họ chịu đau khổ trong thinh lặng và trong nhiều trường hợp, qua một tiến trình từ từ, họ tìm cách tham dự đầy đủ hơn vào đời sống Giáo Hội. Mục vụ đối với họ không được có tính chất đàn áp, nhưng đầy lòng từ bi thương xót.

- Về nạn đa thê, các nghị phụ nhấn rằng đây là một thực tại đang giảm bớt. Trong xã hội nông thôn, nạn đa thê dễ phát triển hơn, tuy nhiên ngày nay trào lưu thành thị hóa gia tăng. Cũng có những nghị phụ nhắc đến sự kiện có những người đa thê trở lại Công Giáo và muốn lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo. Người ta đặt câu hỏi: có những biện pháp mục vụ chuyên biệt để đáp ứng những hoàn cảnh như thế với sự phân định thích hợp hay không.

- Có nghị phụ trở lại vấn đề chuẩn bị hôn nhân kỹ lưỡng hơn, nhất là nơi những người trẻ, cần trình bày cho họ vẻ đẹp của bí tích hôn nhân, cùng với sự giáo dục thích hợp về tình cảm, không phải bằng những lời nhắn nhủ luân lý, vì hành động này rốt cuộc tạo ra một thứ ”mù chữ” về tôn giáo và nhân bản. Trong tiến trình hôn nhân, cần có một sự tăng trưởng đích thực của con người.

Thảo luận tự do

Trong giờ thảo luận tự do từ 6 đến 7 giờ chiều thứ tư, 8-10, mỗi nghị phụ được phát biểu tối đa 3 phút.

- Một số nghị phụ trình bày những kinh nghiệm và kiểu mẫu cụ thể về việc mục vụ cho những người ly dị tái hôn. Họ dùng những nhóm lắng nghe. Điều quan trọng là tránh đưa ra một phán đoán luân lý, cũng như trách nói về tình trạng sống trong tội lỗi trường kỳ. Trái lại cần giúp những người ly dị tái hôn hiểu rằng việc không được rước lễ không loại trừ những phương thức khác để lãnh nhận ơn thánh trong Chúa Kitô; tình trạng không được rước lễ là do tình trạng khách quan theo đó mỗi giây bí tích bất khả phân lý trước đó vẫn còn. Trong nhãn giới đó, các nghị phụ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rước lễ thiêng liêng. Dầu sao thì cả những đề nghị này cũng có những giới hạn và không có những giải pháp dễ dàng cho vấn đề.

- Về việc mục vụ những người đồng tính luyến ái, một số nghị phụ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe, và cả những nhóm lắng nghe nữa.

- Có nghị phụ nói đến vấn đề những tín hữu Công Giáo chuyển sang hệ phái Kitô khác, hoặc ngược lại, với tất cả những hậu quả khó khăn từ hôn phối hỗn hợp và sự kiểm chứng tính chất thành sự của các hôn phối ấy dưới ánh sáng của sự kiện trong các Giáo Hội Chính Thống, có thể được phép ly dị.

- Sau cùng, có nghị phụ nhận xét rằng từ Thượng HĐGM về gia đình Kitô hồi năm 1980 cho đến nay đó có những biến chuyển rất lớn trong nền văn hóa pháp lý quốc tế và vì thế Giáo Hội cần ý thức những điều ấy, và các tổ chức văn hóa, như các đại học Công Giáo cần đối chiếu với những tình trạng ấy để bảo tồn vai trò của mình trong cuộc thảo luận hiện nay.


* Ngày Thứ Tư: 9-10-2014

Thứ Năm, ngày 9-10-2014 Thượng Hội đồng Giám mục (THĐ) khóa ngoại thường về gia đình bước sang ngày làm việc thứ tư với hai phiên họp toàn thể nghị phụ.

Sáng ngày 9-10-2014, Thượng HĐGM nhóm phiên khoáng đại thứ 7, từ lúc 9 giờ, trước sự hiện diện của ĐTC và dưới quyền chủ tọa theo lượt của ĐHY André Vingt-Trois, TGM giáo phận Paris.

Chủ đề của phiên họp là: Những thách đố mục vụ liên quan với sự cởi mở đối với sự sống. Đây cũng là đề tài chương thứ I trong phần III của Tài liệu làm việc, bàn về sự hiểu biết và đón nhận giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề này; vấn đề các phương pháp ngừa thai, các khó khăn và nguyên nhân khiến tín hữu khó chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội; việc lãnh nhận bí tích thống hối của các đôi vợ chồng ngừa thai. Sau cùng là sự khuyến khích một tâm thức cởi mở đóng nhận sự sống.

Trước khi các nghị phụ lên tiếng phát biểu, mọi người đã nghe chứng từ của ông bà Arturo và Hermelinda Zamberline, trách nhiệm phong trào ”ê-kíp Đức Bà (Notre Dame) ở Brazil”.

– Buổi sáng - Phiên họp khoáng đại VII:
 
- Hiện diện: Đức Thánh Cha Phanxicô và 184 nghị phụ.

- Chủ tọa Phiên họp: Đức hồng y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris (Pháp).

- Đức hồng y André Vingt-Trois, chủ tọa phiên họp, giới thiệu nội dung thảo luận của các nghị phụ và tham luận chứng từ của hai giáo dân Brasil.

Nội dung thảo luận của các nghị phụ THĐ tập trung vào Phần III, chương I trong Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris).

Chương I (phần III)  mang tên: “Những thách đố về đón nhận sự sống đối với mục vụ gia đình”, từ số 121 đến số 131, gồm năm nội dung: (a) Hiểu biết và đón nhận Giáo huấn của Hội Thánh (123-125); (b) Một số nguyên nhân của việc khó đón nhận Giáo huấn (126-127); (c) Những gợi ý mục vụ (128); (d) Việc thực hành bí tích (129); (e) Khích lệ tinh thần đón nhận sự sống (131).

- Các nghị phụ đã nghe Tham luận chứng từ về đời sống hôn nhân và gia đình của ông bà Arturo-Hermelinda As Zamberline (Brasil), hoạt động trong phong trào Equipas de Nossa Senhora (ENS- Hội Đức Bà) ở Brasil. ENS là phong trào hôn nhân và gia đình, hiện có mặt tại 70 quốc gia, số hội viên lên đến 137.200 người, riêng tại Brasil là 45.500 người. Ông bà Zamberline có 3 con và 1 cháu nội. Giới thiệu về mình, ông Zamberline nói: “Chúng con là một đôi vợ chồng, được trao cho một gia đình và một sứ vụ. Chúng con không phải là những nhà thần học, hoặc những chuyên gia, nhưng là những người tin vào Chúa”.

Trong bài tham luận, ông bà Zamberline nói lên những cảm nghiệm về đời sống tính dục và việc hướng đời sống này vào việc thăng tiến tình yêu, đồng thời thánh hóa cuộc sống hôn nhân. Ngoài ra cũng nêu lên khó khăn của những đôi vợ chồng trẻ trong việc áp dụng phương pháp tự nhiên nhằm sinh đẻ có kế hoạch, vì thế đã tìm đến những biện pháp khác và không lưu tâm đến khía cạnh luân lý của việc sử dụng này. Trước thực trạng này, Hội Đức Bà đã tích cực tìm cách phổ biến và cổ võ việc học hỏi những nguyên lý đã được trình bày trong thông điệp Humanae Vitae, tìm hiểu thần học về tính dục của Thánh Gioan Phaolô II.

- Phần thảo luận được chia làm hai phần. Phần đầu, các nghị phụ tiếp tục phát biểu ý kiến về đề tài chiều hôm trước, trong phiên họp VI, về những hoàn cảnh mục vụ khó khăn và việc kết hôn của những người đồng tính. Phần sau, về những thách đố đối với mục vụ gia đình liên quan đến việc đón nhận sự sống.

Các nghị phụ nhấn mạnh đến sự thể hiện lòng thương xót và nhân từ của Chúa khi giải quyết những trường hợp cụ thể về hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, trong phần hai của buổi thảo luận, các nghị phụ tiếp tục khẳng định những giá trị của đời sống hôn nhân như sự sống con cái, tiết dục, đồng thời lên án việc phá thai. Các nghị phụ tiếp tục khẳng định vai trò giáo dân trong công cuộc Phúc âm hóa xã hội và gia đình làm tông đồ.

- Kinh Phụng vụ Giờ Ba: do Đức cha Lúcio Andrice Muandula, giám mục giáo phận Xai-Xai (Mozambique) chủ sự.

Đức cha Muandula đã hướng dẫn suy niệm câu trích sách Khôn ngoan: “Lạy Chúa, Ngài đã làm tất cả cho dân Ngài được vĩ đại, vinh quang. Và mọi nơi mọi thời, Ngài đã không ngừng nâng đỡ họ” (19, 22). Áp dụng Lời Chúa vào bối cảnh THĐ, Đức cha Muandula nói: “Cần suy nghĩ về những việc Chúa làm cho dân Ngài, để củng cố đức tin và niềm hy vọng… Và trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, mất niềm tin vào Chúa, sống như những lương dân, thì càng cần phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của lẽ khôn ngoan trong Kinh Thánh”.
 
– Buổi chiều - Phiên họp khoáng đại VIII:
 
- Hiện diện: Đức Thánh Cha và 184 nghị phụ.

- Chủ tọa Phiên họp: Đức hồng y André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris (Pháp).

- Đức hồng y André Vingt-Trois giới thiệu nội dung sẽ được các nghị phụ thảo luận và tham luận chứng từ về đời sống hôn nhân và gia đình của ông bà Olivier-Xristilla Roussy (Pháp).

- Các nghị phụ THĐ thảo luận nội dung Chương II (phần III) “Giáo hội và Gia đình trước những thách đố về giáo dục”, nêu lên các vấn đề: (a) Những thách đố về giáo dục (132-137); (b) Giáo dục đức Tin trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn (138-157).

- Các nghị phụ đã nghe tham luận chứng từ của ông bà Olivier-Xristilla Roussy (Pháp). Ông bà Roussy hiện phụ trách chương trình hoạt động tông đồ quốc tế Amour et Vérité (Tình yêu và Chân lý) thuộc Hiệp hội Công giáo Communauté de l’Emmanuel (Cộng đoàn Emmanuel).

Ông bà Roussy kết hôn được 20 năm, hiện có 7 con, lớn nhất 19 tuổi. Trong tham luận, ông bà chia sẻ kinh nghiệm và suy tư về việc thông truyền sự sống và đức Tin cho con cái.  Họ đã trải qua những ngày tháng phải chọn lựa rất khó khăn trong việc chọn biện pháp kế hoạch hóa gia đình, sinh và nuôi dạy con cái trong đức Tin Công giáo. Đồng thời, ý thức về thực trạng đầy khó khăn của đời sống hôn nhân và gia đình của con người ngày nay, ông bà Roussy rút ra kết luận:

“Trước những thông tin tuyên truyền do thế giới đưa ra, gây lo âu, mất phương hướng, khiến nhiều người mất hy vọng, sợ tình yêu sẽ không vững bền, sợ mình không thể đón nhận sự sống, nhưng bằng những chứng từ đơn giản, những giáo huấn cụ thể, chúng tôi đề nghị nghệ thuật sống của Kitô giáo, theo đó, ta có thể sống thực hiện đời sống tính dục và sinh con theo chương trình Thiên Chúa đã xếp đặt, không theo cái logic của chủ nghĩa tiêu thụ và ích kỷ của thế gian”. 
Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP.
114.864864865135.135135135250