16/05/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1795
Năm 1972, ông Franciszek Gajowniczek lên tiếng tạ ơn vị linh mục mới được tuyên chân phúc là cha Maximilian Kolbe vì đã cứu mạng ông trong trại Auschwitz. “Tôi muốn bày tỏ lòng tri ân của tôi, vì muốn quà sự sống mà tôi đã nhận được,” ông đã nói như thế trước cử tọa 150.000 người. Hành động quả cảm của cha Kolbe đã cho thấy ngài quý trọng sự sống con người ta biết là chừng nào, một sự sống được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng còn hơn thế nữa, hành động quả cảm và vị tha này còn cho thấy, ngài đã trực tiếp can thiệp cho ông Gajowniczek để ngăn ông khỏi bị bỏ đói, bỏ khát cho đến chết, một hình thức ngày nay vẫn được áp dụng để kết liễu sự sống của những người bị tổn thương não. Khi xem xét bối cảnh vị thánh linh mục này đã chết, đã hy sinh mạng sống để bảo vệ cho người khác, nhiều người đã xem ngài như là vị thánh bổn mạng của phong trào phò sinh.

Ngày 17 Tháng Hai 1941, cha Maximilian bị bắt. Ban đầu cha bị giam tại trại Pawiak ở Warsaw. Tháng Năm, cha được chuyển tới trại tập trung Auschwitz khét tiếng, trại này cũng ở trên đất Ba Lan. Vài tháng sau đó, rất có thể là vào ngày cuối cùng trong Tháng Bảy (không ai biết chắc đó là ngày nào), ba tù nhân đào thoát. Như một lệ bọn phát xít đưa ra trong trại Auschwitz, khi một tù nhân đào thoát, mười tù nhân được chọn ngẫu nhiên sẽ bị xử tử. Ông Gajowniczek là một trong số những tù nhân được chọn ngẫu nhiên này, khi tên ông được xướng lên, người ta kể lại rằng, ông đã khóc toáng lên, “Tôi còn vợ, còn con!” Chính lúc này, cha Maximilian đã cho thấy lòng từ nhân và quả cảm anh hùng của mình, ngài bước ra và nói với tên lính phát xít rằng, ngài muốn thế chỗ cho người mà cha không hề quen biết này. Tên lính chấp nhận lời thỉnh cầu này. Sau 14 ngày, mười tù nhân đã chết. Đến ngày 14, cha Maximilian vẫn còn sống. Theo báo cáo ghi lại, cha đã giơ tay mình lên cho những nhân viên làm việc trong trại chích cho ngài một mũi axít carbolic lấy đi mạng sống của ngài – cha thanh thản ra đi, đợi đón nhận phần thưởng vĩnh cửu dành cho mình.

Hành vi tự hiến của cha Kolbe tại trại Auschwitz chứng tỏ cha hết lòng kính trọng con người, nhưng cũng cần nhắc đến những khía cạnh khác trong đời sống của cha, những khía cạnh giúp tô đậm hơn phẩm tính cũng như nguyên tắc đạo lý này. Ngay từ những năm đầu Thế Chiến II, cha và các anh em cùng dòng Phanxicô của ngài đã giúp đỡ nơi ăn chốn ở cho hơn 3.000 người tị nạn, phần lớn số đó là người Do Thái. Trước khi bị bắt, cha Kolbe cũng làm chủ biên cho tờ “The Knight Immaculate” và tờ “The Little Daily” là hai tờ báo được phát hành trong vùng phát xít chiếm đóng ở Ba Lan. Trong cương vị này, cha đã cho in nhiều bài báo chống chủ nghĩa phát xít. Các bài viết do chính cha chắp bút hoặc biên tập xứng đáng được xem xét, tìm hiểu, vì chính qua những tác phẩm này mà người ta biết được tư tưởng của cha Maximilian Kolbe khi ngài ở trong vùng chiếm đóng của phát xít, nơi mà Văn hóa Sự chết đang cố chiếm quyền thống trị tuyết đối. Việc làm của cha dĩ nhiên không thể được coi là chuyện bỡn được, phát xít cho đó là những hành vi phản loạn, vì cha dám nói khác với quan điểm của chúng.

Khía cạnh này trong đời sống của cha thánh Maximilian Kolbe là một chỉ dẫn quan trọng cho những ai chắp bút để phục vụ cho việc phò sinh. Viết lách không phải là một hoạt động thứ yếu trong phong trào, trong các hoạt động liên quan đến phò sinh, xét ở nhiều góc độ, đó là hành động rất nền tảng, vì nó giúp người ta nhận thức trước khi được thúc đẩy để có những hành động phò sinh. Nhiều bài viết của cha Maximilian Kolbe xoáy quanh các nội dung, phạm trù căn bản về đức tin và phẩm giá con người. Chẳng hạn, trong ấn bản cuối cùng của tờ “The Knight Immaculate”, ngài khẳng định, “Điều chúng ta có thể và cần thực hiện, là tìm kiếm chân lý và phụng sự nó một khi chúng ta đã tìm được. Xung khắc thực sự là một sự xung khắc diễn ra bên trong nội tâm. Còn hơn là những quân lính chiếm đóng, còn hơn là những vụ thảm sát trong các trại giết người, luôn có hai kẻ thù không bao giờ tương nhượng với nhau được ở tận đáy sâu của mọi tâm hồn: thiện và ác, tội lỗi và tình yêu. Và những cuộc chiến trên chiến trường sẽ ích chi, nếu như chính chúng ta bị đánh bại trong cuộc chiến đang diễn ra tại nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn mình?” Đây không phải là những lời ám chỉ bóng gió theo kiểu của các bài báo bình luận điển hình thời nay. Đúng hơn, đây thực sự là một bài báo minh giáo. Ngay trong phần mở đầu của đoạn trích này, người ta nhận ra ngay là cha Maximilian đang viết về phát xít, vì chúng đang chiếm đóng Ba Lan. Thế nhưng, cha vẫn can đảm mô tả các trại giết người của phát xít là “thảm sát”. Đây là một từ mô tả kích thích trí tò mò của độc giả, vì từ này (trong nguyên văn, còn có nghĩa là “lễ bách sinh”) cũng là từ được dùng để mô tả nghi lễ sát tế Hy Lạp cổ, một nghi lễ, trong đó, người ta giết một trăm con bò để dâng lên các tà thần. Qua đó, người ta được gợi nhắc về sự hủ bại cũng như sự coi thường con người của chủ nghĩa phát xít. Cha Kolbe đang viết cho các độc giả là những người biết thừa mục đích của những trại thảm sát, và do đó, rõ ràng, cha lên án các tên phát xít là những kẻ chống lại thánh ý của Thiên Chúa. Tiếp đến, cha Maximilian khẳng định, mỗi người phải đối diện với cái thiện và cái ác trong chính mình. Hệ luận rút ra từ đây là thế này, ngay cả khi phải đối diện với sự ác đến cùng cực, chẳng hạn như chủ nghĩa phát xít cũng như sự coi khinh, bấp chất phẩm giá và các quyền con người của thứ chủ nghĩa này đi nữa, người ta vẫn phải luôn luôn phấn đấu hướng thiện, hay đúng hơn, là hướng tới Chúa. Đấy chính là hướng đích căn cốt làm cho bài báo này vượt xa những bài báo hay bài bình luận thông thường. Qua bài báo này, cha Kolbe đã hộ giáo, đã giải thích niềm tin Kitô giáo của ngài, trong sự tương phản với thứ chủ nghĩa phát xít về cơ bản là quái đản và tà giáo. Tác phẩm qua ngài nhắm khích lệ các Kitô hữu chọn sống tốt, chọn Chúa, và tránh xa thứ chủ thuyết phát xít bất lương tự bản chất.

Cha Maximilian Kolbe là một tác giả và một biên tập viên có sức tác động, xứng đáng là mẫu mực cho tất cả những ai có công việc tương tự hoạt động trong lãnh vực phò sinh. Ngài đã phải trực diện với những điều tệ hại nhất của mọi thời đại, ý thức rằng những ấn phẩm của mình có thể khiến ngài bị tù đày và sát hại. Dầu thế, ngài vẫn kiên định và tiếp tục chắp bút bất chấp sức ép kinh khủng, để thánh ý Chúa được thể hiện, đồng thời cũng để khích lệ các Kitô hữu khác giữ vững đức tin và tránh xa thế giới quan của những kẻ phát xít chiếm đóng. Cha Maximilian ý thức rõ ràng rằng, viết lách là rất cần thiết, là nền tảng giúp gây ý thức cho quảng đại quần chúng, để từ đó nuôi dưỡng tâm hồn cho họ.

Joe Kral
(Lược dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.truthandcharityforum.org
114.864864865135.135135135250