28/08/2015 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1097
“Hôn nhân” đồng tính càng ngày càng được nhiều nước thừa nhận. Cách thừa nhận thì mỗi nước mỗi khác. Ở Ái Nhĩ Lan, sự thừa nhận là do kết quả một cuộc trưng cầu dân ý. Ở Úc Châu, chính phủ của Thủ Tướng Tony Abbot cũng vừa cho hay thay vì để các chính trị gia quyết định, hôn nhân đồng tính sẽ được đem ra trưng cầu dân ý. Ở Hoa Kỳ, về phương diện chính thức, nó lại chỉ do 5 người quyết định cho cả nước có tới hơn 2 trăm triệu người tự coi mình rất ư là dân chủ, dù 5 người này là 5 ông thẩm phán tối cao.

Những người hiểu chuyện nhận định rằng, 5 ông này trộn lẫn một chút tự do, một chút bình đẳng, một chút nhân phẩm vào với nhau để tạo ra một thứ quyền lợi mới mà không đưa ra được một cơ sở hiến pháp nào rõ ràng cả. 

Có người còn gọi Toà Án Tối Cao lần này của Hoa Kỳ là Tòa Kennedy vì Thẩm Phán Anthony Kennedy vốn là người cầm trịch phe đa số 5 người của Tòa Tối Cao 9 người của Hoa Kỳ. Trong lý lẽ do ông này trình bầy, yếu tính của hôn nhân đã được định nghĩa theo chiều loại bỏ bất cứ tham chiếu nào đối với các bà mẹ và các ông cha, hay tính bổ túc nam nữ nào trong các vai trò sinh sản và làm cha mẹ cả; định nghĩa này đơn thuần xác quyết 4 điểm được coi là “nền tảng” mà không đưa ra bất cứ chứng cớ nào để hỗ trợ. 

Các tuyên bố của họ được coi là “võ đoán, vượt ra ngoài lý luận luật pháp hay hiến pháp để bắt tay với một thứ xã hội học được lòng dân…” Không lạ gì, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, Chánh Án John Roberts, khi phát biểu sự bất đồng, đã thẳng thừng nói rằng “ý kiến của phe đa số là một hành vi của ý chí, chứ không phải một phán đoán theo luật pháp”. 

Chánh Án Clarence Thomas thì cho rằng đa số của Kennedy đã phá hủy nền tảng quyền tự nhiên của tự do và phẩm giá, cũng như nền tảng luật tự nhiên của gia đình, bằng cách làm cho chúng lệ thuộc vào những gì chính phủ ban bố cho dân, chứ không phải vào những gì họ sở đắc từ quyền tự nhiên, như các nhà lập quốc vốn tin. Chánh Án cho rằng trọn bộ phong trào đấu tranh cho “hôn nhân” đồng tính đã chỉ dùng hôn nhân như một con dấu hay một “imprimatur” đóng lên phẩm giá bình đẳng do nhà nước ban cấp, mà không giải thích được bất cứ cơ sở nào cho thứ phẩm giá này ngoại trừ thứ nhà nước cưỡng chế: “Hiến Pháp không hề có khoản nào về ‘phẩm giá’ cả, và ngay cả nếu có đi chăng nữa, thì chính phủ cũng không thể ban phát phẩm giá được”. 

Điểm cuối cùng và có tính chiến lược chủ yếu của Tòa Kennedy là quyết định giải quyết dứt điểm vấn đề “hôn nhân” đồng tính bằng thủ tục tư pháp, rút ngắn diễn trình dân chủ, phá ngang cuộc tranh luận mạnh mẽ của cả nước, trong khi đe dọa tương lai của tự do tôn giáo đối với những người chống đối nó. Với mục tiêu tạo ra một thứ quyền mới và ban phát phẩm giá, Tòa này đã trở thành một bạo chúa của thay đổi, loại bỏ ngành lập pháp và cả nhân dân nữa, vì chỉ có nó mới có được “những tầm nhìn thấu suốt mới” và là người tiền phương tự phong trong mặt trận “sửa chữa lại các bất bình đẳng”. 

Đó cũng là nhận định của các Chánh Án Roberts và Scalia. Hai vị này cho rằng ý chí của nhân dân Mỹ đã bị tiếm đoạt bởi một nhúm luật sư không phải dân cử. Vì họ đã chỉ quan tâm tới bất cứ tuyên bố tư pháp nào về một thứ quyền căn bản không hề được liên kết với một điều khoản minh nhiên của hiến pháp hay bắt nguồn sâu xa trong lịch sử quốc gia. 

I. Quyền hành

Nhưng suy cho cùng, Tòa Kennedy không hành động một mình. Nó được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhiều nhân tố. Trong bài này, chúng tôi sẽ đề cập tới nhân tố đầu tiên, đó là quyền, uy quyền, quyền lực chính trị, mà biểu tượng rõ rệt nhất là Barack Obama. 

Obama đi dây

Khi ra tranh cử tổng thống năm 2008, ông Obama được báo chí mô tả như người đi dây đối với vấn đề đồng tính. Được hỏi về Đề Án Số 8 của California nhằm ngăn cấm hôn nhân đồng tính, ông trả lời nguyên văn như sau:

“Tôi đã tuyên bố sự chống đối của tôi đối với (đề án) này. Tôi nghĩ là không cần thiết. Tôi tin hôn nhân là giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Tôi không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Nhưng khi các bạn bắt đầu chơi đùa với hiến pháp, chỉ để ngăn cấm một ai đó đang quan tâm tới một người khác, đối với tôi, điều này xem ra không phải là chủ đích của hiến pháp. Thông thường, các hiến pháp của chúng ta nới rộng các quyền tự do chứ không thu gọn chúng”. 

Tuy không ủng hộ hôn nhân đồng tính, nhưng ông dành nhiều lời và, dĩ nhiên, nhiều cảm tình hơn cho điều ông gọi là “việc chăm sóc cho nhau” của người đồng tính; ông coi điều này hoàn toàn hợp hiến. Đó là điều Obama tin từ lâu rồi. Trong tư cách ứng cử viên, ông phải dè dặt thôi. Chứ một khi đã có quyền trong tay, ông không ngần ngại tranh đấu và phát huy tính hợp hiến của những cuộc kết hợp này.

Chính vì thế, Obama từng tự hào là đã nâng con số các tiểu bang hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính từ 2 lúc ông đăng quang tổng thống năm 2009 lên 37 ngay trước phán quyết SCOTUS của Tối Cao Pháp Viện thừa nhận hôn nhân đồng tính cho cả nước. 

Obama nói láo

Cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc, David Axelrod, vừa tiết lộ rằng Obama luôn luôn ủng hộ hôn nhân đồng tính, mặc dù trong các chiến dịch tranh cử đầu tiên (tiểu bang và liên bang), ông cho rằng mình không ủng hộ nó. Tiết lộ này bị chính Obama bác bỏ vào đầu tháng 7 này. Ông nói với BuzzFeed rằng “ý niệm” cho rằng ông “luôn ủng hộ hôn nhân đồng tính hoàn toàn không chính xác” vì quả tình các tâm tư của ông diễn tiến theo thời gian. 

Nhưng ông khó có thể chối cãi sự kiện này: năm 1996, khi ra tranh cử vào thượng viện tiểu bang (Illinois), ông đã điền vào một mẫu câu hỏi như sau: “tôi ủng hộ việc hợp pháp hóa các cuộc hôn nhân đồng tính, và tôi sẽ chống lại các cố gắng nhằm ngăn cấm các cuộc hôn nhân như thế”. Nhưng 12 năm sau, khi là ứng cử viên tổng thống, ông nói với Mục Sư Rick Warren rằng hôn nhân chỉ có thể dành cho các cặp dị tính luyến ái mà thôi. Ông bảo: “Tôi tin rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà… Đối với tôi, một Kitô hữu, nó cũng là một kết hợp thánh thiêng. Thiên Chúa kết hợp như thế”. 

Axelrod cho rằng vì lý do chính trị, ông phải nói thế thôi. “Hôn nhân đồng tính là một vấn đề đau đầu. Suốt trong thời gian chúng tôi làm việc với nhau, Obama luôn cảm thấy đau đầu giữa quan điểm cá nhân của riêng ông và khía cạnh chính trị của hôn nhân đồng tính… Ông miễn cưỡng chấp nhận lời cố vấn của những người có đầu óc thực tiễn hơn như tôi, và thay đổi lập trường của mình để ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự thay vì là hôn nhân, điều ông gọi là ‘cuộc kết hợp thánh thiêng’. Nhưng vì vốn tự hào là người thẳng thắn, nên Obama không bao giờ cảm thấy thoải mái với sự thỏa hiệp của mình…” 

Tuy nhiên, ông tiếp tục phải nói láo. Người ta liệt kê được 16 lần, ông hoặc nhân viên của ông nói láo về vấn đề “đau đầu” này: Bẩy lần trước khi làm tổng thống và 9 lần khi đã làm tổng thống. Ông cho rằng ông chống hôn nhân đồng tính nhưng ủng hộ việc dành cho các cặp đồng tính, mà ông gọi là các vụ kết hợp dân sự, cùng các quyền lợi và phúc lợi như các cặp hôn nhân. 

Obama lòi đuôi

Nhưng từ từ, ông cho thấy “các diễn biến”. Tháng 10 năm 2010, ông nói “cho tới lúc này, tôi vẫn không sẵn sàng ký nhận hôn nhân đồng tính chủ yếu do hiểu biết của tôi đối với các định nghĩa truyền thống về hôn nhân… Tôi cũng nghĩ rằng các bạn đúng khi cho rằng các thái độ có diễn biến, kể cả các thái độ của tôi. Và tôi nghĩ đây là một vấn đề tôi loay hoay và suy nghĩ vì tôi có nhiều bạn bè hiện đang sống trong các kết hợp đồng tính” 

Ngày 22 tháng 12 cùng năm, trong một cuộc họp báo, ông nói rõ hơn: “Đến thời điểm này, điều tôi vốn nói là: đường hướng căn bản của tôi là một cuộc kết hợp dân sự mạnh mẽ để cung cấp cho họ các bảo vệ và quyền lợi hợp luật mà các vợ chồng cưới nhau vốn có và tôi nghĩ rằng đó là điều đúng phải làm. Nhưng tôi nhận rằng theo quan điểm của họ, điều đó vẫn chưa đủ”.

Theo Axelrod, năm 2011, chính phủ Obama tuyên bố sẽ không tranh đấu ở tòa để duy trì Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (DOMA), một đạo luật vốn gây tranh cãi thời Tổng Thống Clinton vì đã miễn chước cho các chính phủ tiểu và liên bang khỏi nghĩa vụ phải thừa nhận các cuộc hôn nhân đồng tính vốn được thừa nhận tại một số tiểu bang. 

Tuy nhiên, các quan điểm đang thay đổi trên vẫn tiếp tục diễn biến ở nơi cửa kín then cài. Bản thân Ông Obama rất nôn nóng muốn công bố sự ủng hộ của mình đối với hôn nhân đồng tính. Nhưng theo Axelrod, Jim Messina, giám đốc tranh cử, tỏ ra lo lắng đối với tác động của một lời tuyên bố như thế: “chúng tôi đã xem kỹ việc này, nó có thể làm ngài mất một vài tiểu bang có tầm cỡ; North Carolina, là một". 

Thế là Obama đành “nín thở qua cầu”. Như chính lời Michelle Obama, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, nói với Chad Griffin, người nổi tiếng gây qũy ở Hollywood và là nhà vận động hàng đầu của hôn nhân đồng tính: “ráng thêm một chút nữa với chúng tôi đi, chúng tôi sẽ đi với anh sau kỳ bầu cử này”. 

Tuy nhiên, có những lúc “tức tối” vì thời cơ chưa tới, Obama cũng buột miệng nói thật cho các cố vấn khuyên ông không nên nói thật: “tôi muốn các anh biết điều này nếu một ký giả láu cá nào đó hỏi tôi sẽ bỏ phiếu ra sao, nếu tôi còn ở ngành lập pháp tiểu bang, tôi sẽ nói thật. Tôi sẽ bỏ phiếu thuận”. 

Sở dĩ ông nói thế là vì đến tháng 11 năm 2011, bộ tham mưu tranh cử của ông thấy rằng tiếp tục “dối lòng” có thể có hại, nhất là từ phía các cử tri dưới 30 tuổi. Họ thấy cần các cử tri này tham gia bầu cử đông đúc như 4 năm trước đó. Nhưng trở ngại là việc Obama không chính thức ủng hộ hôn nhân đồng tính. Bởi vậy, có lúc họ đã muốn ông từ bỏ thái độ “dối lòng” này. Nhưng số cử tri không ủng hộ hôn nhân đồng tính vẫn còn đông. 

Bị đặt vào thế lưỡng nan, Obama lưỡng lự dù rất muốn nói thật lòng mình. Các cố vấn giúp ông tìm lối thoát: nếu lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính, thì phải lên tiếng sao đó để gây thật ít thiệt hại chính trị. David Plouffe, quân sư của chiến thắng năm 2008, đi tìm sự giúp đỡ của Ken Mehlman. Ông này là cựu chủ tịch Ủy Ban Cộng Hòa Toàn Quốc và là quân sư trong chiến dịch tái cử của George W. Bush, nhưng một năm trước đó, đã tự tuyên bố mình là người đồng tính và đã cộng tác với Chad Griffin lập ra qũy đấu tranh đòi hủy bỏ Đề Án Số 8 của California. 

Mehlman cho Obama hay: những người bỏ phiếu cho ông năm 2008 coi ông như một người lý tưởng sẵn sàng bỏ chính trị qua một bên để làm điều mình cho là đúng. Ủng hộ hôn nhân đồng tính sẽ nhắc các cử tri ấy nhớ rằng ông vẫn còn là người như thế. Ngoài ra, Mehlman còn cho rằng: các cử tri sẽ ủng hộ nhiều hơn nếu họ hiểu rằng các cặp đồng tính muốn kết hôn vì cùng một lý do như các cặp dị tính: đó là vì yêu thương và cam kết. Các cuộc điều tra bầu cử cho thấy các cử tri sẽ đáp ứng tốt nhất nếu đóng khung vấn đề quanh các giá trị chung của người Mỹ, đó là: đoan hứa bình đẳng có tính nền tảng của quốc gia; ác cảm của cử tri đối với việc chính phủ xâm phạm đời tư của họ; và nguyên tắc tôn giáo đối xử với người khác như cách mình muốn người khác đối xử với mình.

Mehlman còn giúp thăm dò 5,000 người Cộng Hòa và độc lập nhưng thiên về Cộng Hòa và thấy rằng đa số ủng hộ một hình thức thừa nhận hợp pháp nào đó đối với các liên hệ đồng tính. Nói chung, hôn nhân không phải là ưu tiên hàng đầu đối với phần đông người Cộng Hòa. Điều này có nghĩa: việc tổng thống ủng hộ hôn nhân đồng tính sẽ không khiến hạ tầng Cộng Hòa chỉ trích ông như những năm trước đây nữa. 

Ngày 10 tháng 11, năm 2011, Mehlman đề nghị Obama chính thức tuyên bố việc mình ủng hộ hôn nhân đồng tính, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình mà người hỏi là một nữ ký giả da đen. Mehlman còn nghĩ trước cả những ngôn từ mà ông Obama nên nói nữa, làm sao biến quyết định này thành chuyện gia đình chứ không phải chuyện chính trị: “Michelle và tôi vốn có cuộc đàm đạo tương tự trong gia đình như phần đông các gia đình Hoa Kỳ vốn có về việc bình đẳng của hôn nhân. Tôi hoàn toàn hiểu rằng một số người đồng ý, trong khi những người khác bất đồng, với việc gia đình chúng tôi đã thảo thuận với nhau về vấn đề này”. 

Mehlman cũng khuyên Obama nói về các con gái của mình “như Michelle và tôi vốn suy nghĩ qua các điều chúng tôi vốn dạy Sasha và Malia về sự cao cả của Hoa Kỳ”, về tự do tôn giáo và công bằng với mọi người “khi bạn là tổng thống, bạn là tổng thống của mọi người Hoa Kỳ. Và mọi người đây bao gồm người đồng tính nam nữ, những người đàn ông và đàn bà đang phục vụ trên khắp xứ sở này: nhân viên cứu hỏa, bác sĩ, thầy cô, binh lính dũng cảm đang phục vụ và che chở mọi người chúng ta”. 

Obama không dám theo đề án của Mehlman, dù có sự thúc giục của đệ nhất phu nhân. Mùa đông năm này, các cuộc thăm dò tòan quốc cho thấy phe ủng hộ hôn nhân đồng tính bắt đầu trổi hơn phe chống đối. Đa số rõ rệt các đảng viên Dân Chủ ủng hộ loại hôn nhân này. Bốn mươi tám công ty lớn của Mỹ đã ký tuyên bố chung cho thấy Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân đã gây hại tới việc kinh doanh của họ, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như giám đốc điều hành Starbucks và chủ tịch Goldman Sachs, lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính. Danh sách các người Cộng Hòa công khai ủng hộ loại hôn nhân này nay có thêm Laura Bush, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, Steve Schmidt, giám đốc tranh cử chức tổng thống của TNS John McCain, vợ và con gái TNS McCain…

Nhưng North Carolina, nơi ông chỉ thắng với tỷ lệ rất xít xao năm 2008, đang sẵn sàng thông qua tu chính án để ngăn cấm hôn nhân đồng tính! Các cố vấn của ông thú thực “Vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào. Điều này cho bạn thấy mọi người run sợ ra sao về vấn đề này”. 

Nhưng họ vẫn chưa từ bỏ kế hoạch để tổng thống tuyên bố công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính. Và người họ chạy tới lần này là Phó Tổng Thống Joe Biden. Ngày 19 tháng 4 năm 2012, tại nhà cặp “vợ chồng” đồng tính Michael Lombardo và Sonny Ward với hai “đứa con” 5 và 7 tuổi của họ, Chad Griffin đã gặp Phó Tổng Thống ở đấy. Và yêu cầu ông nói thật về hôn nhân đồng tính.

Cho tới lúc này, quan điểm công khai của Biden không khác quan điểm công khai của Obama về người đồng tính: ủng hộ kết hợp dân sự của người đồng tính, nhưng thận trọng về hôn nhân đồng tính. Câu trả lời của Biden dịp này làm mọi người ngạc nhiên: “Sự việc đang thay đổi nhanh chóng, trong một tương lai gần, sẽ trở thành một qui trách chính trị cho bất cứ ai nói rằng: ‘tôi chống đối hôn nhân đồng tính’. Hãy ghi rõ lời tôi nói”. 

Ông thêm: “và việc của tôi, việc của chúng ta, là phải giữ cho cái đà này tiến tới điều không thể tránh được”. 

Nhận định về câu nói trên của Biden, có người cho rằng “Hard Drive (dĩa cứng) của ông ta đã bị xoá sạch rồi”. 

Hai tuần lễ sau, nói với David Gregory của chưng trình “Meet the Press”, Biden cũng trả lời y chang: “Tất cả chỉ là một vấn đề đơn giản: bạn yêu ai, và bạn có trung thành với người bạn yêu hay không? Và đó là điều người ta khám phá ra, là tất cả ý nghĩa tận gốc của hôn nhân”.

Gregory hỏi thêm: “và nay ngài thoải mái đối với hôn nhân đồng tính?” – “Tôi, tôi, này, tôi là Phó Tổng Thống Hoa Kỳ. Tổng Thống ấn định chính sách. Tôi tuyệt đối thoải mái với việc đàn ông cưới đàn ông, đàn bà cưới đàn bà, và đàn ông đàn bà dị tính cưới nhau đều có quyền hưởng các quyền lợi y như nhau, mọi quyền dân sự, mọi tự do dân sự”. 

Chỉ có điều, từ phòng phỏng vấn ra về, giám đốc truyền thông của Biden nhắc ông nhớ: ông đang đi trước Obama về hôn nhân đồng tính. Và điều này gây bối rối cho Tòa Bạch Ốc. Các cố vấn ở đây thậm chí còn kết cho Biden tội “bất trung”. 

Tuy nhiên, nó vẫn gây ra phản ứng dây chuyền. Obama và các cố vấn của ông biết đã đến lúc phải nói thật kẻo bị chế diễu là “lãnh đạo từ phía sau”. Mấy hôm sau, Obama vội dành cho “Good Morning America” một cuộc phỏng vấn độc quyền và người phỏng vấn, Robin Roberts, đúng như Mehlman đề nghị trước đây, là một nữ ký giả da đen. Và Obama lộ rõ nguyên hình người luôn ủng hộ hôn nhân đồng tính. 

Trước phán quyết SCOTUS của Tối Cao Pháp Viện

Từ ngày đó, Obama công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính. Và hành vi đáng lưu ý nhất là tháng Sáu năm ngoái, ông đã cho tổ chức một Luận Hội tại Tòa Bạch Ốc về Các Nhân Quyền Của LGBT (đồng tính và đổi tính) Hoàn Cầu”. Trong luận hội này, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, Susan Rice, của ông cho hay: Việc Hoa Kỳ ủng hộ các quyền lợi của người đồng tính và đổi tính không phải chỉ là một chính nghĩa quốc gia, nhưng nó còn là một chính nghĩa hoàn cầu nữa.

Thực vậy, theo Susan Rice, Tổng Thống Obama đã chuyên biệt chỉ thị rằng nền ngoại giao và viện trợ của Hoa Kỳ phải phát huy và bảo vệ quyền lợi của người LGBT nam nữ, khắp thế giới. Vì theo bà, “các nhân quyền phổ quát không phải do các chính phủ hay do các khối đa số có quyền hành ban cấp, mà là hồng phúc của Thiên Chúa và là quyền sinh ra đã có của mọi người. Chúng thuộc các người LGBT nam nữ cũng như chắc chắn thuộc bất cứ ai trong gia đình nhân loại. Như Tổng Thống Obama đã hùng hồn tuyên bố, ‘nếu chúng ta thực sự được dựng nên bình đẳng với nhau, thì chắc chắn tình yêu mà chúng ta cam kết cho nhau cũng phải bình đẳng”. 

Bà Rice cho rằng “bảo vệ các anh chị em LGBT của ta là một trong những vấn đề nhân quyền có tính thách thức hơn cả đang đặt ra cho chúng ta. Thiên kiến vốn có những gốc gác sâu xa, và các luật lệ giới hạn quyền lợi của người đồng tính thường hưởng được sự ủng hộ mạnh mẽ của người ta… Đối với cộng đồng đức tin, làm sao ta có thể tăng cường để các nhóm tín ngưỡng biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi con cái Người đã dựng nên một cách bằng nhau được? Đối với cộng đồng nhân quyền, làm sao ta có thể giúp các nhà hoạt động lảm việc chung với nhau để thăng tiến công bình xã hội cho mọi người được? Vì, nếu bạn lưu tâm tới các quyền bình đẳng của phụ nữ hay của các nhóm sắc tộc hay tôn giáo, thì bạn cũng nên lưu tâm tới các nhân quyền của người LGBT nữa. Tất cả đều như nhau”.

Tuy nhiên, theo Stefano Gennarini, J.D., việc chính phủ Obama đặt quyền lợi người LGBT lên tuyến đầu của chính sách ngoại giao, có thể bị phản công tại nhiều quốc gia, nhất là nhân dịp Liên Hiệp Quốc mừng 70 năm ngày thành lập vào tháng 9 này. 

Tuyên Ngôn Phổ Quát về Các Nhân Quyền và nhiều hiệp ước có tính trói buộc hay không trói buộc của Liên Hiệp Quốc hiện thừa nhận gia đình là kết quả việc kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà tự do kết hôn với nhau. Luật lệ và chính sách quốc tế đã dự liệu để trẻ em sinh ra trong các hoàn cảnh bất hợp lệ hay ở bên ngoài hôn nhân không bị kỳ thị nhưng không thừa nhận các liên hệ đồng tính như có khả năng tạo nên một gia đình. 

Trong những năm gần đây, các quốc gia hội viên của LHQ vốn bác bỏ kiểu nói “các hình thức gia đình khác nhau” trong các hiệp ước LHQ, vì các nước Bắc Mỹ và Âu Châu coi nó như thừa nhận các “gia đình” đồng tính và rõ ràng một ngôn từ như thế khó có thể được đưa vào bất cứ hiệp ước nào sắp tới đây.

Gần đây nhất, bản tin của Time cho hay ngày đầu tiên về thăm quê cha là Kenya, Obama thúc giục các nước Phi Châu đối xử với người LGBT một cách bình đẳng trước pháp luật, một chủ trương không được đa số các quốc gia của lục địa này ủng hộ. Cũng theo Time, tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta, nói với Obama rằng xứ sở ông không có vấn đề này: quyền đồng tính “thực sự không là một vấn đề trong tâm trí hàng đầu của người Kenya. Và đây là một sự kiện”. 

Đúng như thế, một số chính khách và các nhà lãnh đạo tôn giáo của Kenya từng thẳng thắn khuyên Obama rằng quá bênh vực người LGBT sẽ không được ủng hộ tại Kenya, nơi tội làm tình đồng tính bị phạt tối đa tới 14 năm tù. 

Phán quyết SCOTUS của Tối Cao Pháp Viện

Khỏi nói, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính khắp cả nước được ông Obama hết lời ca ngợi. Nhân dịp này , ông mô tả lại diễn trình “khó khăn” của nó và cũng là của chính ông mà đỉnh cao là “Liên Bang chúng ta hoàn hảo hơn một chút”. Ông nói: “Tiến bộ trên hành trình này thường xẩy tới từng chút một. Đôi khi tiến hai bước, lùi một bước, luôn được đẩy tới nhờ cố gắng không ngừng của các công dân tận tụy. Và rồi đôi khi có những ngày như hôm nay, khi cái cố gắng chậm chạp nhưng vững chắc kia được tưởng thưởng bằng công lý xuất hiện như tiếng sét”. 

Cũng cùng mạch văn ấy, ông nói thêm: “Phán quyết này sẽ chấm dứt hệ thống vá víu hiện có của ta. Nó sẽ chấm dứt sự không chắc chắn mà hàng trăm nghìn cặp đồng tính phải đương đầu vì không biết liệu cuộc hôn nhân của họ hợp pháp dưới mắt một tiểu bang có sẽ còn hợp pháp khi họ di chuyển hay thậm chí viếng thăm một tiểu bang khác hay không”. 

Rồi ông nhắc đến lời ông nói trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai: lúc ấy, “tôi nói rằng nếu chúng ta thực sự được tạo dựng bình đẳng với nhau, thì chắc chắn tình yêu mà chúng ta cam kết với nhau cũng phải bình đẳng. Thực là hả dạ khi thấy nguyên tắc này được tôn lên hàng luật lệ nhờ phán quyết này”. 

Tuy cho rằng thành quả này là của cả nước Mỹ, nhưng ông không quên kể công lao đóng góp của chính phủ ông: ngưng không ủng hộ DOMA của Clinton, chiến dịch “Don’t Ask, Don’t Tell” (áp dụng cho binh sĩ đồng tính), nới rộng các phúc lợi hôn nhân cho các cặp đồng tính là nhân viên liên bang, nới rộng quyền thăm viếng các bệnh nhân LGBT tại bệnh viện… 

Nhưng là tổng thống của cả nước Mỹ, không phải chỉ của “hàng trăm nghìn cặp đồng tính”, ông buộc phải thừa nhận các quan điểm dị biệt: “tôi biết rằng người Mỹ có thiện chí sẽ tiếp tục duy trì hàng loạt các quan điểm rộng rãi về vấn đề này. Trong một số trường hợp, sự chống đối được đặt căn bản trên các niềm tin thành thực và sâu xa. Tất cả chúng ta những người chào mừng tin tức ngày hôm nay nên lưu tâm tới sự kiện ấy và thừa nhận các quan điểm dị biệt, tôn kính cam kết sâu ắc của chúng ta đối với tự do tôn giáo”. 

Ông quên không nhắc tới sự kiện này: một khi “thần đồng tính” đã thoát khỏi chiếc lọ giam cầm, nó sẽ tung bay và gây tác hại sâu xa, không hẳn làm cho nước Mỹ thêm hoàn hảo mà là thêm thảm họa. Việc ấy, chính ông góp một phần rất lớn.

(Vũ Van An)

http://vietcatholic.com
114.864864865135.135135135250