09/02/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

4047
Những nỗ lực bí mật của đức giáo hoàng Piô XII nhằm cố gắng lật đổ tên độc tài phát-xít Hít-le là chủ đề của một cuốn sách mới, được viết ra dựa trên các tài liệu thời chiến và nội dung các cuộc phỏng vấn được thực hiện với nhân viên mật vụ Mỹ, người đã viết ra các tài liệu này.

Sử gia Mark Riebling nói với hãng tin CNA hôm 02-02 rằng, “Cuốn sách này là sự thật – và là nỗ lực tối đa của tôi sau một số năm nghiên cứu về những nỗ lực bí mật của vị giáo hoàng trong Thế chiến II.

“Giả định chính yếu là thế này: đức Piô chọn chống lại Hít-le bằng cách hành động bí mật thay vì ra mặt công khai. Kết quả, ngài đã dính líu vào trong ba âm mưu khác nhau do những người Đức phản kháng chủ trương nhắm loại bỏ Hít-le.”

“Theo tôi, sự kiện này, sự kiện rằng Giáo hội có dự phần vào các hoạt động bí mật vào những năm chiến tranh đẫm máu nhất của lịch sử, ở vào những phần dễ gây tranh cãi nhất của lịch sử thời hiện đại – không chỉ là một cước chú; nó là sự kiện đáng được đào sâu tìm hiểu.”

Riebling đã kể lại câu chuyện này trong cuốn sách của ông, cuốn sách có tựa đề là “Church of Spies: The Pope’s Secret War Againt Hitler”, được Basic Book xuất bản vào Tháng Chín 2015. Ấn bản tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách cũng sẽ được Stella Maris ấn hành vào Tháng Hai 2016.

Những năm cuối thập niên 1990, cuộc tranh luận để xem đức Piô XII đã hành động đủ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phát-xít hay chưa, đã đạt tới đỉnh điểm, với việc phát hành cuốn sách gây tranh cãi mạnh mẽ là cuốn “Hitler’s Pope” (Giáo hoàng của Hít-le), được ký giả người Anh là John Cornwell chắp bút. Cuốn sách lên án mạnh mẽ đức Piô XII, kết tội ngài câm lặng đáng trách – nếu không muốn nói là dự phần – trong việc làm bùng phát chủ nghĩa phát-xít.

“Nếu các bạn đọc những tác phẩm của các tác giả đã lên án Giáo hội thời phát-xít một cách mạnh mẽ nhất, các bạn sẽ thấy rằng, đa số họ đều có chung kết luận rằng, đức Piô XII không ưa Hít-le và âm thầm hành động để hạ bệ hắn. Tuy nhiên, các tác giả này chỉ dành ra một mệnh đề, một câu, hay một đoạn trong cuốn sách của họ để nói ra điều này. Với tôi, sự kiện này đáng được xem xét kỹ lưỡng hơn nữa”.

“Nếu ‘vị Giáo hoàng của Hít-le’ mà lại muốn phế truất Hít-le, thì câu chuyện sẽ ra như thế nào?”

Riebling nói, có một số nguồn hứng khởi chính giúp ông hoàn thành cuốn sách. Nhờ nền tảng giáo dục Công giáo, ông được học hỏi về lịch sử lâu đời của Giáo hội: trong những thế kỷ đầu, Kitô giáo là một nhóm “hầm trú”. Thời hậu cải cách ở Anh, các tu sĩ dòng Tên phải hoạt động “kín”.

Những trang sử này khiến ông phải thắc mắc tìm hiểu về cách mà sử gia tìm nguồn tư liệu và các bằng chứng.

Ông cũng được gợi hứng từ câu chuyện của James Jesus Angleton, một nhân viên mật vụ nổi tiếng của Mỹ, Thế chiến II hoạt động cho The Office of Strategic Services (Vụ chiến thuật, tiền thân CIA hiện nay) với nhiệm vụ thâm nhập Toà thánh.

Trong khi tìm tài liệu cho cuốn sách trước đây của mình, là cuốn “Wedge: The Secret War between the FBI and CIA,”, Riebling đã kiếm ra được các tài liệu liên quan đến Toà thánh mà Angleton đã cung cấp cho The Office of Strategic Services.

“Có ít nhất 10 tài liệu ám chỉ rằng đức Piô XII và các cố vấn thân cận nhất của ngài, đã không phải một lần, mà ba lần dính líu đến các âm mưu loại trừ Hít-le – trải dài từ khoảng năm 1939 đến 1944. Những tài liệu này được đánh máy bởi những người có biệt danh dễ nhận ra.”

Chẳng hạn, biệt danh “Rock” thuộc về Ray Rocca. Rocca giữ vai phụ tá cho Angleton khi ông ở Rôma và hầu hết các cương vị của ông sau này. Rocca cũng là người chịu trách nhiệm lưu trữ các bản văn của CIA về vụ ám sát tổng thống John F. Kenedy năm 1963.

Riebling kể: “Ồ, đây là người đã ở Vatican; ông ta có nhiệm vụ thâm nhập, moi tin từ Vatican; ông ta biết về các âm mưu ám sát. Tôi nghĩ bụng: gặp gỡ được ông ta thế nào cũng thú vị”. Rocca đã không vi phạm lời thề bí mật của mình, nhưng các cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện với Riebling đã trở thành những nguồn tin cho cuốn sách.

Theo Riebling, cuốn sách của ông không có ý khẳng định rằng Giáo hoàng “cố gắng ám sát Hít-le.” Đúng hơn, các bước đi, các hành xử của vị Giáo hoàng nhẹ nhàng hơn.

“Giáo hoàng Piô đã trở nên như một mắt xích cơ bản trong một cỗ máy nhắm loại bỏ một kẻ bạo quyền, một Tên-phản-Kitô, vì lẽ những người tốt lành tìm đến ngài và xin được trợ giúp, và rồi ngài tự vấn lương tâm, ngài đồng ý làm người trung gian cho những người chủ mưu – tức là trở thành một mật vụ cho họ – và như thế ngài đã trở thành một kẻ đồng ý với các mưu tính của họ”.

Vị sử gia đã mô tả các hành động này là “một trong những sự kiện lạ lùng nhất trong lịch sử các triều giáo hoàng”.

Đức Piô XII đã liên hệ tới ba âm mưu chống lại Hít-le. Vụ thứ nhất, diễn ra từ Tháng Mười 1939 đến Tháng Năm 1940, liên quan đến nhóm tạo phản thuộc giới quân sự người Đức. Từ cuối năm 1941 đến mùa xuân năm 1943 là một loạt các vụ việc do các tu sĩ dòng Tên người Đức mưu tính thực hiện, kết thúc với việc trái bom được đặt trên máy bay của Hít-le không nổ như dự định.

Vụ thứ ba, cũng do các tu sĩ dòng Tên, và cũng do một người thuộc giới quân sự Đức là đại tá Claus von Stauffenberg chủ mưu. Mặc dù, vị đại tá đã cài được một trái bom gần nơi ở của Hít-le, tên độc tài phát-xít, trái bom vẫn không giết được hắn. Các linh mục phải trốn sau khi vụ việc bất thành. Những ai bị bắt đã bị hành quyết.

Trong khi tìm hiểu, Riebling biết được, giáo hoàng Piô XII đã bí mật cho thâu âm lại tất cả các cuộc chuyện trò, thảo luận được thực hiện trong văn phòng của ngài. Các bản ghi lại các buổi nói chuyện của giáo hoàng với các hồng y Đức vào Tháng Ba 1939 cho thấy, ngài rất lo lắng trước sự kiện các tín hữu Công giáo Đức sẽ chọn theo Hít-le thay vì Giáo hội.

“Các hồng y xin đức Piô can ngăn Hít-le, để các tín hữu Công giáo Đức không bị chia rẽ mà tạo ra một thứ giáo hội quốc gia như đã xảy ra tại Anh quốc thời Tudor.”

“Đức Piô tiếp nhận lời gợi ý của hàng giám mục Đức. Thay vì chống đối công khai, ngài sẽ chống Hít-le bằng những đòn ngầm.”

Các mật vụ của đức Piô XII đã cung cấp cho Đồng Minh các tin tức quân sự về các cuộc tác chiến của Hít-le trong ba dịp, trong đó có kế hoạch đánh chiếm Nga của Hít-le. Trong cả ba dịp này, Đồng Minh đã không hành động như thông tin được cung cấp.

Về phần mình, Hít-le đã xếp đức Piô XII vào diện nghi vấn từ khi hắn được bầu lên vào năm 1939.

“Ngài cố gắng làm nguôi ngoai những mối nghi ngờ đó, nhằm giảm thiểu tối đa những bách hại mà các tín hữu Công giáo Đức phải chịu. Thế nhưng Hít-le không bao giờ thôi cảnh giác,” Riebling cho biết.

Đã có lúc Hít-le dự tính chiếm Vatican, bắt cóc vị Giáo hoàng và đưa ngài sang Đức. Riebling dẫn lời tướng phát-xít Heinrich Himmler rằng, hắn “muốn mang ĐTC ra xử tử công khai nhằm ngày khai trương một sân bóng đá mới”.

“Đức Piô biết được những dự định này, nhờ các mật vụ của ngài; và theo quan điểm của tôi, điều này đã góp phần đưa tới quyết định dự phần vào các vụ chống đối Hít-le của ngài.”

Theo sử gia Riebling, các âm mưu ám sát Hít-le tỏ ra một sự yếu thế, “nhưng ở vào tình huống này, có lẽ không còn cách nào khác để chọn lựa”.

“Xem xét, nghiên cứu, tìm hiểu về đức Piô XII trong nhiều năm, tôi tin rằng, ngài muốn trở nên người thánh thiện, trở nên một vị thánh. Ngài muốn dân Đức trở nên những con người thánh thiện.”

“Khi biết được chuyện, một linh mục đã bị bắt vì cầu nguyện cho người Do-thái và bị bắt vào trại tập trung, ngài bảo: ‘Ước chi, ai cũng làm được như thế.’”

“Nhưng ngài không nói điều này một cách công khai.” Những lời này của ĐTC được kín đáo gửi tới cho một vị giám mục người Đức trong một lá thư.

“Bởi thế, theo thiển ý của tôi, điều đã thực sự xảy ra là: đức Piô XII muốn dẫn dắt một Giáo hội của những vị thánh. Nhưng rồi, ngài đã phải thiết lập một Giáo hội của các mật vụ”.

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicnewsagency.com
114.864864865135.135135135250