29/01/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1310
Theo Open Doors (tổ chức trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại), “các Kitô hữu đang bị bách hại ở một cấp độ chưa từng thấy, và đang tiếp tục gia tăng.”

Trong năm 2013, có chừng 2.100 Kitô bị sát hại vì các lý do liên hệ đến đức tin trên khắp thế giới. Nhưng trong vòng hai năm, tính đến năm 2015, một một báo cáo mới đây của một nhóm thiện nguyện, con số các Kitô hữu bị bách hại đã tăng lên, có ít nhất 7.100 người đã bị sát hại.

Bà Lisa Pearse, điều phối viên của Open Doors ở Anh quốc và Aixơlen, đã cho biết trong báo cáo năm 2016 rằng: “Mức độ bách hại các Kitô hữu đang trở nên khốc liệt hơn, tại tất cả các nơi mà chúng ta làm việc, mức độ này đang gia tăng một cách đáng báo động. Nhiều quốc gia tụt hạng trong bảng xếp hạng không phải do bởi việc bách hại đã giảm đi, nhưng đơn giản chỉ vì, tại những quốc gia khác, tình trạng trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Và tình trạng này đang diễn ra một cách khủng khiếp trong ba năm vừa qua. Chúng ta có khả năng, và phải tìm cách nỗ lực bảo vệ các Kitô hữu và các anh chị em khác vì họ đang bị bách hại vì đức tin của mình.”

Open Doors đã trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại trong hơn 60 năm qua. Tổ chức này được một người Đan Mạch, thường được gọi thân mật là Brother Andrew, lập ra. Ông đã lén chuyển Kinh thánh vào Đông Âu, hồi các chế độ độc tài cộng sản thi hành một cách gắt gao chính sách cấm đạo với Kitô giáo và các tôn giáo khác.

Tổ chức này hoạt động tại hơn 60 quốc gia, và hàng năm, sẽ có báo cáo tổng hợp về tình trạng bách hại các Kitô hữu và lượng định mức độ này ở cấp độ toàn cầu.

Báo cáo mới nhất cho thấy, mức độ bách hại các Kitô hữu trong năm 2015 đã tới mức khốc liệt chưa từng thấy, nhiều ngàn người bị sát hại vì các lý do liên quan đến đức tin. Theo Open Doors, chừng 4.000 Kitô hữu đã bị sát hại ở Nigeria, hơn 1.200 ở Trung Phi và hơn 700 ở Chad. Ngoài ra, hơn 2.400 nhà thờ đã bị tấn công hoặc phá sập vì các lý do tôn giáo trong năm 2015.

Danh sách theo dõi tình trạng bách hại các Kitô hữu trên thế giới của Open Doors bao gồm 50 quốc gia có mức độ bách hại gốc liệt nhất. 10 quốc gia có mặt trong danh sách 2016 là Bắc Hàn, Iraq, Eritrea, Afghanistan, Syria, Pakistan, Somalia, Sudan, Iran và Lybya.

Bắc Hàn, một quốc gia cộng sản, vẫn là quốc gia có mức độ bách hại Kitô hữu tàn tệ nhất. Tại quốc gia này, có chừng 300.000 Kitô hữu trong tổng số 24.5 triệu dân. Quốc gia này đã liên tục đứng đầu trong danh sách của Open Doors suốt 14 năm qua.

Thật khó kiểm chứng được thông tin về quốc gia bị cô lập này. Tuy vậy, Open Doors cho biết, các lãnh đạo nhà nước coi Kitô giáo là “sặc mùi Tây phương và ti tiện”. “Các Kitô hữu phải cố gắng hết sức che giấu xác tín đức tin của mình, để khỏi bị bắt và bị gom vào các trại lao động khổ sai. Do đó, theo đạo là một chuyện tuyệt mật, ngay cả với người nhà, đa phần các cha mẹ không dám giới thiệu đức tin Kitô giáo cho các con cái của mình, vì sợ chúng sẽ khai ra điều gì đó khi bị tra hỏi.”

Tại Iraq, nhiều trăm ngàn Kitô hữu phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực, đặc biệt là bạo lực của nhóm ISIS.

“Trong nhiều năm, Iraq đã hứng chịu nhiều bất ổn chính trị, xung đột, và đang được điều hành bởi một chính phủ không có khả năng đảm bảo an ninh và việc thực hành luật pháp.”

Tại Eritrea, có chừng 2.5 triệu Kitô hữu trong tổng số 6.7 dân.

“Chế độ tại Eritrea là một chế độ chuyên quyền triệt để, và cương quyết không khoan nhượng với bất kỳ hình thức tụ họp, hội nhóm, bất đồng chính kiến hay tự do báo chí, ngôn luận nào.”

Chính phủ muốn kiểm soát tất cả các tổ chức tôn giáo và đã phế truất thượng phụ Chính thống Eritrea. Chính phủ này cũng tích cực ủng hộ các phong trào Hồi giáo cực đoan tại khu vực, trang bị vũ trang cho nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab.

Danh sách theo dõi của Open Doors cũng liệt kê một số hoàn cảnh, cơ sự khiến cho tình trạng bách hại các Kitô hữu trở nên tệ hại hơn. Trong số đó, trước tiên phải kể đến sự bùng phát của những nhóm tự nhận là nhóm caliphate Hồi giáo, các nhóm này hoạt động ở tầm mức xuyên quốc gia. Các chính phủ vì e sợ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chọn đáp trả bằng cách chủ trương khơi dậy tinh thần cực đoan dân tộc, hoặc thắt chắt, hạn chế về mặt luật pháp và gia tăng kiểm soát, can thiệp vào các hình thức biểu đạt niềm tin tôn giáo. Ngoài ra, chính các tín đồ Hồi giáo (ôn hoà) giờ cũng trở nên khắt khe, e dè hơn vì sợ bóng ma chủ nghĩa cực đoan, và các nhóm ngầm ủng hộ ISIS.

Cũng theo báo cáo, Trung Đông, Châu Phi và Trung Á là những nơi mà tình trạng bách hại đang gia tăng một cách tệ hại nhất. Càng nhiều quốc gia trở nên vô pháp luật, vô chính phủ, thì càng nhiều các nhóm thiểu số phải hứng chịu bách hại và bạo lực. Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, bao gồm chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa Hindu và chủ nghĩa Phật giáo cực đoan, là những căn cớ chính yếu khiến các Kitô hữu bị bách hại. Báo cáo cũng lên án nạn hận thù sắc tộc và tình trạng các tôn giáo không muốn công nhận tính chính danh, hợp pháp của các Kitô hữu.

Mexico xếp hạng 40 trong bảng xếp hạng, còn Colombia ở hạng 46. Đây là 2 quốc gia Châu Mỹ duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng. Open Doors cho biết, nạn buôn lậu ma tuý là căn cớ chính yếu gây ra tình trạng bách hại các Kitô hữu tại Châu Mỹ La Tinh. Người đứng đầu các Giáo hội địa phương thường là những người duy nhất dám phản đối nạn buôn lậu ma tuý, và các vị sẽ trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực hay tống tiền.

“Hy vọng vẫn luôn còn đó, dầu cho chúng ta đang phải đối mặt với một thảm trạng tệ hại – các Kitô hữu đang bị bách hại một cách khốc liệt, và khốc liệt chưa từng thấy. Chúng ta không có lý gì để hy vọng rằng tình trạng này sẽ đổi khác đi, nếu chúng ta không góp phần để thay đổi nó”, bà Lisa Pearse nói.

Bà cho biết, bà vẫn hy vọng vì tại nhiều vùng, các Giáo hội Kitô vẫn phát triển bất chấp việc bị bách hại. Tại các quốc gia, chẳng hạn như Syria, các cộng đoàn Kitô hữu còn chăm lo cho cả các nhóm Hồi giáo lân cận. Tại một số nơi như Mandera, Kenya, các anh chị em Hồi giáo đã phản đối những kẻ bách hại các Kitô hữu rằng, “Các ngươi nếu giết thì hãy giết tất cả chúng tôi, cả chúng tôi nữa, hoặc là đừng giết ai cả!”

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.ncregister.com
114.864864865135.135135135250