21/03/2017 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

5966
Các nhà khảo cổ lần theo các đường hầm do các chiến binh Hồi giáo đã bới đào ra, trong khi chúng lùng kiếm kho báu.


Chú thích hình: Ông Iraqi Salem Harush Kadori, 68 tuổi, vệ binh bảo vệ thành phố cổ Hatra (phía nam Mosul gần biên giới Syria thuộc mạn Tây Bắc Iraq), chỉ vào một trong những ngôi đền với kiểu trang trí Đông phương, kết hợp với nét kiến trúc Hy Lạp và La Mã. Chiến tranh Iraq và các cuộc cướp phá sau đó đã không tác động đến thành cổ Hatra, là thành phố có nhiều đền thờ nằm trong vùng sa mạc, mong chờ một tương lai tươi sáng, đúng như tâm sự và ước mong của ông Salem, người bảo vệ chúng. AFP PHOTO/Philippe DESMAZES / AFP PHOTO / PHILIPPE DESMAZES
Các nhà khảo cổ Iraq đã có một khám phá bất ngờ bên dưới đống đổ nát của lăng mộ tiên tri Giona, bị IS phá huỷ hồi năm 2014: cung điện của vua Xan-khê-ríp (Sennacherib), vương quốc Át-sua (Assyrian) thế kỷ VI tcn.

Sau khi quân đội Iraq tái chiếm khu vực gần Mosul vào tháng trước, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cung điện này, trong quá trình đánh giá thiệt hại tại khu vực được cho là lăng mộ của tiên tri Giona. Cung điện 2300 năm tuổi đã bị IS lùng sục đào bới. IS được cho là đã đào những đường hầm sâu bên dưới ngôi mộ, rất có thể chúng làm vậy là để vơ vét và đem bán các cổ vật ra chợ đen.

Các cuộc khai quật được tiến hành, vào năm 1852 bởi thủ hiến người Ottoman của thành Mosul, và vào những năm 1950 do Bộ Khảo cổ và Di tích Iraq chủ trì, tất cả đã không khai quật đủ sâu nên không tìm ra được cung điện. Trong những phát hiện mới này, phải kể đến một phiến đá cẩm thạch có khắc chữ hình nêm là thủ bút của vua Esarhaddon, có từ thời vương quốc Át-sua năm 672 tcn.

Giáo sư Eleanor Robson, chủ tịch Viện Nghiên cứu Iraq (Anh quốc), nói với tờ The Telegraph: “Không chỉ là những viên đá trang trí, nơi đây còn là một kho dữ liệu lịch sử khổng lồ. Rốt cuộc chúng ta đã có thể vẽ ra một bản phác thảo các báu vật của đế chế vĩ đại đầu tiên trên thế giới này, ngay tại giai đoạn cực thịnh của nó.”

Bà Layla Salih, nhà khảo cổ học Iraq tin rằng các phần tử vũ trang ISIS có thể đã cướp đi hàng trăm cổ vật có giá trị trước khi lực lượng Iraq giành lại khu vực này. “Tôi rất tiếc khi nghĩ đến việc IS đã tìm được rất nhiều thứ quý giá trước khi chúng tôi đến”, bà nói với Telegraph. “Chúng tôi tin rằng bọn chúng đã lấy và đã bán đi nhiều món cổ vật, như các bình gốm và những cổ vật bé hơn. Nhưng những gì bọn chúng vứt lại sẽ được nghiên cứu và chắc chắn giúp chúng ta biết thêm rất nhiều điều về giai đoạn này”.

Cuộc chiến mà vua Xan-khê-ríp chủ chiến chống lại vương quốc Giuđa đã được ghi chép trong Thánh Kinh:

“Sau nghe biết các sự việc và lòng trung thành của vua Khít-ki-gia, thì Xan-khê-ríp (Sennacherib), vua Át-sua (Assyrian) đến. Vua đến Giu-đa, đóng trại trước các thành kiên cố và ra lệnh phá các tường thành.” (2 Sb 32,1).

Cung điện xây cho vua Xan-khê-ríp được vua Esarhaddon cho tu sửa và mở rộng từ năm 681-669 TCN. Nó bị phá hủy một phần sau trận Niniveh năm 612 TCN, là trận chiến đã dẫn đến sự sụp đổ của vương quốc Tân Át-sua, mở đường cho sự thành hình vương quốc Tân Babylon.

Tiên tri Giona được tôn kính trong các truyền thống Do-thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo; có nhận định cho rằng, các phần tử vũ trang IS đã dùng mìn để phá hủy ngôi mộ mang tên vị tiên tri, là nhằm tẩy xoá tất cả các yếu tố Do-thái giáo và Ki-tô giáo khỏi thực hành Hồi giáo.

Zelda Caldwell
Chuyển dịch: Ngô Tử (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org

114.864864865135.135135135250