23/09/2015 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

822
(ĐHY Julius Darmaatmadja nhận định nhân kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu)

Kính thưa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II,
Kính thưa các vị chủ nhân và khách quí,
Kính thưa các thành viên THĐGM Á châu,
Kính thưa các vị đại biểu, quí vị thính giả, các chuyên viên và tất cả các tham dự viên,

Nguyện chúc ơn lành của Chúa ở trên mỗi người và trên tất cả mọi người chúng ta.

1. Kính thưa Đức Thánh Cha, 5 năm trước đây, vào ngày 10 tháng 11 năm 1994, trong tông huấn Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha đã chính thức tuyên bố triệu tập THĐGM Á châu. Hôm nay, 5 năm sau ngày tuyên bố đó, chúng con “đón chào Đức Thánh Cha” tại thành phố Á châu này, là New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, để chính thức bế mạc THĐ sau khóa họp tại Roma một năm rưỡi trước đây, từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1998. Chúng con biết ơn vì lễ bế mạc được tổ chức tại Á châu, chính xác hơn là tại New Delhi này, một trong nhiều thành phố tiêu biểu nhằm ghi nhớ biến cố quan trọng này đối với các Giáo hội tại Á châu. Thật là rất thích hợp để chúng tôi hết lòng cám ơn Chính phủ Ấn Độ đã vui lòng cho phép tất cả chúng tôi được chính thức bế mạc THĐ vào những ngày này. Hơn nữa, từ nơi cao quí này, chúng con nóng lòng chờ đợi Đức Thánh Cha, lần đầu tiên chính thức công bố tông huấn sau THĐ. Chỉ dẫn Mục vụ này là văn kiện cuối cùng của THĐ, mà Đức Thánh Cha với tư cách là Đại diện Đức Kitô, ban cho chúng con. Đức Thánh Cha là đầu của Giáo hội phổ quát, nên văn kiện này cũng là văn kiện của Giáo hội phổ quát. Chỉ dẫn Mục vụ này sẽ rất hữu ích cho chúng con khi chúng con cùng nhau hướng về ngàn năm thứ ba, bởi lẽ chính vì mục đích ấy, thể theo sự thúc giục và ước muốn của Đức Thánh Cha, chúng con đã nhóm họp THĐ, vào buổi bình minh của Đại Toàn xá mừng sinh nhật Chúa Cứu thế.

2. Anh chị em thân mến, sau khi đã trải qua Hội nghị từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 14 tháng 5 năm 1998, vô vàn ơn lành đã tuôn đổ trực tiếp xuống trên chúng ta, tùy theo những viễn tượng cá nhân, dựa trên những dị biệt về địa phương và hoàn cảnh, nơi Giáo hội chúng ta đâm rễ và hiện diện. Hôm nay, với lòng biết ơn sâu xa, chúng ta đã lắng nghe đức thánh cha Gioan Phaolô II công bố tông huấn như là điểm hoàn thành toàn bộ diễn biến cuộc hành trình cùng với chúng ta. Chắc chắn tất cả chúng ta đều quan tâm đến chỉ dẫn mục vụ này. Là một trong những tham dự viên, tôi được mời trình bày nhận xét kết thúc. Đối với tôi, thật không thể diễn tả được tất cả những gì anh chị em kỳ vọng nơi tôi vào lúc này. Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi muốn giới hạn việc trình bày vào một trong nhiều vấn đề mà tôi nghĩ là quan trọng như là thành quả của THĐ này. Hy vọng rằng điều đó sẽ phản ánh một vài kinh nghiệm riêng của anh chị em và hữu ích cho anh chị em cũng như cho nhiều Giáo hội, cả ở Á châu lẫn các nơi khác. Điều tôi muốn chia sẻ là: tầm quan trọng của việc tân phúc âm hóa, một công cuộc tân phúc âm hóa bao hàm nỗ lực tái định hình một cách thức cụ thể cho sự hiện diện mới của các Giáo hội tại Á châu, như là thành phần cấu tạo nên công cuộc phúc âm hóa tại Á châu. Cách thức hiện diện này gọi là mới chính vì nó dần dần mang bộ mặt của Á châu và vì vậy ngày càng có thể thông đạt được cho người khác. Bên cạnh một Á châu có những tính chất đặc thù, sự hiện diện mới ấy đồng thời còn trở nên có ý nghĩa hơn đối với xã hội Á châu, nhất là đối với người nghèo và những người thiếu thốn, vì sự hiện diện thực sự của Giáo hội là để đáp ứng những nhu cầu cả về vật chất lẫn tâm linh của con người. Thực vậy, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới đã cho chúng ta thấy tất cả tầm mức quan trọng của việc nhìn công cuộc phúc âm hóa theo cách thức mới. Tất nhiên, chúng ta được kêu gọi để công bố Chúa Giêsu cho dân ngoại. Nhưng hiến chế Vui mừng và Hy vọng ghi nhận rằng chúng ta cũng có thể học hỏi từ thế giới, nhất là vì chúng ta trung thành với Chúa Giêsu, nghĩa là, chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu hiện diện trong thế giới. Người vẫn luôn hiện diện và hoạt động trong thế giới, kể cả thế giới Á châu.

3. Càng xác tín vào sự cần thiết phải loan báo đức Giêsu là Cứu Chúa của mọi người và do đó chúng ta càng cần phải dấn thân vào “sứ vụ này ở Á châu”, chúng ta lại càng ý thức rằng nếu muốn đạt được thành công nhiều hơn, không có cách nào khác hơn là tái định hình “cách thức là Giáo hội ở Á châu”. Và khía cạnh mới mẻ trong “cách thức là Giáo hội tại Á châu” phải là, trước hết, chúng ta tiếp tục tìm kiếm cách thức hoàn hảo hơn để Giáo hội đâm rễ tại Á châu và lớn lên trong diện mạo Á châu. Điều đó có nghĩa là: chúng ta sẽ tìm cách để các Giáo hội đặc thù hiện diện đầy đủ và sâu xa trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô do đức Giáo hoàng coi sóc, đức Giáo hoàng là nhân tố hiệp nhất trong một đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng đồng thời, các Giáo hội ấy cũng đâm rễ càng ngày càng sâu xa hơn vào các nền văn hóa của chúng ta, và vào những khát vọng sâu thẳm nhất của người dân Á châu. Khi nói điều này, chủ yếu là chúng tôi nghĩ rằng chính trong các Giáo hội tại Á châu cũng có sự cần thiết phải có những dị biệt. Bởi vì, khác với các truyền thống tôn giáo và các linh đạo lớn như trong Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, vẫn còn nhiều trào lưu tôn giáo mạnh như trong Lão giáo, Khổng giáo, Jaina giáo, Bái hỏa giáo, đạo Sikh, Thần giáo. Những trào lưu này, bằng những cách thức khác nhau và đặc biệt, ảnh hưởng tới những thái độ trong cuộc sống xã hội ở một số khu vực và quốc gia tại Á châu. Và ảnh hưởng này còn chưa tác động đến niềm tin của các bộ tộc và giáo huấn của các nhà hiền triết vẫn thấm nhuần đời sống văn hóa địa phương. Có những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của Hồi giáo, những khu vực khác chịu ảnh hưởng Ấn giáo, Phật giáo hoặc Thần giáo. Điều quan trọng là các Giáo hội địa phương phải có khả năng nhìn thấy những giá trị tôn giáo và nền văn hóa mà trong đó các Giáo hội ấy hiện diện. Những giá trị và nền văn hóa ấy cần phải đặc biệt được coi là những đối tác trong cuộc đối thoại tại khu vực về vấn đề. Các khía cạnh tôn giáo và văn hóa có giá trị của sự thiện và sự thật phổ quát, rất đáng được đón nhận như những kho tàng, vì chúng gần với những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đấng hoạt động trong các nền văn hóa này và trong những định chế của con người (xc. RM s. 28). Trong cái nhìn của những người theo tôn giáo và thực hành các giá trị ấy, thì cách hiện diện mới của Giáo hội có thể giúp cho những người này hiểu chúng ta hơn, giúp cho họ đến gần chúng ta hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho chúng ta trở nên phong phú khi chúng ta sống đời sống Kitô hữu.

4. Vì thế, trong các buổi thảo luận tại THĐ năm 1998, chúng tôi đã nhất trí rằng, “Các giáo hội cần phải thấm nhập vào những thực tại trái ngược nhau và thậm chí xung khắc nhau tại Á châu. Chỉ có sự thấm nhuần như thế mới có thể giúp Giáo hội xác định sứ vụ đến với dân tộc Á châu một cách khả dĩ hiểu được và chấp nhận được” (Đề nghị số 3). Trong khi thâm nhập vào những giá trị văn hóa và tôn giáo địa phương này, điều chúng ta nói đến là: sự hiện hữu của những giá trị xác thực mà chúng ta có thể khám phá thấy trong đó, chẳng hạn như lòng từ bi, sự tùng phục ý muốn Thiên Chúa, lòng thương cảm, sự chính trực, bất bạo động, công chính, hiếu thảo, hoà nhịp với thụ tạo, v.v… (xc. Đề nghị số 5). Với cùng một tinh thần ấy, trong khi thảo luận về cách thức trình bày Chúa Giêsu Kitô như lời loan báo đầu tiên, chúng tôi nói về Chúa Giêsu Kitô như vị Thầy dạy khôn ngoan, như Đấng chữa lành, Đấng giải phóng, Đấng linh hướng, Đấng soi sáng, Người bạn cảm thương người nghèo, người Samari nhân hậu, Đấng chăn chiên lành, Đấng tuân phục, v.v… Tất nhiên nên nhớ rằng điều này cần phải được hoàn thành với chương trình huấn giáo đầy đủ hơn về Chúa Giêsu Kitô như là Thiên Chúa thật và người thật (xc. Đề nghị số 6). Nhất là vì công việc này đòi hỏi chúng ta cắm rễ Giáo hội vào nền thực tại và văn hóa tôn giáo địa phương này, cho nên chúng ta hỗ trợ “việc hội nhập văn hóa vào lãnh vực thần học, phụng vụ, đào tạo LM và tu sĩ, huấn giáo, linh đạo, v.v…” (xc. Đề nghị số 36). Các nhà thần học của chúng ta xứng đáng được hỗ trợ một cách thích hợp đễ nghiên cứu sâu xa về những chủ đề này một cách nghiêm túc và can đảm, nhưng vẫn trung thành với Thánh kinh và Truyền thống Giáo hội (xc. nt. và Đề nghị số 7). Trong những vấn đề liên quan đến hội nhập văn hóa xét theo bản chất, “các hội đồng giám mục địa phương” nên đóng vai trò có ý nghĩa hơn trong việc đưa ra quyết định (xc. Đề nghị số 36).

5. Thứ đến, cách thức mới để Giáo hội hiện diện phải có ý nghĩa đối với dân tộc Á châu. “Khi xem xét tất cả những thách đố ở Á châu, chúng tôi nhận thấy chủ đề của THĐ là rất thích hợp, ‘Giáo hội hiện diện tại Á châu’ ngày hôm nay có nghĩa là ‘tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô Cứu Chúa bằng cách biểu lộ tình yêu và việc phục vụ cứu chuộc của Người ở Á châu’, nhờ đó người dân Á châu có thể đạt được sự phát triển nhân bản toàn diện một cách đầy đủ, và “để họ được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10).

Cộng với việc đem lại niềm hy vọng và sự sống mới trong đức Giêsu Kitô và trực tiếp phục vụ những người nghèo khổ bằng nhiều cách, chúng ta còn phải tham gia vào việc nỗ lực xóa bỏ những cơ cấu bất công dù là trong lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa hay quản trị, đồng thời xây dựng một nền văn hóa sự sống mới có đặc điểm là yêu thương, sự thật, lương thiện và công bình. Chính trong khía cạnh này của sứ vụ Kitô giáo mà người giáo dân đóng một vai trò chủ yếu hơn các linh mục và tu sĩ, tức là trong những lãnh vực mà họ đang sống giữa thế giới và giữa những hoạt động của thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho người giáo dân có khả năng và ngày được đào tạo cao hơn”. (ĐHY Julius Darmaatmadjia, Những nhận định kết thúc, ngày 13 tháng năm năm 1998, s. 3).

6. Những ý tưởng nêu trên cũng là những mối quan tâm được nhấn mạnh trong Hội nghị các giám mục Á châu lần thứ nhất tại Manila năm 1970, diễn tả một cách đầy đủ ý thức của các ngài là các Giáo hội ở Á châu thực hiện một sứ mạng, mà sứ mạng này cần phải liên hệ với “các nhu cầu văn hóa, tôn giáo, xã hội, kinh tế và cả chính trị” ở khắp Á châu. Có một nhu cầu ngày càng lớn là phải đáp ứng theo kiểu ngôn sứ những thách đố không ngừng lớn mạnh phát xuất từ những thay đổi tại các quốc gia Á châu, như là một dấu chỉ sự dấn thân của Giáo hội đối với sự phát triển con người toàn diện đích thực, một sự phát triển đặt nền trên sự nhập thể của Chúa Con. Như vậy, cách thức mới để Giáo hội hiện diện tại Á châu, sẽ là một cách thức cụ thể để Giáo hội trở thành Giáo hội “với” và “cho” con người nhằm thực hiện sự phát triển con người toàn diện, đạt đến sự viên mãn của sự sống mà đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã trao ban. Như thế, cách thức mới để Giáo hội hiện diện cũng sẽ đưa đến công cuộc tân phúc âm hóa đúng đắn.

7. Vậy, công cuộc tân phúc âm hóa của chúng ta có nghĩa là đem Tin mừng đến mọi chiều kích của cuộc sống và xã hội con người, và nhờ ảnh hưởng của Tin mừng mà biến đổi nhân loại từ bên trong, đồng thời đổi mới nhân loại. Đó là sự sống mới trong sự hiệp thông thực sự giữa con người và các nhóm người với nhau và với Thiên chúa, được tái diễn với tâm tình biết ơn trong việc bẻ bánh: một sự sống trong tình anh chị em thực sự. Đó là một sự sống tràn đầy niềm hy vọng vượt trên tất cả mọi niềm hy vọng. Đó là một sự sống đáp ứng mọi thứ thách đố đối với ơn soi giục của Chúa Thánh Thần. Đó là sự viên mãn của Nước Chúa mà đức Giêsu đã công bố và chúng ta phải công bố trong bối cảnh riêng của chúng ta. Giáo hội là một thực tại làm cho sự hiện diện của Nước Chúa trở thành có ý nghĩa (LG 1). THĐGM đặc biệt tại Á châu giúp toàn thể dân Chúa tại Á châu ghi nhớ cái nhìn này và đưa ra thực hành trong đời sống. THĐ giúp các Giáo hội tại Á châu chúng ta có cái nhìn của Chúa Giêsu khi Người trao ban trọn vẹn sự sống, như thánh Gioan đã mô tả. Một mặt, công cuộc tân phúc âm hóa của chúng ta phải tỏ lộ tất cả sức mạnh biến đổi của Thánh Thần của đức Giêsu Kitô phục sinh. Mặt khác, công cuộc ấy cần phải đề cập đến sự công bình, hòa bình và sự toàn vẹn của việc tạo dựng như là hoa trái và dấu chỉ thực tại cánh chung của Thiên Chúa. Vì thế, câu trả lời của người kitô hữu đối với mối đe dọa sự sống là thành phần toàn vẹn của việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo.

8. Cho dù các quốc gia ở Á châu chưa đạt được cùng một mức độ phát triển như nhau, nhưng có thể nói các quốc gia ở Á châu nhìn chung là những quốc gia đang phát triển. Mặc dù bao hàm khía cạnh kinh tế xã hội, nhưng sự phát triển là một cách diễn tả hiện đại chiều kích thiết yếu trong ơn gọi chung của con người: đó là đưa con người trở về với những giá trị nhân bản đích thực, đồng thời đào sâu và hoàn thành những giá trị đó trong Chúa Kitô. Nói cách khác: việc đáp ứng những vấn đề này và đặc biệt nhấn mạnh đến bản chất và những đặc tính của sự phát triển nhân bản đích thực là tác vụ mục vụ của Giáo hội. Trong tác vụ mục vụ này, Giáo hội ấn định giáo huấn về xã hội, giáo huấn này hệ tại những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ đẫn để hành động trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Như vậy, ở Á châu này, đức tin trở thành một phong trào phản kháng có tính ngôn sứ chống lại tội lỗi và những cơ cấu của tội lỗi, đồng thời là lời công bố hành động cứu chuộc của Thiên chúa trong Đức Giêsu Kitô như một thực tại khác trong và vượt quá lịch sử nhân loại. Để có thể diễn tả điều này một cách thích hợp, các Giáo hội Á châu cần bối cảnh hóa nền thần học bằng đường hướng liên kết nhiều ngành học thuật, với cái nhìn sâu xa về thực tại lịch sử của con người.

9. Công bố Tin mừng ở Á châu đã, đang và luôn luôn phải là công bố về cũng một Đức Giêsu Kitô Cứu Chúa của toàn thể nhân loại. Hiến chế về Mạc khải của công đồng Vatican II bảo chúng ta nên nhớ rằng, Con Thiên Chúa đã nhập thể trong một nền văn hóa đặc thù, nơi một con người đặc thù. Việc nắm giữ niềm tin này sẽ làm cho chúng ta ý thức Thiên Chúa hiệp nhất với nền văn hóa riêng của chúng ta như thế nào. Vì Đức Maria thưa “vâng” khi chấp nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Mẹ, nên chúng ta đã được cứu bằng chính sự hiện diện của Con Mẹ trong con người nhân loại của Mẹ nhờ Chúa Thánh Thần. Trong ý nghĩa đó, khi kết thúc phiên họp này, và khi đặt niềm tin của chúng ta trong “quyền năng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”, dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Giáo hội, chúng con xin Đức Thánh Cha ban phép lành và hỗ trợ chúng con, để chúng con có thể thực hiện việc công bố có tính cách “thông tri” và “đầy ý nghĩa” cho dân tộc Á châu, là dân tộc thực ra tự căn bản đã có niềm tin tôn giáo, và đồng thời đang thiếu thốn hầu như mọi sự. Vâng, quả thực là sẽ không có công cuộc phúc âm hóa đích thực nếu không công bố Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa của toàn thể nhân loại. Nhưng đối với Á châu, sẽ không có việc phúc âm hóa trọn vẹn nếu không có đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa khác. Không có phúc âm hóa đầy đủ nếu không đáp ứng những khát vọng sâu xa của các dân tộc Á châu. Không có lời loan báo Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa một cách đầy thuyết phục và đáng tin cậy trừ khi cùng với, thậm chí trước khi loan báo, Giáo hội trình bày tác vụ yêu thương thực tế của Đức Giêsu, một tác vụ cứu vớt con người khỏi những hoàn cảnh bất công, bách hại, khốn khổ, và thay vào đó là đem lại sự sống, phải, mà là sự sống dồi dào. Giờ đây, với tinh thần đó, khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta hãy lấy lòng biết ơn mà chào mừng Đại Toàn xá sinh nhật của Đức Giêu Kitô Cứu Chúa chúng ta.

(Chuyển ngữ: Tam Chung)

http://catechesis.net
114.864864865135.135135135250