20/11/2015 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1894
Tình thương đúng đắn cùng với sự tin tưởng vào khả năng biến đổi của ân sủng Thiên Chúa, là chìa khoá để giúp đỡ các anh em chị em tín hữu Công giáo đã ly dị và đã tái hôn theo luật đời, ĐTGM Charles Chaput, giáo phận Philadelphia, đã có lời phê bình như thế trước những đề xuất, muốn cho các anh chị em này rước lễ mà không cần phải hoán cải thay đổi đời sống.

“Thật là trớ trêu, đường hướng mục vụ chủ trương xem nhẹ hết mức các lỗi phạm nhân danh lòng nhân, thì đường hướng đó không thể được coi là nhân từ được, bởi vì, làm như thế là bất lương,” ĐTGM đã nói như thế trong bài được đăng trên số tháng 12 của tạp chí First Things, Mỹ quốc.

Lòng nhân từ đích thực phải được đặt nền nơi Kinh thánh và xác tín rằng, “ân sủng Thiên Chúa có năng lực biến cải chúng ta.” Ngài nói tiếp, đó cũng là chủ trương, đường hướng mục vụ của Giáo hội trong vấn đề các anh chị em đã ly dị và đã tái hôn.

“Các anh chị em đã ly dị và tái hôn vẫn được đón nhận như những thành viên của cộng đoàn những người tin. Nhưng Giáo hội không thể gạt qua một bên khẳng định của lời Thiên Chúa về tính bất khả phân ly của hôn nhân, cũng như không thể giảm khinh những hậu quả do bởi việc chọn lựa tự do của những con người trưởng thành”, ĐTGM Chaput nói.


(ĐTC Phanxicô gặp gỡ ĐTGM Charles Chaput, giáo phận Philadelphia, 
trong buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường thánh Phêrô, ngày 24.06.2015.)

ĐTGM dẫn trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại việc Đức Giê-su tha thứ cho một người đàn bà bị bắt gặp quả tang đang phạm tội ngoại tình, suýt nữa thì chị đã bị ném đá cho chết. Ai cũng cần được Chúa xót thương, kể cả những kẻ tự cho mình là công chính, ĐTGM nói.

“Chỉ duy Đức Giê-su mới có thể cứu chúng ta mà thôi. Chỉ Người mới có quyền ném hòn đá đầu tiên mà thôi. Nhưng Người đã không làm như vậy, thay vào đó, Người bảo với chị phụ nữ, Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!

“Thiên Chúa chẳng hề mắc nợ chúng ta việc tha thứ hay ơn cứu chuộc – Người
chẳng nợ nần gì ai cả. Lòng nhân từ của Thiên Chúa cũng chẳng phải là đảm bảo để chúng ta cứ thế mà tiếp tục thoải mái phạm tội,” ĐTGM lặp đi lặp lại lời này: “Lòng nhân từ của Chúa đòi hỏi người ta phải đáp trả thế này ‘về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’

“Khi tha thứ cho chị phụ nữ, Đức Giê-su đã tha thứ vì lòng nhân, đấy là điều các luật lệ luân lý không bao giờ chấp nhận. Người đã ban lại cho chị một đời sống mới trong mối thân tình với Thiên Chúa,”
ĐTGM nói thêm.

Ngài cũng có những lời suy xét thấu đáo về các đề nghị cho phép rước lễ đối với các anh chị em đã ly dị và đã tái hôn theo luật đời, mà lại tỏ ra chưa hoán cải đời sống, và dây hôn phối trước chưa được tháo.

“Theo những đề xuất này thì, những cặp đôi sống chung nam nữ thường xuyên với những người, mà theo quan điểm của Giáo hội, không phải là vợ hay chồng chính thức của mình, có thể được rước lễ mà không cần phải xưng tội, và cũng không cần phải nỗ lực sống khiết tịnh như anh chị em với nhau. Xuất phát điểm thường được nại đến của những đề xuất như vậy là do bởi ‘tình thương’, và được củng cố thêm bằng lập luận cho rằng ‘sự thực là có nhiều cặp đôi như vậy sống rất tốt lành, có thiện ý và hơn nữa vì họ đã trót có thêm các mối quan hệ mới khá lằng nhằng, đặc biệt và thường thấy là có con cái với nhau’”.

ĐTGM không chấp nhận những lập luận cho rằng, truyền thống Giáo hội không cho phép những người như thế rước lễ, hành xử như thế thật quá đáng và mang tính loại trừ đối với những người đang rối hôn phối. Ngài khẳng định, Giáo hội “không thể chuẩn nhận và cổ suý cho việc người ta sống theo những cách thức khiến họ bị tách lìa khỏi Thiên Chúa, mà một trật, lại vẫn còn trung thành với sứ mệnh được giao” .

ĐTGM nói lòng thương xót của Chúa Ki-tô không phải là “một phán quyết phủ nhận tất cả các phán quyết khác.” Hậu quả và sự tàn phá của tội lỗi “chẳng thể được phục hồi, chữa lành một cách dễ dàng – tội ngoại tình là một ví dụ rõ ràng, điển hình.” Dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc gặp gỡ giữa Đức Ki-tô với người phụ nữ ngoại tình cũng là một lời nhắc nhớ rằng, “tách lìa khỏi ân sủng của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều sẽ bị biến dạng, bị méo mó đi bởi chính những ước muốn lệch lạc từ lòng mình.”

Ngài nói, sự thật là điều tối cần đối với Bí tích Hoà giải. Khi lãnh nhận một cách chân thành, bí tích là “nẻo đường vững bền đưa tới hoán cải và thánh thiện.”

“Dấn bước chân thành đến cùng Chúa luôn luôn bao hàm việc người ta phải rời xa tội lỗi,” ĐTGM nói tiếp.

“Giáo hội có thể thể chân thật mà không nhân từ, giống như các kinh sư là những người muốn ném đá người đàn bà ngoại tình, đã vi phạm luật Môsê. Nhưng Giáo hội không thể nhân từ mà không chân thật được.”

“Một định hướng mục vụ, do bởi buông xuôi hay thỏa hiệp ít nhiều, mà bỏ qua sự thật này, sẽ khiến niềm tin bị sa sút đi, chứ không bao giờ được củng cố hay gia tăng lên,”
ĐTGM nói.

“Hệ luận theo sau một giáo huấn và việc cử hành không nghiêm chỉnh, không đúng đắn liên quan đến các bí tích, không phải là một đời sống đạo sốt sắng hơn, nhưng là một sự đổ vỡ,” ngài nói tiếp, đây là những điều đã xảy ra tại một số nơi bên Âu châu, những nơi giáo huấn của Giáo hội không được thực thi.

Về lời hiệu triệu của ĐTC Phanxicô, lời hiệu triệu mà ngài đưa ra kêu gọi các Ki-tô hữu hãy đồng hành cùng với các anh chị em của mình trong những “thực tế đổ vỡ của cuộc đời họ”, ĐTGM có lời bàn thế này:

“Đây chính là khía cạnh cốt yếu của lòng nhân từ, và là một biểu đạt không thể thiếu của đức ái Ki-tô giáo. Những trói buộc của tội lỗi rất mạnh mẽ, và thường thì ân sủng Thiên Chúa sẽ tháo cởi chúng một cách tiệm tiến. Nhiều khi, những lời can hệ nhất mà một người cần phải nghe, lại là những lời, tốt hơn hết, nên được thủ thỉ rót vào tai một cách nhẹ nhàng và kiên trì. Chúng ta cần tiếp cận, gần gũi với những anh chị em mà chúng ta yêu thương, nếu chúng ta thực sự muốn góp phần mình giúp họ sống Tin Mừng một cách tròn đầy.”

ĐTGM cảnh báo, ở vào “một thời đại của đủ thứ trị liệu”, người ta đã hiểu sai nỗ lực như vừa nói trên đây, người ta bất chấp tất cả, cho qua mà chuẩn nhận người khác, “một cách bừa bãi mà không xét đến hoàn cảnh riêng của từng người”.

“Như thế không phải là nhân từ. Lòng nhân từ của Thiên Chúa luôn luôn đẩy chúng ta tiến bước đi lên, hướng thượng. Không tội lỗi nào đó thể đẩy chúng ta ra khỏi tầm với của vòng tay tha thứ của Thiên Chúa. Lòng nhân từ của Người muôn đời bền vững,” ĐTGM khẳng định. Và Ngài nói thêm, “Thật là phi nhân khi bảo, ‘Hãy tiến lên,’ rồi tiếp đó lại ra dấu bảo, đừng di chuyển, không cần phải bước ra khỏi vòng quyến luyến của tội lỗi, không cần phải sống theo những chuẩn mực mang lại sự sống của Thiên Chúa, không cần phải tuân theo luật của Đức Giê-su Ki-tô.”

“Ki-tô hữu là những người được sai phái vào trần gian này và mang trên cuộc đời mình, dấu ấn tình thương thập tự,” ĐTGM nói. Tình thương này được thể hiện ra qua việc “rao truyền Tin Mừng ơn cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô.” Đấy không phải là việc “chuẩn nhận” ai đó, nhưng là một điều gì đó cao cả hơn nhiều: ơn cứu độ.

“Giáo hội trong Năm thánh lòng thương xót này mời gọi chúng ta một lần nữa trực diện để cảm nếm tình yêu của Thiên Chúa Cứu Độ,” ĐTGM kết luận. “Giáo hội mở cửa toang cánh cửa ra với thế giới, và mời gọi mọi người hãy đến và dự phần vào Bữa Tiệc Chiên Thiên Chúa.”

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.ncregister.com
114.864864865135.135135135250