15/09/2015 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1419

Ngày 08-09-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành hai Tự sắc “Mitis Iudex Dominus Iesus” (Chúa Giêsu, vị Thẩm phán hiền lành) – dành cho Giáo hội Công giáo Latinh và “Mitis et misericors Iesus” (Chúa Giêsu hiền lành và hay thương xót) – dành cho các Giáo hội Đông phương, về việc cải tổ tiến trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu theo Giáo luật, theo hướng đơn giản hoá các thủ tục này.

Cả hai văn kiện đã được các thành viên của một Ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ nghiên cứu việc cải tổ các vụ án hôn nhân theo giáo luật, trình bày trong buổi họp báo sáng thứ Ba 08-09 tại Phòng Báo chí Toà Thánh. Uỷ ban đặc biệt này do Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập ngày 27-08-2014 với chủ tịch là Đức ông Pio Vito Pinto, Chánh án Toà Thượng Thẩm Rota. Trong số 11 thành viên  của Uỷ ban, có Đức hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Giải thích các Văn bản luật.

Trong Lời mở đầu, Tự sắc vẫn khẳng định nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân phải được tôn trọng, nhưng luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn. Vì thế, “Đức bác ái và lòng thương xót đòi hỏi Giáo hội phải như người mẹ đến với con cái đang cảm thấy mình bị xa lìa”. Và thay đổi đầu tiên là từ nay, chỉ cần một phán quyết tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Thay đổi thứ hai: sẽ chỉ có một thẩm phán duy nhất thuộc trách nhiệm của giám mục và giám mục phải bảo đảm vị thẩm phán không phải là người theo chủ trương phóng khoáng. Giám mục cũng có thể đảm nhiệm chức năng thẩm phán trong một số trường hợp hay tại các giáo phận nhỏ. Như vậy, ngài là thẩm phán theo luật trong trường hợp một vụ án có thủ tục được rút ngắn. Vụ án ngắn gọn này có thể diễn ra khi phán quyết hôn nhân vô hiệu dựa trên những luận cứ đặc biệt hiển nhiên.

Các kháng án trước hết phải được gửi lên toà án của Giáo tỉnh, cuối cùng có thể kháng án lên Toà Thượng thẩm Rota của Toà Thánh.

Tự sắc này cũng nhấn mạnh đến vai trò của các Hội đồng giám mục. Việc tái lập mối liên hệ gần gũi giữa vị thẩm phán với các tín hữu sẽ không có kết quả nếu các Hội đồng giám mục không cổ vũ và không giúp các giám mục thực thi việc cải tổ các vụ án hôn nhân. Các Hội đồng giám mục cũng phải bảo đảm tính cách nhưng không của các vụ xét xử, quađó, chứng tỏ “tình yêu nhưng không của Đức Kitô”.

Như vậy có nhiều phương cách nhằm đưa trở về Giáo hội “con số lớn lao các tín hữu, vốn nhiều khi xa rời các cơ cấu pháp lý của Giáo hội vì ở xa về mặt địa lý hay luân lý”.

Trên tờ L’Osservatore Romano ra cùng ngày 08-09, Đức ông Pio Pinto đã nói về việc Đức Thánh Cha ban hành hai Tự sắc này như sau: “Như vậy Đức Thánh Cha Phanxicô, qua điều luật cơ bản này, đã thực sự bắt đầu công cuộc cải tổ của ngài: đặt người nghèo vào trung tâm - người nghèo ở đây nghĩa là người ly dị và tái hôn, bị coi như hoặc bị đối xử như người ở xa, và yêu cầu các giám mục phải có sự thay đổi (metanoia) thực sự và thích hợp. Đó là thay đổi não trạng, giúp các ngài nhận ra và thúc đẩy các ngài đi theo lời mời gọi của Chúa Kitô - lời mời gọi này được gửi đến các ngài qua người anh em của các ngài là Giám mục Roma, để đi từ con số hạn chế chỉ một vài ngàn trường hợp được tuyên bố hôn nhân vô hiệu đến con số rất nhiều người bất hạnh, muốn được tuyên bố hôn nhân vô hiệu (vì rõ ràng không có đức tin) … nhưng lại phải đứng ngoài hệ thống hiện hành”.

Còn Đức ông Alejandro W. Bunge, thẩm phán Toà Thượng Thẩm Rota, trong buổi họp báo trình bày hai Tự sắc của Đức Thánh Cha, sau khi giải thích những điểm cải tổ chính, ngài kết luận: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, và tôi xin thêm: con người được cứu rỗi nhờ Giáo hội biết chuyên tâm thực thi thừa tác vụ công lý và lòng thương xót”.

(Mai Tâm)

http://www.hdgmvietnam.org

114.864864865135.135135135250