04/04/2021 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1165
Photo: Vatican Media

Lúc 7 giờ 30 tối thứ Bảy Tuần thánh, 3/4/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự lễ Vọng Phục sinh trong Đền thờ thánh Phêrô.

Italia đang ở trong tình trạng giới hạn toàn quốc ở mức độ đỏ, là mức cao nhất trong những ngày này. Ban tối giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Thánh lễ Vọng Phục sinh năm nay được cử hành sớm hơn năm ngoái một tiếng rưỡi và số người tham dự đông đảo hơn, tuy vẫn giới hạn tại khu vực bàn thờ Ngai tòa trong Đền thờ thánh Phêrô. Đồng tế với Đức Thánh cha có gần 30 Hồng y và hơn 100 tín hữu hiện diện.

Lễ Vọng Phục sinh bắt đầu với nghi thức làm phép lửa ở cạnh bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, trên mộ thánh Phêrô, và từ đây có cuộc rước tiến qua gần bàn thờ thánh Giuse, đến bàn thờ Ngai tòa, nơi Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ.

Không có cây nến Phục sinh và cũng không có cây nến nào được phân phát cho những người tham dự. Trái lại, Đền thờ thánh Phêrô được bật đèn sáng từ từ cho đến lúc tột đỉnh là kinh Vinh Danh. Khi ấy, các chuông của Đền thờ được đánh lên.

Bài giảng

Trong bài giảng cuối phần phụng vụ Lời Chúa, gồm năm bài Sách thánh, Đức Thánh cha gợi lại lời thiên thần nói với các phụ nữ đến viếng mộ Chúa và thấy ngôi mộ trống trơn: “Các bà đừng sợ! Các bà tìm Chúa Giêsu Nazareth chịu đóng đanh. Người đã sống lại!” (Mc 16,6). Tiếp theo đó là lời mời: “Người sẽ đi trước các bà đến Galilea, tại đó các bà sẽ thấy Người” (v.7). Đức Thánh cha nói: “Cả chúng ta cũng hãy đón nhận lời mời này, lời mời gọi Lễ Phục sinh: Chúng ta hãy đến Galilea, nơi Chúa Phục Sinh đi trước chúng ta. Nhưng “Đi đến Galilea” có nghĩa là gì? Và Đức Thánh cha nêu rõ ba ý nghĩa của thành ngữ này. Ngài nói:

Đi đến Galilea, trước tiên có nghĩa là bắt đầu lại. Đối với các môn đệ, đó là trở lại nơi mà lần đầu tiên Chúa đã tìm họ và gọi họ theo Ngài. Đó là nơi gặp gỡ đầu tiên và là nơi của mối tình đầu. Từ lúc ấy, họ bỏ lưới để theo Chúa Giêsu, nghe lời giảng dạy và chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Dầu vậy, tuy luôn ở với Chúa, họ đã không hiểu tường tận, và thường hiểu lầm những lời của Ngài, và đứng trước thập giá, họ bỏ trốn, để Chúa một mình. Dù có thất bại đó, Chúa Phục Sinh vẫn tự giới thiệu như Vị đi trước họ đến Galilea. Chúa Phục Sinh đang nói với họ: “Chúng ta hãy tái khởi hành từ nơi chúng ta đã bắt đầu...”. Tại Galilea ấy, chúng ta học sự kinh ngạc về tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng vạch ra những con đường mới bên trong những con đường thất bại của chúng ta”.

Đức Thánh cha nói: “Đây là lời loan báo Phục Sinh đầu tiên tôi muốn gửi đến anh chị em, đó là: luôn luôn có thể bắt đầu lại, vì có một con đường mới mà Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta bắt đầu lại nơi chúng ta, vượt lên trên những thất bại của chúng ta (...) Và trong những tháng đen tối vì đại dịch này, chúng ta nghe thấy Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy bắt đầu lại, và đừng bao giờ mất hy vọng.”

Thứ hai, đi đến Galilea có nghĩa là đi theo những con đường mới; là đi ngược chiều với con đường dẫn đến mộ. Các phụ nữ tìm Chúa Giêsu nơi mộ, nghĩa là họ đến để nhớ lại những gì họ đã trải qua với Ngài và giờ đây vĩnh viễn không còn nữa. Họ đến để làm vơi đi buồn sầu. Đó là hình ảnh một đức tin trở thành việc tưởng niệm một việc đẹp đẽ nhưng không còn nữa, chỉ để nhớ lại. Bao nhiêu người sống đức tin kỷ niệm đẹp, như thể Chúa Giêsu là một nhân vật quá khứ, một người bạn thời thanh xuân nay đã trở thành xa xưa (..). Trái lại, đi đến Galilea có nghĩa là học biết rằng đức tin, để được sinh động, phải luôn tái lên đường. Phải khơi lại mỗi ngày bước đầu hành trình, sự kinh ngạc về cuộc gặp gỡ đầu tiên (...).

Và đây là lời loan báo thứ hai của Lễ Phục sinh: đức tin không phải là một bản cũ, Chúa Giêsu không phải là một nhân vật quá khứ đã qua. Ngài sinh động, ở đây và lúc này. Chúa đồng hành với bạn mỗi ngày, trong tình cảnh bạn đang sống, trong thử thách bạn đang trải qua, trong những mơ ước bạn đang mang trong lòng. Chúa mở ra những con đường mới nơi bạn nghĩ là không có, Chúa thúc đẩy bạn đi ngược dòng, trái với sự tiếc nuối và những gì “đã thấy rồi”. Cho dù tất cả dường như đã mất, bạn hãy cởi mở đối với sự kinh ngạc trước những mới mẻ của Chúa.

Ngoài ra, đi đến Galilea cũng có nghĩa là đi tới biên cương. Vì Galilea là nơi xa xăm nhất, tại vùng tứ chiếng ấy, có bao nhiêu người sống xa lạ với sự tinh tuyền về tế tự tại Jerusalem. Vậy mà Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Ngài tại đó, loan báo cho những người đang sống cơ cực mỗi ngày, nói với những người bị loại trừ, những người yếu đuối, nghèo nàn, để trở thành khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi tìm kiếm người nản chí hoặc hư mất (...)

“Và đây là lời loan báo thứ ba về Lễ Phục sinh: Chúa Giêsu Phục Sinh yêu thương chúng ta vô bờ bến và viếng thăm mỗi hoàn cảnh sống của chúng ta. Chúa đã đặt sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và mời gọi chúng ta hãy vượt lên trên các hàng rào, chiến thắng những thành kiến, đến gần người ở cạnh ta mỗi ngày, để tái khám phá ơn thường nhật. Chúng ta hãy nhận ra Ngài hiện diện trong những miền Galilea của chúng ta, trong đời sống hằng ngày. Với Chúa, cuộc sống sẽ thay đổi, vì vượt lên trên tất cả những thất bại, sự ác và bạo lực, vượt lên trên mọi đau khổ và chết chóc, Chúa Phục Sinh đang sống và dẫn đưa lịch sử”.

Sau bài giảng, không có nghi thức ban phép rửa tội theo thông lệ, nhưng chỉ có nghi thức lập lại những lời hứa khi chịu phép rửa tội.

Trong phần các lời nguyện phổ quát, theo lời xướng của thầy Phó tế, cộng đoàn đã cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Thánh cha và tất cả các mục tử, cho hòa bình trên thế giới, những nơi còn bị chiến tranh, bạo lực và khủng bố, cầu cho các dự tòng được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo và cho mọi tín hữu hiện diện được ánh sáng mới trong đêm thánh này luôn hướng dẫn trên con đường bác ái.

G. Trần Đức Anh, O.P.

114.864864865135.135135135250