14/02/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

1975
Trong cuốn sách mới viết về đức Bênêđíctô XVI, ký giả làm việc ở Vatican, ông Marco Mancini cho rằng, vị Giáo hoàng đã nghỉ hưu được nhiều người biết đến vì quyết định thoái vị gây bất ngờ của ngài, nhưng gia sản ngài để lại cho đời phải được tính lên trước thời điểm đó nhiều.

“Thật không may, chúng ta nhớ đến đức Bênêđíctô vì cử điệu mạnh mẽ của ngài trong việc thoái vị, nhưng nếu chúng ta chỉ nhớ đến ngài vì có thế thôi, thì đó không phải là một việc công bằng, không đúng sự thật,” ông Mancini nói với hãng tin CNA.

Điều ấy cũng không ứng hợp với những gì đã thực sự diễn ra, không công bằng với triều giáo hoàng, và với chính nhân cách, con người của ngài, “vì lẽ trong 8 năm, ngài đã thực sự phải đối đầu với tất cả những chiều kích, những cấp bách mà Giáo hội Công giáo phải kinh qua.”

Cách nay đúng 3 năm, tuyên bố thoái vị ngôi giáo hoàng của đức Bênêđíctô ngày 11-02-2013, khiến cả Giáo hội ngỡ ngàng “như ánh chớp chói loà giữa bầu trời xanh trong,” như lời một vị hồng y có mặt trong khán phòng, lúc vị giáo hoàng công bố quyết định khiến cho Vatican và cả thế giới phải té ngửa.

Nhưng qua cuốn sách có tựa là “Benedetto XVI: Un Papa Totale” (tạm dịch: “Đức Bênêđíctô XVI: vị giáo hoàng trọn vẹn”) của mình, ông Mancini, 33 tuổi, khẳng định, điều đáng ghi nhớ nhất về đức Bênêđíctô không phải là việc ngài thoái vị, nhưng là tất cả những gì ngài đã làm để giúp Giáo hội đi qua những bước ngoặt đa chiều, lớn lao và khó khăn, trong khoảng thời gian 8 năm triều giáo hoàng của ngài.

Cuốn sách, hiện đã có bản tiếng Ý, được công bố tại Học viện giáo hoàng Teutonico hôm 02-02. Các thuyết trình viên tại sự kiện này gồm có ông Mancini, ông Angela Ambrogetti – biên tập viên tờ tin ACI Stampa (CNA ấn bản tiếng Ý) – cùng với tổng giám mục (TGM) Georg Gaenswein, đại diện của đơn vị chủ nhà.

TGM Gaenswein nói với CNA rằng, theo ngài, “chúng ta cần khám phá, tìm hiểu về” gia sản lớn lao nhất của đức Bênêđíctô, nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta có thể nhận ra ngay lúc này, đó là “một lời chứng về mặt nhân cách lẫn cách làm thần học của một thần học gia lớn, nhưng có cách làm thần học thật khiêm hạ.”

“Cuộc cải cách âm thầm” mà đức Bênêđíctô đã thực hiện, vốn là trọng tâm ưu tiên trong đường hướng cai quản Giáo hội của ngài, “được thực hiện đâu ra đó, nhưng trên hết được thực hiện bằng thứ thần học khúc triết của ngài nữa”, vị TGM nói thêm.

Ông Mancini, hiện đang viết cho tờ ACI Stampa, trước đây là một bình luận viên thể thao, bắt đầu nghề ký giả vào năm 2003 khi viết cho hãng tin Ý “Area” ở phần mục chính yếu là tin quốc nội, đặc biệt là các tin liên quan đến Vatican.

Ông đã tường thuật cả cơ mật viện 2005 bầu ra đức Bênêđíctô XVI, và cơ mật viện 2013 bầu ra giáo hoàng Phanxicô, người kế vị đức Bênêđíctô. Năm 2013, ông làm đồng tác giả với người đồng nghiệp Andrea Gagliarducci cuốn sách tựa đề là “La quaresima della Chiesa,” (Mùa Chay của Giáo hội).

Trong cuộc phóng vấn dành cho CNA, ông Mancini cho biết, ban đầu cuốn sách về đức Bênêđíctô dự định được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngài được bầu làm giáo hoàng, nhưng việc chuẩn bị bản thảo kéo dài hơn dự tính.

Mặc dù được ấn hành vào đúng dịp kỷ niệm 3 năm đức Bênêđíctô tuyên bố thoái vị, cuốn sách “không muốn nhắm gợi nhớ đến sự kiện này cho bằng, nó muốn nhắc nhớ về toàn bộ triều giáo hoàng của ngài”.

“Tôi cố gắng trình bày về triều giáo hoàng của đức Bênêđíctô trong 100 trang sách, đấy đúng là điều không tưởng. Dầu vậy, tôi cũng cố gắng nhấn mạnh đến những khía cạnh trong triều giáo hoàng này, những khía cạnh có lẽ ít được công chúng biết đến, chẳng hạn, về thuyết tương đối, và những dấn thân cho việc đại kết của ngài.”

Với tổng cộng 96 trang, cuốn sách cho thấy một cái nhìn bao quát về những gì đức Bênêđíctô XVI đã thực hiện nhằm chống lại những nguy cơ, những tai hoạ lớn lao xảy ra cho Giáo hội, và xã hội, chẳng hạn sự bùng phát tràn lan của thuyết tương đối, cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn ấu dâm, tình trạng thù hằn các Kitô hữu gia tăng, cũng như xì-căng-đan “Vatileaks” lần I.

Cuốn sách cũng đề cao nhiều nỗ lực thực hiện việc đối thoại đại kết của đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt là với Chính thống giáo và các giáo hội Anh giáo, cũng như những lưu tâm của ngài trong việc bảo vệ, chăm sóc môi trường, cổ võ sự phát triển mang tính bền vững.

Ông Mancini cũng nhắc lại, chính đức Bênêđíctô là người đã khởi sự tiến trình cải tổ và “bạch hoá” giáo triều, một công việc được giáo hoàng Phanxicô tiếp tục, đặc biệt trong vấn đề tài chánh, giản lược quá trình xin tiêu hôn và thực hiện việc đối thoại với các anh em Hồi giáo.

“Minh bạch tài chánh và xử lý nạn ấu dâm là hai điểm nhấn trong tiến trình cải tổ mà đức Bênêđíctô đã khởi sự nơi Giáo hội. Chính ngài đã khởi sự,” ông Mancini khẳng định.

“Cũng thật là may mắn, người kế nhiệm của ngài cũng tiếp tục đường hướng cải tổ này,” ông Mancini còn nhắc lại sự kiện, Tháng Mười Một vừa qua, sau khi trở về từ Phi châu, chính ĐTC Phanxicô đã khẳng định rằng, đức Bênêđíctô chính là người đã khởi sự công cuộc cải tổ.

Trên chuyên cơ dành cho giáo hoàng bay từ Bangui về lại Rôma hôm 30-11-2015, đức Phanxicô đã nhận được câu hỏi từ một ký giả về sự hủ hoá tại Vatican. Trong câu trả lời, ĐTC có nhắc đến sự kiện hôm Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, 13 ngày trước khi thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II từ trần, hồng y Ratzinger nói về cái gọi là “những rác rưởi trong Giáo hội.”

“Ngài là người đầu tiên lên án nó”, đức Phanxicô cho biết, và cho biết thêm, hồng y Ratzinger còn nhắc lại điều này thêm một lần nữa ngay trước cơ mật viện, “và chúng tôi đã chọn ngài vì sự phóng khoáng, mạnh bạo trong các phát ngôn.”

Trong các bình luận với trang tin CNA, ông Mancini còn cho biết, mặc dù đức Bênêđíctô đã nỗ lực rất nhiều để khởi sự tiến trình cải tổ vẫn đang được tiếp tục hiện nay, không phải mọi chuyện đều “xuôi chèo mát mái” đâu – ngài phải đối mặt với sự chống đối, giống như đức Phanxicô hiện nay vậy.

“Khi vấn đề cải tổ được đặt ra, bất kể đó là cải tổ điều gì đi nữa, luôn luôn sẽ có sự chống đối. Giáo hoàng Bênêđíctô đã phải đối diện với rất nhiều sự chống đối và khó khăn,” ông Mancini khẳng định.

Một trong những vấn đề gai góc nhất mà đức Bênêđíctô phải trực diện ngay sau khi ngài được bầu lên, đó là việc giáo triều, theo như ông Mancini mô tả là “quá độc lập”, do đức Gioan Phaolô II sức khoẻ giảm sút vào những năm cuối triều giáo hoàng của ngài.

“Vấn đề, theo tôi là, vào quãng cuối trong triều giáo hoàng của đức Gioan Phaolô II – ngài là một giáo hoàng kiệt xuất, rất kiệt xuất – vấn đề là, những giới hạn thể chất, sức khoẻ khiến ngài không trực tiếp điều hành được gì nhiều.”

Và hậu quả là, khi đức Bênêđíctô bắt tay vào việc, ngài phải đặt mọi sự, mọi việc về lại chỗ của nó, do vậy, “công cuộc cải tổ và thiết lập lại trật tự được thực hiện ngay tức khắc.”

Bên cạnh những nỗ lực của đức Bênêđíctô trong việc thực hiện minh bạch tài chánh và xử lý các vụ lạm dụng tình dục, ngài cũng là người đầu tiên lập ra một uỷ ban để nghiên cứu tiến trình tiêu hôn hợp lý hơn.

Uỷ ban này đã kết thúc công việc của mình và đã có kết quả trình lên, nhưng vì đức Bênêđíctô đã thoái vị, nên ngài không thể tiếp tục công việc này được nữa. Đức Phanxicô đã lấy lại những kết quả từ uỷ ban này, ngài lập ra một uỷ ban mới và có những tìm hiểu cập nhật hơn về vấn đề, và kết quả, một tiến trình tiêu hôn mới đã được áp dụng từ ngày 10-12-2015.

Về những chống đối mà đức Bênêđíctô gặp phải, ông Mancini cho biết, ông tin rằng, cũng vẫn là những “phe cách” ấy, đang chống đối lại tiến trình cải tổ mà đức Phanxicô đang cố thực hiện.

“Tôi cho rằng, có nhiều sự tiếp nối, giống nhau giữa hai vị: dù là xét đến những người chống đối tiến trình cải tổ, hay là xét đến cách thức, đường lối cải tổ Giáo hội,” vì lẽ, đức Phanxicô “đang tiếp tục cũng những công việc mà đức Bênêđíctô đã khởi sự”.

“Do đó, tôi thấy cần phải nói cho thật nhiều người biết rằng, cần phải cám ơn đức Bênêđíctô thật nhiều, vì những gì ngài đã làm cho Giáo hội Công giáo.”

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)
http://www.catholicnewsagency.com
114.864864865135.135135135250