18/12/2016 -

Tin giáo hội Hoàn Cầu

2569
(Bài này có những đoạn mô tả bạo lực, độc giả cần lưu ý.)

Christian Shabo sinh ra ở dưới một gốc cây trong trại tị nạn sau khi gia đình của cô phải chạy loạn vì thành phố quê hương tại Iraq bị dội bom hồi năm 1991.

Nhiều người thân quen của cô đã bị giết bởi IS – một trong số họ bị bằm nát ra từng mảnh rồi gửi về cho gia đình – nhiều người khác tiếp tục phải chiến đấu để bảo toàn mạng sống sau khi bị tấn công ác liệt nhiều lần.

Tuy thế, thay vì ôm mối thù hận như thường thấy với những kẻ đã sát hại gia đình và dân tộc của mình, cô lại quyết định cầu nguyện cho ISIS, cầu nguyện để chúng hoán cải.

“Con xin Chúa Giêsu ban cho con ân sủng và sức mạnh để tha thứ mỗi lần con Lần Chuỗi Lòng Thương Xót. Nhưng thay vì cầu nguyện ‘Vì cuộc tử nạn đau buồn của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’, con cầu nguyện là “xin thương xót ISIS và toàn thế giới’”.

Đây là điều mà Shabo, cô gái trẻ 25 tuổi, đã nói, cô bảo rằng, cô quyết định chọn cầu nguyện như là phương thế giúp cô học biết tha thứ cho những tên khủng bố đã sát hại người thân và dân của cô.

Cô đã là chứng nhân trước các người trẻ khác trong dịp hè vừa qua, như là một phần trong buổi hội ngộ giáo lý ở Đại hội giới trẻ thế giới tại Krakow, cô kể lại chi tiết các sự kiện tang thương đã khiến gia đình cô phải tìm mọi cách để chạy khỏi Iraq, cùng những kinh hoàng xảy tới sau khi ISIS bùng lên hồi năm 2014.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho CNA sau buổi làm chứng, Shabo cho biết, quyết định nói chuyện tại Đại hội giới trẻ thế giới là quyết định vào phút chót của cô, cô được yêu cầu là nói về việc thứ tha bao dung trong cuộc nói chuyện này.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu như thế, ý nghĩ đầu tiên của Shabo là “Tôi không tha thứ cho ISIS”.

“Tôi phải vật lộn với điều ấy, vì thực sự tôi chưa tha thứ được. Đó vẫn là nỗi ám ảnh hàng ngày đối với tôi”, cô kể, và cho biết, cô vẫn mang oán hận, do đó, con đường dẫn tới tha thứ quả thật rất cam go, là công việc của từng ngày từng ngày.

Nhưng phải thú thật điều này là, sau khi nghe chuyện đời của Shabo, chúng ta dễ dàng hiểu được nguồn căn của những cảm xúc này.

“Tôi là một đứa bé của phép lạ. Tôi thực sự là một phép lạ”, cô cho biết, mẹ cô mang thai tháng thứ tám khi gia đình đưa ra một quyết định rất khó khăn lúc đó là phải rời Iraq hồi năm 1991, vì lo sợ thành phố quê hương sẽ bị dội bom trong Chiến Tranh Vùng Vịnh.

Họ là một trong số nhiều ngàn người khác quyết định ra đi trong một lộ trình đầy nguy hiểm, băng qua nhiều núi đồi hướng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, với bom đạn được trút xuống ngay bên.

Cô kể nhiều người đã bỏ mạng trên đường, trong đó có người chị họ 8 tuổi của cô tên Rita. Shabo cho biết, khi Rita chết, bác của cô không đành lòng chôn chị trên các ngọn núi, do vậy đã vác cái xác dọc dường như thế cho tới tận Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay khi gia đình vượt qua được biên giới, họ chôn Rita dưới một gốc cây trong trại tị nạn. Thế là, “một chuyện còn điên khùng hơn nữa đã xảy tới,” chỉ một tháng sau đó, mẹ của Shabo vỡ ối gần chính cái cây đó, “và mẹ tôi đã sinh tôi ngay lúc đó và chính ở đó”.

Khi Shabo và gia đình cô có được quy chế tị nạn tại Detroit hai năm sau, nhiều thân nhân của cô vẫn còn ở lại Iraq nơi bạo lực vẫn chưa dứt, nhưng còn dồn dập hơn với sự bùng phát của IS.

Thế giới bạo lực hồi sơ sinh của Shabo một lần nữa “sống dậy” vào ngày 20 Tháng Sáu 2014, khi các chiến binh ISIS chiếm Mosul, sát hại các Kitô hữu và khống chế các tín đồ Hồi giáo không có cùng quan điểm cực đoan như chúng, bắt họ phải trả thuế cao, hoặc là phải chạy trốn khỏi thành phố.

Shabo kể, trong cuộc tấn công này, một người thân của cô “bị sát hại cách dã man… Anh ấy bị chặt ra làm nhiều mảnh” và được gửi về cho gia đình anh ấy trong một cái bao.

“Bạn tưởng tượng đi, một người mà bạn thương mến được gửi về cho bạn trong một cái bao và thân thể bị bằm ra làm nhiều phần. Đúng là chết điếng đi được! Do vậy khi được nghe kể những chuyện như thế này, làm sao mà tôi không phát khùng lên được cơ chứ?” cô nói.

Một người chị em họ với cô bị sát hại trong một loạt cuộc dội bom xuống Baghdad, mà chỉ tính riêng trong Tháng Bảy đã cướp đi sinh mạng của 400 người. Mẹ của người chị em này thì vẫn còn đang ở trong bệnh viện, “chiến đấu với tử thần, thập tử nhất sinh”.

Tuy, thật khó để nghĩ đến bao dung, cô Shabo cho biết, trong đời mình bất cứ khi nào cô cảm thấy đau khổ cùng cực, giận dữ, thất vọng hoặc bất lực, “Tôi lại viếng Thánh Thể. Tôi đem tất cả mọi sự đến cho Chúa”.

Cô cho biết, chính ở trước nhà chầu mà cô đã nẩy ra ý tưởng là phải cầu nguyện cho ISIS, một ngày kia cô lần chuỗi Lòng Thương Xót như mọi lần, “một ý tưởng thoáng qua đầu tôi: cầu chuyện cho bọn chúng. Làm như thế để nhớ đến bọn chúng, nhưng nhớ đến một cách tích cực hơn”.

Dù khởi đầu không có chủ ý, cô Shabo bảo “lộng giả thành chân”, ban đầu thì cứ như là miễn cưỡng, nhưng cứ cố làm, làm riết rồi cũng thành thật tâm, thật lòng; cô mở lòng mình ra, những oán hận cũng dần biến mất.

“Oán hận chỉ tổ làm bạn giận dữ và cay đắng hơn mà thôi, nó chẳng đem lại gì tốt lành cho bạn cả. Thế nhưng nếu bạn nhận ra điều này và chuyển hoá nó thành ra nhân từ và tha thứ, bạn sẽ thấy thật là ích lợi, thật là ân phúc, chẳng những cho chính bạn, nhưng còn cho tha nhân, đến độ bạn không thể ngừng, không thể thôi thực hiện điều này được nữa”.

Shabo kể, cha cô hiện là một phó tế tại giáo xứ theo nghi lễ Chaldean ở Detroit, và khi gia đình cô phải băng qua các núi đồi để tới Thổ Nhĩ Kỳ, thì chính ông là người củng cố đức tin cho cả gia đình.

“Khi họ dấn bước họ cầu nguyện. Đấy là tất cả những gì họ có. Họ ra đi tay trắng”, cô kể và nói thêm, cha cô luôn nhắc nhở mọi người rằng, “Sẽ ổn thôi. Bất chấp tất cả mọi chuyện, chúng ta luôn có Chúa ở cùng. Và chúng ta cần xác tín không ngơi vào điều này”.

Cô bảo, đấy chính là “cách giúp họ vượt qua, và sẽ tiếp tục giúp chúng tôi vượt qua mọi chuyện”.

Tuy thế, sự thể chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng. Cô Shabo kể, đang khi cô “may mắn” được ở cùng gia đình, được sống ở Detroit và được đến trường giống như “một người bình thường”, cô đồng thời cũng bị một mặc cảm tội lỗi rất lớn lao ám ảnh.

“Chẳng gia đình nào khác sống sót. Có một thứ mặc cảm tội lỗi cứ ám ảnh tôi, rằng tôi thì sống sót còn họ thì không”, cô kể và cho biết, cô cảm thấy có một mối liên hệ thâu sâu với các Kitô hữu tại quê nhà Iraq, và nuôi một khát mong vô vọng là được quay trở lại quê nhà, vì tình hình hoàn toàn không cho phép.

Khi được hỏi tại sao lại có cảm giác hổ thẹn vì không thể quay lại quê nhà được, Shabo cho biết, lý do là vì, những câu chuyện về các người tị nạn hiện nay, những người đang phải chạy trốn khỏi Iraq và Syria “giống hệt như câu chuyện của tôi”.

Cô muốn ám chỉ đến bức hình hồi Tháng Chín 2015, chụp bé Aylan Al-Kurdi, 3 tuổi, bức hình phản ánh thực trạng của nhiều người tị nạn. Đánh động trái tim và lương tâm nhiều người trên khắp thế giới, bức hình này chụp cảnh thi thể của bé Al-Kurdi nằm trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ, sau nỗ lực bất thành cùng mẹ và anh trai muốn đến đảo Kos (Hy Lạp) từ Bodrum, là quãng đường ngắn nhất giúp họ đến được EU.

“Khi nhìn thấy bức hình này, tôi suy sụp hoàn toàn… Điều tôi nhìn thấy không phải là đứa bé, nhưng là chính tôi”, cô kể và cho biết, sau tất cả những gì đã phải trải qua, cô “hiểu rất rõ” và đồng cảm với những gì mà các gia đình này đang phải trải qua.

“Nhiều ngàn Kitô hữu Iraq tại mạn Bắc Erbil đang phải sống trong cùng một cảnh huống giống như tôi khi xưa. Thật khó tránh được cái cảm nhận về một sự liên hệ rõ rệt, cảm nhận rằng đó chính là tôi”, cô thổ lộ, và còn thêm rằng cũng phần nào do bởi suy nghĩ “tôi sống sót, còn đứa bé thì chết”.

Shabo chia sẻ rằng, cô muốn mang “tất cả những phúc lành” cô đã nhận được do bởi Chúa, do bởi đức tin, “để trao tặng lại cho những ai” đang gặp cảnh cùng khốn, và những ai đang còn phải sống tại Iraq.

Thực vậy, cô đã vào xắn tay vào cuộc, cô bắt đầu công việc giúp ngăn ngừa thảm hoạ, làm cộng tác viên tình nguyện của đường dây nóng giúp đỡ những người có ý định tự tử. Cô cộng tác với một tổ chức có tên là “Quỹ Shlama”, là quỹ đã được lập ra sau một cuộc đi bộ mà cô đã giúp tay tổ chức hồi năm 2014, lúc ISIS tấn công Mosul.

Thông qua cuộc tuần hành này, mà các bạn bè thân hữu của cô đã lập ra quỹ này, với mục đích xác định các nhu cầu thiết yếu của người dân Iraq và gây quỹ để thực hiện các dự án đáp ứng tức thời.

Cô cho biết trong một thời gian dài, cô cảm thấy “hổ thẹn” về câu chuyện đời mình, và không muốn kể cho ai nghe về hoàn cảnh khi cô sinh ra, thế nhưng chính cha mẹ cô là người đã khẳng định với cô rằng “đó chính là con, và con phải kể lại câu chuyện ấy cho nhiều người được biết”.

“Thật khó để thực hiện điều ấy trong một thế giới tục hoá như Mỹ hay bất kỳ nước nào khác”, Shabo cho biết, và khẳng định rằng tại Iraq “chuyện này dễ dàng hơn”, vì có nhiều người cùng cảnh ngộ, thế nhưng cô nhận ra rằng, ngay tại Mỹ này, nhiều người trong đó có các người cháu của cô, cũng đang nỗ lực để duy trì gia sản tinh thần của mình.

Kể cả, gìn giữ tiếng Aram, là tiếng chính thức của người Chaldee, và cũng là thứ tiếng được sử dụng thời Đức Giêsu, việc ấy quả thật cũng là một thách đố.

Tiếng Aram “là thứ tiếng Đức Giêsu dùng để nói”, cô cho biết, và giải thích thêm rằng, viễn cảnh một Trung Đông không có các Kitô hữu “là một thảm hoạ, vì lẽ đó chính là nơi xuất thân của Đức Giêsu”.

“Điều này không thể xảy ra được. Tôi không muốn nhìn thấy điều ấy xảy ra. Tôi không muốn sống trong một thế giới như vậy”, cô khẳng định, đồng thời cảnh báo “nếu chúng ta không bắt tay vào việc, thì rất có thể, thực tế đáng buồn đó sẽ xảy tới cho chúng ta”.

Dù mong muốn Kitô giáo tại Iraq và Trung đông phải tiếp tục tồn tại, Shabo cũng phải thừa nhận rằng, tình cảnh bất ổn khiến cho người ta đa số không thể nào xoay xở được, và rằng, thậm chí chính cô và gia đình của cô, cũng phải khó khăn lắm mới chấp nhận được quyết định của chính những người thân của mình khi họ chọn ở lại.

Cô cho biết, sau khi Baghdad bị dội bom, người cháu trai bị thiệt mạng, gia đình cô đã hét toáng lên với các người thân của mình rằng: ‘Tại sao anh chị còn ở lại đây làm gì? Tại sao không đến Erbil? Tại sao còn ở lại đấy? Hãy chạy thoát khỏi đó đi! Con của anh chị vừa bỏ mạng kìa còn anh chị thì đang ở trong bệnh viện!”

“Tôi không rõ tôi có thể quay trở lại nơi tôi đã từng ở nữa hay không”, cô tâm sự, nhưng cũng cho biết, bất chấp lịch sử đầy tang thương giết chóc “dân tộc của chúng tôi vẫn hiên ngang trụ lại trên mảnh đất của mình”.

“Điều ấy giúp nuôi dưỡng hy vọng nơi tôi, tôi cho rằng, nếu chúng tôi giữ vững niềm hy vọng ấy, giữ vững đức tin ấy, thì rồi đây sẽ lại có một nơi chốn, một mảnh đất cho tôi quay trở lại, sẽ có một mảnh đất tiếp tục trở nên sống động”.

Shabo ghi nhận, những sự kiện như Ngày giới trẻ thế giới, do bởi sự hiện diện rộng khắp của mọi sắc dân đến từ nhiều nơi trên thế giới, do những mối dây liên hệ, kết nối giữa mọi thành phần tham dự, là những nhân tố kích thích để hướng mọi người đến việc giúp đỡ, tương trợ người khác.

“Với tư cách cá nhân bạn cảm thấy chẳng thể làm được gì, còn khi bạn chung tay góp sức với các anh chị em khác, những người cùng chung một khát vọng, ước mong, thì khi ấy Thiên Chúa sẽ làm nên những việc kỳ diệu”, thông qua Ngày giới trẻ thế giới, cô đã gặp gỡ được các anh chị em mà cô đã liên hệ thư từ qua lại hồi còn ở Iraq nhưng chưa từng gặp mặt trực tiếp bao giờ.

Cô cũng được gặp gỡ với một nhóm 300 bạn trẻ Chaldee, nhóm này đã đi từ Iraq tới Krakow để tham dự sự kiện diễn ra từ 26-31 Tháng Bảy, và một bạn trẻ trong nhóm là đồng hương với cô.

Khi Shabo xin nhóm một món lưu niệm của quê nhà Iraq, họ đã tặng cô một chiếc khăn có thêu cờ Iraq. Đáp lại, khi nhóm xin cô một món quà tặng Mỹ, Shebo đã tặng họ vòng cổ và các vòng tay của cô.

“Thật là một phúc lành” vì được hiện diện tại Ngày giới trẻ thế giới, cô cũng được gặp một người cháu trai mà cô chưa từng gặp mặt, người cháu trai mà cô đang tìm cách liên hệ.

“Thật tuyệt vời khi thấy rằng các anh chị em khác đang lắng nghe, rất quan tâm đến câu chuyện đời mình. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được cái xúc cảm lúc ấy, bởi vì thực sự nó đến từ Chúa. Chúng ta thực sự là một Nhiệm Thể trong Đức Kitô. Tuyệt vời lắm các bạn à, và tôi không tài nào, không thể nào diễn tả được bằng lời!”

Elise Harris
Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh
http://www.catholicnewsagency.com
114.864864865135.135135135250