22/05/2021 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

609
Photo: Vatican Media

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi toàn thể các chủ chăn và tín hữu của Giáo hội Công giáo hiệp ý với các vị Bản quyền và tín hữu Công giáo tại Thánh địa để cầu nguyện cho hòa bình.

Đức Thánh cha đưa ra lời mời gọi trên đây, trong diễn văn tại buổi tiếp kiến các vị tân đại sứ của chín nước cạnh Tòa thánh, đến trình Ủy nhiệm thư, sáng hôm 21/5/2021, tại Vatican.

Đức Thánh cha nói: “Tôi nghĩ đến những gì đang xảy ra trong những ngày này tại Thánh địa và cảm tạ Chúa vì quyết định ngưng các cuộc đụng độ võ trang và tôi cầu mong các phe sẽ tiến bước trên con đường đối thoại và hòa bình. Chiều tối ngày 22/5/2021, các vị Bản quyền Công giáo tại Thánh địa sẽ cùng với các tín hữu cử hành buổi canh thức Vọng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tại nhà thờ thánh Stêphanô ở Jerusalem, để khẩn cầu hồng ân hòa bình. Nhân cơ hội này, tôi xin tất cả các vị mục tử và tín hữu của Giáo hội Công giáo hiệp với họ để cầu nguyện. Ước gì từ mỗi cộng đoàn dâng lên lời cầu xin Chúa Thánh Linh “để người Israel và Palestine có thể tìm được con đường đối thoại và tha thứ, để trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, từng bước một, cởi mở đối với một niềm hy vọng chung, một sự sống chung giữa các anh chị em với nhau”. (Regina coeli 16-5-2021)

Trong phần đầu của bài diễn văn chào mừng các tân đại sứ, Đức Thánh cha nhắc đến hậu quả nặng nề của đại dịch và những thách đố nó đang đề ra cho thế giới, và ngài nói: “Trong khi chúng ta tìm cách ra khỏi cuộc khủng hiện nay, các xã hội chúng ta đang đứng trước thách đố làm sao thực hiện những bước tiến cụ thể, thực sự can đảm, để phát triển một nền văn hóa săn sóc hoàn vũ, có thể giúp tạo nên những tương quan và cơ cấu mới để cộng tác phục vụ tình liên đới, tôn trọng phẩm giá con người, giúp đỡ nhau và thực thi công bằng xã hội”.

Trong số các điều cấp thiết hiện nay, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Tôi nghĩ đến sự cần thiết phải đương đầu các vấn đề khẩn cấp, như di dân và thay đổi khí hậu, cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo thường phát sinh từ đó. Tôi cũng nghĩ đến những nợ nần kinh tế đang đè nặng trên nhiều nước phải chiến đấu để sinh tồn, và cả những dân tộc và quốc gia bị tổn hại vì sự suy thoái môi trường, do con người và do sự đánh mất khác biệt sinh học tạo nên.... Đây là những vấn đề công bằng không thể làm ngơ hoặc hoãn lại. Thực vậy, đó là một nghĩa vụ luân lý liên thế hệ, vì tương lai thế giới chúng ta để lại cho con cháu tùy thuộc mức độ chúng ta nghiêm túc đối phó với các vấn đề này hiện nay”.

Chín tân đại sứ cạnh Tòa thánh trình quốc thư hôm 21/5 đến từ các nước Singapore, Zimbabwe, Bangladesh, Algérie, Sri Lanka, Barbados, Thụy Điển, Phần Lan và Népal. Các vị này không thường trú ở Roma nên Đức Thánh cha tiếp kiến chung với nhau.

G. Trần Đức Anh, O.P.

114.864864865135.135135135250