01/01/2017 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

1010
 
  • Thưa Đức thánh cha, một đứa trẻ thuộc gia đình bình dân như trường hợp của ngài, mà lại được kêu gọi kế vị thánh Phêrô. Vậy khi còn nhỏ, ngài đã nghĩ giáo hoàng là người như thế nào ?
Giáo hoàng thời đó là đức Piô XI, đối với chúng tôi, ngài là một vị giáo hoàng tuyệt vời. Ngài là đại diện của Chúa Kitô, ngài hoàn toàn cao cả hơn chúng tôi, nhưng đồng thời lại rất gần với chúng tôi, vì ngài là mục tử của tất cả chúng ta. Chúng tôi tôn kính giáo hoàng và chúng tôi yêu mến ngài – tuy nhiên, đối với chúng tôi, ngài vô cùng xa cách, ngài cao cả hơn chúng tôi rất nhiều.
  • Thời đó, vị thánh nào được ngài yêu mến nhất ?
Khó nói quá. Dĩ nhiên, tôi luôn có một chút quý mến đối với thánh bổn mạng của tôi, thánh Giuse.
  • Khi còn nhỏ, ngài có bị khủng hoảng bởi một trong những câu hỏi mà các đứa trẻ đều gặp phải về Thiên Chúa, câu hỏi mà chúng không tìm được câu trả lời, khiến chúng thất vọng ?
Không, đối với tôi, thế giới đức tin là rất chắc chắn và rất vững vàng.
  • Trong một lá thư gởi Chúa Hài Đồng, ngài đã xin quà Noel là “một Volks-schott[1] , một chiếc áo lễ màu xanh, một tấm hình Thánh tâm Chúa Giêsu”. Phải chăng đó là điều hơi khác thường đối với một đứa trẻ bảy tuổi?
(cười). Có lẽ như thế. Nhưng đối với chúng tôi, việc tham dự phụng vụ luôn là một phần làm nên đời sống chúng tôi, và là một kinh nghiệm, một thế giới huyền bí trong đó chúng tôi thèm được đi vào một cách sâu xa hơn. Tôi muốn nói thêm điều này là chúng tôi thời đó thích chơi trò làm linh mục. Đó là trò chơi mà thời đó còn khá phổ biến.
  • Ngài là người con thứ ba trong gia đình. Ngài có một người chị cả, Maria, và một người anh, Georg. Ngài có phải là người con út không ?
Đúng vậy.
  • Khi ngài còn bé, người ta gọi tên ngài là gì ?
Lúc đầu, khi tôi còn rất bé, người ta gọi tôi là “josepherl” cậu Giuse nhỏ. Nhưng khi tôi được tám tuổi, tôi nói rằng tôi không thích người ta gọi tôi như thế, vì nếu không suốt đời tôi sẽ là một Josepherl. Từ đó người ta gọi tôi là Joseph ! Yêu cầu này của tôi đã được chấp nhận và tôn trọng.
  • Ngài là một đứa trẻ vui vẻ, dễ tính hay là một đứa trẻ hướng nội và hay suy tư ?
Lúc đầu, ở Tittmoning và ở Aschau, tôi là một đứa trẻ vui vẻ. Không hiểu tại sao mà sau đó, tôi trở thành một đứa trẻ hay suy nghĩ, ít vui vẻ hơn, tôi không thể giải thích lý do tại sao. Nhưng đã có thay đổi. chiến tranh đã làm mọi thứ trở nên phức tạp.
  • Ngày sinh của ngài là 16/4/1927, trùng với ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Khi làm giáo hoàng, và khi kính viếng khăn liệm của Đức Kitô tại Turin, ngài đã phát biểu : “Đây là giây phút tôi từng mong đợi”. Hình ảnh trên khăn liệm là hình ảnh của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Người ta nói rằng suốt cuộc đời ngài, càng ngày ngài càng đề cập nhiều hơn về đề tài này, một đề tài đã được đặt vào nôi của ngài, một định mệnh cho ngài.
Đúng vậy, đó là một điều rất nổi bật trong suốt cuộc đời tôi. Vào thời đó, người ta mừng lễ Vọng Phục Sinh ngay từ sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, và tôi đã được rửa tội bằng nước làm phép buổi tối hôm đó. Điều đó đã rất quan trọng đối với cha mẹ tôi. Đối với các ngài, đó là một điều rất ý nghĩa và ngay từ đầu, các ngài đã nói với tôi như vậy. Ý thức này cách nào đó đã đồng hành với tôi. Càng ngày càng ghi khắc trong tâm trí tôi, cả với tư cách một nhà thần học cũng như qua các biến cố trong thời đại chúng ta, mà một số biến cố gợi lên rõ ràng ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Tôi cũng thường xuyên tìm cách đào sâu ý nghĩa của nó – và thực sự tôi đã nhìn thấy ở đó có một địa chỉ, một chương trình sống.
  • Những bản văn ngài dành cho đề tài này thì hết sức sâu sắc và cảm động.
Bởi vì đó là một điều hoàn toàn không phải được chế tác, nhưng được trộn lẫn một cách gần gũi ngay từ đầu đời tôi, ngay khi bắt đầu cuộc sống của tôi, một điều gì đó không phải là đối tượng của suy tư nhưng là điều tôi sống ngay trong tâm hồn mình.
  • Cũng giống như thân phụ của đức Karol Wojtyla, thân phụ của đức thánh cha, ông Joseph cũng xuất thân là người nông dân và cảnh sát, và cũng có một lòng đạo đức rất sâu xa. Liệu có thể nói rằng chính thân phụ ngài đã khởi đầu cho ơn gọi của ngài ?
Theo nhiều cách thì có thể nói như vậy. Một mặt, đó là một người đạo đức không thể tưởng được, ông đã cầu nguyện rất nhiều, thấm nhuần sâu xa đức tin của Giáo hội. Mặt khác, đó là một người rất sáng suốt và có tính phê phán, có khả năng phê phán một cách rất nghiêm khắc về giáo hoàng và các giám mục. Lòng đạo đức sáng suốt là cách ông sống đức tin và là cách thực sự thấm nhuần đức tin, điều đó là rất quan trọng đối với tôi.
  • Việc phát triển lòng đạo đức của thân phụ ngài có liên hệ với một biến cố cụ thể nào không ?
Tôi không biết. Khi còn nhỏ, ông đã có một vị linh hướng tuyệt vời, vị này rõ ràng đã ghi dấu ấn trên ông và đào luyện ông. Thỉnh thoảng thân phụ tôi có nói đến cha linh hướng đó. Hơn nữa, thầy giáo của cha tôi có lập một ca đoàn nam và ông cũng hát trong đó. Điều đó chắc chắn đã đem lại cho ông một kinh nghiệm sống động về Giáo hội.
  • Thân phụ của ngài không phải là người học thức cao.
Ông chỉ học cấp một, nhưng đó là một người thông minh, có khả năng suy tư độc lập.
  • Có phải thân phụ ngài đã muốn làm linh mục ?
Ông không bao giờ nói tới điều đó. Dường như ông đã muốn làm tu huynh dòng Capucino.
  • Trang trại của gia đình Ratzinger là ở Rickering, một ngôi làng nhỏ vùng Bavaria, thân phụ của đức thánh cha đã sinh ra ở đó. Ngôi làng này đã sản sinh ra, trực tiếp hay gián tiếp, rất nhiều ơn gọi. Trong số đó có ông cậu của đức thánh cha, cha Georg Ratzinger; ngài là một người nổi tiếng, không chỉ là một linh mục, nhưng còn được biết đến như một nghị sĩ của vùng Reichstag. Rồi hai anh em của thân phụ đức thánh cha, linh mục Louis và nữ tu Theogona. Còn phải kể đến anh của ngài là cha Georg, và đức thánh cha, rồi em họ của ngài, hiện là một linh mục ở Simbach, gần Markel quê hương của ngài. Có thể nói đó là một gia đình linh mục.
Gần đúng như thế (cười). Chúng tôi biết rõ về chú linh mục Louis, chúng tôi đã trải qua các kỳ hè ở giáo xứ của ngài năm 1937, có lẽ trước đó, cả năm 1935 nữa. Chúng tôi cũng rất quen với bà cô là nữ tu Theogona.
  • Sự hiện diện các linh mục trong họ hàng của ngài, chẳng hạn chú Louis, và bào huynh của ngài, có khích lệ ngài dấn thân trên con đường này không ?
Vào thời đó, như thế cũng là chuyện bình thường. Các gia đình ở miền quê có nhiều con  và luôn có người chọn gia nhập hàng giáo sỹ.
  • Chú Louis có lẽ là một người đặc biệt.
Thực sự đó là một nhân vật kỳ lạ. Ngài thông minh, và có con đường riêng của mình. Nhất là ngài đã cổ võ lòng đạo đức bình dân kiểu người Đức.
  • Và đó còn là một người chống lại phong trào xã hội quốc gia.
Hoàn toàn chính xác.
  • Trong bộ sưu tập Priester unter Hitlers Terror (“những linh mục dưới chế độ đáng sợ Hitler”), có hai tập ghi lại danh sách những linh mục đã từng chống Hitler dưới phong trào xã hội quốc gia, và đã bị truy tố, người ta đọc thấy nơi trường hợp chú của đức thánh cha, rằng cuối năm 1936,ông đã bị tố cáo với chính quyền vì đã yêu cầu tín hữu phải thề trung thành với Giáo hội Công giáo. Khi còn nhỏ, đức thánh cha có nghe nói điều đó không ?
Đối với chúng tôi, đương nhiên linh mục là phải chống lại Phát xít Đức. Ông thân sinh tôi rất căm thù họ đến nỗi không thể tưởng tượng được có một thành viên trong gia đình mà lại đi theo họ. Cô Theres, một trong các chị của cha tôi, quyết liệt chống lại Phát xít Đức. Có nhiều anh chị em sống trong một ngôi nhà ở Osterhofen trên một mảnh đất nho nhỏ, sát bên cạnh đường xe lửa. Khi có chuyến tàu chở chuyên gia Phát xít Đức chạy qua, thì họ làm hiệu tỏ vẻ khinh dể (đức thánh cha làm lại cử chỉ đó và cười). Những người trên tàu rất giận dữ nhưng chẳng làm gì được, vì tàu đang chạy.
  • Năm 1933 là “Năm Thánh”. Cũng chính năm đó Hitler lên nắm chính quyền và bắt đầu gieo rắc cái chết và sự sợ hãi khắp thế giới.
Thời điểm tổ chức Năm Thánh thì đã được xác định rõ ràng rồi. Theo truyền thống, Đức Giêsu chịu đóng đinh năm 33, như vậy đến năm 1933 , Giáo hội cử hành Đại Năm Thánh; ở Aschau nơi chúng tôi sống, cũng cử hành Năm Thánh. Cũng vào năm đó, người ta chứng kiến sự Dữ lên ngôi, tràn ngập khắp nơi. Tuy nhiên, thế giới tôn giáo vẫn sống động trong chúng tôi đến nỗi, nếu thế giới bên ngoài có thể đè bẹp tôn giáo, thì vẫn không thể huỷ diệt được.
  • Thân phụ ngài, người đã đặt mua dài hạn tạp chí chống Phát Xít ‘Der Gerade Weg’ (‘Con Đường Thẳng’), điều đó có nghĩa là…
Thực sự điều đó rất khó khăn đối với ông. Đối với chúng tôi, trẻ con, chúng tôi có cuộc sống gia đình, hàng xóm là những môi trường còn rất đậm nét công giáo. Vì thế Phát Xít rõ ràng là có tác động đến ông cụ hơn chúng tôi rất nhiều.
  • Thân mẫu ngài đã có thời gian làm bếp trong một nhà hưu. Trong gia đình có nói chuyện về việc đó không ?
Bà chỉ làm bếp trong nhà hưu khi cha tôi đã về hưu. Ba đứa con đang đi học, chi phí thì nhiều. Ngay cả trước khi tôi vào nội trú, tiền học phí thời đó là 20 đồng mác mỗi tháng. Năm 1938, khi bà đi giúp ở Reit im Winkl, hoàn cảnh kinh tế gia đình chúng tôi rất khó khăn.
  • Thân phụ ngài đã giải quyết như thế nào ? Có lẽ ông là người đầu tiên trong lịch sử Đức lo việc bếp núc trong nhà.
( cười). Đó là một điều rất khó khăn đối với ông cụ. Ông không biết làm bếp, ngoài các món thông thường. Ông đã phải học làm tất cả.
  • Mang chiếc tạp dề đối với ông có phải là một vấn đề không ạ ?
Ông buộc phải làm điều đó.
  • Ông còn đánh giày cho con cái nữa chứ.
Ông làm hết những công việc đó cho cả gia đình. Đó là công việc ông dành riêng cho mình.
  • Là một cảnh sát, ông đã thường xuyên thay đổi công việc. Mười bốn lần trong vòng ba mươi lăm năm phục vụ. Đa số là do ông xin. Vì lý do gì vậy ?
Tôi không biết giải thích thế nào, nhưng có vẻ dòng họ Ratzinger thích bay nhảy. Bản thân tôi cũng di chuyển rất nhiều…
  • Có phải vì có nhiều thay đổi trong thời gian làm cảnh sát mà ông lập gia đình rất trễ ?
Đúng vậy. Nhưng tôi nghĩ cũng vì ông đắn đo có nên đi tu dòng hay không, một đời tu nào đó.
  • Thế còn thân mẫu, bà Maria, cũng lập gia đình trễ ?
Có lẽ vì lý do công ăn việc làm.
  • Bà là một người con ngoại hôn. Ngài biết điều đó khi nào ?
Khá sớm, khi ở Aschau, nhưng vào thời đó, tôi không hiểu điều đó có nghĩa là gì. Chuyện là thế này : ông thân sinh tôi là công chức, do đó phải trình giấy ‘chứng minh thư Aryan’ để xác nhận mình và vợ đều thuộc chủng tộc Aryan. Điều đó không phải là vấn đề đối với ông, vì đã có sổ sách. Còn mẹ tôi thì có nguồn gốc vùng Nam Tyrol, do đó cha xứ ở Aschau đã phải liên lạc giấy tờ rất lâu và vất vả với địa phương liên hệ ở Ý. Ở đó,  mẹ tôi được ghi trong sổ là con ngoại hôn. Thực sự, tôi chỉ biết được điều đó về sau này.
  • Điều đó khiến ngài bị đặt vào một trường hợp đặc biệt ?
Không. Mẹ tôi rất xác tín rằng bà không cần một giấy xác nhận về đời sống luân lý.
  • Bà có biết ai là cha mình không ?
Chắc chắn là có. Người đàn ông kết hôn với bà ngoại tôi thực sự là cha của mẹ tôi.
  • Tuy vậy, ông chủ hiệu bánh Rieger không tức khắc biết điều đó, tại sao vậy ?
Đó là do sơ xuất hành chánh. Mẹ tôi là con cả của ông bà ngoại tôi. Người con thứ hai, Benno, cũng sinh ra trước khi hai ông bà kết hôn với nhau. Lúc đó các ngài đã hứa hôn, nhưng chưa có nơi ở cố định. Đến khi ở Rimsting, nơi các ngài có một cửa hàng bán bánh, thì họ mới kết hôn với nhau. Ông ngoại tôi nghĩ rằng việc kết hôn của cha mẹ sẽ tức khắc hợp thức hoá con gái. Mẹ tôi là một người rất nghiêm khắc, đó là một người phụ nữ cứng rắn, cha tôi rất tốt và tình cảm. Cha rất yêu thương mẹ và mẹ cũng rất yêu thương cha.
  • Còn ngài, ngài có thấy mình được cha yêu thương chăm sóc không ?
Có. Tôi cảm nhận được điều đó ngay từ khi còn rất nhỏ. Tôi đã cảm nhận được cha tôi là người rất tốt và rất nhiệt tình. Nhất là từ tháng Tư năm 1937, khi ông bắt đầu nghỉ hưu, chúng tôi đã đi dạo với nhau thật lâu, và ông đã kể cho tôi nghe về thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông. Năm 1938, khi mẹ tôi đi làm bếp ở Reit im Winkl vì lý do tài chánh, thời điểm đó anh chị tôi không còn ở nhà, ngày nào cha tôi cũng đưa tôi đi dạo. Ông thực sự là một người viết tiểu thuyết, ông không ngừng sáng tác ra những câu chuyện lôi cuốn. Tôi nghĩ rằng điều đó khiến ông thích thú nghĩ ra phần tiếp theo. Những câu chuyện về gia đình. Một cặp vợ chồng, theo cách ông hiểu, tất cả những gì xảy ra trong gia đình, thực sự là những câu chuyện miền quê thú vị.
  • Ông bà thân sinh của ngài là một đôi vợ chồng như thế nào ?
Một cặp vợ chồng rất tốt, cho dù tính khí rất khác nhau. Mẹ tôi thì nhiệt tình, tình cảm, quảng đại nhưng không hoàn toàn là người sống theo lý trí. Bà thích sống theo cảm hứng. Vì thế, cách sống của họ rất khác nhau. Đôi khi tranh cãi nhau. Đồng thời, sự kết hợp của họ sâu xa đến nỗi, cho dù có những tranh cãi làm chúng tôi không vui, nhưng chúng tôi vẫn biết rằng không ảnh hưởng đến hôn nhân của họ.
  • Thân phụ  của ngài là người nghiêm khắc, có lẽ là quá nghiêm, như có lần ngài đã nói. Sự nghiêm khắc đó biểu lộ như thế nào ?
Tôi phải công nhận là ông càng ngày càng tỏ ra khoan dung hơn. Đối với tôi, ông không khắt khe như với các anh chị tôi.  Tính nghiêm khắc của ông tỏ lộ qua việc ông đòi hỏi phải đúng giờ và chính xác; Nếu có ai sai lỗi, ông la mắng chúng tôi nặng nề, thậm chí có khi ông còn ném cả chiếc mũ về phía chúng tôi. Thời đó, việc giáo dục như thế là chuyện bình thường. Ai cũng biết là phải giữ kỷ luật, những qui tắc đức tin, những nguyên tắc trong gia đình, nói chung là lề luật. Ông là một người hết sức ngay thẳng và trung thực, và ông muốn dạy dỗ để chúng tôi đi theo cách sống của ông. Người ta có cảm giác rằng ngay cả những tội nhẹ cũng không được coi thường.
  • Về sau, đức thánh cha đã nghe theo lời của một trong các giáo sư ở Freising để chống lại “lòng sùng đạo bình dân hẹp hòi của thế kỷ XIX”. Ngài đã viết nguyên văn như sau: “Đối với tôi, biến cố đó là một cánh cửa quyết định”. Thân phụ của ngài cũng rất khắt khe trong vấn đề tôn giáo ?
Tôi xin trả lời thế này: thân phụ tôi đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha tuyên uý mà tôi đã nhắc tới, một con người tuyệt vời. Vì vậy, ông đã được huấn luyện theo lối đạo đức khổ hạnh của thế kỷ XIX. Ngày nay, người ta nói rằng lòng đạo đức đó là quá cứng ngắc theo một nghĩa nào đó. Nhưng bối cảnh thời đó không giống như ngày nay.
  • Khi kể lại thời thơ ấu, ngài thường cho đó là một ngày lãng mạn. Ngài đã từng nói rằng ngài nghĩ thiên đàng giống như “thời thơ ấu của ngài”. Có thể coi đó một kiểu nói cho thấy cần có sự hoà điệu nào đó ?
Chắc chắn là như vậy.
  •  Dù sao, những xung khắc, đổ vỡ, khó khăn là một phần trong những chủ đề mà ngài đã gợi lên trong những kỷ niệm xưa ?
Dĩ nhiên là có những tranh luận và những chuyện như thế trong gia đình tôi. Chúng tôi là những con người và cũng có những chuyện bình thường nhất. Đừng nghĩ rằng đã có một sự hoà điệu hoàn hảo. Nhưng tình cảm liên đới và hạnh phúc khi được sống với nhau là điều trên hết.
  • Không có xung đột giữa các thế hệ sao, chuyện rất phổ biến vào những năm 1960 ?
Không
  • Khi anh của ngài đã theo ơn gọi, và ngài cũng đã được nhận vào tiểu chủng viện giáo phận Traunstein. Bào huynh của ngài là Cha Georg có phải là mẫu gương của ngài thời đó ?
Đúng, về nhiều khía cạnh. Anh Georg là một người biết mình muốn gì, có những ý tưởng rất rõ ràng, rất rành rọt. Đồng thời, chúng tôi cũng rất thân nhau, chúng tôi liên kết với nhau qua những sở thích giống nhau. Về sau, chúng tôi cũng có những tranh luận thần học về mọi vấn đề đặt ra thời đó. Nhưng khi vào chủng viện, tôi đang học lớp tám. Lý do đơn giản và thực tế là vì cha tôi không thể chu cấp tiền bạc để cả ba anh em chúng tôi ở nội trú cùng một lúc. Do đó, tôi được ở nhà thêm hai năm nữa, điều này đem lại cho tôi những điều tốt đẹp nhất.
  • Điều đáng kể là chị của ngài cũng học cấp hai. Phải chăng đó là sáng kiến của ông thân sinh?
Đúng. Ông muốn chị tôi cũng có được một nền học vấn chắc chắn, để có thể có được một chỗ làm tốt. Vào thời đó, người ta không nghĩ rằng chỗ của một cô gái là trường trung học. Thời đó có hai loại trường trung cấp: một loại gọi là “lyzeum” hơn kém dành cho những cô gái con nhà giàu, và loại thứ hai là trường trung học kỹ thuật, người ta dạy viết tốc ký, đánh máy chữ, kế toán, tiếng Anh và các môn như thế. Đó là một chương trình giáo dục nghiêm túc, và chị tôi rất hài lòng.
  • Khi còn trẻ, ngài yếu ớt hơn những đứa trẻ khác. Ngài có thấy mình khác những đứa trẻ khác không?
Không. Chỉ khi vào tiểu chủng viện, khi tôi khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới. Nhưng điều đó chỉ diễn ra trong một học kỳ đầu.
  • Bạn bè của ngài rất ấn tượng về việc ngài tỏ ra biết rất sớm điều mình muốn, và ngài có những ý tưởng cứng ngắc. Trong tờ thông tin Traunstein, người ta đọc thấy có viết là ngài thời đó là người “cố chấp”. Cố chấp không phải là tính cách của ngài?
Trong một giai đoạn nào đó, đúng là như thế. Năm lớp chín và lớp mười, tôi đã trải qua một giai đoạn cố chấp. Đúng là như thế.
  • Chưa hết. Có một câu chuyện thời ngài ở trong quân đội, vào một ngày luyện tập. Người giáo viên, đúng là một bạo chúa, hét lên với các tân binh đang đứng như trời trồng: “Ai sẽ ở trong quân ngũ lâu nhất, các bạn hay là tôi?” ngài đã là người duy nhất rời khỏi hàng ngũ và trả lời: “chúng tôi”. Ngài thời đó là người nhỏ bé nhất, có vẻ hay đau yếu nhất, đã đứng lên phản đối. Thái độ đó của ngài vẫn còn tiếp diễn sau đó. Chẳng hạn trong luận án để được chấp nhận dạy học, ngài đã nói ngược lại với giáo thuyết đang được lưu hành, và nhất là nói ngược lại với một giáo sư thần học tín lý được coi như là có uy thế nhất thế giới về vấn đề đó. Đó có phải là nét cố hữu nơi đức thánh cha?
Đúng như vậy. Tôi thích nói ngược lại. Đúng như vậy.
  • Ở trường, người ta gọi ngài là “Hacki”. Người ta có thể đọc thấy trong Helios, tờ báo của học sinh, viết về ngài thời còn ở trung học: “Hacki là người nổi bật. Anh ta đầy những tương phản, nếu không nổi bật trong thể thao thì trong lãnh vực khoa học anh sẽ cho bạn thấy khả năng của anh ấy”, những dòng chữ này được viết vào năm 1945. Như thế ngài đã có tinh thần khoa học từ rất sớm phải không ?
Đúng
  • Cách làm việc của ngài đã nổi bật từ rất sớm bởi cách làm việc nhịp nhàng rõ rệt, tính kỷ luật, cách sử dụng thời gian chặt chẽ. Đức tính đó bắt đầu từ khi nào?
Thực sự từ khi chúng tôi đến Hufschlag. Trước kia, người ta không cho chúng tôi bài làm ở trường. Tại Hufschlag, tôi dành hai tiếng đồng hồ đầu buổi chiều – hay tuỳ công việc, thường là chỉ một tiếng – để làm bài. Dần dần thời gian này kéo dài hơn. Một điều chắc chắn là tôi chia thời gian làm việc, và tôi sử dụng thời gian để thực sự làm việc.
  • Ở trường học cũng như trong việc học hành, ngài nhớ bài lâu hơn người khác. Làm thế nào để được như thế?
Nói không quá đáng. Tôi rất thích môn latinh, Hy Lạp, và tôi cũng chăm học tiếng Hipri. Thực ra tôi thuộc típ người rất đam mê học, có thế thôi. Những bạn khác có những quan tâm ít lý thuyết hơn.
  • Năm 14 tuổi, ngài đã khám phá văn chương, ngài đã dịch những bản văn tôn giáo bằng tiếng Hy Lạp và Latinh.
Đó là một cách giải trí, chắc chắn là như vậy.
  • Những ngôn ngữ ngài nói được, ngài đã học như thế nào? Ở trường người ta đã không dạy tất cả những thứ tiếng đó chứ?
Thực ra tôi nói không được nhiều thứ tiếng đâu.
  • Nghĩa là gì ạ?
Giữa năm 1942-1943, trong vòng một năm, chúng tôi có một lớp dạy tiếng Ý nhưng không bắt buộc và thường bị nghỉ. Người ta chỉ dạy chúng tôi được vài điểm căn bản thôi. Phần còn lại là do tôi thực hành khi tôi đến Roma. Nhưng chưa bao giờ tôi học tiếng Ý đến nơi đến chốn, do đó, tôi không chắc lắm về văn phạm. Tôi cũng đã học một năm tiếng Pháp ở trường. Sau đó tôi tiếp tục tìm cách nhớ những gì đã học, nhưng cũng vậy, đó chỉ là những kiến thức rất sơ sài. Tôi học tiếng Anh qua đĩa khi tôi ở Bonn, và tiếng Anh của tôi cũng ở mức trung bình. Và dừng lại ở đó. Người ta tưởng rằng tôi nói được bao nhiêu thứ tiếng, thực sự thì không đúng như vậy.
  • Cha mẹ của ngài đã nói gì về những khả năng đặc biệt của đứa con trai?
Chúng tôi chẳng có khả năng gì đặc biệt đâu. Tôi được điểm cao là vì tôi đã phải làm việc cật lực.
  • Ngài đã có những tham vọng, ảnh hưởng do tấm gương của cha ngài?
Tôi không nghĩ như vậy. Cha tôi dĩ nhiên là chăm lo cho việc học ở trường của chúng tôi và hạnh kiểm của chúng tôi. Nhưng ông không muốn, và ông cũng không bao giờ đặt ra một mục đích là chúng tôi phải làm được điều gì “vĩ đại”. Ông hài lòng vì chúng tôi muốn làm linh mục. Đơn giản ông là một con người sống hoàn toàn ngay  thẳng và thực sự sùng mộ giáo hội.
  • Còn ơn gọi linh mục, ngài đã viết trong nhật ký, “phát triển một cách hầu như tự nhiên, không có cuộc trở lại ngoạn mục”. Nếu ngài đã không có những kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ, thì ngài cũng phải có những kinh nghiệm nho nhỏ chứ?
Tôi xin thưa là ơn gọi phát triển khi tôi càng ngày càng tìm hiểu về phụng vụ. Nhận ra vị trí trung tâm của phụng vụ, cố gắng hiểu phụng vụ, cũng như tất cả câu chuyện lịch sử làm nền tảng cho phụng vụ. Chúng tôi đã có một thầy dạy về tôn giáo, ông viết sách về các nhà thờ trạm[2] ở Roma. Theo một nghĩa nào đó, ông chuẩn bị công việc này bằng việc dạy học. Nhờ ông mà chúng tôi được bắt đầu tiếp xúc cụ thể với nguồn cội lịch sử. Đó thực sự là một niềm vui. Những câu hỏi giáo lý, một cách chung, làm tôi quan tâm. Đó là thế giới mà đối với tôi là thân thiết nhất.
 
 
[1] cuốn sách lễ bằng tiếng Đức, do Anselm Schott, một tu sĩ Bênêđictô thực hiện vào cuối thế kỷ XIX, và được sử dụng cho tới công đồng Vatican II. Có nhiều ấn bản khác nhau, một trong số đó là cuốn “Volks-schott” hay “Schott bình dân” có bài lễ của tất cả các Chúa Nhật và lễ trọng suốt năm phụng vụ
[2]ở Roma trong truyền thống giáo hội, có một số nhà thờ được chỉ định làm điểm cử hành long trọng nghi thức trong mùa Chay. Vì thế được gọi là nhà thờ trạm. 
114.864864865135.135135135250