19/12/2016 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

871

Münster (1963-1966)

Mùa hè năm 1963, Joseph Ratzinger nhận một vị trí tại Khoa Công giáo của Đại học Münster, một thành phố với nền văn hóa sinh viên nhộn nhịp. Vị giáo sư trẻ và chị gái trọ chung với các sinh viên miền Bavaria trong một ngôi nhà một tầng ở đại lộ Annette-von-Droste-Hûlshoff. Chủ nhật, họ ăn cùng nhau - đôi khi trong một quán rượu gần đó mang tên rất đẹp là Gasthaus zum Himmeireich (Thiên Quốc Quán).

Ratzinger rời Bonn sau những bất đồng. Phần vì, một số nghiên cứu sinh nước ngoài của ngài gặp khó khăn trong phân khoa, phần vì, một số đồng nghiệp có thế lực cảm thấy ghen tị và đố kị với chuyên gia công đồng trẻ. Theo Hubert Jedin, ngài đã chán nản đến nỗi quyết định ra đi. Chính Ratzinger nói về sự thay đổi này như là “con đường do Đấng Quan Phòng vạch ra”, một nhận xét ban đầu, thực vậy, được áp dụng cho hai nghiên cứu sinh, từ nay có lẽ tìm được điều kiện làm việc tốt hơn, như ngài hy vọng.

Tại Münster, các bài giảng Mùa Vọng của ngài tại nhà thờ Chính tòa nhanh chóng gây ấn tượng mạnh mẽ. Trong các cuộc tranh luận được tổ chức, chẳng hạn với Johann Baptist Metz và Hans Urs von Balthasar, ngài khẳng định mình như là một người dung hòa có thể gỡ rối các vấn đề phức tạp và làm sáng tỏ các lập trường.


 (Phần tiếp theo)
 Từ Münster, ngài đã tiếp tục tham dự Công đồng. Rất đông người tham dự các khóa học của ngài luôn đông đả, họ in sao hàng trăm bản chú giải và lưu hành trên toàn nước Đức. Nhưng hết ba năm, lại chia tay, lần này đến Tübingen, nơi Hans Küng[1] đã mạnh mẽ can thiệp để ngài được bổ nhiệm. Những  khởi đầu lặp đi lặp lại dường như là sợi dây dẫn truyền trong cuộc đời ngài. Và một lần nữa, bạn bè, đồng nghiệp và người ngoài không hiểu được. Phải chăng có lý do nào đó khiến ngài ra đi mà ngài chưa từng nói cho ai biết?

(cười.) Không. Thực tế, tôi đã rất khó khăn khi quyết định. Một trong những lý do khiến tôi ra đi là, đối với tôi, Münster quá xa về phía bắc, đơn giản vậy thôi. Tôi đã gắn bó với miền Bavaria thân thiết đến nỗi tôi đã rất khó khăn khi phải đến sống ở Münster, quá xa nhà tôi. Nhất là tôi cảm thấy rất dễ chịu khi ở với anh trai tại Ratisbonne[2] và lúc nào tôi cũng muốn đi đến đó. Đó là một hành trình dài nếu đi bằng xe lửa. Lý do khác là, tôi cảm thấy thần học chính trị của Johann Baptist Metz đề ra hướng tai hại khi đưa chính trị vào đức tin. Liên tục gặp xung đột trong phân khoa của ông, đó thực sự không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, về phương diện con người, tôi rất hợp với Metz. Đối với tôi, dường như là khôn ngoan hơn khi đến Tübingen và tham dự vào truyền thống của trường đại học này.

Làm sao ngài có thể tưởng tượng rằng tình hình ở Tübingen sẽ khác nhiều? Trong một thành phố theo Tin lành, nơi các giáo sư Tin lành chắc chắn là mối lo âu không nhỏ đối với ngài? Không kể ngài bắt đầu phê bình Công đồng.

Tôi chỉ có thể ngạc nhiên về sự ngây thơ của riêng tôi. Tuy nhiên, tôi có mối quan hệ tuyệt vời với nhiều giáo sư của phân khoa thần học Tin lành. Có những nhân vật thực sự lỗi lạc như Otto Michel, Ulrich Wickert và những người khác. Martin Hengel không ở đó vào giai đoạn này. Thực tế, tôi ngây thơ nghĩ rằng rõ ràng nếu Küng có tài ứng đối và có quyết tâm táo bạo, về cơ bản, ông vẫn như một nhà thần học Công giáo. Ông đã thuyết trình một bài tuyệt vời về tính thống nhất của Sách thánh, thực sự rất tích cực, và những điều khác nữa. Tôi không thể dự đoán là ông đem đến sự đổ vỡ càng ngày càng xa hơn.

 

Tübingen (1966-1969)

Việc di chuyển của ngài từ Münster tới Tübingen đã được thực hiện bằng chiếc Opel Kadett Vinzenz Pfhür cũ kỹ, “học trò nguyên mẫu” của ngài như ngài gọi. Tại sao ngài không bao giờ lấy bằng lái xe?

Tôi không biết...

Bởi vì chị của ngài đã quá sợ phải không?

Không, điều này không ngăn cản tôi. Cha tôi muốn cả ba đứa con thi bằng lái xe. Thế mà chẳng ai có cả. Tôi không có thời gian, vậy thôi. Và tôi phải thú nhận rằng, tôi đã có cảm giác như ngồi trong một chiếc máy kỳ quái. Với tôi, đi khắp thế giới bằng xe dường như quá nguy hiểm. Ý tưởng về chiếc Opel Kadett là một sai lầm. Thực tế, một trợ lý là Lehmann- Dronke, chở tôi từ Tübingen tới Ratisbonne bằng chiếc xe cổ Coccinelle, và sau đó một cảnh sát nghi ngờ về tình trạng của chiếc xe đã kiểm tra, nhưng tất cả đang vận hành tốt. Từ Münster tới Tübingen, tôi đi xe lửa.

Ngay lập tức, ngài bị Tübingen quyến rũ. Ngài đã nói về “vẻ duyên dáng của thành phố nhỏ miền Swarchen‘’ mà ngài nghiệm thấy với “sức mạnh vĩ đại”.

Đúng là như thế, đó là một thành phố đẹp. Nó chỉ có quảng trường để họp chợ, với các nhà thờ Tin lành, và sau đó khu phố Gôgei[3], các đồng cỏ trải dài xuống phía nam, tới gần Neckar, chỉ có thế thôi. Từ nhà tôi, tôi nhìn thấy nhà nguyện Wurmlinger, ngay trước mặt.

Các sinh viên của ngài tại Tübingen mô tả ngài như là một người rất hòa đồng. Tuy nhiên, dường như ngài không nói nhiều.

Tôi không biết (cười). Đúng là về cơ bản, tôi không nói nhiều như vậy. Anh trai tôi thì lại khác.

Kiên trì làm việc với những người dưới quyền: Dường như ngài luôn coi đây là nguyên tắc về việc này. Câu lạc bộ sinh viên không thuần nhất, bởi vì không ai bị loại trừ.

Đa dạng luôn là một điều tốt.

Ngài luôn bắt đầu các cuộc hội thảo tiến sĩ của mình bằng Thánh lễ, điều này được xem là khá kỳ lạ ở Tübingen. Một ngày, ngài đi với các sinh viên đến thăm nhà thần học Tin lành Karl Barth[4], ở Thụy Sĩ. Mối quan hệ này được nối kết như thế nào?

Ít nhiều tôi đã trở thành nhà Barth học, một nhà phê bình thực sự, qua trung gian Gotdieb Söhngen. Ông là một trong các sư phụ về thần học nhờ đó tôi lớn lên. Thêm vào đó là mối liên hệ qua Balthazar, một người bạn vĩ đại của Barth. Vì vậy, chúng tôi đến gặp ông. Lúc đó ông đã rất già. Chúng tôi đã không thảo luận kỹ càng với ông, nhưng đó là một cuộc gặp mặt tuyệt vời.

Ngài rất ngưỡng mộ ông?

Vâng. Ông cũng rất quý mến tôi. Nhân chuyến thăm nước Đức của tôi vào năm 2010, chủ tịch Schneider[5] thổ lộ với tôi rằng lúc nào Karl Barth cũng nói với ông: “Đọc Ratzinger đi!”

Và trong thời gian đó, ngài đọc Sartre đúng không ạ?

Ông là một tác giả người ta cần phải đọc. Sartre viết hầu hết triết học của ông tại quán cà phê. Điều đó làm cho ông ít sâu sắc, nhưng thấm thía và thực tế hơn. Ông giải thích cụ thể về chủ nghĩa hiện sinh của Heidegger. Việc phải chọn lựa trở nên rõ ràng hơn. Pieper đã giúp làm nổi bật.

Ngài cũng tiếp xúc với Ernst Bloch ở Tübingen?

Tôi được mời đến nhà ông một lần. Một câu lạc bộ nhỏ, có lẽ là sáu bảy người. Đó là một buổi tối rất vui, tôi phải lên tiếng. Cũng có một người Ả Rập, có lẽ chính tôi đã lôi kéo ông. Dù sao, ai đó đã dùng ống điếu và Bloch nói: “Lâu lắm rồi tôi muốn bắt đầu lại.” Và ông xác nhận, ông không biết làm thế nào để sử dụng. (cười)

Ai đã giúp ngài có vinh dự được mời?

Tôi không biết, tôi không biết để nói điều ấy với anh.

Chị gái ngài có các vấn đề liên hệ với các giáo sư chứ?

Chị ấy không thoải mái lắm với những người thực sự kỳ cục. Nhưng chúng tôi thường xuyên mời một số người, chẳng hạn Küng và những người khác. Chị ấy thích như vậy.

Phải chăng chị ấy khá dè dặt?

Vâng, thực sự như thế.

Đó là một vấn đề cho ngài?

Không.

Nói thẳng ra, đó không phải là người thích giao thiệp?

Không, chắc chắn là không. Nhưng đó không phải là điều người ta yêu cầu chị.

Tại Tübingen, ngài mua chiếc tivi đầu tiên. Anh trai Georg của ngài cho rằng vì ngài “nghiện thông tin.”

(mỉm cười). Không. Thực tế, tôi không muốn, nhưng tôi rất thân thiết với cha Starzen, tuyên úy sinh viên ; cha là một người rất dũng cảm. Một ngày, cha đến gặp tôi và nói: “Cha biết gì không? Hôm nay chúng ta sẽ đi đây đó, và sẽ mua một cái tivi.” Đó là một loại siêu thị. Ở đó, người ta có thể mua xúc xích và thịt, và trong đám đồ hộp, có vài cái tivi. Chúng tôi mua một cái, loại bình thường.

Cuốn Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay[6] được xuất bản vào năm 1968. Đây là tác phẩm đặc biệt, vì ban đầu, ngài không không có ý soạn một cuốn sách, đúng không ạ?

Có chứ. Lúc tôi vẫn còn ở Bonn, người phụ trách nhà xuất bản Kösel, Tiến sĩ Will, đề nghị tôi viết bài Wesen des Christentums (“Bản chất của Kitô giáo”). Ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và tỏ ra ngày càng nài ép. Tại Tübingen, tôi luân phiên trình bày các khóa học cùng với Küng. Một học kỳ, tôi đảm nhận khóa học chính, học kỳ kia ông chịu trách nhiệm và tôi được tự do. Vào một trong các học kỳ này, tôi tự nhủ: Đã đến lúc, tôi sẽ coi đây là chủ đề của khóa học, và sau đó gom lại thành cuốn sách mà anh đang hỏi.

Vậy thì, cuốn Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay không phải là thành quả do sinh viên của ngài  ghi chú trong các khóa học?

Không. Tôi đã biên soạn theo kiểu tốc ký cá nhân, sau đó, tôi đọc lại và sửa chữa.

Tác phẩm nhanh chóng trở thành một cuốn giáo khoa, và nổi tiếng nhờ vô số lần xuất bản trên toàn thế giới. Nó đã gây ảnh hưởng cho nhiều thế hệ độc giả, kể cả Karol Wojtyla, Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai. Thành công của tác phẩm chắc hẳn phải làm ngài ngạc nhiên?

Vâng, tôi khá ngạc nhiên.

Chẳng ai dự đoán điều ấy.

Không, thực sự là không. Vả lại, cuốn sách này vẫn được bán.

Và có lẽ sẽ tiếp tục được bán trong nhiều thập kỷ. Ngài biên tập theo cách tốc ký, với những chữ viết tắt đặc biệt. Ai đó đã nói rằng ngài có thể viết một bài giảng dài trên một tờ giấy A4. Ngài cũng đã viết các cuốn sách về Chúa Giêsu theo cách tốc ký?

Tất cả theo cách đó. Nếu không, tôi sẽ mất quá nhiều thời gian cho việc viết lách. Điều đó làm cho tôi nghĩ đến Rahner, khi chúng tôi viết, ông thở dài và nói,: “Ồ! Thật chán khi phải ghi chú tất cả như thế.” (cười) Khi tốc ký, tôi thấy dễ dàng hơn.

Năm 1968, ở Tübingen, ngài vẫn có mối quan hệ tuyệt vời với thần học gia Thụy Sĩ Hans Küng người mà, sau đó, trong nhiều thập kỷ, đã truy kích ngài, theo nghĩa đen, bằng những lời vu khống, chẳng hạn cho rằng ngài là kẻ ham quyền khủng khiếp, rằng ngài đã thiết lập một hệ thống giám sát y như Stasi [Bộ anh ninh quốc gia] và sau khi từ chức, ngài có ý định quản trị như một “Giáo hoàng trong bóng tối.” Vả lại, ông có lối sống khác xa với ngài. Trong khi đồng nghiệp của ngài dùng xe hiệu Alfa Romeo, ngài vẫn ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Đối với ngài, đó thực sự là một nhà đại tư sản.

Chắc chắn, ông có nguồn gốc khác, ông đến từ Thụy Sĩ, gia đình ông sở hữu một hiệu giày, một ngôi nhà đẹp kiểu trưởng giả. Đó là một môi trường hoàn toàn khác với tôi, chắc chắn là thế.

Một trong những công thức quen thuộc của ngài là: “Tôi hoàn toàn đồng thuận với đồng nghiệp Küng của tôi,” và Küng tuyên bố: “Về cơ bản, tôi đồng ý với đồng nghiệp Ratzinger của tôi.” Cả hai vị đã tham gia xuất bản loạt tác phẩm trong đó cũng có sách của Küng với tựa đề Giáo hội là gì[7]?

Vào thời điểm đó, tôi thực sự cảm thấy rằng điều ấy không thể tiếp tục, và tôi quyết định rút khỏi việc xuất bản này. Tôi vẫn cộng tác trong việc xuất bản sách của ông, nhưng tôi nghĩ rằng đây là lần cuối cùng.

Ngài báo việc rút lui với ai?

Tôi đã viết rằng tôi không còn là đồng chủ biên nữa.

Ngài đã viết cho Küng chứ?

Có lẽ viết cho cả Herder. Tôi không nhớ.

Ngài không biện minh?

Để làm gì cơ chứ?

Küng phải thấy bị xỉ nhục.

Chúng tôi không bao giờ cãi nhau, nhưng chúng tôi đã buộc phải thừa nhận – cuối cùng có lẽ tôi rõ ràng hơn ông ấy - rằng sự khác biệt của chúng tôi chỉ có thể thêm trầm trọng.

Ngày 25 tháng 7, trong bầu không khí căng thẳng của năm 1968, là ngày công bố Thông điệp Humanae Vitae, một thông điệp nổi tiếng của Đức Phaolô VI, được gọi là phương pháp chống thụ thai bằng thuốc viên. Lúc đó, ngài nghĩ gì về điều này?

Humanae Vitae là một văn bản có vấn đề đối với tôi trong hoàn cảnh này và trong bối cảnh suy tư thần học thời bấy giờ. Thông điệp chứa đựng các yếu tố giá trị, rõ ràng, nhưng cách thức lập luận là không đúng đắn đối với chúng tôi, đối với tôi, vào thời điểm đó. Tôi mong muốn một tầm nhìn nhân học phong phú hơn. Thực tế, sau này Đức Gioan Phaolô II đã bổ sung cho thông điệp này, nổi bật bởi luật tự nhiên, cộng thêm một quan điểm về nhân vị.

Sau đó, Hans Küng, như chúng ta đã nói, sẽ nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Chẳng phải như Mozart và đối thủ của ông là Salieri, nhưng ngài vẫn mang tiếng xấu rất nhiều do đồng nghiệp cũ này, nhất là sau khi ngài được bầu năm 2005. Điều gì ẩn sau sự kiện đó?

Vâng, hành trình thần học của ông đã chuyển hướng và liên tục cực đoan hơn. Tôi không thể, tôi sẽ không theo ông. Còn tại sao ông coi tôi là kẻ thù riêng , tôi không biết. Cuối cùng, ngoài tôi, những người khác đã viết chống lại ông, bắt đầu là Rahner.

Các cuộc tấn công chống lại ngài vẫn tiếp tục cho đến cùng.

Thực tế là như vậy.

Trong thời gian Công đồng, ngài đã cộng tác với Karl Rahner[8], và Hans Küng tiến cử ngài nhận ghế giáo sư tại Tübingen và đến lượt mình, ngài giới thiệu Metz, một người cánh tả, kế nhiệm ngài tại Münster. Phải chăng ngài đã đổi phe vào một thời điểm nào đó? Điều gì đã xảy ra?

Tôi nhận thấy rằng thần học không chỉ là giải thích về đức tin của Giáo hội Công giáo, nhưng chính thần học đã sáng tạo ra những gì có thể là và phải là. Đối với tôi, với tư cách một nhà thần học Công giáo, điều đó không dung hòa với thần học được.

Vào thời điểm đó, đã có một bản kiến nghị bãi bỏ đời sống độc thân, và ngài đã ký. Phải chăng đó là một sai lầm?

Bản dự thảo do Rahner và Lehmann chuẩn bị đã được thảo luận tại Ủy ban giáo lý của Hội đồng Giám mục Đức, và chúng tôi cùng tham dự. Văn bản này rất ngoắt ngoéo, như thường thấy nơi Rahner. Một mặt, ông bảo vệ đời sống độc thân, trong khi lại mời người khác tranh luận và suy tư thêm. Nếu tôi đã ký, đó là bởi tình bạn với những người khác. Rõ ràng điều này không phải là đúng đắn. Tôi khẳng định đó không phải là yêu cầu bãi bỏ luật độc thân, mà là một văn bản điển hình của Rahner, khó hiểu, chẳng có cũng chẳng không, mà người ta có thể giải thích theo nghĩa này hơn nghĩa khác.

Ngài đã luôn từ chối thừa nhận bất kỳ sự trở mặt nào đối với tư tưởng trước đây của ngài.

Tôi nghĩ rằng đọc các tác phẩm của tôi thì đủ để được thuyết phục.

Chúng ta nói về giai đoạn khởi đầu nóng nhất trong cuộc nổi dậy của sinh viên, bằng cách biểu tình ngồi, phong tỏa, bãi khóa. Ngài đã tham gia sát sao các sự kiện này chứ?

Không, tôi không tham gia.

Với vẻ trẻ trung nhanh nhẹn, ngài có thể đi bất cứ nơi nào, người ta xem ngài như một sinh viên.

Có lẽ vậy (cười). Vào giai đoạn đó, tôi có mối liên hệ thân thiết với khoa trưởng phân khoa luật, giáo sư Peters, người sống gần nhà tôi. Trong thời gian này, tình cờ tôi cũng gia nhập hiệp hội Freiheit der Wissenschaft (Tự do trong khoa học), do Hans Maier lôi kéo. Chúng tôi cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp cố gắng ngăn chặn để tất  cả điều ấy không suy thoái hoàn toàn.

Cuộc nổi dậy của sinh viên có thực sự làm cho ngài bị chấn thương tâm thần như Hans Küng đã lặp đi lặp lại không mệt mỏi?

Không. Vả lại, không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong các khóa học của tôi. Nhưng nỗi lo sợ bao trùm là một kinh nghiệm bi đát.
 

(Còn nữa)


[1]Hans Küng (sinh ngày 19 tháng 3 năm 1928) là một linh mục  giáo sư thần học Công giáo người Thụy Sĩ. Năm 1962 ông được bổ nhiệm là cố vấn thần học cho Công đồng Vatican II. Từ năm 1995 đến tháng 3 năm 2013, ông là Chủ tịch quỹ từ thiện Đạo đức Toàn cầu (Stiftung Weltethos). Küng tự xem mình là "một linh mục Công giáo với quan niệm tốt", nhưng Tòa thánh Vatican đã tước quyền dạy thần học Công giáo của ông. Năm 1979, ông phải rời bỏ khoa dạy về lý thuyết Công giáo, nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy thần học Đại kết tại Đại học Tübingen và trở thành giáo sư danh dự từ năm 1986. Mặc dù Küng bị cấm dạy thần học Công giáo, Tòa thánh vẫn không tước bỏ vị trí trong Giáo hội của ông (chú thích của người dich).

{[2] Lúc ấy, Georg Ratzinger là Quản ca tại nhà thờ chính tòa Ratisbonne và điều khiển “Domspartzen”, ca đoàn thiếu nhi nổi tiếng.

[3] Khu phố cổ của những người trồng nho ở Tübingen, trong thành phố cổ.

[4]  Thần học gia Tin Lành người Thụy Sỹ, được coi là thần học gia Tin Lành nổi bật nhất của thế kỷ XX... Công trình đáng quý nhất của ông có lẽ là « thần học về Ngôi Lời » (10/5/1886 –10/12/1968). Chú thích của người dịch.

[5] Nikolaus Schneider, Chủ tịch Giáo hội Tin lành vùng Rhénanie từ 2003-2013.

[6] Nguyên tác: Einführung in das Christentum.

[7] Nguyên tác: Die Kirche.

[8] Sinh ngày 5 tháng 3 năm 1904, Karl Rahner vào tu dòng Tên năm 1922, thụ phong linh mục năm 1932. Karl Rahner là học trò của triết gia Martin Heidegger tại Ðại Học Freibourg trong vòng hai năm. Năm 1936, Karl Rahner dọn xong luận án tiến sĩ Triết Học về đề tài Tri Thức Luận theo thánh Tôma Aquino. Luận án nầy sau đó được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 1968, với tựa đề là "Tinh Thần Trong Thế Giới" (Esprit dans le monde).

Năm 1962, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm giáo sư Karl Rahner là chuyên viên của Ủy Ban Thần Học của Công ðồng Vatican II. Trong tư cách nầy, Karl Rahner đã đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo hai hiến chế tín lý của Công Ðồng Vatican II, là Hiến Chế về Mạc Khải Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), và Hiến chế tín lý về Giáo Hội "Ánh Sáng Muôn Dân" (Lumen Gentium).

Năm 1965, cùng với hai thần học gia Yves Congar và Edward Schillebeeckx, Karl Rahner thành lập tạp chí quốc tế về thần học, có tên gọi là "CONCILIUM" (Công Ðồng). Ðồng thời, từ năm 1964, giáo sư Karl Rahner giảng dạy thần học tại Munich nơi tòa giáo sư Romano Guardini.

Từ năm 1959 cho đến năm 1970, giáo Sư Karl Rahner đã xuất bản 12 Quyển "Luận Ðề Thần Học" (Ecrits théologiques). Năm 1983, xuất bản tập sách nổi tiếng có tựa đề là: "Luận đề Căn bản về Ðức Tin" (Traité fondamental de la Foi). Giáo Sư Karl Rahner qua đời năm 1984, hưởng thọ 80 tuổi, tại Innsbruck.

Những suy tư thần học của Karl Rahner đã đóng góp nhiều cho dòng suy tư thần học của Giáo Hội Công Giáo, nhất là trong những gì liên quan đến Thần Học về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Kitô Học, về Ân Sủng, về Giáo Hội và các Bí Tích (chú thích của người dịch).

 

 

114.864864865135.135135135250