09/06/2017 -

Tiếng nói Đức giáo hoàng

7290

Khi trả lời phỏng vấn, Đức Phanxicô đã kể một câu chuyện được nhiều người ở Vatican biết đến, về vị tiền nhiệm của ngài.

ĐTC Phanxicô không phải là vị giáo hoàng đầu tiên quan tâm, và có lòng yêu thương các người nghèo, như chính ngài đã xác nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Ý có tên là Scarp de’ tenis”, do những người vô gia cư điều hành, đức Phanxicô đã thuật lại câu chuyện nổi tiếng, được người ta nói đến nhiều ở Vatican. Đó là câu chuyện về đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II và người vô gia cư bí ẩn.

Có lẽ bên ngoài những bức tường thành Vatican, ít người biết đến câu chuyện này, nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn. Dưới đây là những trao đổi qua lại trong cuộc phỏng vấn này.

Hỏi: Thưa ĐTC, khi ngài gặp một người vô gia cư thì điều đầu tiên ngài nói với ông ấy là gì?

Đức Phanxicô: “Chào buổi sáng. Ông khỏe chứ?” Đôi khi chỉ là vài lời trao đổi qua lại, nhưng có khi người ta bắt đầu kết thân, lắng nghe được những câu chuyện thú vị: “Tôi từng học ở một trường nội trú Công giáo, ở đó có một vị linh mục rất tốt…” Ai đó có thể đặt câu hỏi: sao tôi phải quan tâm, nhập cuộc? Những người sống bên vệ đường (những người vô gia cư) ngay lập tức sẽ nhận ra là người đối diện với họ có thực lòng, có thực sự hứng thú tham gia câu chuyện hay không, họ sẽ biết ngay là chúng ta có – tôi không muốn dùng từ “thương cảm” hay “thương hại” – thực sự đồng cảm với họ hay không. Đối diện với một người vô gia cư, người ta có thể xem anh ta như là một con người, hoặc cũng có thể coi người ấy như một con chó (ND: Từ “con chó” với Tây phương có lẽ đỡ nặng nề hơn là Việt Nam). Và hơn ai hết, họ biết được mình có thể bị đánh giá, xem thường, xem trọng theo đủ kiểu khác nhau như thế.

Ở Vatican có một câu chuyện nổi tiếng về một người vô gia cư gốc Ba Lan, ông ấy thường quanh quẩn ở khu Piazza Risorgimento, Rôma. Ông ấy chẳng nói chuyện với ai cả, ngay cả những tình nguyện viên Caritas vẫn mang tới cho ông bữa ăn nóng hổi vào buổi tối. Và chỉ sau một quãng thời gian khá dài, ông ấy mới kể câu chuyện đời mình cho họ: “Tôi là một linh mục. Tôi biết rất rõ về ĐTC; chúng tôi đã học với nhau trong chủng viện.” Chuyện đến tai đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, và khi biết tên của ông ấy, ngài đã xác nhận rằng đúng là ngài đã từng học chủng viện cùng ông, ngài muốn gặp ông ấy. Họ ôm choàng lấy nhau sau 40 năm. Cuối buổi gặp gỡ, ĐTC đã đề nghị vị linh mục, người bạn học của ngài trong chủng viện, giải tội cho ngài. “Giờ đến lượt anh,” đức Gioan Phaolô II nói. Và ông ấy đã xưng tội với ngài. Nhờ những cử chỉ ân cần của một tình nguyện viên, một bữa ăn nóng hổi, một vài lời an ủi và một cái nhìn thân ái, mà người đàn ông này đã được phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường, ông ấy trở thành một linh mục tuyên úy bệnh viện. Đức thánh giáo hoàng đã giúp đỡ ông ấy. Chắc hẳn đây là một phép lạ, nhưng cũng là một ví dụ cho thấy phẩm giá của những người vô gia cư là cao quý.

Tại tòa tổng giám mục ở Buenos Aires, bên dưới hành lang giữa những tấm rào chắn, có một gia đình và một cặp vợ chồng sinh sống. Tôi gặp họ các buổi sáng mỗi khi phải ra ngoài. Tôi chào họ và trao đổi vài lời. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc đuổi họ đi. Có người nói với tôi: “Họ làm dơ bẩn cả toà giám mục,” nhưng cái xấu, cái bẩn thì ở bên trong, thì tự tâm tưởng bên trong của người ta mà ra. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần nhân ái và tôn trọng thực sự, khi trò chuyện với bất kỳ ai đó, chứ không phải như thể chúng ta là một chủ ông, và họ phải trả lại cho cho chúng ta một món nợ, cũng không phải như thể họ là những con chó khốn khổ đáng thương.

Diane Montagna
Chuyển dịch: Hà An (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org

114.864864865135.135135135250