04/11/2015 -

Tản mạn, giải trí

2874

Nhạc Trịnh được rất nhiều người ưa thích, ngay từ thập niên 70 của Thế kỷ   20, bọn Sinh viên chúng tôi thường hát loại nhạc này trong sinh hoạt, du ca… Thời gian thấm thoát qua đi,nay đã nửa ngày về chiều, nghe lại nhạc Trịnh, lòng vẫn lâng lâng để lại nhiều suy tư xâu sắc.
Trước hết lời bản nhạc Một cõi đi về với tiếng hát Khánh Ly nghe sao mà da diết:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,
đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt,
trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt,
rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.

Thì ra, đời người là một hành trình. Mà đã là một hành trình tất phải có điểm phát xuất và điểm đích, phải có điểm bắt đầu và điểm đến. Mà đi đâu, về đâu lại là cả một vấn đề khiến nhiều người phải loanh quanh tìm hiểu. Đời người là thế! Giỏi lắm thì cũng chỉ “rọi suốt trăm năm” nghĩa là cũng chỉ “Bách niên giai lão”rồi cũng phải đến lúc “đi về”. Chính vì có “một cõi đi về” mà dân ta vẫn gọi Chết là “Quy Tiên”, là “về Chầu Tiên Tổ”. Quan niệm đó thiết nghĩ chỉ tạm xoa dịu nỗi đau thương của kiếp nhân sinh, chứ nó chưa giải quyết triệt để vấn đề. Cả một đời người mang nặng trên vai “đôi vầng nhật nguyệt” mà cứ “loanh quanh” thì tránh sao được mỏi mệt! Như vậy đời người là phải có đích chứ!.
Chính Trịnh Công Sơn cũng công nhận sống ở đòi chỉ là ở trọ kia mà!

”Con Chim ở trọ cành tre,
con Cá ở trọ trong khe nước nguồn…
Tôi nay ở trọ trần gian,
 trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”

        Đến đây ta như thấy hé ra một tia hy vọng, tác giả khẳng định: Cuộc sống này chỉ là tạm bợ “tôi nay ở trọ trần gian”, đây chính là quan niệm “sống gởi thác về”, “Sinh ký tử quy” của văn hoá Á Đông, trong đó có người Việt. Nhưng lý giải như vậy vẫn còn bế tắc. “Chốn xa xăm cuối trời” là chỗ
nào? Ai mà cảm nghiệm được! Chính vì bế tắc hoàn toàn như vậy mà Ôn Như Hầu phải đau đớn thốt lên:
                             “Trăm năm còn có gì đâu,
                             Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Chưa hết. Trong bài cát bụi, Nhạc sĩ họ Trịnh còn thấu đáo hơn khi nhận định:
                             “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,
                             Để một mai tôi về làm cát bụi”

        Lời bài hát thoạt nghe thì như gần với tư tưởng của Lễ Tro, nhưng thực ra lại có khác. Một đàng là “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi”, một đàng là “Con người hãy nhớ mình là bụi tro”. Lời bài hát của Trịnh Công Sơn có phảng phất tư tưởng phật giáo. Chính vì con người do hạt bụi hoá kiếp mà thành nên lại về làm cát bụi là hợp lý. Còn “nhớ mình là bụi tro” chỉ như một sự nhắc nhở, một sự cảnh tỉnh để con người biết sống làm sao cho xứng với ơn gọi “làm người” của mình.
“Trở về bụi tro” là chung phận của mọi người, là thực tế ở dưới các nấm mồ. Nhưng nếu “trăm năm còn có gì đâu” thì tại sao lại có lễ truy điệu, có tiết Thanh Minh?
Chỉ có giáo lý Công giáo mới giải đáp thoả đáng mọi vấn đề:
Hỏi- Ta sống ở đời này để làm gì?
          Thưa- Ta sống ở đời này để thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời, cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp, cho ngày sau được hưởng phúc Thiên đàng.
Đến đây mọi vấn nạn về kiếp nhân sinh đã được giải đáp:
- Chết rồi về đâu? – Về Thiên đàng. Nhưng muốn được vậy thì phải thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời, cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp. Nghĩa là phải sống đạo, sống chứng nhân, sống hội nhập để xây dựng Thiên đàng tại thế.
- Và tại sao người Công giáo lại thành kính tin tưởng cầu cho các Linh hồn và đi viếng nghĩa trang. - Vì mọi thụ tạo dù đạo đức đến đâu, sau khi chết chưa được về ngay Thiên đàng- trừ Đức Mẹ Maria, còn tất cả đều phải qua Luyện ngục. Thời gian thanh luyện ngắn dài là tuỳ theo công phúc ở đời này, là phụ thuộc vào những lời cầu nguyện của người còn sống.
        Tháng Mười Một- Tháng các Linh hồn là cơ hội thuận tiện để suy nghĩ cho biết mình về đâu và cầu nguyện cho các linh hồn.
Xin đừng bỏ lỡ.

  Fx. Đức Hạnh

 

114.864864865135.135135135250