20/05/2015 -

Tản mạn, giải trí

1229
Tình hình bóng đá Việt nam trong thời gian vừa qua gắn liền với tên tuổi của đội bóng đá Hoàng Anh-Gia Lai  (HAGL), mà cụ thể là lứa cầu thủ U-19 của họ. Người người bàn về họ, nhà nhà nói về họ và báo chí thì liên tục đưa tin về họ. Bốn chữ Hoàng Anh-Gia Lai tràn ngập trong các bản tin liên quan đến bóng đá nước nhà.

Sau những thành công vang dội tại đấu trường quốc tế với những vinh quang gặt hái được, các cầu thủ U-19 của Hoàng Anh-Gia Lai đã được báo chí phong tặng những danh hiệu vĩ đại: “Tương lai của bóng đá Việt nam”, “Sức sống mới của nền bóng đá nước nhà”,… rồi họ còn gọi cầu thủ Xuân Trường, Anh Tuấn,... là “những tài năng lớn”, nhất là cầu thủ Công Phượng được phong danh hiệu “Thần đồng”. Những lời khen ngợi trên đây đều thật lòng, vì quả thật, các em đã đạt được những thành tựu lớn cho đất nước trong sân chơi quốc tế. Tin tưởng vào tài năng của những cầu thủ này, ông Đoàn Nguyên Đức –chủ tịch đội bóng- đã quyết định cho họ tham dự giải Bóng đá Chuyên nghiệp toàn quốc V-League 2015 để đấu với những đội bóng khác.

Thế nhưng, sau trận đầu ra quân thắng đội Sanna Khánh Hòa với tỉ số 4-2, đội Hoàng Anh-Gia Lai đã thua liên tiếp 3 trận trước Đồng Tâm-Long An và Thanh Hóa đều với tỉ số 2-1, thua Hải Phòng 1-0. Trong những trận này, đội đều thua tâm phục khẩu phục, thậm chí huấn luyện viên Vũ Quang Bảo của đội Thanh Hóa còn nói: “
Thắng HAGL là chuyện bình thường[1]. Tại sao vậy? Tại sao những “thần đồng” hay những “tài năng lớn” kia lại thua, và thua là chuyện “bình thường”? Phải chăng những lời khen kia là sai?

Không! Những lời khen kia là đúng, là thật, vì các em đúng là những tài năng của bóng đá nước nhà. Các em có kỹ thuật tốt, tầm nhìn tốt, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, các em chỉ giỏi giang khi so với những người cùng lứa tuổi với các em, tức là đều trẻ trung và cùng 19 tuổi. Thật thế, khi đá các giải U-19 quốc tế với những cầu thủ cùng sinh năm 1995 trở đi, các em giỏi hơn họ, hay hơn họ và thắng họ. Nhưng tại sân chơi V-League, vốn là sân chơi của những cầu thủ chuyên nghiệp, già dặn và nhiều kinh nghiệm, các em thua kém họ, không những về kỹ thuật, chiến thuật, sức khỏe, độ bền, mà còn về sự khôn ngoan, gan lì, thậm chí cả tiểu xảo nữa. Thế nhưng, tiếc thay các em không biết điều này, nên các em vẫn đá theo kiểu vốn có của mình, theo kiểu mà các cầu thủ nhiều kinh nghiệm thường gọi là kiểu đá “đơn sơ” hay “hồn nhiên”. Kết quả là các em thua trận. Vì thế, huấn luyện viên Graechen của đội Hoàng Anh - Gia Lai đã phải nói: “Công Phượng rất giản dị, bình thường, không phải ngôi sao. Đừng nên đặt cầu thủ trẻ ở vị trí quá cao. Mọi người đang quá kỳ vọng vào Công Phượng
[2] còn ông Đoàn Nguyên Đức cũng chia sẻ: “Đừng kỳ vọng, đừng tung hô quá nhiều” và “Công Phượng cũng là con người[3].

Như vậy, chúng ta thấy rằng: những lời khen ngợi tuy thật lòng nhưng được đưa ra không đúng nơi, đúng lúc, hay thái quá trên đây đã làm hại các cầu thủ trẻ này. Những lời khen này khiến các em bị ảo tưởng về thực lực của mình cũng như về cuộc đời và về những cầu thủ khác, những con người khác; cũng như đã gây sức ép và căng thẳng lên chính các em, làm các em bị căng cứng và mỏi mệt vì phải cố gắng hết sức để thỏa mãn và đáp ứng niềm tin lớn lao của người hâm mộ.

Nhìn các em rồi lại nhìn về Học viện của chúng ta, đôi khi anh em chúng ta cũng rơi vào tình trạng này. Khi một người anh em đạt được điểm cao hay làm được một điều gì đó khó khăn, chúng ta thường hay khen những anh em này một cách quá đáng, nào là học giỏi, là tương lai của Dòng, và các anh em này sẽ đi học ở Giêrusalem hay Angelicum, sẽ làm giáo sư này hay tiến sĩ nọ,… khiến người anh em, nhất là những anh em trẻ, bị ảo tưởng về chính mình để rồi coi thường người khác; hoặc ngược lại, các anh em đó lại trở nên căng thẳng, và cố sức “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm, học thêm giờ nghỉ” để rồi người anh em đó mất đi tính chất vui tươi, phó thác của đời tu. Như vậy, những lời khen, dù thật lòng, của chúng ta nhưng vì không được đưa ra đúng nơi, đúng lúc và đúng tần suất nhiều hay ít, đã làm hại người anh em.

Bên cạnh những lòi khen thật lòng nhưng chưa hợp lý trên đây, Học viện của chúng ta còn có những lời khen “giả” –tức là những lời khen mà người ngoài gọi là khen “xạo” hay khen “đểu”- tức là khen với ý đồ xấu. Những lời khen này thường xuất hiện khi có các cha, các thầy, hay các anh em ở những lớp khác đến gần. Thật thế, khi có những vị khách này, chúng ta thường khen “anh này học rất giỏi” hay “em này cái gì cũng biết”, còn chúng ta thì: “Thôi, em chẳng biết gì đâu, em dở lắm!” để rồi đùn đẩy trách nhiệm và những công việc khó cho người anh em, còn chúng ta thì: “Xong rồi! Có người làm việc rồi, có người chịu trách nhiệm rồi!”, và “Phù! Nhẹ cả người, vì người đó không phải là tôi!”

Ước mong sao trong năm Đời sống Thánh hiến này, những lời khen “thật” nhưng chưa đúng chỗ và nhiều quá mức trên đây sẽ giảm đi, đồng thời chúng sẽ được đưa ra một cách chín chắn, hợp lý, đúng nơi, đúng lúc để động viên người anh em hơn. Cũng vậy, những lời khen “giả” cũng không còn nữa, vì chúng chẳng mang lại lợi ích gì, thay vào đó, chúng ta hãy nói: “Đây là việc chung mà, chúng ta cùng cộng tác với nhau nhé!”.

 
Beatus – Học Viện Đa Minh

 

[1] Thiên Vũ, HLV Thanh Hóa: “Thắng HAGL là chuyện bình thường”, http://www.tinthethao.com.vn/news /28/320D6E/HLV-Thanh-Hoa-Thang-HAGL-la-huyen-binh-thuong.

 
[2] Xc. Thiên Anh, HLV Graechen mong báo chí đừng ca ngợi Công Phượnghttp://www.24h.com.vn/bong-da/hlv-graechen-mong-bao-chi-dung-ca-ngoi-cong-phuong-c48a686254.html.
 
[3] Xc. Tuệ Chính, “Đừng kỳ vọng, đừng tung hô quá nhiều”, Thể thao Văn hóa, Thứ Tư, ngày 14-1-2015, tr. 3.
114.864864865135.135135135250