03/05/2020 -

Tản mạn, giải trí

2320
Lễ Chúa Chiên Lành, mình nhận được email với nội dung là thông báo tuyển sinh của cha Giám Đốc Thỉnh Viện. Cách này quá hay. Đơn giản và hiệu quả, bức thư vừa giúp mình ý thức sống ơn gọi, vừa nhắc mình bổn phận cổ võ ơn gọi, ít là cho Dòng Ta. Tiện thể, cho mình lắm mồm tí về những video clip và những hình ảnh cổ võ ơn gọi ngày càng phong phú trên lục địa số (digital continent).

Ấn tượng ban đầu là đẹp, quá đẹp, cả về hình thức lẫn nội dung, về phương tiện lẫn mục đích. Dù đã quen nhưng mình vẫn ngỡ ngàng trước những hình ảnh tu sĩ nhí thánh thiện, tinh khôi trong những bộ tu phục và cả lễ phục nữa. Nhưng rồi nhìn qua nhìn lại, nhìn tới nhìn lui mình lại thấy có cái gì đó vừa dư dư mà cũng vừa thiếu thiếu.

Trong bộ sách Hiểu và Sống Đức Tin, Cha Phan Tấn Thành cho biết về Lễ Chúa Chiên Lành như thế này: “Trong mùa Phục Sinh, Chúa Nhật thứ IV được dành để cầu cho ơn thiên triệu. Thực ra, vào năm 1961, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập một ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu giáo sĩ, nhưng chỉ giới hạn trong nước Italia. Trong thời gian họp Công Đồng Vatican II, một kỷ niệm quan trọng diễn ra, đó là 400 năm sắc lệnh Công Đồng Trento thiết lập các chủng viện. Nhân cơ hội này, ngày 23/01/1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quyết định dành một ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu giáo sĩ, được chỉ định vào Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (ngày nay là Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục sinh). Nên biết rằng, vào lúc đầu, chủ đích của ngày này là cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục; nhưng gần đây, ngày lễ này được mở rộng ra đến tất cả “ơn gọi sống đời sống tận hiến” và kể cả “ơn gọi các giáo dân dấn thân vào công cuộc truyền giáo”. Cũng như ngày “quốc tế giới trẻ”, vào dịp lễ này, các Đức Giáo Hoàng đều công bố một sứ điệp.”

Mình nói thật, cái thiếu của những video, những hình ảnh cổ võ ơn gọi chính là hình ảnh các Kitô hữu giáo dân. Mình muốn hỏi. Phải chăng ta không cần cổ võ ơn thiên triệu này, tức những người đang tu tại gia, tu trong công sở, tu trong nhà máy, tu trên cánh đồng và trong cả tiếng hàng rong, tiếng chổi tre lao xao đâu đó nơi từng góc phố ? Ơn gọi của họ cũng là của ông bà cha mẹ các tu sĩ, giáo sĩ. Họ không bị giới hạn tuổi nhập tu, không phải khám sức khỏe, không phải nộp bằng cấp... “Nhà dòng” của họ ở khắp mọi nơi. Cánh đồng truyền giáo của họ trải khắp hang cùng ngõ hẻm. Họ đang cần ai đó nhắc đến ơn gọi dính chặt vào người họ đã từ rất lâu, rất tự nhiên đến độ họ chẳng còn nhớ. Ơn gọi ấy, nếu có thể chọn và gọi thì chính là linh đạo thánh gia của Giuse và Maria. Ơ hay trên mạng, tu phục của họ đâu rồi, vào ngày mọi người cầu nguyện cho ơn thiên triệu ? Đâu rồi những tấm áo nâu, những đồng phục công nhân, những chiếc áo blue, những cổ cồn...?

Không dám vô phép với những ai dày công sắm sửa cho những thiên thần mà mình đã cắt và dán hình họ lên đây. Bố bảo mình cũng chẳng dám nói cho trẻ “ti sữa” sớm là xấu ! Nhưng mình nghĩ, thoang thoảng hoa lài sẽ thơm lâu. Ơn gọi là một huyền nhiệm lớn lắm, lớn hơn tất cả và phải vượt qua cả những chiêu trò marketing của cả thực tiễn lẫn trường lớp. Đấy là cái dư dư mà mình thấy trong các video và hình ảnh cổ võ ơn gọi. Ý mình muốn nói, nên hay không, hãy trả lại cho “các thiên thần nhí” những tấm tu phục thiên thần ?

QT(Chiều, Lễ Chúa Chiên Lành 2020)

)

114.864864865135.135135135250